TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 5 MÙA CHAY

Thứ hai - 11/03/2024 21:33 |   540
“Tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,51-59)

21/03/2024
THỨ NĂM TUẦN 5 MÙA CHAY

t5 t5 MC

Ga 8,51-59

LỜI ĐEM LẠI SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
“Tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,51-59)

Suy niệm: Cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su với người Do Thái về sự sống, sự chết, nguồn gốc thần linh của Ngài ngày ấy diễn ra gay gắt, đến độ họ ném đá định giết Ngài. Chúa minh định Lời Ngài đem lại sự sống đời đời; còn người Do Thái bảo Ngài bị quỷ ám, vì ai cũng chết kể cả tổ phụ Áp-ra-ham của họ. Lời Chúa là Lời xuất phát từ Thiên Chúa, nhưng Lời ấy cũng là chính con người Đức Giê-su, Ngôi Lời đang hiện diện nơi trần thế. Ai tin vào Ngài, tuân thủ Lời Ngài chính là tin vào Con Thiên Chúa, Đấng hằng hữu cùng Cha từ muôn đời. Quan niệm sự sống thuần thể lý nơi người Do Thái khiến họ không thể hiểu được ý nghĩa Lời Ngài nói, cũng như nhận ra Đấng sinh ra trước mọi thời gian đang đối diện với họ. Sự sống Ngài khẳng định ở đây không phải là sự sống thể lý hiện tại, nhưng thuộc bình diện khác, sự sống thiêng liêng của linh hồn.  
 

Mời Bạn: Cung cách cư xử của người Do Thái đối với Chúa Giê-su là lối cư xử “cả vú lấp miệng em” không thể dẫn đến chân lý Chúa muốn mạc khải. Từ kinh nghiệm đó, giờ bạn và tôi hãy tìm cách tiếp cận khác về Chúa Giê-su, đó là bình tâm suy nghĩ những Lời Ngài phán dạy, kiểm nghiệm hiệu quả của Lời, đừng vội kết luận cách nông nổi.
 

Sống Lời Chúa: Chính khi dành thời gian đọc và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta sẽ dần dần được Chúa soi sáng cho thấy tác động của Lời hiệu quả thế nào trong cuộc sống người Ki-tô hữu.
 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con xác tín Chúa mới có những Lời đem lại sự sống đời đời, vì Chúa là Đấng Hằng Sống. Lời ấy tạo ra các tương quan yêu thương cho đời con. Amen.

Thứ Năm MC V:  Lạy Chúa!“Người Dothái nói, bây giờ chúng tôi biết ông bị quỷ ám, ông Ápraham đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết, thế mà ông nói: Ai giữ lời tôi, thì sẽ không phải chết”. Chúa nói một đàng, họ hiểu một nẻo. Bất cứ điều gì họ biết thông qua lời nói, sẽ không phải là những gì Chúa muốn nói, chúng là những diễn giải của riêng họ. Người môn đệ đích thực không quan tâm đến lời nói, nhưng quan tâm đến những trải nghiệm, để nâng cao và lớn lên trong những trải nghiệm về thầy mình. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: thao thức, ước ao được biết Chúa, như Chúa biết chúng con vậy. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 5 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, để nhờ sự chết của Người mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh nhận gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa rất từ bi, này chúng con hết lòng trông cậy vào Chúa; xin nhận lời chúng con khẩn nguyện và luôn che chở giữ gìn chúng con, để từ đây thoát vòng tội lỗi, chúng con bền tâm sống cuộc đời thánh thiện và đáng hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: St 17, 3-9

“Ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong ngày ấy, Abram sấp mình xuống đất và Thiên Chúa phán cùng ông rằng: “Này Ta đây, Ta giao ước với ngươi, ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc. Thiên hạ sẽ không còn gọi ngươi là Abram nữa, nhưng sẽ gọi là Abraham, vì Ta đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ta sẽ ban cho ngươi con cháu đông đúc. Ta sẽ đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc, và nhiều vua chúa xuất thân từ ngươi. Ta sẽ thiết lập giao ước vĩnh viễn giữa Ta với ngươi cùng con cháu ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác, để Ta trở nên Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi cư ngụ, sẽ cho ngươi làm chủ vĩnh viễn toàn cõi đất Canaan và Ta sẽ là Chúa của chúng”.

Chúa lại phán cùng Abraham rằng: “Phần ngươi và dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, hãy giữ lời giao ước của Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 104, 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước

Xướng: Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết.

Xướng: Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu.

Xướng: Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Các ngươi hãy tìm điều lành, chớ đừng tìm điều dữ, để các ngươi được sống và Chúa sẽ ở cùng các ngươi.

Phúc Âm: Ga 8, 51-59

“Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do-thái rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”. Người Do-thái lại nói: “Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: “Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết”. Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?”

Chúa Giêsu trả lời: “Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Ðấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng”.

Người Do-thái liền nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?” Chúa Giêsu trả lời: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi”.

Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin đoái nhìn lễ tế chúng con dâng. Ước chi lễ tế này vừa giúp chúng con cải tà quy chính, vừa đem lại cho thế giới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng thương khó I

Ca hiệp lễ

Thiên Chúa đã không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta. Người ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất nhân hậu từ bi, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể; ước chi thần lương này, sau khi nuôi dưỡng chúng con trên đường dương thế, cũng đưa chúng con về quê trời hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐỨC GIÊ-SU – ĐẤNG HẰNG HỮU
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Đức Giê-su khẳng định cho những người Do-thái biết rằng ai tuân giữ lời Ngài, sẽ không bao giờ phải chết (x. Ga 8,51).

Đối với người Do-thái, đặc biệt các kinh sư và luật sĩ, họ cũng đã ý thức được việc lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa cùng các giới luật của Ngài sẽ mang lại cho họ sự hạnh phúc, hưng thịnh trong cuộc sống hôm nay và cả đời sau (x. Đnl 28,1-2). Vì thế họ cảm thấy khó hiểu về Đức Giê-su: là con của bà Ma-ri-a và bác thợ mộc (x. Mt 13,55) nhưng lại tuyên bố rằng lời của Người có tầm quan trọng đến mức giúp cho người khác có sự sống đời đời. Ngay cả những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử của họ như ông Áp-ra-ham hay các ngôn sứ cũng đã chết và chẳng lẽ một người Na-da-rét (x. Mt 2,23) lại cao trọng hơn cả những vị đó.

Tuy nhiên, Đức Giê-su đâu phải là con người bình thường mà là Con Thiên Chúa và mặc khải này đã được thể hiện qua lời đáp của Người với những người Do-thái: “trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (c.57). Tuyên bố này khiến cho họ liên tưởng tới lời mặc khải của Thiên Chúa cho ông Mô-sê trên núi Khô-rếp: “Ta là Đấng Hằng Hữu” (Xh 3,14). Đức Giê-su lấy chính tên của Đức Chúa, YHWH, mà không một người Do-thái nào dám gọi lên, để nói về mình. Với việc tuyên xưng “Tôi Hằng Hữu”, Người đang chủ đích xác nhận với những người hiện diện rằng Người là Thiên Chúa – Đấng đã có từ đời đời, “bất diệt”, toàn năng… Không chỉ là một Thiên Chúa các đạo binh khiến người khác nghe tên đã khiếp sợ nhưng vị Thiên Chúa đó đang mang lấy kiếp con người và ở giữa họ.

Như thế, nếu tin vào thân phận thực sự của Đức Giê-su, thì không có gì là khó hiểu với tiếng mời gọi vâng theo lời Người để có sự sống đời đời.

Nhiều người Do-thái lúc đó, đã không chấp nhận lời mặc khải về bản tính Thiên Chúa của Đức Giê-su và họ muốn ném đá Người. Còn mỗi chúng ta hôm nay sẽ phản ứng thế nào trước sự vén mở này của Chúa? Nếu Đức Giê-su là Đấng Hằng Hữu, thì lời Người có tác động gì tới cuộc đời của chúng ta hôm nay hay không?

 

ƠN CỨU ĐỘ CỦA TÔI NHỜ HY VỌNG VÀO CHÚA
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong tông huấn Thiên Chúa là Tình yêu, Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã viết: “Chúng ta được cứu độ là nhờ vào hy vọng”. Thật vậy, sống mà không hy vọng thì thật bi đát, nhưng điều quan trọng là chúng ta hy vọng vào ai và vào cái gì mới là điều đáng nói!

Là người Kitô hữu, niềm hy vọng chúng ta đặt ở nơi Đức Giêsu và những lời giáo huấn của Ngài. Tại sao vậy? Thưa bởi vì nơi Ngài là nguồn mạch sự sống đời đời. Ngài thông truyền sự sống ấy cho những ai tin và thuộc về Ngài.

Chân lý này chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng hôm nay khi Đức Giêsu nói Ngài là: “Đấng Hằng Hữu”.

Khi tuyên bố như thế, Đức Giêsu muốn mặc khải Thiên tính của Ngài xuất phát từ Thiên Chúa.

Tuy nhiên, thay vì vui mừng và tạ ơn, những người Dothái cùng thời đã không thể chịu nổi những tuyên bố này của Đức Giêsu, nên sự đối đầu của họ với Ngài ngày càng quyết liệt, khiến họ quyết định lượm đá ném Ngài.

Ngày nay, trong xã hội thiên về thực dụng, coi trọng vật chất và thượng tôn chủ thuyết tương đối, nhiều người cũng không thể chấp nhận những sự thật của Tin Mừng, ngược lại, họ luôn đi tìm những điểm tựa mang tính nhất thời, những lời tuyên bố hão huyền và những chân lý nửa vời!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng và hy vọng nơi Chúa, chỉ có Ngài mới tồn tại vĩnh viễn, bởi vì Ngài Hằng Hữu. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi sống niềm tin và hy vọng ấy ngay trong những lựa chọn và hành động của mình để được thuộc Chúa và chung hưởng hạnh phúc cùng với những người thuộc về Nước Hằng Sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con trung kiên theo Chúa đến cùng, ngõ hầu chúng con trở nên môn đệ đích thực của Chúa trong thời đại hôm nay. Amen.

CHÚA LUÔN CHE CHỞ GIỮ GÌN
(THỨ NĂM TUẦN 5 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
 
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 5 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa nhậm lời chúng ta khẩn nguyện, mà luôn che chở giữ gìn chúng ta, để khi thoát vòng tội lỗi, chúng ta bền tâm sống cuộc đời thánh thiện, và đáng hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban.
 
Chúa luôn che chở giữ gìn chúng ta, bởi vì, Người đã ban cho chúng ta có một vị Thượng Tế luôn cầu thay nguyện giúp, và chuyển muôn phúc lộc của Người cho chúng ta. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư gửi tín hữu Hípri cho thấy: Ông Menkixêđê, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra. Ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao. Ông giống Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã trở nên tư tế không phải do lề luật: quy định việc cha truyền con nối, nhưng, do sức mạnh của một đời sống bất diệt. Đức Chúa đã thề hứa với Con của Người: Muôn thuở, Con sẽ là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê.
 
Chúa luôn che chở giữ gìn chúng ta, qua việc Người thiết lập Hội Thánh, như Bí Tích Cứu Độ phổ quát dành cho tất cả mọi người. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân của Công Đồng Vaticanô II đã nói: Giao Ước Mới này, chính Đức Kitô đã thiết lập, đó là Giao Ước Mới bằng Máu của Người. Người triệu tập một dân từ người Dothái cũng như từ người ngoại, họp lại thành một khối duy nhất không phải theo xác thịt, nhưng, trong Thần Khí, và thành dân mới của Thiên Chúa. Hạnh phúc thay quốc gia được Chúa làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp. Xưa anh em chưa phải là Dân Thiên Chúa, nay anh em đã là dân của Người rồi; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương.
 
Chúa luôn che chở giữ gìn chúng ta, bằng cách Người thiết lập giao ước, và Người luôn trung thành với lời Người đã hứa. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế tường thuật lại việc Thiên Chúa đã lập giao ước với Ápraham: Ta sẽ lập giao ước của Ta giữa Ta với ngươi và với dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đây sẽ là giao ước vĩnh cửu, do đó Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 104, vịnh gia đã tin chắc rằng: Giao ước lập ra, muôn đời Người nhớ mãi, nhớ lời đã cam kết đến ngàn thế hệ! Đó là điều đã giao ước cùng Ápraham, đã đoan thệ cùng Ixaác.
 
Chúa luôn che chở giữ gìn chúng ta, bởi vì, giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi, vì thế, chúng ta hãy ngoan ngùy tuân theo sự hướng dẫn của Chúa, như câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa.
 
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ông Ápraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ. Ông Ápraham chưa từng nhìn thấy Đức Giêsu về mặt thể lý, nhưng, đã nhìn thấy hoa trái của ơn cứu độ, kết quả của lời mà Thiên Chúa đã hứa với ông. Ông đã giữ vững lòng tin vào Thiên Chúa: trông cậy cả khi không còn gì để trông cậy, vì thế, ông đã gặp thấy Đấng Cứu Độ, ngay cả khi, Đấng ấy chưa xuất hiện. Đức tin làm cho đôi mắt tâm hồn chúng ta sáng lên, để nhìn thấy được những gì mà đôi mắt thể lý không thể nhìn thấy. Đức tin sẽ soi sáng cho chúng ta nhìn thấy bàn tay Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc, luôn che chở giữ gìn chúng ta, ngay cả khi, chúng ta đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách, tưởng chừng như không có lối thoát, những lúc như thế, những lúc không còn một tia hy vọng nào, không còn gì cả, thì chúng ta hãy nhớ rằng: chúng ta vẫn còn niềm hy vọng là chính Chúa, Chúa luôn che chở giữ gìn chúng ta.


BẤT TỬ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Trước khi có Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!”.

Năm 125 sau Công Nguyên, Aristides giải thích sự thành công lạ thường của ‘một tôn giáo mới’: “Bất kỳ một Kitô hữu chân chính nào rời khỏi thế giới, họ đều hân hoan dâng lời cảm tạ Chúa; họ mang theo thân xác những ca khúc tạ ơn! Như bất tử, họ đang đi từ một nơi này đến một nơi khác gần đó; một sự dịch chuyển không thể phi thường hơn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến sự ‘bất tử’ Aristides đề cập! “Chim sắp chết, chim kêu thống thiết; người sắp chết, người nói lời thiệt!”. Biết mình sắp chết, Chúa Giêsu đưa ra một tuyên bố ‘rất thiệt’ về sự ‘bất tử’ của Ngài, “Trước khi có Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!”.

Ghi lại lời này của Thầy - “Tôi Hằng Hữu!” - tác giả về lại lời tựa Phúc Âm của mình; ở đó, ‘phượng hoàng Gioan’ chấp cánh bay lên tận mút cùng của tạo thành, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa; và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Cùng Chúa Cha, Ngôi Lời có trước cả Abraham, trước bất cứ ‘nguyên tổ’ của bất kỳ thọ tạo nào! Tuy nhiên, Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, hạ cố làm người để ở với con người, cứu lấy nó dù vẫn ở với Chúa Cha. Và dẫu đã về trời bên Cha, Ngài vẫn ở với loài người. Đây là sự hiện diện tất yếu của một tình yêu ‘bất tử’ nơi một Thiên Chúa ‘bất tử’, một sự hiện diện ‘bất tử!’.

Chúa Giêsu còn nói, “Ai tuân giữ lời tôi, sẽ không bao giờ phải chết!”. Hãy nhìn vào Abraham, một người hoàn toàn “tuân giữ” lời Thiên Chúa và Thiên Chúa đã chúc phúc cho tổ phụ. Abraham ‘bất tử’ với miêu duệ của mình, “Ta sẽ lập giao ước giữa Ta với ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác”; “Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này” - bài đọc một. Giao ước Chúa lập với Abraham; về sau, với Đavít thật bền bỉ, trường tồn, “Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Vì thế, khi nói “sẽ không bao giờ phải chết”, Chúa Giêsu nói đến cái chết linh hồn. Ai giữ lời Ngài, sẽ không biết cái chết ‘kiểu đời đời’ này! Bởi lẽ, họ đã chia sẻ cuộc sống thần linh của Ngài ‘ở đây và lúc này’, một cuộc sống vượt quá cái chết thể xác. Sự hiệp thông với Đấng hằng sống sẽ không bị phá vỡ bởi cái chết; đúng hơn, được đào sâu bởi cái chết!

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi Hằng Hữu!”. Dẫu “hằng hữu”, Con Thiên Chúa vẫn cam lòng chịu chết cho tội lỗi của con người và sống lại cho sự ‘bất tử’ của nó! Ngài đang sống trong bạn, trong tôi, trong thế giới nhiễu nhương này. Vì thế, không chỉ khi còn sống, chúng ta hân hoan ca tụng Ngài, mà cả khi rời khỏi thế giới, bạn và tôi “mang theo thân xác những ca khúc tạ ơn!”. Là con của ‘Đấng Bất Tử’, chúng ta sống sự sống thần linh đời đời của Ngài. Vì thế, đừng để cho sự tẻ nhạt và đơn điệu của cuộc sống với những tân toan kéo ghì chúng ta xuống. Hãy sống tâm thế của con cái Thiên Chúa ngay giữa cuộc sống đời thường này, “Tâm hồn luôn hướng lên cao cùng với lời tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”. Và như thế, bạn và tôi đã ‘bất tử!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘trở nên tầm thường’ trong bất cứ công việc lớn nhỏ nào. Cho con thật cao thượng ngay cả trong suy tư và ước muốn!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây