TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tin Mừng Chúa nhật tuần 5 Mùa Chay B

Thứ ba - 12/03/2024 22:18 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   363
“Khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”
CN5MCb 4


Tin Mừng Chúa nhật tuần 5 Mùa Chay B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 12, 20-33)

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

Suy niệm Tin Mừng -Chúa Nhật V Mùa Chay B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


Suy niệm

Là con người, bất cứ ai khi đối diện với đau khổ đều có một cảm giác sợ hãi. Sợ vì tính yếu đuối của con người, sợ vì thấy mình không đủ khả năng để đối diện với nó, phần khác, sợ vì đau khổ sẽ hủy hoại bản thân, có thể kết thúc cuộc đời nay mai. Chính phút giây đối diện với sợ hãi, con người mới thấy mình cần phải lệ thuộc vào các thần linh hay những thế lực khác, để mong tồn tại, để mong được giúp đỡ và để mong được bảo vệ và cảm thông. Đức Giêsu, khi đi vào lịch sử nhân loại, với bản tính con người, cũng không tránh khỏi định luật tự nhiên đó, vì thế, khi đối diện với một tương lai đen tối, đầy những hiểm nguy. Ngài đã giới thiệu cho con người một điểm tựa đặc biệt, đó là Thiên Chúa Cha, khi gặp khổ đau và cần sự chọn lựa, Ngài đã chìm đắm trong việc cầu nguyện, nơi đó, Ngài như tiếp nhận sức mạnh từ tình yêu của Cha, nhận ra ý Cha mong muốn điều gì, để rồi Người Con đó đứng lên, thi hành trọn vẹn ý Cha vẹn toàn.

Tiếng nói của Thiên Chúa trong tâm hồn mỗi người mà chúng ta thường gọi là tiếng lương tâm, được tiên tri Giê-rê-mi-a diễn tả là tiếng của Thiên Chúa được đặt vào tận đáy lòng con người. Tiếng đó sẽ vang lên mỗi khi con người đối diện với đau khổ, với sợ hãi, tiếng đó sẽ nhắc nhở con người phải làm gì, phải đối diện hay xa lánh nó. Tất cả giúp cho con người tránh xa cạm bẫy của tội lỗi, của sự chết: “Chúa phán: “Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Đau khổ và sợ hãi có lấn át tiếng nói của Thiên Chúa hay không, tất cả tùy thuộc vào con người. Nếu con người khao khát đối diện với đau khổ và sợ hãi, Thiên Chúa sẽ hướng dẫn cách thế giúp con người tìm được sự bình an trong đau khổ và sợ hãi trong hành trình cuộc đời.

Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người”. Tác giả bức thư gởi tín hữu Do-thái giới thiệu cho chúng ta thấy thái độ của Đức Giêsu khi đối diện với đau khổ, với sợ hãi. Ngài biết Cha yêu của mình luôn yêu mình, vì thế, Ngài mong cho tình yêu đó lên ngôi và đem lại cho con người sự sống và niềm hạnh phúc đến từ Thiên Chúa. Chấp nhận bị nghiền nát như hạt lúa miến, chấp nhận chết đi vì người mình yêu, Đức Giêsu đã đem lại sự sống cho bao người, trong đó có tôi, có anh chị em và tất cả mọi người.

Hạt lúa khi được gieo vào lòng đất, phải chấp nhận những quy luật của tự nhiên, chịu tác động của nhiều yếu tố, để rồi hủy mình ra, tan biến vào lòng đất, trở nên một cây lúa mới. Nó phải chịu bao đau khổ, nhận chịu bao nhiêu là tác động từ bên ngoài, nó không chấp nhận sống trong sự an toàn. Chính thái độ chấp nhận tan biến đi, hạt lúa đã đem lại niềm vui cho muôn người: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”. Đối diện với đau khổ, với tan biến đi trong dòng đời, Đức Giêsu không rơi vào tình trạng bế tắc, Ngài ngồi xuống, cầu nguyện với Chúa Cha, xin Cha hướng dẫn để vượt qua mọi đau khổ trong sự đón nhận và hy sinh. Đây là bài học sâu sắc và ý nghĩa mà Con Thiên Chúa đã để lại cho các học trò khi họ đối diện với khổ đau.

Muốn được giải thoát khỏi cảnh nô lệ từ đất Ai-cập, người Do-thái phải chấp nhận thiếu thốn mọi thứ, ngay cả nhu cầu ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Họ phải nhận chịu những đau khổ về mặt tinh thần khi được Thiên Chúa uốn nắn, sửa dạy, thậm chí phải đối diện với chết chóc khi bị rắn độc cắn, thế nhưng, kết thúc hành trình đó là sự tự do, đó là được đứng trên chính đôi chân của người con thực sự của Thiên Chúa. Cái giá phải trả cho sự tự do đó là đau khổ, là thiếu thốn, là chết chóc và tang thương. Những yếu tố đó không đến từ Thiên Chúa, nhưng đến từ những đòi hỏi, những yêu sách của con người cho cuộc sống. Thiên Chúa muốn thanh luyện con người để xứng đáng với tình yêu và hạnh phúc của trời cao, vì thế, Ngài đã sửa dạy họ trong đau khổ, thiếu thốn và thất vọng.

Trước những đau khổ, bệnh tật và cái chết, người Do-thái chỉ biết chạy đến với Môi-sen, nhờ ông cầu xin Thiên Chúa tha thứ. Thiên Chúa đã chấp nhận lời cầu xin của vị lãnh đạo tinh thần, tha thứ cho họ và tiếp tục đồng hành. Đức Giêsu cũng dạy các học trò của mình hãy cầu nguyện, tìm thánh ý Cha, đó là phương thuốc hữu hiệu giúp con người vượt qua đau khổ trong hy vọng chứ không tuyệt vọng. Đối diện với chặng đường khổ giá, Đức Giêsu xin cho ý Cha được tỏ lộ, đó là lúc đối diện với đau khổ, con người hãy phó thác cho Thiên Chúa, hãy đón nhận mọi đau khổ và sợ hãi trong niềm tin và sự bình an của Thiên Chúa. Đây cũng là động lực giúp cho Đức Giêsu vượt qua những phút giây kinh hoàng tại vườn Giê-si-ma-ni-a: xin cho ý Cha được thực hiện. Được mời cùng đi với Ngài trên con đường về đồi Can-vê, người tín hữu có đủ can đảm để phó thác vào tình thương Thiên Chúa trong tâm tình đón nhận, hay chỉ biết thoái thác và trốn chạy, cuộc đời chắc cũng không ít lần, tôi và anh đã trốn chạy sự thật trước đau khổ vì thiếu niềm tin và sự phó thác.

Lạy Chúa, tình yêu Thiên Chúa cao vời, sao chúng con hiểu thấu, xin cho mỗi người hiểu được phần nào chiều sâu của tình yêu đó, để chúng con cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu trong đau khổ, trong nỗi sợ hãi của con người. Hiểu được phần nào đó, chúng con sẽ đón nhận tất cả mọi biến cố trong niềm vui phó thác. Chúa đã tìm gặp thánh ý Chúa Cha trong những phút giây nguyện cầu sâu lắng, xin giúp chúng con biết chuyên chăm cầu nguyện trong sự khiêm tốn với một trái tim mở, một tấm lòng nát tan và một con người đầy thiếu sót, tất cả để cho Chúa hành động, để cho Chúa chỉ dạy, giúp chúng con hiểu được giá trị của đau khổ trong cuộc đời. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây