TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 16/10/2023 14:29 |   798
Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông đồ. (Lc 6,12-19)

28/10/2023
THỨ BẢY TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
Thánh Simon và Giuđa Tông đồ

Simon va Giuda

Lc 6,12-19

Ngày 28 tháng 10: Lạy Mẹ Mân Côi! Lời “Xin Vâng” của Mẹ chính là kinh nguyện của chúng con: xin dâng tất cả cho Chúa, vì Chúa là tất cả đối với chúng con. Khi xưa, tại Cana, Mẹ đã xin Con của Mẹ lo đến nhu cầu của bữa tiệc cưới, là dấu chỉ về Bữa Tiệc Cưới của Chiên Con trên thập giá: nơi rượu mới, Máu của Giao Ước Mới đổ ra để khai sinh Hội Thánh, thì nay, xin Mẹ cũng chuyển cầu và đồng hành với Hội Thánh chúng con, để Hội Thánh của chúng con ngày càng trở nên tinh tuyền thánh thiện như lòng Chúa ước mong. Amen.

LÀ TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA KI-TÔ
Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông đồ.
(Lc 6,12-19)

Suy niệm: “Tông đồ mà không cứu các linh hồn và thiết lập Giáo hội thì tựa nông dân không sản sinh ra mùa gặt” (D. Cannistraci). Tông đồ là người ở với Đức Giê-su, rồi được Ngài sai đi. Như vậy, điều kiện đầu tiên là ở với Đức Giê-su: học hỏi, chiêm ngắm, sống mối tương quan thân thiết với Ngài như người môn đệ, tựa người bạn thân. Một khi đã là môn đệ thân tín của Ngài, ta sẽ tiến thêm bước nữa: nhận sứ vụ Tông đồ loan báo Ngài cho người lân cận. Si-mon và Giu-đa (hay Ta-đê-ô) đã lần lượt thực hiện hai bước này: ở với Thầy trong ba năm, rồi được Thầy sai đi đến tận cùng trái đất. Si-mon rao giảng Tin Mừng ở Ai Cập, sau đó sang Ba Tư; Giu-đa loan báo Tin Mừng ở Mêsôpôtamia; rồi cả hai vị cùng lãnh triều thiên tử đạo ở Ba Tư.

Mời Bạn: Hãy đến nhà thờ học biết về lòng tha thứ; để rồi trở về trở thành người thứ tha. Hãy đến nhà Chúa học biết về sự tốt bụng; rồi trở về trở thành người tốt bụng. Cứ như thế sau mười lần đến nhà thờ trong mười Chúa Nhật, bạn sẽ là hình ảnh thật của Chúa Ki-tô (theo I. Ayivor). Trong Thánh lễ, bạn ở lại với Chúa Ki-tô, đặc biệt trong hai phần phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể: học với Chúa Ki-tô, nhìn ngắm Ngài, ghi nhớ Lời Ngài trong phần đầu, rồi hiệp thông, kết hợp với Ngài ở phần sau. Để rồi kết thúc Thánh lễ, bạn được sai đi, là Tông đồ của Tin Mừng yêu thương, tha thứ, tốt bụng.

Sống Lời Chúa: Tôi tập ở lại với Chúa mỗi ngày trong kinh nguyện, rồi ý thức được sai đi đến với người khác, làm Tông đồ của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa tin tưởng sai con đi làm Tông đồ giữa đời. Xin cho con ghi nhớ sứ mạng ấy. Amen.

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 1-11

“Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, giờ đây không còn gì là án phạt dành cho những ai ở trong Ðức Giêsu Kitô: vì những kẻ ấy không còn sống theo xác thịt. Bởi chưng lề luật của Thánh Thần ban sự sống trong Ðức Giêsu Kitô, đã giải thoát tôi khỏi lề luật sự tội và sự chết. Ðiều mà lề luật không thể làm được, vì bị xác thịt làm cho ra yếu đi, thì Thiên Chúa sai Con của Người đến trong xác thịt giống như xác thịt tội lỗi, và để phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi, và phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi trong xác thịt, khiến cho ơn công chính của lề luật thành tựu đầy đủ trong chúng ta, là những người không còn sống theo xác thịt, nhưng theo tinh thần. Vì những ai sống theo xác thịt, thì tưởng ước những sự thuộc về xác thịt: còn những ai sống theo tinh thần, thì tưởng ước những sự thuộc về tinh thần. Mà tưởng ước của xác thịt là sự chết, còn tưởng ước của tâm thần là sự sống và bình an. Vì chưng sự khôn ngoan của xác thịt là thù nghịch với Thiên Chúa: bởi nó không tùng phục lề luật của Thiên Chúa: vả lại nó cũng không thể tùng phục được. Những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Chúa (c. 6).

Xướng: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Người xây dựng nó trên biển cả, và Người giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. 

Xướng: Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Người? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. 

Xướng: Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 4, 7-16

“Ðức Kitô là đầu, nhờ Người mà toàn thân thể được lớn lên”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô,

Anh em thân mến, mỗi người trong chúng ta đã được ban ơn tuỳ theo lượng Ðức Kitô ban cho. Vì thế có lời rằng: “Người lên nơi cao điệu tù nhân về, Người đã ban ân huệ cho mọi người”. Nói rằng “Người lên” nghĩa là gì nếu không phải là trước Người đã xuống những miền hạ tầng trái đất sao? Ðấng đã xuống cũng chính là Ðấng đã vượt lên trên mọi tầng trời, để làm viên mãn vạn vật.

Và chính Người đã ban cho kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy, để tổ chức các thánh nhân nên hoàn bị hầu chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho đến khi mọi người chúng ta hợp nhất trong đức tin, và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm tuổi người của Ðức Kitô viên mãn, để chúng ta không còn là trẻ nhỏ bị lắc lư và lôi cuốn theo mọi chiều gió học thuyết, nghiêng theo sự lừa dối của người đời, và mưu mô xảo trá làm cho lạc lõng trong sự sai lầm.

Nhưng chúng ta hãy thực hiện chân lý theo đức ái, hãy tấn tới bằng mọi phương tiện trong Ðức Kitô là đầu. Do nơi Người mà toàn thân thể được hoà hợp với nhau, kết cấu với nhau bằng những dây liên lạc cung cấp sinh lực tuỳ theo phận sự của mỗi phần, làm cho thân thể lớn lên và tự xây dựng lấy mình trong đức mến.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa” (c. 1).

Xướng: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng tôi sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. 

Xướng: Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. 

Xướng: Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít.

Alleluia: Tv 118, 18

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 1-9

“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Người còn nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NẾU KHÔNG SÁM HỐI, SẼ CHẾT Y NHƯ VẬY! (Lc 13,1-9)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Đứng trước một hiện tượng xảy ra trong cuộc sống, hẳn chúng ta thấy có rất nhiều cách nghĩ từ những cái nhìn khác nhau.

Ví dụ như căn bệnh thế kỷ Sida chẳng hạn:

Có người thì dè bửu và cho rằng đây là do ăn chơi trác táng nên mới bị. Có người thì cho rằng do tội lỗi nên bị Chúa phạt. Lại có người rất cảm thông, luôn tìm cách nâng đỡ, đồng hành, hầu giúp cho người bệnh vượt qua đau khổ về tinh thần và thể xác. Hay ngang qua căn bệnh đó, cũng có những người nhận ra dấu chỉ Thiên Chúa cảnh tỉnh nhân loại về sự kiêu ngạo…

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc những người Do thái khi chứng kiến cảnh những người Galilê bị Philatô giết, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh, hay như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết. Khi chứng kiến như thế, họ cho rằng những người này do tội lỗi ngập đầu nên bị Chúa phạt chết cách bất đắc kỳ tử như vậy.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã dạy cho họ bài học sám hối qua các sự kiện đó, vì: nếu không lo sám hối, cải tà quy chính thì họ cũng sẽ chết và bị hủy diệt y như vậy.

Trong đời sống đạo, rất nhiều lần chúng ta có thái độ khinh miệt những người tội lỗi. Có khi sẵn sàng gán cho những người ốm đau bệnh tật, hay gặp những cảnh éo le trong cuộc sống là do Chúa phạt vì những tội lỗi của họ gây nên. Điều này cũng có thể đúng, vì Chúa có thể dùng cách thức đó để lay tỉnh lương tâm của họ để họ cải tà quy chính mà được cứu độ. Tuy nhiên, phần chúng ta, chúng ta đừng dành quyền xét đoán đó của Thiên Chúa.

Tưởng cũng nên nói thêm:  mỗi khi chúng ta coi thường người khác, ấy là lúc chúng ta tự coi mình tốt lành, đạo đức hơn người ta. Nhưng thực ra, có thật thế hay không, hay chỉ là thói đạo đức giả như những người Pharisêu khi xưa?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết yêu thương anh chị em mình, nhất là những người tội lỗi, như Chúa đã từng yêu thương và hiến mình vì chúng ta. Đồng thời nhận ra rằng: nếu Chúa không để cho mình có thời gian sám hối, hầu quay trở về với Thiên Chúa và làm hòa với anh chị em thì mình cũng đâu khác gì người anh chị em kia…

Sự kiên trì trong yêu thương của Thiên Chúa phải làm cho chúng ta nhận ra mình bất toàn, yếu đuối. Vì thế, ngay lúc này, phải lo sám hối để trở nên con cái Chúa thực sự. Khi nhận ra điều đó, chúng ta nên có cái nhìn cứu độ của Đức Giêsu, đến để cứu những gì đã mất. Ngài luôn yêu thương những người tội lỗi cách đặc biệt. Dụ ngôn đồng bạc đánh mất; hay dụ ngôn người Cha nhân hậu; hoặc con chiên thất lạc cho thấy bản chất của Thiên Chúa là tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra tình thương của Chúa trên chúng con. Đồng thời nhận ra sự kiên trì chờ đợi của Chúa khi mong mỏi chúng con sám hối trở về. Xin Chúa cũng cho chúng con luôn có cái nhìn cảm thông với anh chị em chúng con như Chúa đã từng cảm thông và yêu thương chúng con. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Simon và Giuđa Tông đồ

 

Ca nhập lễ

Đây là những vị Thánh, mà Chúa đã tuyển chọn trong tình yêu chân thành, và đã ban cho ngài vinh quang muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời các thánh tông đồ rao giảng để cho chúng con được nhận biết danh Chúa. Xin nhận lời hai thánh tông đồ Si-mon và thánh Giu-đa cầu nguyện mà cho Hội Thánh được phát triển không ngừng khắp nơi trên trần thế . Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ep 2, 19-22

“Anh em đã được xây dựng trên nền tảng các tông đồ và các tiên tri”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em không còn là khách trọ và là khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng của các Tông đồ và Tiên tri, và chính Ðức Kitô làm đá góc tường. Trong Người, tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa, trong Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5

Ðáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất

Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyện tụng cho đêm kia.

Xướng: Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.

Alleluia: 

Alleluia, alleluia! – Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa; chúng con tuyên xưng Chúa là Chúa tể; lạy Chúa, ca đoàn vinh quang các tông đồ ca ngợi Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 12-19

“Người chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ: Ðó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là nhiệt thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội. Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, trong ngày kính hai thánh tông đồ Si-mon và thánh Giu-đa được Chúa ban thưởng vinh quang thiên quốc, xin Chúa nhận của lễ và lời cầu của chúng con mà làm cho chúng con thêm vững vàng tin tưởng hầu xứng đáng tham dự thánh lễ này. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong ngày lễ kỷ niệm hai thánh tông đồ Si-mon và thánh Giu-đa chịu khổ hình, chúng con đã đón nhận bí tích Mình và Máu Chúa Kitô, và đang được Chúa Thánh Thần tác động. Xin cho bí tích này luôn gìn giữ chúng con trong tình yêu Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Theo chỉ dẫn của sách Breviarium Apostolorum – mở đầu Sách Tử đạo của thánh Hiêrônimô –, lễ hai thánh tông đồ Simon và Giuđa mừng vào ngày 28 tháng 10; người ta đã thấy lễ này được ghi trong các sách bí tích của người Franc vào thế kỷ VIII, và ở Rôma vào thế kỷ X. Một nhà nguyện được dâng kính các ngài trong vương cung thánh đường cổ Thánh Phêrô ở Vatican. Các Giáo Hội phương Đông mừng riêng lễ thánh Simon ngày 10 tháng 5, và thánh Giuđa ngày 19 tháng 6.

Trong danh sách 12 Tông đồ, thánh Simon và Giuđa luôn đi chung với nhau, thánh Simon ở vị trí thứ mười và thánh Giuđa ở vị trí mười một (Mt 10, 3-4; Mc 3, 18; Lc 6, 14-16; Cv 1, 13).

Thánh Simon, “thuộc nhóm quá khích” trong Mc và Lc; “người Canaan (=người thuộc nhóm quá khích)” trong Mt, có lẽ là một cựu thành viên của phong trào quá khích chống đối quyết liệt sự cai trị của Rôma. Theo truyền thống phương tây, có thể ngài đã đi rao giảng ở Ai Cập và Lưỡng Hà Địa, nhưng người ta không biết gì đích xác về cuộc đời ngài. Người ta nói ngài chịu tử đạo, và đôi khi người ta vẽ hình ngài bị các đao phủ cưa dọc thân thể làm đôi.

Thánh Giuđa, tông đồ thứ mười một trong danh sách nhóm Mười hai, được kể tên trước Giuđa Iscariot. Trong tiếng Hi Lạp, tên ngài viết giống hệt Giuđa Iscariot, nhưng để phân biệt, người ta xác định thêm là con hay anh của Giacôbê–(Lc 6, 16) hay không phải Giuđa Iscariot (Ga 14, 22). Ngài cũng được gọi là Lebbée trong một số thủ bản của Mt, và Thaddéô trong Mt và Mc, và đôi khi còn gọi là Giuđa, người thuộc nhóm Quá khích (Zélote). Không nên lẫn tông đồ Giuđa với người cùng tên có họ với Chúa Giêsu và với tác giả của Thư thánh Giuđa.

Thông điệp và tính thời sự

Lời Nguyện của ngày nhắc nhớ lời giảng của các tông đồ dẫn ta tới sự hiểu biết Chúa Giêsu, và Giờ Kinh Sách trích dẫn một đoạn chú giải của thánh Cyrille thành Alexandria về Tin Mừng Gioan, minh hoạ sứ mạng của các tông đồ: “. . . Các ngài có nhiệm vụ kêu gọi người tội lỗi hối cải, chăm sóc người bệnh tật thể xác hay tâm hồn; trong nhiệm vụ là những người quản lý, các ngài không được tìm cách làm theo ý riêng, nhưng theo ý của Đấng sai các ngài; sau cùng, cứu rỗi thế giới bằng cách giúp thế giới đón nhận lời dạy của Chúa.

Ca hiệp lễ lấy lại câu trả lời của Chúa Giêsu cho thánh Giuđa khi ngài hỏi Chúa: “Lạy Thầy, tại sao thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không cho thế gian?” Câu trả lời của Chúa Giêsu không trực tiếp, nhưng chứa đựng mạc khải về một trong những mầu nhiệm cao siêu nhất của đức tin chúng ta: “Nếu ai yêu mến thầy, thì sẽ giữ lời thầy; Cha thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23). Chúng ta không gặp Thiên Chúa như gặp một nhân vật có chức vị, nhưng bằng việc gắn bó với Lời Người trong tình yêu. Chính đây là sự thể hiện niềm khát vọng của các tín hữu trong Cựu Ước: “. . . Này Ta đây, ta đến cư ngụ ở giữa ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa (Da 2, 14). Ta sẽ đặt thánh điện Ta ở giữa chúng đến muôn đời. Nhà của Ta sẽ ở giữa chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là Dân của Ta” (Ed 37, 26-27).

Enzo Lodi

KHÔNG GIAN THÁNH
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Anh em được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí”. 

Trong một tập sách viết về các giáo xứ, tác giả ví von so sánh các ‘nhà thờ sống’ với các ‘nhà thờ chết’ thế này: “Mục chi của ‘nhà thờ sống’ luôn nhiều hơn mục thu; ‘nhà thờ chết’ không cần nhiều tiền! ‘Nhà thờ sống’ luôn có vấn đề về chỗ đậu xe; ‘nhà thờ chết’ có thừa mặt bằng! ‘Nhà thờ sống’ có thể ồn ào vì trẻ em la hét, chạy nhảy; ‘nhà thờ chết’ đìu hiu như nghĩa trang! ‘Nhà thờ sống’ liên tục thay đổi cách thức hoạt động, luôn cần những không gian thánh; ‘nhà thờ chết’ không cần đổi thay, nhện tha hồ dăng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Một Hội Thánh sống động không chỉ cần những không gian sinh hoạt; nhưng quan trọng hơn, các tâm hồn, đền thờ Chúa Ba Ngôi. Đó là những ‘không gian thánh’ không thể thiếu! Thư Phaolô lễ kính hai thánh Simon và Giuđa viết, “Cả anh em nữa, anh em được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí”.  

Về Simon và Giuđa, Tân Ước cho biết rất ít. Tên hai vị nằm cuối nhóm Mười Hai, chỉ trước Giuđa Iscariôt. Thế nhưng, kinh ngạc thay, họ vẫn là những ‘không gian thánh’ đầu tiên trong toà nhà Giáo Hội. Như vậy, giữa những trụ cột của toà nhà mang tên “Hội Thánh”, có “Simon nhiệt tâm”, phân biệt với Simon Phêrô, tông đồ trưởng; và “Giuđa con Giacôbê”, hay “Giuđa Tađêô”, phân biệt với Giuđa Iscariôt, kẻ nộp Thầy.

Simon được biết như một người nhiệt thành, có lẽ vì ông thuộc nhóm cực đoan chống lại Rôma. Giuđa, được biết như vị tông đồ cuối cùng mà các tín hữu sơ khai cầu cứu; việc cầu nguyện với Giuđa Tađêô nhắc nhở mọi người về kẻ phản bội cùng tên với ngài. Trong sự quan phòng của Chúa, Giuđa Tađêô trở thành vị tông đồ cuối cùng được cầu xin, trở nên niềm hy vọng sau hết cho nhiều người. Vì thế, truyền thống gọi Tađêô là “Vị Thánh Bảo Trợ cho những người thực sự vô vọng”. Dẫu sao, hai ngài cũng là những môn đệ đầu tiên đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất; Thánh Vịnh đáp ca ghi nhận, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!”.

Như thế, cùng với các tông đồ, bạn và tôi là những ‘không gian thánh’ trong toà nhà Giáo Hội. Hãy là một không gian thánh thiện đầy Chúa, nơi cuốn hút mọi người đến với Ngài. Đồng thời, như các ngài, chúng ta lên đường tặng trao Tin Mừng, tạo nên một sự khác biệt vĩnh viễn trong cuộc sống của bao người khác. Trong mọi đấng bậc, dẫu hình thức có khác nhau, nhưng bạn và tôi có chung một sứ mệnh đem tình yêu và lòng thương xót Chúa đến cho vô vàn anh chị em gần xa, tận mút cùng thế giới, mãi tận các chân trời.

Kính thưa Anh Chị em,

Mỗi ngày rước Chúa, bạn và tôi là cung điện của Chúa Ba Ngôi ở giữa trần gian; sống động hơn, những “nhà tạm di động” của Chúa Giêsu, Đấng ước mong tâm hồn mỗi người luôn trở nên một chốn rất thánh cho Ngài; để qua chúng ta, Ngài có thể gần gũi, hàn huyên, yêu thương và cảm thông với bao anh chị em khác. Chớ gì chúng ta biết ‘dọn nhà’ thật xứng đáng để đón Ngài, sống thiết thân với Ngài; hầu không chỉ tâm hồn chúng ta thánh, mà môi trường chúng ta cũng thánh; và này đây, một thế giới sẽ thánh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để ‘nhện dăng’ linh hồn con, cho con thật thánh; ở đó, ai cũng có thể gặp Chúa. Cách riêng, những ai chưa một lần nghe nói đến sự thánh thiện!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây