TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 16/10/2023 14:23 |   523
“Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?” (Lc 12,54-59)

27/10/2023
THỨ SÁU TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

t6 t29 TN

Lc 12,54-59
 

Ngày 27 tháng 10: Lạy Mẹ Mân Côi! Việc chiêm ngắm dung nhan của Đức Kitô không thể dừng lại ở hình ảnh của Đấng chịu đóng đinh, bởi vì, Người là Đấng đã sống lại. Kinh Mân Côi cũng mời gọi chúng con vượt lên trên bóng tối của Cuộc Khổ Nạn để chiêm ngắm vinh quang của Đức Kitô trong mầu nhiệm Phục Sinh và Lên Trời. Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì đức tin của chúng con thật trống rỗng. Xin cho chúng con biết cùng với Mẹ chiêm ngắm các mầu nhiệm của Năm Sự Mừng, để chúng con cũng hy vọng, mai này, sẽ được cùng với Mẹ chiêm ngắm Đức Kitô, Con của Mẹ trên Quê Trời. Amen.

CHẬM LẠI ĐỂ SUY XÉT
“Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?”
(Lc 12,54-59)
Suy niệm: Ngày xưa Chúa Giê-su trách người Do Thái sáng suốt đoán trước thời tiết qua hiện tượng thiên nhiên, nhưng lại mù tối không biết suy xét, nhận ra những dấu chỉ Chúa đang ngỏ với họ qua các phép lạ và giáo lý của Ngài. Vì thế, Đức Giê-su nhắc nhở: “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?” Ngày nay ta đang sống trong nền văn hóa mới, tạm gọi là văn hóa “lướt qua”: lướt mạng, lướt Facebook, lướt web. Ta nhìn xem, hối hả thu thập bao hình ảnh, thông tin, nhưng chẳng bao giờ  dừng lại, ngẫm nghĩ, xét mình xem Chúa muốn ta làm gì trong hoàn cảnh hôm nay. Do đó, ta lướt qua rất nhiều thứ, nhưng lại bỏ qua cái quan trọng. Ta có thể nắm rõ tỏ tường tình hình thế giới, sự kiện xã hội, nhưng lại mù mờ về chính tâm hồn, cuộc sống đức tin của mình. Ta không dành đủ thời gian cho Chúa, người thân, cũng như cho chính tâm hồn mình. Từ đó, đánh mất chính mình, mối tương quan với Chúa, và những người thân của mình.

Mời Bạn: Dành thời gian dừng lại,  xem xét lại các mối tương quan với Chúa, người thân và với chính mình đang có những trục trặc nào, để tìm phương cách điều chỉnh.

Sống Lời Chúa: Dành thời gian trò chuyện với một người thân trong gia đình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong một thế giới đang diễn tiến quá nhanh, con cũng bị lôi kéo chạy theo. Xin giúp con biết dừng lại, suy xét xem đâu là đích điểm tối hậu của cuộc đời. Để rồi con sẽ dành thời gian để bồi đắp cho đời sống đức tin, cũng như sống tốt đẹp các mối tương quan quan trọng cho cuộc đời mình. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài. 

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 7, 18-25a

“Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi cái xác chết này?”

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi biết rằng sự lành không ở trong tôi, nghĩa là trong huyết nhục của tôi. Vì chưng ước muốn thì tôi vẫn có, nhưng làm cho sự lành nên hoàn hảo thì không sao được. Bởi vì sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm. Thực ra nếu tôi làm điều tôi không muốn, thì bấy giờ không phải chính tôi làm điều đó, nhưng là sự tội ở trong mình tôi. Thành ra khi tôi muốn làm sự lành, tôi nhận thấy trong tôi có lề luật, vì sự dữ vẫn kèm bên tôi. Theo như con người bên trong, tôi cũng ưa thích lề luật Thiên Chúa: nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một lề luật khác đối địch với lề luật tâm thần tôi, và giam hãm tôi dưới ách lề luật sự tội trong chi thể tôi. Tôi là con người vô phúc! Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này? Cảm tạ Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Như thế, chính tôi lấy tâm thần mà phục vụ lề luật Thiên Chúa; còn về xác thịt, thì vâng phục lề luật của sự tội.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 66. 68. 76. 77. 93. 94

Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài

Xướng: Xin Chúa dạy con sự thông minh và lương tri, vì con tin cậy vào các chỉ thị của Ngài.

Xướng: Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài.

Xướng: Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa.

Xướng: Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con.

Xướng: Ðời đời con không quên những huấn lệnh của Ngài, bởi lẽ đó mà Ngài đã ban cho con được sống.

Xướng: Con thuộc về Chúa, xin Chúa cứu độ con, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài.

Bài Ðọc I:  (Năm II) Ep 4, 1-6

“Chỉ có một thân thể, một Chúa, một đức tin và một phép rửa”.

Trích thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái: hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc: Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Ðấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Chúa (x. c. 6).

Xướng: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Người xây dựng nó trên biển cả, và Người giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. 

Xướng: Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Người? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. 

Xướng: Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. 

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 54-59

“Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: “Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NHẬN RA DẤU CHỈ … VÀ SÁM HỐI, CANH TÂN (Lc 12, 54-59)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Khi nói về dấu chỉ của thời tiết, ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:

“Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy,

Cơn đàng Nam vừa làm vừa chơi”.

Hay:

“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã khen ngợi những người Dothái về khả năng tiên đoán điềm trời của họ. Tuy nhiên, Ngài lại khiển trách họ chỉ biết dự báo về điềm trời, còn không biết dùng khả năng vốn có của mình để sử dụng vào lãnh vực cao hơn là những dấu chỉ ơn cứu độ. Ngài trách: “Hỡi những kẻ giả hình, các người biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi lại không tìm hiểu?”.

Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn xác định rằng: sự xuất hiện của Ngài ngang qua các hành động và những lời giáo huấn cho thấy: Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, đến để cứu thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi chết phần hồn và đem lại cho nhân loại hạnh phúc thật. Đây chính là một điềm lạ vĩ đại, cả thể, nhằm loan báo Triều Đại Thiên Chúa đã đến và đang hiện diện giữa nhân loại thì họ lại không tin, không nhận ra.

Tại sao vậy? Thưa! Họ mong đợi nơi Đấng Cứu Thế phải là một người hùng, đánh đông dẹp bắc bằng vũ lực; phải là Đấng giải phóng dân tộc Dothái khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma. Phải là người giỏi giang về binh đao và xuất xứ của Đấng ấy phải là quyền quý, cao sang.

Tuy nhiên, điều họ mong chờ ấy đã không phù hợp với bản chất của Đấng Thiên Sai, nên họ đã bị tối mắt và lu mờ lương tâm khi Đức Giêsu xuất hiện trong một gia đình nghèo, tầm thường. Hơn nữa, Ngài đến trong thân phận là người tôi tớ của Giavê, để phục vụ và đứng về phía người nghèo, tội lỗi, người không có tiếng nói… Đường lối cứu độ của Ngài lại là con đường khổ giá, khiêm nhường và hiền hậu. Sự nghiệp giải phóng của Ngài không chỉ dành riêng cho một quốc gia, dân tộc nào, mà là cho hết mọi người. Tất cả những điều đó họ đã không nhận ra, nên họ đâu màng chi đến những dấu chỉ về sự hiện diện của Đức Giêsu! Vì thế, họ không sám hối cũng chẳng cần thay đổi đời sống…!!!

Nơi xã hội hay trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng chẳng khác gì những người Dothái khi xưa khi phỏng chiếu một vị Thiên Chúa phải đứng về phe mình, mặc cho điều mình làm có đúng hay sai? Cũng vẫn còn đó những người luôn có khái niệm: “Tự nhiên có”, mà không hề nhận ra rằng: Chúa đang yêu thương, bao bọc ta và những thứ ta có là do lòng nhân từ của Chúa ban. Đôi khi có những bất chắc trong cuộc sống như tai nạn, bệnh tật, ốm đau… chúng ta đã được Chúa thương cứu sống cách nhiệm mầu. Ấy vậy mà khi chúng ta được chữa lành, thay vì tạ ơn Chúa, cải hóa đời sống và trung thành với Chúa, thì lại vui vẻ cho rằng mình gặp may… Rồi cũng không thiếu những lúc ta ích kỷ đến độ không hài lòng với người anh chị em của mình khi họ gặp điều thuận lợi hơn ta…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy nhạy bén với ơn Chúa để nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi chính Lời của Ngài trong Tin Mừng. Đồng thời, luôn nhận ra tình thương của Chúa qua sự quan phòng kỳ diệu trong cuộc sống nơi các biến cố vui buồn, sướng khổ, thành công hay thất bại của chúng ta. Mặt khác, hãy lo sám hối, cải thiện đời sống và quay trở về với Thiên Chúa một khi đã nhận ra tình thương của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã yêu thương chúng con vô bờ. Xin cho chúng con nhận ra tình thương của Chúa và biết sám hối, ăn năn, cải thiện đời sống để xứng đáng trở thành con Chúa và anh chị em của nhau. Amen.

TRUNG TÍN và QUẢNG ĐẠI
(Thứ Sáu Tuần XXIX – Năm lẻ) - Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền,OSB

Lời Tổng Nguyện mà các nhà phụng vụ muốn chúng ta cầu xin trong suốt Tuần 29 Thường Niên này là: xin ơn trung tín và quảng đại. Trung tín và quảng đại để nhiệt thành phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Người quản lý trung tín canh thức sẵn sàng chờ đợi chủ về, và quảng đại phân phối thóc gạo cho gia nhân.


Bà Étte đã trung tín phụng sự Chúa bằng chạy tịnh, cầu nguyện, và đã quảng đại liều mất mạng sống mình khi vào chầu vua Asêrô để cứu dân mình. Bà Étte là hình ảnh tiên trưng cho Đức Maria, nữ tỳ trung tín luôn thực thi ý Chúa, và quảng đại liều mình: không sợ bị ném đá, bởi vì, “chưa chồng mà có con”, sẵn sàng chấp nhận trao hiến cung lòng trinh trong để cho Đấng Cứu Độ nhập thể làm người.

Đức Giêsu, Người Tôi Trung của Thiên Chúa, đã trung tín uống cạn chén đắng Cha trao, và đã quảng đại trao hiến giọt máu giọt nước cuối cùng trên Thập Giá, để giải thoát chúng ta khỏi thân xác phải chết này, như lời thánh Phaolô đã thú nhận trong bài đọc một của ngày lễ hôm nay: Sự thiện tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng, sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!

Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 118, vịnh gia cũng ý thức được sự yếu đuối của mình trong việc trung thành phụng sự Thiên Chúa, cho nên, ông đã tha thiết nài xin: Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con. Xin Chúa lấy tình thương mà an ủi, theo lời đã hứa với tôi tớ Ngài đây. Xin chạnh lòng thương cho con được sống, vì luật Ngài làm con vui sướng thoả thuê.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu trách cứ dân chúng: Cảnh sắc đất trời thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao lại không biết nhận xét? Thời đại nào? Thời đại mà muôn loài muôn vật được đặt dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô; Thời đại mà Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Thật vậy, từ con vi khuẩn bé nhỏ đến các hành tinh khổng lồ, đều đồng hiện hữu với nhau, tất cả đều có mối tương quan chặt chịt với nhau. Hiệu ứng cánh bướm của nhà toán học Edward Lorenz, với câu nói nổi tiếng của ông: Một con bướm đập cánh ở Brazil cũng có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở tiểu bang Texas của Mỹ… Tất cả đều đồng hiện hữu. Không ai, không gì có thể tồn tại một mình, cho nên, một sự cố nhỏ cũng làm ảnh hưởng đến toàn thể. Chúng ta làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại trái đất, thì chúng ta cũng làm ô nhiễm, hủy hoại chính chúng ta.

Cảnh sắc đất trời thì biết, nhưng thời đại Thiên Chúa thì không biết, hoặc chỉ biết ở cái đầu, mà chưa xuống được con tim: Vẫn biết mình không thể tồn tại một mình, nhưng, chúng ta vẫn sống như thể chỉ có một mình mình: bất cần Chúa và không cần những người xung quanh; Vẫn biết hủy hoại môi trường là hủy hoại chính mình, nhưng, chúng ta vẫn cứ tàn phá thiên nhiên; Vẫn biết đau khổ bất an của người khác cũng là đau khổ bất an của chính mình, nhưng, chúng ta vẫn làm hại, gây đau khổ cho người khác.

Câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Muốn hiểu được mầu nhiệm Nước Trời, hiểu được thời đại của Thiên Chúa, chúng ta phải trở nên đơn sơ bé nhỏ, và chỉ khi nào có được tâm tình của những người bé mọn, chúng ta mới có thể trung tín tuân giữ những gì Chúa truyền dạy, và quảng đại dấn thân, làm hơn cả những gì luật đòi hỏi để đền đáp lại tình yêu cứu độ của Người.

 



CHÚA MUỐN GÌ?
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Cảnh sắc đất trời, các người biết nhận xét; còn thời đại này, sao lại không biết nhận xét?”.

Một đêm thu huyền hoặc, chuông các nhà thờ Ba Lan ngân vang. Người người đổ xuống các ngả đường. Muôn lời ca, bao lời kinh, với nến, hoa, cờ và cả nước mắt; những cái ôm và cả rượu Champagne… Một người con Ba Lan làm Giáo Hoàng! Tại thị trấn Wadowice, cha Zacher lặng trân vì xúc động, các tín hữu chen chúc trong nhà thờ để tạ ơn. Tối hôm đó, ngài từ từ mở cuốn sổ Rửa Tội, lật từng trang ố vàng và dừng lại ở tháng 5/1920. Kìa, Carolus Joseph Wojtyła! Chính cha đã dạy giáo lý cho cậu bé Wojtyła. Ngoài ngày Rửa Tội, còn có ngày Rước Lễ, Thêm Sức, chịu chức Linh mục, Giám mục, Hồng y. Bên lề sổ, vị linh mục già run run ghi “16/10/1978, Giáo Hoàng”. Ngài thầm thì, “Chúa muốn gì?”.

Kính thưa Anh Chị em,

Gioan Phaolô II đã là dấu chỉ cho thế giới vào buổi giao mùa của hai thiên kỷ. Wojtyła vừa là dấu chỉ của thời đại vừa là người góp phần cáo chung của chủ nghĩa Cộng Sản vốn đã sụp đổ hàng loạt năm 1989 ở Đông Âu, bắt đầu từ Ba Lan đến Liên Xô và cả 14 quốc gia tách khỏi Nga. Tin Mừng hôm nay cũng nói đến dấu chỉ! Chúa Giêsu trách người đương thời không nhận ra ‘một Ai đó’ còn vĩ đại hơn cả Salomon và Giôna đang ở giữa họ! “Cảnh sắc đất trời, các người biết nhận xét; còn thời đại này, sao lại không biết nhận xét?”.

Với những ai theo Chúa, việc đọc ra dấu chỉ và nhận biết thời điềm thật quan trọng! Nghĩa là, làm sao chúng ta có thể nhìn thấy và giải thích đúng những gì đang xảy ra trong nền văn hoá, xã hội và thế giới của mình; và quan trọng hơn, nhận ra sự hiện diện và bàn tay của Thiên Chúa đang đối nghịch với hoạt động lúc ẩn lúc hiện của Satan trong đó, hầu có thể tự hỏi, “Chúa muốn gì?”. Bởi lẽ, xã hội ngày nay buộc chúng ta phải chọn lựa giữa vô vàn ‘lựa chọn đạo đức’ khi bạn và tôi bị lôi kéo ở chỗ này, chỗ kia; tâm trí chúng ta đang bị thử thách cách này, cách khác. Trong thư Rôma hôm nay, Phaolô thú nhận, “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm!”.

Một trong những thủ đoạn của Satan là gieo rắc dối trá; nó tìm cách gây xáo trộn vô số cách. Lời lẽ gian giảo của nó có thể đến qua truyền thông, từ các nhà lãnh đạo chính trị và đôi khi, thậm chí, một số lãnh đạo tôn giáo. Satan yêu thích ở đâu có chia rẽ, phân hoá và rối loạn. Vì thế, đọc được dấu chỉ để nhận ra những sai lầm đạo đức và văn hoá nghịch với Tin Mừng, với giáo huấn của Hội Thánh và tự hỏi, “Chúa muốn gì?” là điều cấp thiết!

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa muốn gì?”. Trước một xã hội và thế giới ‘vàng thau’ như thế, chúng ta phải nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa qua các dấu chỉ! Nói cách khác, nhận ra ‘một Ai đó’ giữa các biến cố và sự kiện; nghĩa là, trên tất cả mọi sự, chúng ta phải tìm kiếm Thiên Chúa ngang qua thinh lặng, cầu nguyện và nài xin sự soi rọi của Thánh Thần. Thánh Vịnh đáp ca thật ý tứ, “Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con!”. Có như thế, bạn và tôi cho phép Chúa Giêsu hiện diện tràn đầy trong cuộc sống mình. Chính Ngài và Thánh Thần của Ngài sẽ giúp chúng ta biện phân điều gì đến từ Thiên Chúa, điều gì không đến từ Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con thi thoảng biết dừng lại và tự hỏi, “Chúa muốn gì?”. Điều Chúa muốn trước hết, là con đừng nuông theo thói đời, nhưng dám ‘lội ngược’ để nên thánh!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây