TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 31/01/2022 17:11 |   1273
“Ngươi hãy kính thờ cha mẹ.” (Mt 15,4)

02/02/2022
THỨ TƯ TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN
Mùng Hai Tết - Kính nhớ tổ tiên

DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH

 

t4 t4 TNC

Mt 15, 1-6

THỜ KÍNH CHA MẸ
“Ngươi hãy kính thờ cha mẹ.”
(Mt 15,4)

Suy niệm: Cha ông ta dạy: “Bách thiện, hiếu vi tiên”, trong trăm điều thiện, việc hiếu thảo luôn đứng đầu. Đạo hiếu trong văn hóa Việt Nam không xa lạ với giáo huấn của Chúa. Sau ba điều răn đầu trong Mười Điều Răn dạy ta phải phụng thờ Thiên Chúa, thì điều răn thứ tư, điều răn đầu tiên nói về bổn phận đối với tha nhân là “hãy thảo kính cha mẹ.” Thánh Phao-lô đã nói như thế: “Hãy thảo kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất” (Ep 6,2). Nghiêm khắc hơn, Chúa Giê-su nhắc cho chúng ta, “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử.” Và chính Chúa Ki-tô trong những năm tháng ẩn dật tại Na-da-rét cùng với Đức Ma-ri-a và thánh cả Giu-se, “Người hằng vâng phục các ngài.” Người ki-tô hữu tôn kính tổ tiên là thực hành giới răn của Chúa, vừa đền đáp công ơn vừa phá tan thành kiến: “theo đạo là bỏ ông bỏ bà”.

Mời Bạn: Tết là dịp làm mới lại lòng thảo hiếu với ông bà cha mẹ. Bạn sẽ làm gì để bày tỏ lòng hiếu kính: thăm viếng, mừng tuổi các ngài? Mời bạn làm một việc thật ý nghĩa để nói lên lòng hiếu thảo của bạn và thể hiện điều đó trong suốt năm nay và mai sau nữa. Nếu bạn không cho mình một cơ hội làm điều đó ngay hôm nay thì biết đâu ngày mai bạn không còn dịp nào khác nữa. Không lúc này thì lúc nào? Hãy làm ngay hôm nay, kẻo muộn màng.

Sống Lời Chúa: Sự vô tâm của người Ki-tô hữu đối với tổ tiên, cha mẹ đã gây nên hiểu lầm và cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng, thì nay, chúng ta xin lỗi Chúa, xin lỗi ông bà, cha mẹ và quyết tâm sống đạo hiếu như Chúa dạy.

Cầu nguyện: Xin cho làn hương trầm trong dịp tết diễn tả được lòng thành của chúng con đối với Chúa và với ông bà tổ tiên. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Mùng Hai Tết - Kính nhớ tổ tiên

Ca nhập lễ

Con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ nhớ mà ghi tâm

Đèn soi trong chốn tối tăm, ấy chính là những lời răn lệnh truyền.

Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Hc 44,1.10-15

Chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.”

Bài trích sách Huấn Ca.

Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.

Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.

Ðó là lời Chúa.

Bài Ðọc II: Ep 6,1-4.18.23.24

“Hãy tôn kính cha mẹ. Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”.

Bài trích thư của Thánh Phaolô Tông Ðồ các gửi tín hữu thành Êphêsô.

Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Ðể được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể các thánh. Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin. Xin Thiên Chúa ban ân sủng cho tất cả những ai yêu mến Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta bằng một tình yêu bất diệt.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Tv 111,1-2

All. All. – Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc. – All.

Phúc Âm: Mt 15, 1-6
Ngươi hãy thờ cha kính mẹ

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Ðức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?

Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.”

Ðó là lời Chúa.

hoặc: Mc 7,1-2. 5-13a

“Hãy thảo kính cha mẹ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước.

Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?”

Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Chúng sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì chúng dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”.

Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và “ai rủa cha mẹ, người đó phải chết”. Còn các ngươi thì lại bảo: “Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được, nay tôi muốn nó trở thành Corban (nghĩa là của dâng cúng)”, rồi các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi hủy bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau”.

Ðó là lời Chúa.

– – – – – – – – – – – –

Hoặc: Lc 1,67-75

“Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Dacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: “Chúc tụng Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Chúa đã gầy dựng cho chúng ta một uy quyền cứu độ. trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa, như Người đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa; để giải phóng chúng ta khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng ta; để tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng ta, và nhớ lại lời thánh ước của Người: lời minh ước mà Người tuyên thệ, với Abraham tổ phụ chúng ta, rằng: Người cho chúng ta không còn sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù, được phục vụ trước tôn nhan Người, trong thánh thiện và công chính trọn đời chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ vật đầu xuân này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận mà tuôn đổ hồng ân xuống trên tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để chúng con cũng được thừa hưởng phúc ấm của các ngài. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Quả vậy, khi ngẫm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng con thấy vạn sự đều có cội rễ căn nguyên: chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ. Nhưng phải nhờ ơn Cha mặc khải, chúng con mới nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của tất cả chúng con. Cha đã ban sự sống cho tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để các ngài truyền lại cho con cháu. Cha cũng đã ban cho các ngài ân huệ dư đầy, để chúng con được thừa hưởng mà nhận biết, tôn thờ và phụng sự Cha.

Chính vì thế, hiệp cùng các Thiên thần và các thánh nam nữ, chúng con ca ngợi Cha muôn đời vinh hiển và đồng thanh chúc tụng rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúa nói: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, nhân dịp đầu năm mới, chúng con đã được dự tiệc Mình và Máu Ðức Kitô. Chớ gì nguồn sinh lực thần linh này giúp chúng con ngày nay sống sao cho tròn chữ hiếu đối với tổ tiên và ông bà cha mẹ, để mai sau được cùng các ngài vui hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CÂU CHUYỆN

Một người đàn ông kia sống chung với người cha cao niên và đứa con trai mới năm tuổi của anh ta. Một hôm người cha của anh do tuổi già tay bị run, thường hay làm bể cái chén kiểu đắt tiền khi ăn cơm, nên anh ta ra vườn nhặt mang về một chiếc gáo dừa rồi gọt dũa làm thành một cái chén gáo dừa cho bố anh ta dùng. Đứa con trai thấy vậy liền hỏi lý do tại sao thì anh ta trả lời con rằng: Để ông nội con dùng khỏi bị bể nếu ăn cơm có bị run tay làm rơi xuống đất.

Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay dùng dao chơi với một chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản. Khi được hỏi tại sao làm như vậy thì được đứa con trả lời: “Con thấy bố cho ông nội ăn cơm bằng chiếc gáo dừa để khỏi bị bể, nên con cũng chuẩn bị trước cho bố một cái, để sau này bố già dùng nếu bố có bị run tay giống như ông nội bây giờ!”.

THẢO LUẬN: 1) Về lối sống hiếu thảo với ông bà tổ tiên, bạn có đồng ý với câu người xưa nói: “Sóng trước vố đâu, sóng sau vỗ đó” hay không? Tại sao? 2) Bạn sẽ làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà trong dịp Tết và trong thời gian sắp tới?

SUY NIỆM:

1) Ngày Xuân xây dựng tình thân gia đình

Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết là dịp để các tín hữu chúng ta thực hành bổn phận hiếu thảo với ông bà tổ tiên, cụ thể là các bậc sinh thành là cha mẹ. Sự hiếu thảo được thể hiện qua những lời nói, thái độ cử chỉ và hành động với cha mẹ, cụ thể là món quà chúng ta dâng tặng cha mẹ đượm tình thảo hiếu với các ngài.

Ngày Tết cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày Tết được đoàn tụ với người thân trong gia đình. Mọi người Việt Nam đều muốn được chờ đón những giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm bên cha mẹ ông bà và anh chị em con cháu.

2) Phương cách tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ

Sự hiếu thảo không chỉ được biểu lộ trong những ngày Lễ Tết, nhưng còn phải được thể hiện trong suốt những ngày tháng dài sống chung với ông bà cha mẹ trong gia đình.

Phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Nếu cha mẹ chúng ta còn khỏe, con cái phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta lá chắn che chở suốt đời mình.

Nếu cha mẹ già yếu, con cháu phải tránh coi thường và coi các ngài như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời thưa gởi hiếu kính, cảm thông với những sự lẩm cẩm của các ngài và đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt với các ngài. Hãy luôn tôn trọng các ngài vì chính các ngài cũng đã từng phải kiên nhẫn ân cần chăm sóc, bú mớm dọn dẹp vệ sinh khi ta còn thơ bé.

Khi cha mẹ qua đời, con cái hãy năng đọc kinh cầu nguyện, xin lễ và làm các việc lành để các ngài sớm được về thiên đàng. Hãy lập bàn kính nhớ tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Hãy năng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ vào giờ kinh tối gia đình hằng ngày hoặc trong những ngày Giỗ Tết.

3) Làm gì trong những ngày này?

Xin đừng phụ công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì:

“Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

“Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”. Chúng ta cư xử với cha mẹ mình thế nào thì con cái của chúng ta sau này cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.

Dịp Xuân Mới, bàn sẽ biếu quà gì cụ thể để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà còn sống và những đấng bề trên đã qua đời?

LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa Cha là Chúa tể của Mùa Xuân đất trời. Xin chúc lành cho ngày họp mặt của gia đình chúng con hôm nay. Xin liên kết mọi người chúng con trong tình yêu của Cha. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết trân trọng giây phút xum vầy trong ngày đầu Xuân, coi đó là hồng ân Cha ban để sống trọn tình con thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và sống yêu thương huynh đệ với anh chị em trong gia đình ruột thịt của chúng con.- Amen.​

 

THỨ TƯ TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN

Đức Mẹ Dâng Chúa Trong Đền Thánh

Lc 2, 22-40

SỨ ĐIỆP CỦA HAI CỤ GIÀ

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa. (Lc 2, 22)

Suy niệm: Người đời thường nói “lão lai, tài tận.” Câu nói đó hẳn không thể áp dụng cho cụ ông Simêon và cụ bà Anna là những người “lão lai, tài bất tận”. Quả thật, hai cụ là tấm gương sáng cho hậu thế về sự trung kiên bền bỉ trong việc mong đợi Đấng Cứu Thế. Điều đó đối với các cụ thật quan trọng, bởi vì các cụ đã dành cả cuộc đời dài để được nhìn ngắm Ngài tận mắt dù chỉ một khoảnh khắc, bồng ẵm Ngài tận tay dù chỉ một lần trong đời. Hơn nữa sứ điệp của hai cụ vẫn còn nguyên tính thời sự đối với chúng ta. Với cuộc sống công chính, tâm hồn tràn đầy Thánh Thần và cặp mắt đức tin sắc sảo, các cụ đã nhận ra Đấng Cứu Thế dưới dáng vẻ tầm thường của một hài nhi. Và một khi đã nhận ra Ngài, các cụ mau mắn làm ngôn sứ cho Ngài: “nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc” (c. 38).

Mời Bạn: Tuổi già là chỗ dựa tinh thần cho tuổi trẻ bởi vì không các cụ chỉ có những kinh nghiệm quá khứ mà còn có cái nhìn thấu thị thấy được những gì là giá trị trường cửu vượt thời gian. Lời nói và đời sống đức tin của các cụ là chứng tá sống động và giá trị mà con cháu không thể khinh suất bỏ qua.

Chia sẻ: Ông bà, cha mẹ là mẫu mực sống đức tin cho con cháu, con cháu hiếu thảo và vâng nghe lời giáo huấn của ông bà cha mẹ, đó là niềm vui và hạnh phúc của đời sống gia đình

Sống Lời Chúa: Tổ chức và duy trì giờ kinh nguyện trong gia đình.

Cầu nguyệnLạy Chúa, con xin dâng gia đình con cho Chúa, xin gìn giữ và chúc phúc lành cho gia đình con.

 
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN


Ca nhập lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, xin cứu độ chúng tôi, từ khắp muôn dân, xin thu họp chúng tôi về, để chúng tôi được ca tụng thánh danh Chúa, và được vinh dự ngợi khen Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I): Dt 12, 4-7. 11-15

“Chúa sửa dạy ai mà Người yêu mến”.

Bài trích thơ gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu và anh em đã quên lời yên ủi tôi nói với anh em, như nói với những người con rằng: “Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai mà Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con”.

Trong khi được sửa dạy, anh em hãy bền chí, Thiên Chúa xử sự với anh em như con cái: vì có người con nào mà cha không sửa phạt.

Ngày nay, hẳn ai cũng coi việc sửa dạy là nỗi buồn khổ, hơn là nguồn vui, nhưng sau này, nó sẽ mang lại hoa quả bình an công chính cho những ai được sửa dạy.

Vì thế, anh em hãy nâng đỡ những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời.

Ðường anh em đi, anh em hãy bạt cho thẳng, để người què khỏi bị trẹo chân, nhưng được an lành.

Anh em hãy sống hòa thuận với hết mọi người, hãy ăn ở thánh thiện, chẳng vậy không ai được nhìn thấy Thiên Chúa.

Anh em hãy coi chừng đừng ai để mất ơn Chúa, đừng để một rễ cay đắng nào mọc chồi gây xáo trộn và làm cho nhiều người bị nhiễm độc.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv. 102, 1-2, 13-14, 17-18a

Ðáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn tồn tại từ thuở nầy tới thuở kia cho những ai kính sợ Ngài. (17)

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể trong người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Ngài. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Ngài.

Xướng: Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Ngài. Ngài biết chúng tôi được luyện bằng chất gì, Ngài nhớ rằng tro bụi là chính chúng tôi! 

Xướng: Nhưng lòng yêu thương của Chúa vẫn còn tồn tại từ thuở nọ tới thuở kia cho những ai kính sợ Ngài, và đức công minh Chúa còn dành để cho con cháu họ, cho những ai giữ lời minh ước của Ngài. 

Bài Ðọc I (Năm II): 2 Sm 24, 2. 9-17

“Chính con đã phạm tội, nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu?”

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, vua Ðavít nói với Gioáp tư lệnh quân đội rằng: “Ngươi hãy đi kinh lý khắp các chi tộc Israel, từ Ðan đến Bersabê, và kiểm tra dân chúng, để ta biết dân số”.

Gioáp nạp sổ kiểm tra dân chúng cho vua. Trong dân Israel có tám trăm ngàn dũng sĩ biết xử dụng gươm, còn phía Giuđa có năm trăm ngàn người thiện chiến.

Sau khi kiểm tra dân số, Ðavít hồi hộp và thưa cùng Chúa rằng: “Con đã phạm tội nặng nề trong việc con đã làm. Nhưng, lạy Chúa, xin xoá tội ác cho tôi tớ Chúa, vì con đã hành động quá dại dột”. Sáng hôm sau, khi Ðavít thức dậy, có lời Chúa phán cùng ông Gad, vị tiên tri và thị kiến của Ðavít rằng: “Ngươi hãy đi nói với Ðavít: Ðây Chúa phán: Ta cho ngươi ba điều, ngươi hãy chọn điều nào ngươi muốn, rồi Ta sẽ thi hành”. Gad đến cùng Ðavít và tâu rằng: “Hoặc ngài phải chịu bảy năm đói kém trong nước ngài, hoặc trong ba tháng, ngài phải lẩn trốn quân thù tìm bắt bớ ngài, hoặc là trong nước ngài phải chịu dịch tả suốt ba ngày, giờ đây ngài hãy suy nghĩ đắn đo và chịu điều nào đi để tôi thưa lại cùng Ðấng đã sai tôi”. Ðavít trả lời cho Gad rằng: “Tôi khổ quá! Nhưng thà rơi vào tay Chúa còn hơn là rơi vào tay người phàm, vì Chúa rất nhân từ”.

Chúa đã giáng cơn dịch tả xuống Israel từ sáng hôm ấy cho đến thời gian đã định. Từ Ðan tới Bersabê, có đến bảy mươi ngàn người đàn ông trong dân phải chết. Ðang lúc thiên thần Chúa giơ tay để tàn phá Giêrusalem, thì Chúa hối tiếc trước sự đau khổ, nên phán bảo thiên thần đang giết phạt dân chúng rằng: “Thôi đủ rồi! Giờ đây hãy dừng tay lại”. Bấy giờ thiên thần Chúa đang ở gần sân lúa của Aruna người Giêbusa. Khi thấy thiên thần sát phạt dân chúng, Ðavít thưa cùng Chúa rằng: “Chính con là kẻ đã phạm tội, chính con đã làm điều gian ác; nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu? Vậy xin tay Chúa đè nặng trên con và trên nhà cha con”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 6. 7

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con (c. 5c).

Xướng: Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian. 

Xướng: Con xưng ra cùng Chúa tội phạm của con, và lỗi lầm của con, con đã không che giấu. Con nói: “Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con”. 

Xướng: Bởi thế nên mọi người tín hữu sẽ nguyện cầu cùng Chúa trong thời buổi khốn khó gian truân. Khi sóng cả ba đào ập tới, chúng sẽ không hại nổi những người này. 

Xướng: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ. 

Alleluia: Ga 8,12

Alleluia, Alleluia. – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6,1-6

“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người.

Ðến ngày Sabát, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sủng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?”

Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”.

Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin.

Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

Ðó là Lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con xin kính cẩn dâng những lễ vật này lên bàn thờ Chúa để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận và làm cho trở thành bí tích đem lại ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu độ tôi theo lượng từ bi của Chúa. Lạy Chúa, xin đừng để tôi phải hổ ngươi vì đã kêu cầu Chúa.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực cứu độ để nuôi dưỡng chúng con; xin Chúa dùng sức mạnh dồi dào của bí tích này làm cho đức tin chân chính được tiến triển luôn mãi. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

SỐ PHẬN TIÊN TRI VÀ QUÊ HƯƠNG (Mc, 6, 1 – 6)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong cuộc sống đời thường, người ta vẫn hay nói: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”; hay: “Bụt chùa nhà không thiêng, thiêng Bụt chùa người”.

Hôm nay, Đức Giêsu bị chính đồng hương của mình khinh miệt. Chuyện kể rằng: sau một khoảng thời gian, Đức Giêsu công khai thi hành sứ vụ, hôm nay, Ngài trở về nơi chôn nhau cắt rốn để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Mặc dù lời dạy của Ngài thật khôn ngoan và uy quyền, thế nhưng với những người đồng hương, họ sẵn có tính kỳ thị, và chính từ đó, lòng họ trở nên chai lỳ. Họ nói với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?”.

Lối phản ứng trên đây cho thấy một sự lạnh nhạt, và không chấp nhận những giáo huấn của Đức Giêsu, mặc dù vẫn biết đấy là lời khôn ngoan!

Lối nói: “Con bà Maria” là lối nói kiểu khinh thường. Mẹ Maria cũng là người bình thường như ai, vậy thì một người vô danh tiểu tốt như thế không thể sinh ra một người con phi thường được, nên họ có đủ lý do để khước từ Đức Giêsu!

Trong cuộc sống của chúng ta, chắc cũng không thiếu những lối suy nghĩ như vậy! Một khi đã có sẵn trong lòng sự kỳ thị nào đó, thì nơi người ấy không có chút gì là tốt và chúng ta cũng không ngừng tìm mọi cách để làm cho họ không còn uy tín để làm việc…

Tại sao lại có những lối suy nghĩ xa lạ với Tin Mừng như thế? Thưa! Đơn giản là vì sự ích kỷ, đố kỵ, hẹp hòi và kiêu ngạo luôn luôn ngự trị trong lối nhìn và cách nghĩ của chúng ta, khiến ta không thể vượt ra xa và nhìn rộng để thấy tổng quát.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta không ngừng phấn đấu để vượt thắng những tham sân si đó, sống quảng đại và sẵn sàng đón nhận những giá trị tốt nơi người anh chị em chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con có cái nhìn của Chúa, để chúng con biết yêu thương không giới hạn và sẵn sàng đón nhận anh chị em mình như Chúa đã quảng đại đón nhận chúng con là con Chúa. Amen.
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH

Làm phép và kiệu nến

Hình thức 1: kiệu nến giáo dân tụ họp ngoài nhà thờ

Chủ tế chào giáo dân như thường lệ và đọc:

Anh chị em thân mến, cách đây bốn mươi ngày, chúng ta đã hân hoan cử hành lễ Chúa Cứu Thế giáng sinh. Hôm nay chúng ta mừng ngày Chúa Cứu Thế được Thân Mẫu và thánh Giu-se dâng cho Thiên Chúa Cha trong đền thánh.

Nhìn từ bên ngoài, ta thấy Người làm theo luật dạy, nhưng thực ra, qua biến cố này, Người đến gặp dân Người. Quả vậy, cụ già Si-mê-on và nữ ngôn sứ An-na, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã tới đền thánh. Cũng chính nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng mà các ngài đã nhận ra em bé Giêsu chính là Chúa của mình và hoan hỷ loan báo cho những người khác.

Phần chúng ta hôm nay cũng vậy, chúng ta đã được Chúa Thánh Thần quy tụ nơi đây, và chúng ta sẽ cùng nhau tiến về nhà Chúa gặp Ðức Ki-tô. Chắc chắn chúng ta sẽ gặp Người, sẽ nhận ra Người khi bẻ bánh, trong lúc đợi chờ Người trở lại vinh quang.

Làm phép nến:

Lạy Chúa là nguồn ánh sáng thật và là Ðấng tạo thành ánh sáng. Chúa đã chỉ cho cụ già Si-mê-on nhận ra Ðức Ki-tô chính là ánh sáng soi đường cho dân ngoại. Chúng con tha thiết nài xin Chúa ban phúc lành mà X thánh hoá những cây nến này. Xin nhận lời dân Chúa đang tụ họp, miệng ca mừng Thánh Danh, tay cầm đèn cháy sáng: Ước gì chúng con luôn thẳng đường ngay lối tiến đến cùng Ðức Ki-tô là ánh sáng chẳng bao giờ tàn lụi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Chủ tế thinh lặng rảy nước thánh.

Chủ tế nhận nến và bắt đầu đi kiệu, ngài nói:

Chúng ta cùng an vui tiến bước để chào đón Chúa Ki-tô.

Sau khi đi kiệu thì hát kinh vinh danh thánh lễ như thường

Hình thức 2: nghi thức nhập lễ trọng thể; giáo dân tụ họp trong nhà thờ.

Chủ tế đến nơi đã định ngoài cung thánh; chào khuyên, làm phép nến, đi kiệu như hình thức I.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, chúng tôi tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa, ngay trong đền thánh Chúa. Lạy Chúa, cũng như thánh danh Chúa, lời khen ngợi Chúa sẽ vang cùng cõi đất; tay hữu Chúa đầy đức công minh

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Con Một Chúa đã mang kiếp người phàm và hôm nay được tiến dâng trong đền thánh. Chúng con khiêm tốn nài xin Chúa cho tâm hồn chúng con cũng nên trong sạch hầu xứng đáng dâng mình trước thánh nhan. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ml 3, 1-4

“Ðấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, đến trong đền thánh Người”.

Trích sách Tiên tri Malakhi.

Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Ðây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta!” Lập tức Ðấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người. Chúa các đạo binh phán: “Này đây Người đến”. Ai có thể suy tưởng đến ngày Người đến, và có thể đứng vững để trông nhìn Người? Vì Người sẽ như lửa thiêu đốt, như thuốc giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi như thợ đúc và thợ lọc bạc, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi, và làm cho chúng nên sạch như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa và như những năm trước. Ðó là lời Chúa toàn năng phán.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 7. 8. 9. 10

Ðáp: Vua hiển vinh là ai vậy?

Xướng: Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên; vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu! để Vua hiển vinh Người ngự qua.

Xướng: Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy? Ðó là Chúa dũng lực hùng anh, đó là Chúa anh hùng của chiến chinh.

Xướng: Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự qua.

Xướng: Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy? Ðó là Chúa đạo thiên binh, chính Người là Hoàng Ðế hiển vinh. 

Bài Ðọc II: Dt 2, 14-18

“Người phải nên giống anh em mình mọi đàng”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 2,32

Alleluia, alleluia! – Ánh sáng đã chiếu soi muôn dân, và là vinh quang của Israel dân Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 2, 22-32 [hoặc 22-40]

“Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.

Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

“Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

[ Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”

Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người. ]

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn Con Một Chúa dâng mình cho Chúa như Con Chiên tinh tuyền để thế gian được sống. Xin cho của lễ Hội Thánh đang hoan hỷ tiến dâng cũng được Chúa chấp nhận. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Hôm nay, con Chúa, Ðấng hằng hữu, được dâng tiến trong đền thờ và được Chúa Thánh Thần công bố là vinh quang của Ít-ra-en và là ánh sáng soi đường cho muôn dân. Vì thế, khi vui mừng nghênh đón Ðấng Cứu Ðộ, chúng con hiệp với các Thiên thần và các thánh ca tụng Chúa mà không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chính mắt tôi đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đáp lại lòng mong đợi của ông Si-mê-on là không để ông lìa đời trước khi đón nhận Ðức Kitô. Xin cho bí tích thánh thể chúng con vừa lãnh nhận kiện toàn ơn Chúa nơi chúng con, và khi đến ngày đi gặp Ðức Kitô, xin cho chúng con được sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ÁNH SÁNG MUÔN DÂN 

LỄ DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THỜ (Lc 2, 22-32)

+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Từ truyền thống xa xưa, ngày lễ được cử hành vào ngày 2-2 dương lịch được gọi là “Lễ Nến”, bởi trong thánh lễ có nghi thức làm phép Nến. Có một thời, người ta coi ngày lễ này là lễ kính Đức Maria, dựa trên trình thuật của Thánh Luca về việc Đức Maria mang lễ vật dâng vào đền thờ, để được thanh tẩy như luật định. Từ năm 1969 lễ này không còn thuần ý nghĩa lễ dành kính Đức Maria, nhưng được đổi thành lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ, với mục đích quy hướng chúng ta về Chúa Giêsu, Đấng Thiên sai đã đến trần gian để cứu độ nhân loại

Khi gọi ngày lễ này là lễ “Dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ”, phụng vụ muốn nhắc tới sự kiện Đức Mẹ và Thánh Giuse thực hiện điều được quy định trong luật Môi-sen. Đây là những quy định chúng ta có thể đọc thấy trong sách Xuất Hành, sách Lêvi và sách ngôn sứ Isaia ( Xh 13,11-16; Lv 12,1-8; Is 88,14f;42,6). Nội dung những khoản Luật này nói về nghi thức dâng con đầu lòng cho Chúa vào thời điểm khoảng 40 ngày sau khi con trẻ được sinh ra. Nghi thức này vừa khẳng định những trẻ nam đầu lòng thuộc về Chúa, vừa là nghi thức thanh tẩy đối với người phụ nữ sau khi sinh. Bởi lẽ, theo quan niệm Do Thái xưa kia, sau khi sinh con, người phụ nữ trở thành “ô uế”.

Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng làm theo luật đã ghi chép, tức là đem Hài Nhi Giêsu dâng cho Chúa. Theo Thánh Luca, nghi thức dâng Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem theo luật định lại trở nên cuộc gặp gỡ kỳ diệu: Hai người đạo đức Ông già Simêon và Bà Anna được hạnh phúc bồng bế hài nhi Giêsu trên tay mình. Họ là những người từ nhiều năm hằng trông đợi Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa. Qua cuộc gặp gỡ này họ đã nhận ra hài nhi Giêsu là “ánh sáng cho mọi dân tộc” (Lc 2,22-40). Phụng vụ Kitô giáo diễn tả nghi lễ này như một cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với Dân của Người. Lần đầu tiên, Chúa Giêsu hiện diện trong Đền thờ, là trung tâm của Do Thái giáo, biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa Dân Ngài. Việc Chúa đến mở ra một giai đoạn mới trong chương trình cứu độ. Ngài sẽ trở nên ánh sáng muôn dân và thánh hóa con người. Người cũng làm cho những hy lễ dâng tôn thờ Thiên Chúa Cha mang một ý nghĩa mới. Đây cũng là điều chúng ta đọc trong Bài đọc I, trích sách ngôn sứ Isaia. Vị ngôn sứ đã thông báo: “Này đây Người đến. Khi Người đến, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi và làm cho chúng thanh sạch như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình”. Chúa Giêsu xuất hiện trong Đền thờ để thân thưa với Chúa Cha: “Này con đến để thực thi ý Chúa”. Sau này, Người còn đến Đền thờ nhiều lần, không phải để thi hành công việc tế tự, nhưng để thanh tẩy Đền thờ. Trong giáo huấn của Người, Chúa cũng kịch liệt lên án một thứ phụng tự chuộng hình thức, xa rời tình yêu và thiếu vắng thương xót, để kêu gọi mọi người hãy tôn thờ Chúa trong tinh thần và Chân lý.

Qua nghi lễ dâng Hài Nhi Giêsu dâng trong Đền thờ, Đức Maria và Thánh Giuse đã chu toàn những điều Luật dạy. Phụng vụ Kitô giáo cũng nhìn thấy ở đây sự hạ mình của Con Thiên Chúa. Đức Giêsu mang lấy thân phận con người và sống như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Tác giả thư Do Thái khẳng định: Chúa Giêsu trở nên giống như anh em mình mọi đàng, nhờ đó, Người trở thành vị Đại Giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa. Vì là người như chúng ta, Đức Giêsu cảm thông với chúng ta, chia sẻ những tâm tư của phận người, nâng đỡ những ai chịu thử thách và đem cho họ ơn niềm vui ơn cứu độ (Bài đọc II).

“Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israen Dân Chúa”. Đó là lời ca tụng của cụ già Simêôn. Lời ca tụng này diễn tả chủ đề chính yếu của Phụng vụ hôm nay. Chủ đề “Ánh Sáng” được nhấn mạnh trong phụng vụ lễ Giáng Sinh, Lễ Hiển Linh và Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa. Ngày hôm nay, một lần nữa, chủ để này lại được nhắc tới. Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian. Người đến để chiếu soi đêm tối nơi lòng người. Đó là đêm tối của hận thù, chia rẽ, tội lỗi và sự chết. Tác giả Tin Mừng thứ bốn giới thiệu với chúng ta: “Ngôi Lời là ánh sáng thậtánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Chính Chúa Giêsu khẳng định: “Chính tôi là ánh sáng cho trần gian, ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12). Người đã chữa cho người mù từ khi mới sinh, không chỉ con mắt thể lý, mà còn con mắt tâm hồn. Nhờ đó anh trở nên sáng mắt và sáng suốt nhận ra Người là Đấng Thiên sai và Đấng Cứu độ trần gian.

Năm 1997, thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng đã thiết lập lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ là ngày Quốc tế của đời sống thánh hiến, với ước nguyện những ai dấn thân sống đời tu trì trở nên giống Chúa Giêsu và trở thành ánh sáng cho trần gian.

Trở nên ánh sáng là ơn gọi của các Kitô hữu, như Chúa đã nói. Tuy vậy, những người sống đời thánh hiến lại tình nguyện sống triệt để lời gọi này qua việc khấn giữ ba nhân đức Phúc âm, đó là Khó nghèo, Khiết tịnh và Vâng lời. Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước, ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui. Ngài cũng khích lệ các tu sĩ nam nữ: anh chị em hãy đánh thức thế giới bằng đời sống thánh thiện và hy sinh của mình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai sống đời sống thánh hiến, biết tỏa sáng xung quanh bằng sự thánh thiện đơn sơ, với lòng yêu mến chân thành và nhiệt huyết tông đồ. Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em là ánh sáng thế gian…Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ nhìn thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Một câu chuyện do chính Mẹ Têrêxa kể lại: một ngày kia tại Melbourne, Úc, Mẹ đến thăm viếng một người đàn ông nghèo nàn không được một ai quan tâm đến. Ông ta sinh sống dưới tầng hầm, trong một căn phòng dơ dáy, hôi tanh, không có ánh sáng. Mẹ bắt đầu bằng việc thu dọn và sắp xếp lại căn phòng. Ban đầu, ông ta cự tuyệt:

– “Bà cứ để mọi sự như cũ. Tôi quen như vậy rồi”.

Dù thế, Mẹ vẫn cứ xúc tiến công việc dọn dẹp và gợi chuyện để nói với ông. Tình cờ, dưới một đống rác, Mẹ phát hiện ra một cây đèn dầu phủ đầy bụi bặm. Mẹ lấy cây đèn ra lau chùi, và nhận thấy nó khá đẹp. Mẹ nói với ông ta:

– “Ở đây, ông có một cây đèn rất đẹp. Sao ông không bao giờ thắp sáng nó lên vậy?”.

Người đàn ông này đáp:

– “Tôi không bao giờ thắp sáng cây đèn đó vì có ai đến thăm tôi đâu!”

Hai trong số các nữ tu của Mẹ Têrêxa bắt đầu thường xuyên đến thăm ông. Mọi sự dần dần được cải thiện đối với ông ta. Mỗi lần các nữ tu đến thăm, thì ông ta đều thắp đèn lên. Thế rồi một ngày kia, ông nói với các nữ tu:

– “Thưa các Sơ, kể từ nay, tôi có thể tự xoay sở được rồi. Xin nói dùm với người nữ tu đầu tiên đến thăm tôi rằng, ánh sáng mà bà đã thắp lên trong cuộc đời tôi hiện vẫn còn đang cháy sáng”.

Cây đèn bên ngoài đã được thắp lên, vì ngọn đèn trong tim ông đã sáng lên. Ánh sáng đó được truyền qua nhờ lòng nhân ái của Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ.

Lạy Chúa Giêsu là Ánh Sáng trần gian, xin cho chúng con tiếp nhận từ nơi Chúa ánh sáng thiêng liêng, để chúng con biết đường đi đến Chân Lý, đồng thời trở nên ánh sáng cho những người xung quanh. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây