TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

SNTM Chúa nhật 21 Thường niên -Năm B

Thứ sáu - 23/08/2024 04:23 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   108
“Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa”.

Chúa nhật 21 Thường niên -Năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN21TNb a4


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 6, 61-70).

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Ðiều đó làm các con khó chịu ư? Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các con có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các con rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa”.


Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXI Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 

 

Suy niệm

Khi mọi nhu cầu cuộc sống được đong đầy, con người cảm thấy hạnh phúc, cảm giác đó luôn tạo sự hưng phấn cho mọi sinh hoạt, nhưng đồng thời cảm giác đó cũng có thể đem lại sự chán chường vì quá đủ đầy. Đám đông dân chúng cũng như các môn đệ trong đoàn người theo Thầy Giesu, được yêu thương, được dạy dỗ, được hướng dẫn để tìm đến một thứ lương thực trường sinh, đó là Bánh Hằng sống. Lời nói diễn tả một thực tại, nghe nói đến bánh, họ liên tưởng đến nhu cầu ăn uống, nghe nhắc đến Bánh Hằng sống, nhưng họ không thể cầm trên tay tấm bánh, bởi Ngài muốn nói về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của con người, trong mọi sinh hoạt, trong tư duy cuộc sống và cả trong mối tương quan tình người. Trước sự chán chường vì nghe quá nhiều bài giáo huấn có chút gì đó hư hư thật thật, một số môn đệ và dân chúng tỏ thái độ không hài lòng và rút lui. Sự thật dễ làm mất lòng người.

Sau những ngày sống trong tâm trạng sung sướng, hạnh phúc của bầu trời tự do, dân Do-thái bắt đầu lân la tới các dân tộc chung quanh để tạo tương quan, bên cạnh đó, họ cũng tìm tới những sinh hoạt tôn giáo của các dân ngoại bang. Trước những lời mời gọi đường mật, dân chúng bắt đầu tỏ thái độ với chính tôn giáo của tiền nhân, vì thế, ông Gio-suê đã tập hợp họ lại, đề nghị họ đưa ra quyết định cho bản thân và gia đình, chọn Thiên Chúa hay các thần ngoại bang: “Trong những ngày ấy, Gio-suê triệu tập tất cả các chi tộc lại ở Si-kem, rồi gọi các kỳ lão, các thủ lãnh gia tộc, quan án, sĩ quan đến, và họ đứng trước mặt Thiên Chúa. Gio-suê liền nói với toàn dân như thế này: “Nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn: hôm nay, các ngươi hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai hơn: hoặc là các thần cha ông các ngươi đã tôn thờ ở Mê-sô-pô-ta-mi-a, hoặc các thần của người xứ A-mô-rê, nơi các ngươi đang ở. Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa”. Niềm tin tôn giáo nơi mỗi người do chính bản thân chọn lựa và vun đắp nên, chứ không thể dựa vào đám đông hay sức mạnh của thế gian, vật chất hay địa vị xã hội. Hãy có những chọn lựa cho niềm tin của mình khi còn có những cơ hội trước mắt, dù họ được gọi là dân riêng của Thiên Chúa.

Sau những bài giáo huấn về của ăn đời đời, dân chúng bắt đầu tỏ thái độ, thay vì vui thích, sung sướng, thì họ thấy chán nản, lời nói nghe chói tai, ngay cả các môn đệ, những học trò thân tín theo Thầy bấy lâu cũng thế. Họ đã rút lui, đi theo một chọn lựa mới, một chọn lựa thực dụng và hiệu quả cho cuộc sống hiện tại: “Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Ðiều đó làm các con khó chịu ư? Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các con có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các con rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa”. Những chọn lựa đến từ tinh thần, đến từ sự khôn ngoan đích thực, luôn đem lại lợi ích cho con người hôm nay và ngày mai, còn những chọn lựa đến từ tính hiệu quả thực tại, chỉ đem lại những lợi ích hiện tại nhưng đánh mất phần phúc trong tương lai. Một chọn lựa sai lầm dù có tính toán và cân nhắc.

Thánh Phaolo đã dùng một hình ảnh rất thực để diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, đó là bức tranh tình yêu trong hôn nhân. Tương quan vợ chồng không chỉ là tương quan thực dụng, nhưng là tương quan khắng khít và trọn đời, vì thế, cần có sự tôn trọng và yêu thương nhau, tôn trọng vị thế của người mình yêu: “Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Ðức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Ðức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Ðấng Cứu Chuộc thân thể mình... Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh, để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền”. Một tình yêu đến từ sự thủy chung, một tình yêu đến từ sự trân trọng và yêu thương sẽ giúp cho tình yêu đó lên ngôi và đem lại nhiều hạnh phúc và niềm vui cho bản thân và người mình yêu. Thiên Chúa vui thích ở giữa dân người và con người vui sướng khi được Thiên Chúa yêu thương và bảo vệ trên mọi nẻo đường cuộc đời.

Thiên Chúa yêu con người nên Ngài đã cúi xuống, hiện diện bên cạnh con người, Ngài không tính toán, không sợ mất vinh quang và cũng không sợ mất quyền năng khi yêu thương và cúi xuống với con người, trái lại, Ngài còn mời con người đưa tay lên cho Ngài nắm để dắt đi trong cuộc đời, ở lại bên cạnh con người, tăng thêm nguồn sống thiêng liêng cho con người, đặc biệt là giúp họ vượt qua những chặng đường đêm tối đức tin. Ngài còn muốn hòa quyện vào trong từng nhịp sống, từng hơi thở của con người, đưa con người lên một địa vị mới đó là nghĩa tử của Thiên Chúa. Sự sống của Thiên Chúa là sự sống siêu nhiên, vô hình, vì thế, khi sự sống vô hình đó thẩm thấu vào cuộc đời con người, hơi thở và những nhận thức của con người, có phải là lúc con người đang đón nhận một thứ bánh trường sinh, thứ bánh đem lại cho họ sự sống đời đời ngay từ hôm nay và trong đời sống mai sau không.

Thiên Chúa luôn tôn trọng sự tự do chọn lựa của con người, Ngài luôn mong con người được hạnh phúc và bình an, thế nhưng, con người lại dựa vào sự tự do của mình để có những chọn lựa theo suy nghĩ và tính toán rất riêng, vì tính thực dụng, vì chủ nghĩa cá nhân, vì nhiều trào lưu xã hội đang tác động trực tiếp, nên con người cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa như thế là mất tự do, vì thế, họ đã bày tỏ thái độ là chán chường, là chói tai, là mệt mỏi, nặng nề, để rồi đi tìm một lối nẻo khác cho bản thân. Dù đó là người môn đệ thân tín, đã theo Thầy từ lâu, đã được chỉ dạy những gì cần thiết, nhưng họ chưa ra khỏi giới hạn của một tạo vật, chưa thoát khỏi chất người trong thâm tâm. Họ đã bỏ Thầy ở lại và ra đi. Thiên Chúa rất buồn khi con người bỏ Ngài ra đi, dẫu biết thế nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương họ, chỉ mong họ suy nghĩ lại và trở về để tha thứ, để yêu thương và để cứu chuộc họ.

Phận làm con người, được tạo dựng trong tình yêu, được nuôi dưỡng trong tình yêu và được cứu độ trong tình yêu, nhưng họ chưa cảm nhận được chiều sâu nội tâm của tình yêu tự hiến đó, vì thế, khi những bài giáo huấn của Đức Giesu không đem lại lợi ích thực tế, họ đã ra đi. Người môn đệ của Đức Giesu hôm nay cũng đang đi vào vết xe đổ ngày xưa đó, tính thực dụng, lòng tham lam, chủ nghĩa cá nhân và cái tôi quyền lực đã đẩy họ vào chỗ chia tay với Thiên Chúa. Nhu cầu hiện tại không được đáp ứng, niềm vui theo đạo không được khen thưởng, cố gắng phục vụ không có ai nhìn nhận, học hỏi giáo lý không tìm thấy ánh sáng hy vọng cho ngày mai, tất cả như là ảo giác, thế là người học trò đó đã ra đi, đã chạy theo tiếng gọi của thế gian, chạy theo danh vọng và sức hút của vật chất, hơn nữa còn để mình bị cuốn vào vòng xoáy của một xã hội thực dụng, coi vật chất hơn giá trị của một con người. Thiên Chúa đang phải nhận chịu một nỗi buồn vô tận khi từng ngày chứng kiến sự lạnh nhạt của con người.

Lạy Chúa, lời Chúa đem lại cho con người những lối nẻo hy vọng cho cuộc sống, nhưng con người cho rằng đó là những gì chưa cần thiết với họ hiện tại, xin tha thứ cho sự nông cạn của con người, xin tha thứ cho sự giới hạn thực dụng của con người, để chúng con cố gắng cất bớt những nỗi đau Chúa đang nhận chịu vì chúng con. Chúa luôn mong con người đừng bỏ Ngài để họ được hạnh phúc hôm nay và được sống mai sau, nhưng con người quá tính toán hơn thua, đã bỏ ngoài tai những lời chỉ dạy, chạy theo cuộc sống, xin Chúa đánh thức lương tâm chúng con, lay động trái tim chai cứng của mỗi người, để chúng con biết thức tỉnh khi còn đủ thời giờ trở về với Chúa, một người Cha đang đợi chờ con người trở về để ôm lấy, để tha thứ và để yêu thương. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây