TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 28/08/2024 14:30 |   136
“Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông… Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Lc 4,31-37)

03.09.2024
THỨ BA TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
Thánh Grêgôriô Cả, Giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh

t3 t22 TNb

Lc 4,31-37


lời uy quyền
“Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông… Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Lc 4,31-37)

Suy niệm: Mọi người ở hội đường sửng sốt về cách giảng dạy đầy uy quyền của Chúa Giê-su. Khác với các kinh sư, Ngài không trích dẫn các bậc thầy nổi tiếng, nhưng đưa ra ý kiến độc lập và tích cực của mình về vấn đề giải thích và áp dụng Luật. Lời uy quyền ấy lại được minh chứng bằng phương cách trừ quỷ độc đáo. Trong khi các thầy trừ quỷ xua đuổi quỷ bằng các câu thần chú, lời gào thét, hoặc nghi lễ có tính ma thuật, Ngài chỉ cần một lời, lời ngắn gọn, nhưng đầy sức mạnh, đã khiến quỷ phải vâng phục. Phản ứng yếu ớt của quỷ -kêu la van nài- cho thấy chúng hiểu rằng khi Đấng Thánh xuất hiện, chúng chỉ còn một con đường tháo lui. Quả vậy, ánh sáng và tự do của Đấng Thánh này đi đến đâu, bóng tối và sự áp chế của ma quỷ trên con người lùi bước đến đấy.

Mời Bạn: Bạn vẫn ở dưới trướng của ma quỷ khi lòng bạn bị “ám” bởi của cải, hưởng thụ, danh tiếng, lòng ham mê nhục dục, quyền hành thống trị. Bạn hãy để Lời đầy uy quyền của Ngài khu trừ những thứ “quỷ ám” của thời đại, để tâm hồn, gia đình bạn… thật sự là nơi Chúa ngự trị.

Sống Lời Chúa:  Tôi xin Chúa Thánh Thần giúp mình nhận dạng những hình thức “quỷ ám” đang thống trị tâm hồn mình. Bạn đến với bí tích hoà giải để lời uy quyền của Chúa xua đuổi ma quỷ khỏi tâm hồn bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dựa vào sức mạnh Lời Chúa. Xin dùng Lời uy quyền của Chúa để xua trừ khỏi lòng chúng con sự ích kỷ, lòng oán hờn, tính tham lam, thói hưởng thụ, là những thói xấu cho thấy ma quỷ đang thống trị tâm hồn chúng con. Amen.

Ngày 3: Lạy Chúa! Đời người là một hợp đồng trọn gói: niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau… tất cả chỉ bán chung một gói, không thể mua riêng từng thứ được. Cuộc đời như những chuyến xe, người lên, người xuống, người đi, người về. Lúc hội ngộ, lúc phân ly, nụ cười tiếng khóc, có khi vui buồn. Trần gian chỉ là quán trọ, chúng con chỉ là lữ khách qua đường, xin cho chúng con thôi: oán thù, tranh giành, hơn thua… Mọi sự rồi sẽ qua đi, chỉ có một mình Chúa là vững bền mãi mãi. Xin cho chúng con biết đầu tư vào Chúa để không bao giờ bị thất vọng. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN


Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày; Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu, khoan dung và giàu lượng từ bi đối với những ai kêu cầu Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Chúng con cầu xin..

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tx 5, 1-6. 9-11

“Người đã chết vì chúng ta, để chúng ta cùng được sống với Người”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, về thời nào và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối. Khi người ta nói rằng: “Yên ổn và an toàn”, thì chính lúc đó, tai hoạ thình lình giáng xuống trên họ, như cơn đau đớn xảy đến cho người mang thai và họ không sao thoát khỏi. Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt chợt anh em như kẻ trộm, vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày; chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ.

Vì Thiên Chúa không đặt để chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng là để chúng ta chiếm lãnh ơn cứu độ nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chết vì chúng ta, để dù thức hay ngủ, chúng ta được cùng sống với Người. Bởi đấy, anh em hãy an ủi nhau, hãy lo xây dựng cho nhau, như anh em vẫn thường làm.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14

Ðáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh

Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?

Xướng: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. .

Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa!

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 2, 10b-16

“Con người xác thịt không hiểu được những sự thuộc về Thánh Thần của Thiên Chúa, còn con người thiêng liêng đoán xét được mọi sự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Thánh Thần thấu suốt mọi sự, cả những điều thâm sâu của Thiên Chúa. Vì ai trong loài người biết được những sự thuộc về con người, nếu không phải là thần trí của con người ở trong người ấy? Cũng vậy, không ai biết được những sự thuộc về Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa? Phần chúng ta, chúng ta đã không nhận lãnh tinh thần thế tục, nhưng nhận lãnh Thánh Thần bởi Thiên Chúa, để chúng ta nhận biết những sự Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Những điều đó, chúng tôi giảng dạy không phải bằng những lời khôn ngoan của loài người, nhưng bằng giáo lý của Thánh Thần, giãi bày những điều thiêng liêng cho những người thiêng liêng. Con người xác thịt không hiểu được những sự thuộc về Thánh Thần của Thiên Chúa, bởi nó cho là điên rồ và không thể hiểu biết được, vì điều đó phải được xét đoán theo cách thiêng liêng. Còn con người thiêng liêng đoán xét được mọi sự, và kẻ ấy không bị ai đoán xét. Vì nào ai biết được tư tưởng của Chúa, để dạy dỗ Người? Nhưng phần chúng ta, chúng ta có tư tưởng của Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 8-9. 10-11. 12-13ab. 13cd-14

Ðáp: Chúa công minh trong mọi đường lối (c. 17a).

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.

Xướng: Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng, và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ.

Xướng: Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên.

Alleluia: 1 Ga 2, 5

Alleluia, alleluia! – Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”)

Phúc Âm: Lc 4, 31-37

Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: “Hãy câm đi và ra khỏi người này”. Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó. Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: “Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra”. Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho của lễ này đem lại cho chúng con muôn vàn ơn phúc, để mầu nhiệm cứu độ chúng con cử hành trong thánh lễ thấm nhập và đổi mới cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những ai kính sợ Ngài.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con đã được bồi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc; xin cho Bí Tích này giúp chúng con thêm lòng yêu mến, và thúc đẩy chúng con hết lòng phục vụ Chúa trong anh em. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA CHỮA NGƯỜI BỊ QUỶ ÁM (Lc 4, 31-37)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau khi rời bỏ quê nhà Na-da-rét, Chúa Giêsu đi tới Ca-phác-na-um, là thành phố nằm sát bờ biển hồ Ti-bê-ri-a, hôm nay thánh Lu-ca giới thiệu cho chúng ta sức thu hút và lời uy quyền của Đức Giê-su. Trước lời giảng dạy của Đức Giê-su, dân chúng kinh ngạc, lạ lùng về giáo huấn của Người. Cũng chính Lời Người có sức mạnh mà thần ô uế phải khuất phục và ra khỏi bệnh nhân. Vì Đức Giê-su là Thiên Chúa nên Lời của Người có sức cảm hóa phi thường.

2. Tin Mừng hôm nay ghi lại phản ứng của dân thành Ca-phác-na-um khi họ nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến việc Người xua trừ ma quỷ. Trong khi các luật sĩ chỉ nói suông trên tòa và đặt gánh nặng lên vai người khác, thì Chúa Giê-su cư xử hoàn toàn khác: Ngài vừa giảng dạy, vừa làm phép lạ, vừa tỏ tình liên đới vừa chia sẻ với tất cả ưu ái, cảm thông. Sứ điệp của Ngài không chỉ là lời tuyên bố từ tòa cao, mà là tất cả con người Ngài. Uy quyền của Ngài phát xuất từ sự duy nhất giữa lời nói và hành động, và đó cũng chính là uy quyền của Thiên Chúa. Ngay từ trang đầu Kinh Thánh, Thiên Chúa đã tự mạc khải như Đấng phán một lời liền có trời đất muôn vật. Lời Thiên Chúa là lời hữu hiệu, là lời đưa đến hành động (Mỗi ngày một tin vui).

3. Trong cách đánh giá thông thường, một người được xem là có uy tín khi tài năng và đức độ của người đó được nhìn nhận. Lời nói của một người có uy tín có sức thuyết phục người khác; việc làm của một người có uy tín có thể tạo được niềm tin nơi người khác. Nói chung, nơi một người có uy tín, lời nói và việc làm  thường đi đôi với nhau, hoặc việc làm và cuộc sống có giá trị thuyết phục và lôi kéo.

Chúa Giê-su giảng dạy như Đấng có uy quyền là bởi vì Ngài chỉ giảng dạy những gì Ngải đã sống và sống những gì Ngài rao giảng. Lời nói của Ngài lại được củng cố bởi cuộc sống và những việc làm của Ngài. Đây chính là uy quyền mà Chúa Giê-su đã mặc cho Giáo hội. Giáo hội chỉ thực sự thể hiện được uy quyền của Chúa Giê-su, khi Giáo hội sống và rao giảng những gì Chúa Giê-su đã sống và rao giảng. Giáo hội chỉ thực sự thể hiện được bộ mặt đích thực của mình, khi sống phục vụ. Càng thể hiện được bộ mặt ấy, Giáo hội càng tỏ ra một sức mạnh có sức đạp đổ mọi thứ khí giới và xiềng xích của sự dữ, và trở thành chỗ dựa cho mọi người.

4. Nhiều người thán phục về những lời giảng dạy đầy uy quyền của Chúa Giê-su. Nhưng quyền uy đó không đến từ chiêu thức mị dân của các nhà chính trị: tung tiền bạc, cho cơm bánh để mua chuộc sự ủng hộ. Lời Chúa quả thật có sức mạnh xua đuổi được ma quỷ. Lời Ngài phán ra bệnh nhân được chữa lành. Ngay cả khi Chúa cho đám đông hàng nghìn người được ăn no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá. Ngài cũng đã rao giảng Lời Chúa cho họ, và Ngài còn cảnh báo họ đừng tìm kiếm Ngài để chỉ có của ăn mau hư nát mà hãy đến với Ngài để lãnh nhận được Lời ban sự sống đời đời. Quả thật, Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Lời đã sáng tạo vũ trụ càn khôn, là Sự Thật và là Sự Sống dẫn đưa nhân loại đến với Chúa Cha là nguồn mạch của sự sống đời đời (5 phút Lời Chúa).

5. Một lần nọ, khi đi ăn với vài người bạn ở nhà hàng, tôi làm Dấu Thánh Giá theo thói quen. Hành động của tôi lọt vào mắt của họ. Ngay tức khắc, họ xôn xao bàn tán và hỏi: “Bạn làm gì đó, vẽ bùa hả”? Tôi cười và đáp: “Mình làm Dấu Thánh Giá”. Sau đó, tôi giải thích cặn kẽ ý nghĩa và giá trị cao quý của Dấu Thánh Giá. Thế là họ hiểu ra và không bàn tán nữa. Từ đó, mỗi lần đi ăn với họ, khi tôi làm Dấu Thánh Giá, họ im lặng tôn trọng.

Nhiều người tín hữu hôm nay xem nhẹ những kiểu tuyên xưng đức tin đơn giản như thế. Có lẽ vì họ ngại ngùng trước cái nhìn soi mói của người khác, hoặc sợ bị coi là lạc hậu, cổ hủ, hay mê tín, thậm chí,  họ sợ bị “khen” là con chiên ngoan đạo nữa.

Tuy nhiên, với người yêu mến Thiên Chúa đích thực, việc tuyên xưng danh Chúa lại là một niềm tự hào: Tự hào vì có Chúa trong mình, tự hào vì là con cái Chúa (Học viện Đa-minh).

6. Truyện: Tìm người để phụng sự.

Truyền thuyết kể lại rằng: Christophe là một người có vóc dáng cao lớn vạm vỡ. Vốn dĩ sinh ra trong một gia đình không Công giáo. Chàng chỉ ấp ủ một hoài bão lạ lùng là tìm cho được một vị quân vương cao cả nhất để tuyệt đối tuân lệnh và phụng sự suốt đời.

Thế rồi chàng tìm gặp được một vị vua có tiếng là oai phong lẫm liệt nhất trong vùng. Chàng vui mừng vì ngỡ đã tìm được chủ theo ước nguyện. Nhưng rồi không ngờ, một hôm, chàng đã vô tình bắt gặp nhà vua ấy đang run rẩy quỳ lạy tại một đền miếu thờ quỷ thần.

Chàng liền bỏ đi ngay lập tức, với quyết tâm sẽ tìm được một ma vương quỷ thần nào đó có đủ quyền phép để theo làm nô lệ. Tức khắc, ma quỷ hiện ra và dẫn dụ chàng rảo bước khắp cánh đồng mênh mông rộng lớn.

Bất chợt, ma quỷ giáp mặt với một cây Thập Giá dựng lên sừng sững ở một ngã tư đường ruộng theo phong tục của người dân Công giáo vùng ấy. Ma quỷ hoảng sợ, lấm lét nhìn Thập Giá rồi bỏ chạy mất dạng!

Chàng trai thấy vậy, liền dứt khoát từ bỏ không thèm theo ma quỷ nữa, mà đứng lại trước Thập Giá, ngắm nhìn pho tượng Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên đó thật lâu, rồi chàng quyết tâm từ nay sẽ đi theo.

Tình cờ có một Linh mục quản xứ nhà quê đi qua, Ngài dừng lại, cảm động trước lời thề nguyền ngây thơ và hồn nhiên của một chàng trai vạm vỡ to cao như thế, cha bước lại gần và bắt chuyện hỏi han sự tình.

Sau một thời gian ngắn, chàng trai chất phác mộc mạc ấy đã xin cha cho học đạo và chịu bí tích Thánh tẩy. Sau này, Christophe đã phụng sự Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, để rồi khi cuộc bách hại đạo tràn đến, chàng đã được phúc chết vì đạo để chứng minh cho mối tình thắm thiết và thủy chung của mình với Thiên Chúa.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Grêgôriô Cả, Giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh

 

Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa luôn hướng dẫn và âu yếm chăm nom đoàn dân Chúa, xin nhận lời thánh Ghê-gô-ri-ô chuyển cầu, mà ban thần trí khôn ngoan cho các vị mục tử Chúa đã đặt làm đầu Hội Thánh, và ban cho các ngài được niềm vui vì thấy đoàn chiên phát triển không ngừng. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, này chúng con đang họp mừng lễ thánh Ghê-gô-ri-ô Cả. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và chấp nhận của lễ chúng con dâng tiến. Chính Chúa đã muốn dùng hiến lễ này để xoá bỏ tội lỗi trần gian, xin cũng ban cho chúng con nhờ của lễ ấy được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng bánh trường sinh là Ðức Kitô, xin cũng nhờ Ðức Kitô là thầy mà giáo huấn chúng con. Nhờ thế, chúng con sẽ noi gương thánh Ghê-gô-ri-ô để lại mà học biết chân lý của Chúa và đem ra thực hành bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ thánh Grégoire cử hành vào ngày Người được chọn làm giám mục ngày 3 tháng 9 năm 590 tại đền thánh Phê-rô ở Roma sau khi được bầu làm giáo hoàng.

Grégoire là chắt của Đức giáo hoàng Félix (+ 492), sinh tại Roma vào khoảng năm 540, thuộc gia đình dòng nghị sỹ Anicii. Thân phụ Ngài, ông Gordien, là nghị viên, thân mẫu là thánh nữ Sylvie, các bà cô là thánh nữ Tharsilla và thánh nữ Emiliana (Tarsille và Émilienne). Từ năm 573 đến 578, Ngài là thị trưởng thành phố Roma; sau khi thân phụ qua đời, cảm thấy đời tu lôi cuốn, Ngài giã từ công việc, biến ngôi nhà gia đình ở Coelius thành tu viện, sống như tu sỹ, theo luật dòng thánh Biển Đức. Ngài cũng thành lập sáu tu viện khác trên các lãnh địa của mình ở Sicile. Năm 579, Đức giáo hoàng cho Ngài thụ phong phó tế rồi sau làm sứ thần tại Constantinople; trong vòng sáu năm. Tại đây, Ngài bắt đầu chú giải Sách Gióp theo đề nghị của các tu sỹ Ngài đem từ Roma và cùng sống với Ngài.

Trở về Roma năm 586, thánh Grégoire tiếp tục đời tu dòng. Nhưng năm 590, sau cái chết của Đức giáo hoàng Pélage II vì dịch hạch, Ngài được cả nghị viện, hàng giáo sỹ và dân chúng tôn làm giáo hoàng. Lúc này thành phố còn bị tàn phá bởi dịch hạch, nạn đói đe dọa, lũ lụt sông Tibre hoành hành. Để lấy lại tinh thần dân chúng, Đức tân giáo hoàng tổ chức các cuộc kiệu, những buổi cầu nguyện trọng thể và đồng thời đảm trách việc tiếp tế lương thực cho thành phố. Chuyện kể rằng thời đó có một thiên thần hiện đến với đức Grégoire báo tin sắp hết dịch bệnh ở Roma.

Dù có ơn gọi sống đời chiêm tu, thánh Grégoire cũng là bậc thầy về linh đạo, là con người của hành động, nhà cai trị tài ba (người ta sẽ gọi Ngài là người La mã cuối cùng) và nhà chính trị sắc xảo. Được bầu làm giáo hoàng ngoài ý muốn, Ngài biến Giáo hội Roma thành lực lượng chính của phương Tây. Ngài tổ chức lại, khôi phục “di sản thánh Phêrô” trải dài đến tận Sicile và trong khi lo chống đối các dân man di, Ngài thương lượng ký kết một hoà ước với quân Lombardo đang đe dọa Roma. Về Hội Thánh, Ngài phục hồi trật tự, kỷ luật, chứng tỏ uy quyền; tại châu Phi, Ngài can thiệp vào vụ giáo phái Donatus; tại Tây Ban Nha, Ngài chống lại lạc giáo Arius; ở xứ Gaule, Ngài tái lập vị trí trưởng giáo khu cho Arles. Đức giáo hoàng Grégoire cũng can thiệp sang phương Đông chống lại hoàng đế Manrice không chấp thuận cho các quân nhân và cộng chức thụ phong linh mục, chống lại Đức Constantinople tự xưng là “oecuménique” gây xúc phạm đến tư cách cũng như quyền lợi của các thượng phụ khác.

Vị giáo hoàng không hề mỏi mệt này mặc dầu sức khỏe mỏng dòn, đã cai quản Hội Thánh trong mười bốn năm. Mặc dầu vào những năm cuối đời có yếu đi và không thể cử động, Ngài vẫn tiếp tục giáo huấn dân chúng bằng những bài giảng dọn cẩn thận và giao cho một giáo sỹ đọc. Ngài qua đời ngày 12 tháng 3 năm 604, thọ sáu mươi ba tuổi. Vị giáo hoàng đã chọn tước hiệu Servus servorum Dei (Tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa) nầy, tước hiệu được các đấng kế vị gỉư lại. Ngài thật xứng đáng với tước hiệu “Vĩ đại” mà Đức Boniface VIII đặt cho. Xác Ngài được tôn kính tại Đền thờ thánh Phêrô ở Vatican. Mộ chí gọi Ngài là Consul Dei (nghị viên của Chúa).

Thông điệp và tính thời sự

Hai lời nguyện thánh lễ lấy từ Sách các phép thánh Grégoire, vốn đã được chọn làm nền tảng cho sách lễ Roma; sách Các phép này người ta nói là do thánh Grégoire, nhưng có lẽ có từ thời Đức Grégoire II (715 – 737).

Lời nguyện trong ngày cầu xin Chúa ban “Thần trí khôn ngoan của Chúa cho những ai có trách nhiệm dẫn dắt Giáo hội”. Trong bản Quy luật mục vụ, thánh Grégoire phác thảo các bổn phận của giám mục, cũng như trong bài giảng về Ezéchiel (Phụng vụ bài đọc trích dẫn), thánh nhân mô tả nhiệm vụ “người trinh sát”. “Người trinh sát luôn đứng trên cao để nhìn được những gì từ xa sắp xảy đến. Tất cả những người trinh sát đều phải đứng cao trên cuộc đời mình để có thể giúp đỡ, nhờ sự cảnh giác của mình… Quả thế, tôi buộc lòng phải xem xét đến khi thì những công việc của Giáo hội, lúc của các tu viện, và thường phải xét đoán về đời sống cũng như hành vi các cá nhân, khi phải bận tâm lâu ngày dài tháng về một số vấn đề dân sự, lúc khác nữa phải đau đớn trước những đợt tấn công gây chết chóc của những dân man di và lo sợ những đàn sói đang đe dọa đàn chiên Chúa giao phó cho tôi. Có lần tôi buộc lòng sử dụng một số biện pháp để khỏi thiếu sự trị liệu… lần khác tôi phải kiên nhẫn cam chịu những vụ cướp bóc và lần khác nữa phải ra mặt chống đối lại chúng hầu giữ được tình bác ái” (Bài giảng về Ezechiel 1, 11, 4 – 6). Lời nguyện hiệp lễ nhấn mạnh giáo huấn của Chúa như là nguồn mạch chân lý tình yêu – Quả thế, Đức giáo hoàng Grégoire, trong một bức thư, đã viết rằng người ta có thể “hiểu rõ tấm lòng Chúa qua trung gian các lời của Người”. Lúc khác, thánh nhân nói: “Lời Chúa phát triển cùng với kẻ đọc nó”. Nhưng lời Chúa chỉ có thể hiểu trọn vẹn trong Giáo hội: “Kinh nghiệm cho thấy thông thường tôi được nhiều điều về lời Chúa khi cùng với anh em hơn, những điều tôi không sao hiểu nổi một mình; chính anh em giúp tôi học được những gì lời dạy anh em. đây là sự thật, là: nhiều khi tôi chỉ nói lại những gì tôi đã nghe từ chính anh em” (Bài giảng về Ezechiel 2, 2, 1).

Một khía cạnh khác trong công việc mục tử của Ngài, đó là lòng nhiệt thành truyền giáo. Chính Ngài đã sai bốn mươi tu sỹ Biển Đức sang quần đảo nước Anh, với sự hướng dẫn của tu sỹ Augustin sau sẽ là tổng giám mục Cantorbery đầu tiên. Việc này đã giúp Kitô giáo phát triển sang Anh quốc, đồng thời cũng là cơ hội cho bản kỷ luật dòng Biển Đức rực chiếu trong nhiều nhà dòng sẽ được xây dựng hầu khắp châu Âu.

Chăm lo cho đàn chiên mà Thánh Thần giao phó trách nhiệm (Đáp ca trong Phụng vụ bài đọc), thánh Grégoire vừa soi sáng vừa xây dựng Giáo hội – khi vạch nét căn bản cho thần học luân lý truyền thống trong một nền giáo lý thánh kinh, thánh Grégoire mãi mãi là gương mẫu cho Giáo hội mọi thời.

Enzo Lodi
 

XIN BAN THẦN KHÍ KHÔN NGOAN
(LỄ THÁNH GHÊGÔRIÔ CẢ 03/09)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB


Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Ghêgôriô Cả hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa luôn hướng dẫn và âu yếm chăm nom đoàn Dân Chúa, xin nhậm lời thánh Ghêgôriô chuyển cầu, mà ban thần trí khôn ngoan cho các vị mục tử Chúa đã đặt làm đầu Hội Thánh, và ban cho các ngài được niềm vui vì thấy đoàn chiên phát triển không ngừng. Thánh nhân sinh quãng năm 540 tại Rôma. Người theo con đường công danh, nhưng đã từ chối chức thái thú Rôma. Người gia nhập đan viện và sau khi làm phó tế, người nhận nhiệm vụ sứ thần Côngtăngtinốp. Ngày 03 tháng 09 năm 590, người được chọn làm người kế vị thánh Phêrô suốt mười bốn năm phục vụ Hội Thánh (590-604). Dầu sức khỏe không dồi dào, người đã tận tụy chu toàn bổn phận, giúp đỡ người nghèo, củng cố và truyền bá đức tin. Người đã biên soạn nhiều tác phẩm về luân lý và thần học. Hoạt động của người được nuôi dưỡng nhờ chiêm niệm. Người qua đời ngày 12 tháng 03 năm 604.

Xin ban thần trí khôn ngoan cho các vị mục tử, để các ngài can đảm đối mặt với những loại trừ, chống đối, khi thi hành sứ mạng, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, nỗi lòng của ngôn sứ Giêrêmia, buồn sầu và lo âu đến cùng cực, ông chẳng còn hy vọng gì vào cuộc sống, nhưng, một ngọn lửa vô cùng mạnh mẽ thiêu đốt lòng ông, khiến ông tiếp tục hoàn thành sứ mạng. Con phải chịu bao lời đàm tiếu, bao nỗi kinh hoàng, từ những người thân tín, họ đang rình rập con. Họ nói: Ta hãy đánh lừa nó, và ta sẽ thắng nó. Con nghe thấy những lời độc địa của bao người: nhìn chung quanh, toàn những điều khủng khiếp. Chúng toa rập chống con, và mưu toan lấy mạng, nhưng lạy Đức Chúa, Ngài ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng.

Xin ban thần trí khôn ngoan cho các vị mục tử, để các ngài ngày càng yêu mến Chúa, mà không quản ngại nói về Chúa cho mọi người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Cả nói: Dù tôi bất xứng, thì Đấng tạo dựng và cứu chuộc loài người vẫn có khả năng ban cho tôi cả đời sống cao quý lẫn tài nói năng thuyết phục, bởi lẽ, vì yêu mến Người mà tôi không quản ngại nói về Người… Từ Kinh Thánh, người rút ra bao lời giáo huấn sâu xa, mở đường cho nguồn mạch Tin Mừng tưới gội khắp mọi dân. Như phượng hoàng dang cánh, lòng bác ái của thánh nhân bao bọc chở che hết mọi người. Người tiếp tục lên tiếng sau khi đã nhắm mắt lìa đời.

Xin ban thần trí khôn ngoan cho các vị mục tử, để các ngài đón nhận sự khôn ngoan của thập giá, và lấy lòng nhân hậu chăm sóc đoàn chiên, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ, nhưng con người sống theo Thần Khí thì xét đoán được mọi sự. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 144, vịnh gia đã cho thấy: Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Trong bài Tin Mừng, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Vị ngôn sứ vĩ đại, là Đấng Thánh của Thiên Chúa đã xuất hiện. Người là vị Mục Tử Nhân Lành, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đoàn chiên. Người luôn hướng dẫn và âu yếm chăm nom đoàn Dân Chúa. Ước gì các vị mục tử biết noi gương vị Mục Tử Nhân Lành và thánh Ghêgôriô: biết xả thân vì đoàn chiên, biết hướng dẫn đoàn chiên bằng sự khôn ngoan của thần trí, hầu, đoàn chiên Chúa không ngừng phát triển. Ước gì được như thế!

‘NGẬM NGÀI LẠI!’
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền!”.

“Một tâm trí cởi mở không là gì cả! Chỉ cần có một tâm trí cởi mở thì không là gì cả! Mục đích của việc mở rộng tâm trí - cũng giống như việc mở miệng - là để ngậm nó lại trước một thứ gì đó rắn chắc!” - G.K. Chesterton.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho thấy dường như Chúa Giêsu đã chiếm được trái tim dân thành Capharnaum; xem ra họ đã ‘ngậm Ngài lại’ - theo Chesterton - “một thứ gì đó rắn chắc!”. Họ đã cởi mở với quà tặng của Ngài khi “Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy!”.

Vậy điều gì đã gây ấn tượng với những người Capharnaum? Một phần là “uy quyền và thế lực” Chúa Giêsu đã dùng để nói và hành động. Nhưng không chỉ có vậy, vì Ngài cũng đã làm vậy ở Nazareth, nơi mọi người không tin vào Ngài. Ở Capharnaum, không phải Chúa Giêsu khác biệt, mà có vẻ như mọi người ở đây khác biệt! Trên thực tế, khi Ngài chuẩn bị rời đó, họ đã cầu xin Ngài ở lại - dù cuối cùng Ngài cũng gặp sự phản kháng từ họ - nhưng phản ứng ban đầu của họ là ‘thán phục và tin’.

Là những người muốn Chúa Giêsu hành động mạnh mẽ trong cuộc sống mình, bạn và tôi cũng hãy xin Ngài hành động bằng “uy quyền và thế lực” trên linh hồn mình! Nhiều người, thỉnh thoảng, cảm thấy cuộc sống của họ có phần mất kiểm soát; họ trải nghiệm yếu đuối, bối rối, thiếu định hướng… Vì lý do đó, “uy quyền và thế lực” tâm linh thực sự rất được chào đón. Bạn cần Chúa Giêsu áp dụng “uy quyền và thế lực” nào cho mình?

Hãy nghĩ đến một đứa trẻ đang sợ hãi. Khi điều này xảy ra, nó sẽ tìm đến cha mẹ để được bảo vệ. Cái ôm của cha mẹ ngay lập tức giúp xua tan nỗi sợ và lo lắng của nó. Với chúng ta cũng vậy. Hãy coi Chúa Giêsu là nguồn bình an trong cuộc sống mình! Ngài là Đấng duy nhất có khả năng sắp xếp cuộc sống, giải thoát chúng ta khỏi sự tấn công của kẻ ác, mang lại bình an và tĩnh lặng cho những cảm xúc hỗn loạn; đồng thời, làm sáng tỏ những câu hỏi đầy nghi ngờ của mỗi người. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta cởi mở với ân sủng Ngài ban. Quyền năng của Ngài không bao giờ thay đổi, nhưng nó chỉ có thể đi vào cuộc sống khi chúng ta biết ‘ngậm Ngài lại’ để thay đổi, và khi chúng ta nhận ra sự yếu đuối của mình và nhu cầu cần được Ngài kiểm soát.


Kính thưa Anh Chị em,

“Lời của Người có uy quyền!”. Hãy suy gẫm về “uy quyền và thế lực” tâm linh vô hạn nơi Chúa Giêsu! Đó là một uy quyền vượt xa bất kỳ điều gì khác mà chúng ta có thể tưởng tượng. Ngài muốn thực hiện uy quyền này trong cuộc sống bạn vì tình yêu. Vậy điều gì đang cản trở việc Ngài kiểm soát cuộc sống bạn nhiều hơn? Ngài muốn khiển trách ‘tội lỗi’ hoặc ‘cám dỗ’ nào trong cuộc sống bạn? Ngài muốn giải thoát bạn khỏi sự áp bức nào? Hãy là một thành viên của thị trấn Capharnaum - hoàn toàn chào đón Chúa Giêsu - kinh ngạc về Ngài và níu Ngài ở lại. Công việc của Chúa Giêsu trong cuộc sống bạn phụ thuộc vào sự đáp trả của bạn. Hãy để Ngài đi vào và ‘ngậm Ngài lại!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để trái tim con, tâm trí con ‘ngậm một thứ gì khác’ ngoài Chúa! Xin xoá bỏ mọi nghi ngờ và bướng bỉnh khỏi trái tim con, tâm trí con!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây