TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXII TN-B

Chủ nhật - 25/08/2024 22:39 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   140
“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”. (Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)

Tin Mừng Chúa nhật XXII Thường niên -Năm B

CN22TNb 2

Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23
“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.
        
Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.
        
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXII Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 
 

ĐỪNG THÊM THẮT VÀ CŨNG ĐỪNG NHẬP NHẰNG
(Chúa Nhật XXII TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa Chúa” (Đnl 4,2). Trong Cựu Ước, người ta đếm được có những 248 điều truyền và 365 điều cấm, một pho luật xem ra khá đồ sộ nhưng đâu thấm gì so với các luật lệ của con người trong các xã hội dân sự hiện nay trên thế giới và với cả luật Giáo Hội Công Giáo (Bộ Giáo Luật chung năm 1983 của Giáo Hội Công Giáo gồm 1752 điều khoản). Thế mà đã có ngài tiến sĩ luật cảm thấy oải trước khối lề luật ấy, nên đã hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Và Chúa Giêsu đã trả lời cách long trọng rằng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình ngươi. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy” (Mt 22,36-40).
        
Tất cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật dữ kiện này và Tin Mừng Maccô và Luca lại thêm kết luận rằng người ta đã “tâm phục, khẩu phục” trước câu trả lời của Chúa Giêsu (x.Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Như thế, chắc hẳn đoàn dân Chúa xưa ít nhiều cũng nhận thức được điều này. Thế mà chước cám dỗ muốn thêm bớt vẫn có đó khiến cho Môsê đã cảnh báo dân, đúng hơn là cảnh báo những người lãnh đạo, vốn là những người thường có quyền ra lề luật. Ở đây, xin được đề cập đến chước cám dỗ thêm thắt luật lệ và nhập nhằng, kiểu đánh lận con đen trong việc thực thi lề luật.

        
1. Cám dỗ thêm thắt luật lệ
: Theo nhãn quan của thần học luân lý, xét về nguồn gốc của lề luật, thì có luật của Thiên Chúa (thiên luật), và luật của con người (nhân luật). Dù rằng luật của Thiên Chúa chỉ có hai luật chính là mến Chúa và yêu người, nhưng để triển khai và áp dụng hai lề luật ấy theo từng hoàn cảnh cụ thể, với những đối tượng cụ thể thì cần có những khoản luật thích ứng. Tuy nhiên, những người làm luật rất có thể bị cám dỗ thêm thắt nhiều khoản luật đi lệch trọng tâm và hướng nhắm của hai giới răn chính ở trên. Đã là luật của Thiên Chúa thì chỉ có mình Thiên Chúa mới có quyền ra luật. Khi chúng ta thêm thắt nhiều luật lệ đi lệch với ý Chúa hoặc sai trọng tâm mà gọi đó là luật của Thiên Chúa thì vô tình chúng ta tự đặt mình như Thiên Chúa. Các sứ ngôn đã từng nhiều lần nói thay Thiên Chúa rằng: Ta muốn lòng nhân từ chứ không muốn hy lễ; Ta chán ngấy mỡ dê bò các ngươi dâng tiến, hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi… (x.Mt 12,7; Ge 2,13).
        
2. Cám dỗ làm nhập nhằng kiểu đánh lận con đen
: Luật lệ của con người thì rất cần được bổ túc hoặc thêm bớt cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Một trong những mục đích của lề luật là nhằm phục vụ ích chung, gìn giữ sự công bằng và trật tự trong đời sống xã hội, đặc biệt bảo vệ kẻ cô thế, kém phận khỏi cảnh “cá lớn nuốt cá bé, mạnh được - yếu thua”. Xã hội càng phát triển thì các mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể, giữa tập thể với tập thể ngày càng phong phú và đa dạng, do đó cần có thêm nhiều luật lệ để gìn giữ các mối quan hệ ấy trong sự bình đẳng và hài hòa. Hình thái xã hội đã thay đổi thì các luật lệ cũng phải được đổi thay. Chính vì thế mà luật lệ không ngừng được chỉnh sửa, thậm chí phải thay đổi. Việc có thể đổi thay cho ta thấy luật con người mang tính bất cập và bất toàn. Nhiều chuyên gia về ngành Luật đã nói rằng một trong những tính chất của luật là “tính bất công”. Với lối nói “ngoa ngữ”, họ chỉ muốn nhấn mạnh đến sự bất cập của lề luật con người. Luật của con người không thể và không bao giờ có thể đáp ứng hết mọi tình huống, hoàn cảnh của con người và xã hội, do đó nhân luật không thể đem lại sự công bằng cho mọi người cách đúng nghĩa, cũng như áp dụng một cách đồng đều cho mọi người.
        
Khi hiểu được điều này, ắt hẳn chúng ta sẽ tránh được thái độ thượng tôn và tuyệt đối hóa lề luật mà trả nó về lại vị trí của nó là một trong những phương tiện để phục vụ con người chứ không phải con người có ra vì lề luật (x.Mc 2,27). Sự thường, lề luật được lập nên do những người đang nắm quyền lực trong các thể chế, tổ chức xã hội lẫn tôn giáo. Và người làm luật khó tránh được chước cám dỗ làm luật có lợi cho mình. Khi thượng tôn lề luật, biến lề luật do mình làm ra trở thành thiên ý thì vô tình hay hữu ý, lợi ích của người làm luật được bảo vệ và hợp pháp hóa, cho dù nhiều khi các lợi ích ấy là bất chính. Đây là trường hợp mà Chúa Giêsu đã cực lực phê phán khi nói rằng “các ông đã gạn lọc con muỗi để nuốt cả con lạc đà” (Mt 23,24). Đâu chỉ có việc rửa tiền của các tổ chức tội phạm mới là hợp pháp hóa điều bất chính, vẫn có đó nhiều người dùng một số tiền nhỏ để dâng cúng cho nhà Chúa hay để làm việc từ thiện hầu an tâm sử dụng số tiền kếch xù có được bằng cách thế gian dối, phi nghĩa. Vẫn có đó nhiều cá nhân và tập thể tìm cách ra một luật lệ nào đó, vốn dễ được xem là khách quan, để cho tài sản của mình được bảo vệ cách hợp pháp.

        
Trở lại với nguồn lề luật của Thiên Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta tin nhận rằng luật Chúa thì bất biến và có tính bó buộc tuyệt đối. Tuy nhiên tính bó buộc tuyệt đối và bất biến này chủ yếu ở hai luật chính là tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình. Tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự nghĩa là nhìn nhận những gì mình đang là, đang có đều do bởi Thiên Chúa trao ban và mình chỉ có thể sống, tồn tại, phát triển trong hạnh phúc viên mãn khi gắn bó với Thiên Chúa và thực thi huấn lệnh của Người.

        
Cầu nguyện là một hình thức căn bản để bày tỏ sự gắn bó với Thiên Chúa, thờ phượng, thần phục Người. Anh em Hồi giáo đặt việc này lên hàng đầu. Kitô hữu Công giáo chúng ta còn nhấn mạnh đến việc tham dự Thánh lễ, đặc biệt trong ngày Chúa Nhật, vì đó là đỉnh cao của hành vi thờ phượng. Và để tỏ bày lòng mến yêu đối với Thiên Chúa, thì không gì hơn là thực thi giới luật của Người. Anh chị em yêu thương, sống đùm bọc lẫn nhau là cách thế tốt nhất để tỏ bày lòng thảo hiếu đối với mẹ cha. Tương tự như thế, khi chúng ta biết yêu thương nhau như Chúa Kitô dạy là chúng đang mến yêu Thiên Chúa (x.Ga 15,12).

        
Yêu thương cũng có nhiều đường, nhiều cách. Với kiểu, với cách nào đi nữa, khi sống yêu thương, phải đặt nền tảng trên đức công bình và đức ái. Xin được mượn lời của Đức Khổng Tử và lời của sách Tobia để giữ đức công bình: Đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn tha nhân làm cho mình (x.Tb 4,16). Và xin được nhắc lại lời của Chúa Giêsu để sống đức ái: Tất cả lề luật và lời ngôn sứ đều tóm ở điều này: Hãy làm cho tha nhân những gì mà anh em muốn tha nhân làm cho mình (x.Mt 7,12; Lc 6,31).

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây