TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

THÁNH KINH: NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ

Thứ hai - 07/11/2022 08:02 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   1595
Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với chúng ta, được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.
THÁNH KINH: NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ
THÁNH KINH: NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ
Gb. Nguyễn Thái Hùng
 

 

Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với chúng ta, được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.

Trọng tâm của toàn bộ Thánh Kinh là Chúa Giêsu Kitô, vì toàn bộ Thánh Kinh đều quy hướng và được hoàn tất nơi Ngài.

Thánh Kinh có 2 phần: Cựu ước, 46 cuốn; Tân ước, 27 cuốn.

Thuật từ Thánh Kinh trong tiếng Hy Lạp là Ta Biblia. Ta có nghĩa là những (số nhiều), Biblia nghĩa là sách. Biblia có nguồn gốc từ byblos có nghĩa là giấy cói (papyrus), từ tên của thành phố Byblos xứ Phoenicia cổ đại, là nơi xuất khẩu giấy cói. Thánh Kinh Do Thái giáo còn gọi là Tanakh. Tên tiếng Latinh là Scriptura, nghĩa là trước tác, bài viết, bản thảo. Tiếng Anh đầu tiên gọi là Biblelh, về sau thống nhất gọi là The Bible, nghĩa là sách. Chúng ta có thể dùng từ Hán Việt – tự ngữ đứng trước định nghĩa cho tự ngữ đi sau – Thánh Kinh hay ngược lại dùng từ Việt gốc Hán – tự ngữ đứng sau định nghĩa cho tự ngữ đi trước – Kinh Thánh. (1)

Thánh Kinh Cựu Ước được viết bằng tiếng Hípri, và có vài phần viết bằng tiếng Aram như Er 4,8-6. 18; 7,12-26; Đn 2,4-7. 28, trong khoảng thời gian 1200 tCN đến 100 tCN.

Tiếng Hípri (עִבְרִית (Ivrit) là ngôn ngữ thánh thiêng của người Do Thái gồm 22 ký tự, được viết và đọc từ phải sang trái. Nhưng từ thế kỷ VI tCN trở đi, người Do Thái cũng bắt đầu sử dụng ngôn ngữ khác trong đời thường, chẳng hạn tiếng Aram. Vào thời Đức Giêsu sinh ra, tiếng Aram là ngôn ngữ phổ biến của người Do Thái.

Chúa Giêsu và các Tông đồ, cũng như Hội Thánh thời sơ khai sử dụng Bản Bảy Mươi có thêm những sách Cựu Ước được viết bằng tiếng Hy lạp mà truyền thống Do thái không chấp nhận gồm bảy cuốn sau đây: Barúc, Tôbia, Giuđitha, 1-2 Macabê, Khôn ngoan, Huấn ca. Ngoài ra, cũng gồm cả những phần sau của hai cuốn sách Đanien và Étte: Đn 3,24-90 ; ch. 13 – 14 ; Et 10,4 – 16,24.

 
1. THÁNH KINH CỦA NGƯỜI DO THÁI

image 20221107195050 2
 

Thánh Kinh Do thái bao gồm 24 quyển sách, được viết từ khoảng năm 1200 tCN đến năm 100 tCN hầu hết bằng tiếng Hípri, chỉ có vài phần bằng tiếng Aram, làm thành ba nhóm: Luật – Torah [תורה] (gồm 5 cuốn từ sách Sáng thế đến sách Đệ nhị luật), Các ngôn sứ – Nebi’im [נביאים] (gồm 8 cuốn từ sách Giôsuê đến các Ngôn sứ nhỏ), và các Trước tác – Kethubim [כתובים;] (gồm 11 cuốn các Thánh vịnh đến sách Sử biên niên).

1.1 Các sách Torah [תּוֹרָה,] gồm:

  1. Sáng thế [בראשית] (Bereshit)
  2. Xuất hành [שמות] (Shemot)
  3. Lêvi [ויקרא] (Vayiqra)
  4. Dân số [במדבר] (Bamidbar)
  5. Đệ nhị luật [דברים] (Devarim)

1.2 Các sách Nevi’im [נְבִיאִים, “Ngôn sứ”] gồm:

  1. Giôsuê [יהושע] (Yeoshua)
  2. Các Thủ lãnh [שופטים] (Shophtim)
  3. Samuen (I & II) [שמואל] (Shemouel)
  4. Các Vua (I & II) [מלכים] (Melakhim)
  5. Isaia [ישעיה] (Iescha’Yahou)
  6. Giêrêmia [ירמיה] (Irmeyahou)
  7. Êdêkien [יחזקאל] (Ihezquel)
  8. Mười hai ngôn sứ nhỏ bé [תרי עשר] (Schne-‘Assar)
    1. Hôsê [הושע] (Hoshea)
    2. Gioen [יואל] (Ioel)
    3. Amốt [עמוס] (‘Amos)
    4. Ôvadia [עובדיה] (‘Obadyah)
    5. Giôna [יונה] (Iona)
    6. Mikha [מיכה] (Mikha)
    7. Nakhum [נחום] (Nahoum)
    8. Habacuc [חבקוק] (Habaqouq)
    9. phônia [צפניה] (Sephanyah)
    10. Khácgai [חגי] (Hagaï)
    11. Dacaria [זכריה] (Zecharyah)
    12. Malakhi [מלאכי] (Malakhi)

1.3 Ketuvim [כְּתוּבִים, “Văn chương”] gồm:

  1. Thánh vịnh [תהלים] (Tehilim)
  2. Châm ngôn [משלי] (Mishle)
  3. Gióp [איוב] (Iob)
  4. Diễm ca [שיר השירים] (Eikha)
  5. Rút [רות]
  6. Ai ca [איכה]
  7. Huấn ca [קהלת] (Qohelet)
  8. Étte [אסתר] (Ester)
  9. Đanien [דניאל]
  10. EtraNơkhemia [עזרא ונחמיה] (‘Ezra Nechemya)
  11. Sử biên niên (I & II) [דברי הימים] (Dibre Hayamim)

Thánh Kinh Cựu Ước của Tin lành có cùng các bản văn như Thánh Kinh Do thái, nhưng số các sách lại là 39 sách, và gồm bốn nhóm: Ngũ Thư (từ sách Sáng thế đến sách Đệ nhị luật), các Sách Lịch sử (từ sách Giôsuê đến sách Étte), các Sách Khôn ngoan (từ sách Gióp đến sách Diễm ca), và các sách ngôn sứ (từ sách Isaia đến sách Malakhi). (Số quyển sách tăng lên do việc một số quyển sách của Thánh Kinh Do thái được chia ra, như 1-2 Sm, 1-2 V, 1-2 Sb, và Sách các ngôn sứ nhỏ cũng được chia thành các sách khác nhau.)

Thánh Kinh Cựu Ước của Công giáo có tất cả 46 quyển, vì thêm các sách thuộc Quy điển thứ (sách Tôbia, Giuđitha, 1 Macabê, 2 Macabê, sách Khôn ngoan, sách Huấn ca, sách Barúc và phần thêm sách Đanien và phần thêm của sách Étte). Thánh Kinh Cựu của Chính thống còn có thêm một số sách khác (như sách 3 Macabê, Thánh vịnh của Salômon,…).

Mặc dầu có những sự khác nhau về quy điển như trên, nhưng cả người Do thái và người Kitô đều tin rằng những quyển sách làm nên Thánh Kinh Do thái / Cựu Ước có nguồn gốc cổ đại, và rằng những bản cópy thời trung cổ thì rất muộn thời so với những bản gốc có trước thời Kitô giáo nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, trước khi các Cuộn Bản thảo Biển Chết / Qumran được khám phá, thật là khó để chứng minh rằng các sách, như sách Dân số, sách Samuen, sách Gióp, hoặc Isaia, thật sự tồn tại trong những thế kỷ trCN, bởi vì hầu như không có bản văn nào từ Thời kỳ của Đền thờ Đệ nhị (530 trCN – 70 sCN) còn giữ lại được. (2)

2. BẢN BẢY MƯƠI / BẢN LXX

Bản dịch Thánh Kinh sớm nhất từ tiếng Hípri sang tiếng Hy Lạp ra đời vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Được gọi là bản Bảy Mươi, (Septuaginta: tiếng Latinh nghĩa là “bảy mươi”) hay Bản LXX (theo số La Mã), bản dịch này theo truyền thống được thực hiện dưới triều vua Ptolemy II Philadelphus Ai Cập (285-246 tCN).

Truyền thống kể lại rằng vua Ptolemy II đã ủy thác cho viên quản thủ thư viện hoàng gia, Demetrius thành Phaleron, sưu tập bằng cách mua lại hay sao chép tất cả các sách thánh trên thế giới. Ông còn viết thư cho Eleazar, thượng tế ở Giêrusalem, xin gởi đến 6 vị trưởng lão trong mỗi chi tộc, vị chi là 72 vị, có đời sống gương mẫu và thông thạo các sách Lề Luật (Torah), đến để dịch Kinh Thánh sang tiếng Hy Lạp.

Bản dịch dưới sự điều hành của Demetrius được hoàn tất trong 72 ngày. Khi cộng đồng người Do Thái ở Alexandria họp lại để nghe bản dịch mới, các dịch giả và Demetrius nhận được nhiều lời khen tặng, và người ta loan báo một lời nguyền rủa cho bất kỳ ai thêm thắt, chuyển đổi hay bỏ sót bất kỳ một lời nào trong đó.

Đó chỉ là câu chuyện cấu tạo. Nhưng về nguồn gốc bản dịch Ngũ Thư cũng không phải là hoàn toàn sai. Có lẽ chắc bản này đã được dịch cho người Do-thái cư ngụ bên Ai-cập dưới thời vua Ptôlêmê II nói trên. Bản dịch ra đời quãng năm 250 tCN. Sau đó, trong các thế kỷ III và II tCN, các sách Cựu Ước khác ngoài Ngũ Thư cũng dần dần được dịch ra tiếng Hy-lạp.

Sau những cuộc chinh phục của Alêxanđê Đại đế (336-323 tCN), tiếng Hy Lạp trở thành ngôn ngữ chính thức của Ai Cập, Syria và phía đông biển Địa Trung Hải. Bản dịch Bảy Mươi giúp phổ biến sách thánh Do Thái giáo cho những người Do Thái không còn nói tiếng mẹ đẻ và cả thế giới nói tiếng Hy Lạp nữa. Bản Bảy Mươi sau này trở thành Thánh Kinh của Giáo Hội sơ thời nói tiếng Hy Lạp, và thường được trích dẫn trong Tân Ước. (3)

3. THÁNH KINH CỰU ƯỚC

Thánh Kinh Cựu Ước được Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo liệt kê gồm 46 cuốn (SGLHT, số 120).

3.1 Ngũ Thư (5)

1. Sáng thế,
2. Xuất hành,
3. Lê vi,
4. Dân số,
5. Đệ nhị luật.

3.2 Các sách lịch sử (16):

1. Giosuê,
2. Thủ lãnh,
3. Rút,
4. 1 Samuen,
5. 2 Samuen,
6. 1 Vua,
7. 2 Vua,
8. 1 Sử biên niên,
9. 2 Sử biên niên,
10. Étra,
11. Nơkhemia,
12. Tôbia,
13. Giuđitha,
14. Étte,
15. 1 Macabê,
16. 2 Macabê.

3.3 Các sách giáo huấn (7) :

1. Gióp,
2. Thánh vịnh,
3. Châm ngôn,
4. Giảng viên (còn gọi là Qôhêlét),
5. Diễm ca,
6. Khôn ngoan,
7. Huấn ca (còn gọi là Ben Sirach).

3.4 Các sách ngôn sứ (18) :

1. Isaia,
2. Giêrêmia,
3. Edêkien,
4. Đanien (gọi là bốn ngôn sứ lớn),
5. Ai ca,
6. Barúc.
Mười hai ngôn sứ nhỏ là:
7. Hôsê,
8. Giôen,
9. Amốt,
10. Ôvađia,
11. Giôna,
12. Mikha,
13. Nakhum,
14. Khabacúc,
15. Xôphônia,
16. Dacaria,
17. Khácgai,
18. Malakia. (4)

 

4. NHỮNG TRUYỀN THỐNG

Ngũ Kinh: 5 cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh làm thành một khối duy nhất gọi là sách Luật. Bộ Ngũ Kinh được hình thành bởi 4 truyền thống sau: Truyền thống: J, E, P và D.

4.1 Truyền thống J

J là chữ viết tắt chữ Javeh (Giavê). Được gọi là truyền thống Giavê vì các đoạn văn thuộc truyền thống này gọi danh Thiên Chúa là Giavê.

Truyền thống J xuất hiện ở Miền Nam (vương quốc Giuđa) vào khoảng thế kỷ X tCN, dưới thời vua Đavít và Salômon trị vì Ítraen.

Đặc điểm của truyền thống này là dùng cách thức của con người để diễn tả Thiên Chúa. Chẳng hạn: Kể chuyện Thiên Chúa giống như thợ gốm ngồi lấy đất nặn ra con người, lấy xương sườn đàn ông để đắp thành đàn bà…

Truyền thống J trình bày giai đoạn lịch sử bao quát kéo dài từ con người khởi thuỷ đến biến cố Xuất Hành. Chủ đề tổng quát của truyền thống J là LỜI HỨA và THỰC HIỆN LỜI HỨA được trình bày qua các trình thuật về các tổ phụ.

4.2 Tuyền thống E

E là viết tắt chữ Êlôhim. Được gọi là truyền thống Êlôhim vì các đoạn văn thuộc truyền thống này gọi Thiên Chúa là Êlôhim.

Truyền thống E xuất hiện muộn hơn truyền thống J, thuộc miền Bắc (vương quốc Ítraen), tức vào khoảng thế kỷ IX tCN.

Đặc điểm của truyền thống này là luôn tránh lối diễn tả về Thiên Chúa theo cách thức con người. Vì thế, khi tường thuật việc Thiên Chúa muốn mặc khải điều gì, thì truyền thống E không dùng hình thức trực tiếp mà dùng các cách thức như: báo mộng, đám mây, ngọn lửa, thiên thần…

Về mặt luân lý, truyền thống E khắt khe hơn truyền thống J, để đương đầu với lối sống vô luân và phong tục của các bộ tộc ngoại đạo sống xung quanh hoặc lẫn lộn với dân Ítraen.

4.3 Truyền thống P

P là viết tắt chữ Priest (tư tế). Được gọi là truyền thống tư tế, vì các bản văn thuộc truyền thống tập chú đến những gì liên quan đến chức tư tế và phụng vụ, như: các ngày lễ, của lễ, y phục thánh…

Truyền thống P xuất hiện vào thời lưu đày. Giữa lúc dân Chúa sống giữa thế giới dân ngoại, nên rất dễ bị lung lạc và đồng hoá với các hình thức tôn giáo ngoại đạo. Vì thế, truyền thống P ra đời nhằm bảo vệ đức tin tinh tuyền và cách thờ tự Thiên Chúa của Ítraen.

Đặc điểm của truyền thống P cũng luôn tránh lối diễn tả Thiên Chúa theo cách thức con người, vì Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối. Đặc biệt đặt trọng tâm vào chủ đề: Thiên Chúa là Đấng Thánh, nên Ítraen cũng phải thánh thiện, nghĩa là phải tách biệt ra khỏi nền luân lý và những hình thức tôn thờ do con người bày ra.

Truyền thống P trình bày lịch sử theo khung cảnh phụng vụ, trình bày lịch sử Ítraen thành 4 thời kỳ và mỗi thời kỳ được đành dấu bằng một giao ước đặc biệt của Thiên Chúa và được đáp ứng bằng một hình thức tôn thờ đặc biệt.

Ba truyền thống J, E và P đan kết lại với nhau làm thành 4 cuốn đầu của bộ Ngũ Kinh.

4.4 Truyền thống D.

D viết tắt chữ Deutoronomy (luật thứ hai). Được gọi là truyền thống Đệ Nhị Luật vì nói về luật và là nội dung của sách Đệ Nhị Luật.

Truyền thống D xuất hiện vào khoảng thế kỷ VII tCN, thuộc thời kỳ khủng hoảng tôn giáo, do các vua gian ác làm tổn hại đến việc tôn kính Giavê, cùng với việc vương quốc Ítraen đã bị sụp đổ và vương quốc Giuđa đang bị đe doạ trầm trọng bởi đế quốc Assyri. Trước tình trạng ấy, truyền thống D ra đời nhằm khích lệ dân Ítraen trung thành với giao ước qua việc tuân giữ lề luật.

Căn bản thần học của truyền thống D là xác tín rằng Giao Ước là lựa chọn đầy yêu thương của Thiên Chúa, do đó tuân giữ giao ước (lề luật) của Thiên Chúa chính là đáp lại sự lựa chọn đầy yêu thương đó.

Cả 4 truyền thống J, E, P và D đều là truyền khẩu, mãi tới thời vua Đavít và Salomon mới được chép ra thành văn nhờ các thư ký của triều đình. Sau này trong thời kỳ lưu đày ở Babylon và thời kỳ hồi hương mới được các tư tế đúc kết lại các tài liệu như chúng ta có ngày hôm nay. (4a)

 

5. BẢN THÁNH KINH VULGATA

https://gpbanmethuot.net/uploads/news/2022_11/image-20221107195050-3.jpeg
Thánh Giêrônimô (khoảng 347 tại Stridon (nay là Nam Tư) mất 30 tháng 9 năm 420 tại Bêlem; tên đầy đủ trong tiếng Latinh: Eusebius Sophronius Hieronymus, cũng được gọi là Thánh Giêrôm (Hierom) là một linh mục Kitô giáo, đến Antiochia, theo học trường chú giải Thánh Kinh, học thông thạo các ngôn ngữ Latinh, Hy Lạp, Hebrew, Aram và được phong là Tiến sĩ Hội thánh. Ngài là người đầu tiên dịch bộ Cựu Ước (Bản Bảy Mươi / Septuaginta) từ tiếng Hy Lạp và Aram sang tiếng Latinh gọi là bản Vulgata dưới triều giáo hoàng Đamasô I (từ 1.10. 366 đến 11.12.384). (5)

 

6. THÁNH KINH TÂN ƯỚC

Thánh Kinh Tân Ước được chia như Sách GLHTCG liệt kê, gồm 27 cuốn như sau (x. số 120).
6.1 * Các sách Tin Mừng:

Tn mừng thánh Mátthêu,

Tin mừng thánh Máccô,

Tin mừng thánh Luca,

Tin mừng thánh Gioan.
6.2 * Sách lịch sử: Công vụ Tông đồ.
6.3 * Các Thư tín: 13 thư thánh Phaolô (Rôma, 1-2 Côrintô, Galát, Êphêxô, Philípphê, Côlôxê, 1-2 Thêxalônica, 1-2 Timôthê, Titô, Philêmôn) và thư Hípri. 7 thư chung là thư Giacôbê, 1-2 Phêrô, 1-2-3 Gioan, Giuđa.
6.4 * Khải huyền của thánh Gioan.

Hầu như tất cả các sách Tân Ước đều được viết bằng tiếng Hy lạp đến năm 100 sCN. (6)

 

7. BỐN Ý NGHĨA CẦN BIẾT KHI ĐỌC THÁNH KINH

Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với con người, lời Thiên Chúa mời gọi con người đối thoại với Ngài. Đức Bênêđíctô XVI dạy, “Lời Chúa lôi kéo mỗi người chúng ta vào cuộc trò chuyện với Chúa: Chúa là Đấng dạy chúng ta cách nói chuyện với Ngài”. Vì thế, Thiên Chúa muốn chúng ta nhận biết tình yêu sâu sắc nhất, đích thực nhất. Bằng cách đọc Kinh thánh, chúng ta bắt đầu khám phá ra sự viên mãn của Đấng là Thiên Chúa, và khi làm như vậy, chúng ta hiểu ra mầu nhiệm về bản thân chúng ta, chúng ta là ai. Cho nên, khi đọc Thánh Kinh chúng ta lưu ý 4 ý nghĩa sau: Nghĩa văn tự dạy về biến cố, nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin, nghĩa luân lý dạy điều phải làm, nghĩa dẫn đường dạy điều phải vươn tới; nghĩa là: Nghĩa đen hay văn tự dạy những gì Thiên Chúa và cha ông của chúng ta đã thực hiện. Câu chuyện ẩn dụ là nơi đức tin và niềm tin của chúng ta được ẩn giấu. Ý nghĩa luân lý hay đạo đức đem tới cho chúng ta quy tắc của cuộc sống hàng ngày. Cách chú giải chiêm niệm hay dẫn đường cho chúng ta thấy chúng ta kết thúc cuộc sống đấu tranh của chúng ta ở nơi nào.

7.1 Nghĩa Đen / Văn Tự

Nghĩa đen của một câu hỏi là ý nghĩa của các sự kiện trong quá khứ như được tường thuật trong bản văn linh thánh. Ở đây chúng ta có thể nghĩ về một điều gì đó giống như ý nghĩa lịch sử. Nghĩa đen của một câu ít nhiều là những gì đã xảy ra, là bản ghi chép trình thuật, chuyển giao “những thứ đã qua và có thể nhìn thấy”.

7.2 Nghĩa Ẩn Dụ

Ý nghĩa dụ ngôn đôi khi được gọi là nghĩa Kitô học hoặc ý nghĩa biểu trưng. Ý tưởng ở đây là các sự kiện và biểu tượng có thể ám chỉ đến Chúa Kitô. Các tài liệu quy chiếu về Chúa Giêsu thậm chí có thể được tìm thấy trong Cựu Ước. Ví dụ, khi Môsê đặt một con rắn đồng trên một cây sào để chữa vết rắn cắn cho dân Ítraen (Ds 21,8-9), Kitô hữu xem đó như một sự ám chỉ Chúa Kitô, Đấng cứu chúng ta khỏi tội lỗi trên thập giá.

7.3 Nghĩa Luân Lý / Đạo Đức

Thánh Kinh cũng cung cấp cho chúng ta một cách sống ở đây và bây giờ. Một số câu Kinh thánh giải thích các quy tắc đạo đức quen thuộc với tất cả chúng ta như 10 Điều Răn, Các Mối Phúc. Nhưng nhiều dụ ngôn của Chúa Giêsu cũng có ý nghĩa đạo đức. Chúng hướng dẫn chúng ta cách sống. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến nhiều lời nói khôn ngoan của các ngôn sứ hoặc những lời khuyên được đưa ra trong các sách như Châm ngôn và Giảng viên. Thánh Kinh đưa ra một hướng dẫn về cuộc sống, cung cấp cho chúng ta những cách hành động thực tế nhằm có thể thực hiện trong thời đại của chúng ta.

7.4 Nghĩa Thần Bí / Cánh Chung

Thánh Kinh cũng là một cuốn sách nói về những gì sắp xảy ra. Thánh Kinh không chỉ kể lại những sự kiện trong quá khứ mà còn nói cho chúng ta biết những lời hứa của Thiên Chúa cho tương lai. Những điều tương lai này (những điều cánh chung, nói theo thuật ngữ thần học) là có thật trong câu chuyện về sự cứu độ các Kitô hữu giống như những sự kiện trong quá khứ: cái chết, sự phán xét, luyện ngục, thiên đường hay hỏa ngục. Chúa Giêsu loan báo cho chúng ta rằng Nước Trời sẽ giống như tiệc cưới (trong số nhiều hình ảnh khác nữa) và Ngài là chìa khóa để đến đó. (6a)
 

8. ĐỌC THÁNH KINH THẾ NÀO?

Thánh Kinh là lời Thiên Chúa nói với con người trong dòng lịch sử gần 2000 năm của dân tộc Do thái. Thánh Kinh còn là một ‘thư viện’, gồm 73 cuốn, được viết hơn 1000 năm. Như thế, chúng ta phải đọc Thánh Kinh thế nào?

8.1 Kinh Thánh không phải để đọc mà để lắng nghe

Chúng ta hãy đặt tin tưởng vào Chúa Thánh Thần, chính Ngài linh hứng cho các thánh ký viết ra những tác phẩm này. Hãy lắng nghe với tấm lòng yêu mến và cởi mở.               

8.2 Đừng tìm kiếm bài học đạo đức

Đây không phải là quyển sách cung cấp cho chúng ta các quy luật đạo đức. Trọng tâm của Thánh Kinh là con người đi tìm Thiên Chúa và Thiên Chúa mở lối cho con người. Vì thế mỗi trang là nhằm để hiểu và để thấy huyền ẩn của con người đấu tranh với huyền ẩn của Thiên Chúa yêu thương. Và các hệ quả của nó…

8.3 Tìm kiếm Chúa Giêsu và nhìn thấy con người ở đó

Chúng ta đọc Thánh Kinh để hiểu Chúa Giêsu, Ngài là con người thật và là Thiên Chúa thật. Các bản văn Thánh Kinh cho thấy sự hoàn tựu và ý nghĩa của chúng trong con người của Chúa Giêsu.

Thánh Kinh cũng phải được hiểu như quyển sách của con người. Đây là quyển sách được viết bởi những con người nói về con người và lịch sử con người, cố gắng để hiểu nhân loại dưới ánh sáng của niềm tin trong Chúa. Tính nhân bản này là đáng ngạc nhiên. Đó là tính nhân bản của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.

8.4 Đọc từng đoạn ngắn và đọc mỗi ngày

Chúng ta nên đọc những đoạn Thánh Kinh ngắn và đọc mỗi ngày để ngày sống của chúng ta được hướng đẫn bởi Lời Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trước giờ đọc kinh truyền tin ngày Chúa nhật 17/7/2022, ngài nói như sau: “Mỗi ngày một đoạn, một đoạn Phúc Âm ngắn. Chúng ta hãy để cho mình được chất vấn bởi những trang sách đó, tự hỏi xem cuộc sống của chúng ta đang diễn tiến như thế nào, nó có theo những gì Chúa Giêsu nói không. Đặc biệt, chúng ta hãy tự hỏi: khi bắt đầu ngày mới, tôi có cắm đầu vào những việc phải làm, hay trước tiên tôi tìm kiếm sự soi dẫn nơi Lời Chúa? […]Chúng ta phải bắt đầu ngày sống, trước hết, bằng việc ngắm nhìn Chúa, nhận lấy Lời Chúa, ngắn thôi, nhưng là nguồn linh hứng cho ngày sống.”(6b)

8.5 Đọc cộng đoàn

Đọc một mình là chuyện tốt và quan trọng, nhưng đọc trong cộng đoàn cũng tốt và quan trọng. Đối diện và chia sẻ với người khác sẽ giúp chúng ta thăng tiến trên con đường nên thánh.

8.6 Học thuộc lòng những câu Thánh Kinh ngắn

Không những đọc Thánh Kinh, chúng ta còn phải viết và học thuộc lòng những câu Thánh Kinh ngắn. Chính những câu Thánh Kinh thuộc lòng sẽ đánh động và hữu ích cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

8.7 Luôn cầu nguyện

Đọc Kinh Thánh là một trải nghiệm tâm linh chứ không chỉ đơn giản là đọc một tác phẩm văn học khác. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nói này rõ ràng: “Kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh.” (GLCG 2653).

Chúng ta phải cầu nguyện khi đọc Thánh Kinh. Trước, trong lúc và sau khi đọc. Cầu nguyện là dấu chỉ và sự hỗ trợ cho những ai muốn nghe Chúa. Lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy. Chúa Giêsu đã nói: Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”(Lc 8,21)(6c)

 

9. LECTIO DIVINA

Là một phương pháp đọc Thánh Kinh năng động và quy hướng về đời sống, đưa ra một khuôn khổ để đọc Thánh Kinh với lòng tin, cách kính cẩn và chân thành. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, viết trong Tông thư Bước vào thiên niên kỷ mới, ngày 6.1.2001: “Việc lắng nghe Lời Chúa cần phải trở nên một cuộc gặp gỡ đầy sức sống, theo truyền thống xa xưa nhưng vẫn còn hiện tại của lectio divina, cho ta rút ra từ bản văn Thánh Kinh một lời sống động, chất vấn, hướng dẫn và đào luyện cuộc sống.” (số 39).

         Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, trong diễn văn ngày 16.9.2005 trước Hội nghị quốc tế họp tại Rôma về Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội như sau: “Tôi muốn đặc biệt nhắc lại và giới thiệu truyền thống lectio divina xa xưa: việc siêng năng đọc Thánh Kinh, có cầu nguyện kèm theo, thực hiện cuộc trò chuyện thân mật với Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta nghe nói khi đọc, và chúng ta đáp lại khi cầu nguyện với một tâm hồn cởi mở và tín nhiệm. […] Vậy việc mục vụ Thánh Kinh phải đặc biệt nhấn mạnh đến lectio divina và khuyến khích, nhờ dùng những phương pháp mới đã được nghiên cứu kỹ càng và hoàn toàn thích hợp cho thời đại chúng ta.”

         Lectio Divina được thực hành qua 4 bước: Đọc, Suy gẫm, Cầu nguyện và Chiêm niệm.

9.1 Đọc (Lectio)

         Đọc một đoạn Thánh Kinh với tâm hồn khiêm nhượng và tinh thần cầu nguyện. Đọc một cách chậm rãi và chăm chú. Xem đoạn Thánh Kinh nói điều gì và những nhân vật hành động thế nào. Đoạn Thánh Kinh này gợi lên cho chúng ta những câu hỏi nào?

9.2 Suy gẫm (Meditatio)

         Việc suy gẫm giúp chúng ta hiểu đoạn văn và thấy rõ hơn sự phong phú của đoạn văn, vì “tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính.” (2Tm 3,16)

         Việc suy gẫm giúp nảy sinh những câu hỏi về những điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta. Và chúng ta cũng tự hỏi, tại sao Chúa Giêsu đã làm, đã hỏi như thế? Dành thời gian thinh lặng, lắng tai và nghe Người trả lời.

9.3 Oratio (Cầu nguyện)

         Cầu nguyện là cuộc nói chuyện giữa Thiên Chúa với chúng ta. Khi cầu nguyện, chúng ta đáp lại ân sủng mà lời Thiên Chúa đã chiếu xuống trên đời sống của chúng ta. Đây là lúc chúng ta giải bày trước mặt Chúa những điều xảy ra trong đời sống của chúng ta cũng như của cộng đồng. Chúng ta nói gì với Chúa?

9.4 Chiêm niệm (Contemplatio)

         Chiêm niệm cho ta cơ hội sống một thời gian hiệp thông thân mật với Chúa. Tận hưởng sự hiện diện của Chúa để cảm nghiệm việc Chúa yêu thương chúng ta thế nào.

Và rồi, chúng ta tự hỏi: Chúa yêu cầu chúng ta phải hành động thế nào trong cuộc sống?

         Mẹ Maria là mẫu gương lý tưởng cho chúng ta noi theo. Mẹ “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19). Mẹ đã sống cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa với tất cả tâm hồn và thể xác đến hơi thở cuối cùng. (6d)

 

10. PHÂN ĐOẠN VÀ CÂU

Kỹ thuật phân đoạn (chương) và đánh số câu trong mỗi đoạn cho Thánh Kinh như hiện nay không dựa trên truyền thống bản văn cổ đại, mà là một phát kiến thời trung cổ.

Giám mục Stephen Langton, Tổng giám mục Cantobury († 1228) được cho là người đầu tiên phân đoạn cho ấn bản Vulgate của Thánh Kinh vào năm 1205. Sau đó, trong thập niên 1400, kỹ thuật này được ứng dụng cho các bản sao tiếng Hy Lạp của Tân Ước.

Robert Estienne, nhà nhân văn người Pháp và là thợ in nổi tiếng, đã thực hiện vào năm 1551 việc phân chia hiện nay thành các câu của Tân Ước, và năm 1555 với toàn bộ Thánh Kinh ấn bản Latinh. Từ đây về sau, tất cả các bản Thánh Kinh đều sử dụng hệ thống phân chia chương và câu này. (7)

 

https://gpbanmethuot.net/uploads/news/2022_11/image-20221107195050-4.jpeg
11. MÁY IN

Giữa thế kỷ 15, Johannes Gutenberg (1389 – 1468) người Đức, đã phát triển máy in.

Sản phẩm chính của ông là Kinh thánh Gutenberg (1455) là bản in đầu tiên của Thánh Kinh đã được hoan nghênh vì chất lượng kỹ thuật và thẩm mỹ cao cùng giá cả thấp.

Cuốn Thánh Kinh đầu tiên được in với các chương và câu

Cuốn Thánh Kinh được in đầu tiên hoàn toàn bao gồm sự phân chia thành các chương và câu sẽ được gọi là Thánh Kinh Geneva, ra đời vào năm 1560 ở Thụy Sĩ. Các nhà xuất bản Thánh Kinh Geneva đã chọn các chương của Étienne Langton và các câu của Robert Estienne, ý thức được tính hữu ích to lớn của chúng để ghi nhớ, định vị và so sánh các đoạn Thánh Kinh.

Vào năm 1592, Đức Thánh Cha Clêmentê VIII đã cho xuất bản một phiên bản Thánh Kinh mới bằng tiếng Latinh để sử dụng chính thức trong Giáo hội Công giáo, bao gồm việc phân chia thành các chương, câu hiện nay và được sử dụng rộng rãi như hiện nay.(8)

 

12. KHẢO CỔ QUMRAN

https://gpbanmethuot.net/uploads/news/2022_11/image-20221107195050-5.jpeg
         Vào mùa đông của năm 1947, có ba mục đồng của bộ lạc Bedouin (bộ lạc những người du mục nói tiếng Ả rập) từ Bêthlêhem đã dẫn các đàn cừu và dê xuống gần Biển chết để kiếm thức ăn. Họ đi tìm con dê đi lạc và khám khá ra những hang động chứa các bình gốm có nhiều bản thảo Thánh Kinh và các thứ khác tại Khirbet Qumran hay gọi tắt là Qumran. Đây là khám phá về Thánh Kinh lớn nhất của thế kỷ thứ XX.

 

Có nhiều thứ được tìm thấy trong 11 hang được khám phá ở Qumran, như các bình, chum, tiền đồng… Nhưng thứ quan trọng nhất là các cuộn bản thảo (nghĩa là những bản chép tay đóng thành cuộn) được viết bằng tiếng Hípri, Aram, và Hylạp, ba ngôn ngữ Thánh Kinh. Gần khoảng 972 cuộn bản thảo được chép từ khoảng 300 năm tCN tới năm 70 sCN với khoảng 50.000 mảnh, trong đó có nhiều mảnh không lớn hơn con tem. Trong đó có hơn 200 cuộn thuộc các tác phẩm Cựu Ước, được tìm thấy trong tình trạng rất tốt, mặc dù nó có niên đại cổ hơn bất kỳ bản thảo trước đó. Những bản thảo này cung cấp các bằng chứng phong phú giúp con người xác nhận văn bản Cựu Ước là chính xác cách đáng kinh ngạc.

Nhìn vào danh sách những bản thảo Thánh Kinh được khám phá tại Qumran và những nơi khác mới thấy khám phá này quan trọng thế nào.

https://gpbanmethuot.net/uploads/news/2022_11/image-20221107195050-6.jpeg

Thánh vịnh: tại Qumran: 37 ; nơi khác: 3 ; tổng số: 40
Đệ nhị luật: tại Qumran: 36 ; nơi khác: 3 ; tổng số: 39
Sáng thế: tại Qumran: 21 ; nơi khác: 4 ; tổng số: 25
Isaia: tại Qumran: 21 ; nơi khác: 1 ; tổng số: 22
Xuất hành: tại Qumran: 19 ; nơi khác: 1 ; tổng số: 20
Lêvi: tại Qumran: 17 ; nơi khác: 2 ; tổng số: 19
Đanien: tại Qumran: 10 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 10
Dân số: tại Qumran: 8 ; nơi khác: 3 ; tổng số: 11
12 Ngôn sứ nhỏ: tại Qumran: 8 ; nơi khác: 2 ; tổng số: 10
Giêrêmia: tại Qumran: 7 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 7
Edêkien: tại Qumran: 6 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 6
Gióp: tại Qumran: 6 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 6
Tôbia: tại Qumran: 5 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 5
1-2 Samuen: tại Qumran: 4 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 4
Rút: tại Qumran: 4 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 4
Diễm ca: tại Qumran: ca 4 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 4
Aica: tại Qumran: 4 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 4
Thủ lãnh: tại Qumran: 3 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 3
1-2 Các vua: tại Qumran: 3 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 3
Giôsuê: tại Qumran: 2 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 2
Châm ngôn: tại Qumran: 2 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 2
Giảng viên: tại Qumran: 2 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 2
Étra: tại Qumran: 1 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 1
1-2 Sử biên niên: tại Qumran: 1 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 1
Nơkhemia: tại Qumran: 1 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 1
Étte: tại Qumran: 0 ; nơi khác: 0 ; tổng số: 0

Tổng cộng: tại Qumran: 232 ; nơi khác: 19 tổng số: 251

Nếu theo quy điển Kinh Thánh Cựu Ước của Giáo hội Công giáo thì chỉ có các sách Étte, 1-2 Macabê là không có mặt trong các Cuộn Bản thảo Biển chết.

Hầu hết các Cuộn Sách Biển Chết (Dead Sea Scrolls) là các bản sao của các sách Cựu Ước có niên đại thuộc thời kỳ Đền thờ Đệ nhị, từ năm 250-150 tCN hoặc cổ hơn cho đến khi Qumran bị phá hủy vào năm 68 sCN. Có rất nhiều tác phẩm được tìm thấy trong tình trạng rất tốt. Nhưng phát hiện quan trọng nhất là đã phát hiện nhiều bản sao đầu tiên các sách trong Cựu Ước.

Điều này vô cùng quan trọng bởi nó xác nhận niềm tin của những người Do thái và Kitô hữu rằng những quyển sách làm nên Kinh Thánh Do thái / Cựu Ước có nguồn gốc cổ đại, và rằng những bản cópy của thời trung cổ được bắt nguồn từ những bản văn tồn tại hàng thế kỷ tCN. (Trước khi những Cuộn Bản thảo Biển chết được khám phá, thì những bản văn Thánh Kinh Cựu Ước cổ nhất còn tồn tại mà chúng ta biết được là Bản văn Masorét (MT), có niên đại khoảng năm 980 sCN. Bản chép tay Cựu Ước hoàn chỉnh đầu tiên còn tồn tại, đó là bản Codex Leningradensis (1009 sCN); các ấn bản Cựu Ước hiện nay chủ yếu dựa trên Codex Leningradensis (4th: BHS [‘Stuttgartensia’]- 1977) (9)

 

13. VÀI ĐIỀU THÚ VỊ VỀ THÁNH KINH

* Câu dài nhất trong Thánh Kinh là câu 9, chương 8 của sách Êtte.

“9 Các ký lục nhà vua được triệu đến. Lúc đó là tháng thứ ba, tức là tháng Xi-van, ngày hai mươi ba. Theo đúng lệnh của ông Moóc-đo-khai, họ soạn thảo công văn gửi cho người Do-thái, cho các thủ hiến, các tổng đốc và các quan chức các miền từ Ấn-độ cho đến Ê-thi-óp. Có một trăm hai mươi bảy miền, miền nào theo chữ viết của miền ấy, dân nào theo tiếng nói của dân ấy, người Do-thái theo chữ viết và tiếng nói của họ.” (NPD CGKPV)

* Chương dài nhất là Thánh Vịnh 119 có 176 câu; chương ngắn nhất là Thánh Vịnh 117.

“1 Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa,
ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!

2 Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt,
lòng thành tín của Người bền vững muôn năm. Halêluia.”
(Tv 117)

* Chương ngay giữa Thánh Kinh là Thánh Vịnh 117. Có 594 chương trước đó, và 594 chương ở sau.
 

* Sách ngắn nhất trong Thánh Kinh là Thư mục vụ thứ ba của Gioan. Thư thứ hai của Gioan có số câu ít hơn nhưng có nhiều từ hơn.

* Có cả thảy 773.692 từ trong Thánh Kinh (bản King James tiếng Anh).

* Câu ngắn nhất trong Thánh Kinh là Phúc Âm Gioan 11,35 chỉ có 2 từ “Giêsu khóc”.

“35 Đức Giê-su liền khóc.” (NPD CGKPV) [ 35 And Jesus wept.]

* Từ dài nhất trong Thánh Kinh là “Mahershalalhashbaz” [(Hãy gọi tên nó là) Ma-he Sa-lan Khát Bát], [(Belonging to) Maher-shalal-hash-baz] được tìm thấy trong câu 1 và 3 của chương 8 sách Isaia.

* Trong Thánh Kinh có hai chương có nội dung tương tự nhau là 2 Các Vua 19 và Isaia 37. (14 câu đầu của mỗi chương giống nhau từng chữ theo bản dịch Anh ngữ King James).

 

* Toàn bộ Thánh Kinh có 1.189 chương (929 chương trong Cựu Ước và 260 chương trong Tân Ước).

 

* Trong Thánh Kinh theo bản King James không có câu nào chứa đựng tất cả mẫu tự trong bảng chữ cái (alphabet), nhưng câu 21, chương 7 của sách Êdêkien có hầu như tất cả, chỉ thiếu mẫu tự : “J”, còn Đanien 4.37 chỉ thiếu mẫu tự “Q”.

 

* Danh xưng “YHWH” (Giavê / Giêhôva) xuất hiện gần 7000 lần trong cả Cựu Ước và Tân Ước. (10)

 

[Kinh Koran có 114 chương, 6236 tiết được thiên sứ Gáprien mạc khải cho ngôn sứ Muhammad (570 – 8 tháng 6. 632).]

https://gpbanmethuot.net/uploads/news/2022_11/image-20221107195050-7.png
14. THÁNH KINH TIẾNG VIỆT

Không kể đến các bản dịch Thánh Kinh từng phần, như của ông Mai Lâm Đoàn Văn Thăng, của linh mục An Sơn Vị hay linh mục Trần Văn Kiệm, v.v….Nay có 6 bản dịch toàn bộ Thánh Kinh do các tác giả Công Giáo thực hiện:

 

14.1 Cố Chính Linh (Albertus Schlicklin) (1913-1913) thừa sai thuộc Hội Truyền Giáo Paris (MEP), là người đầu tiên dịch toàn bộ Thánh Kinh ra tiếng Việt.

Trang tên sách ghi Kinh Thánh cứ bản Vulgata. Cố Chính Linh (Albertus Schlicklin) địa phận Tây Đàng ngoài dịch ra tiếng Annam và thích nghĩa. Bộ này gồm 4 cuốn khổ 18 x 24 cm, với 768, 736, 652 và 894 trang. Sách có chuẩn ấn của Đức Cha P.M. Gendreau (Đức Cha Đông) ký tại Hà Nội ngày 19-03-1913, và in năm 1913-1916 tại Hồng Kông ở nhà in Nazareth của Hội Truyền Giáo Paris.

14.2 Cha Gérard Gagnon (cha Nhân), Dòng Chúa Cứu Thế (1962-1963)

Bản dịch này xuất bản tại Đà Lạt vào những năm 1962-63, in khổ nhỏ 10 x 15 cm, gồm 5 tập : Ngũ Thư, Lịch Sử, Triết Minh, Tiên Tri và Tân Ước.

14.3 Cha Trần Đức Huân (1970)

Bản Kinh Thánh Cựu Tân Ước dịch theo bản Phổ thông này của linh mục Đ.M. Trần Đức Huân, do tủ sách Ra Khơi xuất bản năm 1970, tại Sài-gòn. Đây là bản dịch toàn bộ Kinh Thánh đầu tiên do một linh mục người Việt thực hiện. Sách dày khoảng 2200 trang khổ 15 x 21 cm ; ở đầu có phần “Dẫn vào Kinh Thánh” chừng 25 trang, sau đó là bản dịch các sách, với một nhập đề ngắn cho mỗi sách, và những chú thích ngắn ở cuối mỗi trang.

14.4 Cha Nguyễn Thế Thuấn (1976)

Đây là bản dịch tiếng Việt đầu tiên được thực hiện từ nguyên ngữ Híp-ri, A-ram và Hy-lạp, khác với những bản dịch từ tiếng La-tinh (cố Chính Linh, cha Huân)… Dịch giả là cha Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế, giáo sư Kinh Thánh. Cha đã in cuốn Tân Ước năm 1969 và sắp hoàn thành phần Cựu Ước thì qua đời năm 1975. Một số thân hữu và môn sinh đã hoàn chỉnh và Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Tp. Hồ Chí Minh năm 1976. Cuốn Kinh Thánh này dày tổng cộng 3014 trang khổ 14 x 20cm.

14.5 Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn (1985)

Cuốn Thánh Kinh này do Đức Hồng Y G.M. Trịnh Văn Căn thực hiện, Toà Tổng Giám mục Hà Nội xuất bản năm 1985, dày 2362 trang. Có nhập đề vắn tắt ở đầu mỗi loại sách và mỗi cuốn sách, nhưng gần như không có chú thích (trừ một ít chỗ như trang 153, 2047, v.v…).

Bản dịch dùng lối văn bình dân, dễ hiểu, nghe xuôi, nhưng nhiều chỗ dịch khá thoáng, chưa lột được hết ý của nguyên văn.

14.6 Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (1998)

Đây là công trình dịch toàn bộ Kinh Thánh đầu tiên do một tập thể thực hiện. Các dịch giả gồm linh mục dòng triều, tu sĩ nam nữ và giáo dân, với những khả năng chuyên môn khác nhau (về Kinh Thánh, thần học, phụng vụ, mục vụ, thánh nhạc, văn chương, v.v….). Nhóm này hình thành từ năm 1971 và bắt đầu bằng việc phiên dịch sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, do đó mang tên là Nhóm Phiên Dịch CGKPV. Sau đó Nhóm dịch các bài đọc thánh lễ Chúa nhật và đại lễ, rồi dịch Tân Ước, và sau cùng dịch và chú thích toàn bộ Kinh Thánh.

Nhóm đã cố gắng theo những đường hướng sau đây :

1. Dịch Kinh Thánh từ nguyên văn Híp-ri, A-ram hoặc Hy-lạp, có đối chiếu với bản dịch La-tinh.

2. Đường lối phiên dịch là làm việc tập thể theo tổ : trong mỗi tổ luôn luôn có chuyên viên Kinh Thánh và một số người khác.

3. Mục tiêu là nhằm cung cấp một bản dịch vừa đúng ý nguyên văn, vừa xuôi tiếng Việt và dễ hiểu.

Sau một thời gian dài, Thánh Kinh trọn bộ với chú thích ngắn được in vào năm 1998. (11)

Ấn bản Thánh Kinh trọn bộ của Giáo Hội Tin lành được in năm 1926 tại Hà Nội với học giả Phan Khôi dịch dưới sự chỉ đạo của vợ chồng mục sư William C. Cadman và Grace Hazenberg Cadman – bà Cadman chuyên ngành tiếng Hebrew và tiếng Hy Lạp, hai ngôn ngữ được sử dụng để viết Cựu Ước và Tân Ước.

15. CÁC NGÔN NGỮ

Nhân dịp Ngày Quốc tế Dịch thuật, thần học gia Alexander Markus Schweitzer đã bày tỏ về những thách đố liên quan đến việc dịch Thánh Kinh: Hơn 7.100 ngôn ngữ được nói trên thế giới, thì có hơn 3.700 ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ ký hiệu, chưa có bản dịch Kinh Thánh.

Hiện nay, Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch sang 700 ngôn ngữ, và hơn 1.500 ngôn ngữ có bản dịch Tân Ước. (12)

Theo số liệu thống kê năm 2019, Thánh Kinh trọn bộ hoặc một phần, kể từ năm 1815, ước tính có khoảng hơn 5 tỷ ấn bản Thánh Kinh được xuất bản trở nên sách bán chạy nhất trong mọi thời đại.

Nguyễn Thái Hùng

2022

Ghi chú

(1) https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/25ThanhKinh-KinhThanh.htm
(2) https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Kinh-Thanh-Phung-Vu/Cac-Cuon-Ban-Thao-Bien-Chet-Lich-Su-Va-Nghia.html và https://vi.wikipedia.org/wiki/Tanakh
(3) https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nguon-goc-ban-kinh-thanh-bay-muoi-lxx–42640 và https://catechesis.net/thu-qui-kinh-thanh-va-viec-luu-truyen-ban-van/
(4) https://catechesis.net/thu-qui-kinh-thanh-va-viec-luu-truyen-ban-van/

(4a)https://tinmungmoingay.com/thanh-kinh-nhap-mon-quyen-mot-p-gioi-thieu-va-cac-khai-niem-thanh-kinh-hien-lam/

(5) https://tgpsaigon.net/bai-viet/tong-thu-long-yeu-men-kinh-thanh-cua-dgh-phanxico-63032
(6) (https://catechesis.net/thu-qui-kinh-thanh-va-viec-luu-truyen-ban-van/

(6a)https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bon-cach-doc-kinh-thanh-nguoi-cong-giao-can-biet-41366
(6b)https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-07/dtc-phanxico-kinh-truyen-tin-moi-ngay-doc-mot-doan-phuc-am-ngan0.html

(6c)https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Kinh-Thanh-Phung-Vu/Lam-The-Nao-Doc-Kinh-Thanh-Ma-Khong-Chan.html

(6d) Nhóm PDCGKPV, Đọc Tin mừng Chúa Nhật theo Lectio Divina, Năm A: Mátthêu, nxb Tôn Giáo 2010, p 5-12

(7http://daminhrosalima.net/khac/ai-da-phan-chia-kinh-thanh-thanh-chuong-va-cau-36186.html
(8http://daminhrosalima.net/khac/ai-da-phan-chia-kinh-thanh-thanh-chuong-va-cau-36186.html
(9https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Kinh-Thanh-Phung-Vu/Cac-Cuon-Ban-Thao-Bien-Chet-Lich-Su-Va-Nghia.html
(10https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_Th%C3%A1nh
(11) https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=41
(12) https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2019-10/3700-ngon-ngu-cho-dich-kinh-thanh.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây