TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh lễ Mồng Một Tết Ất Tỵ

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,25-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thư của ĐTC Phanxicô gửi Dân Chúa

17/04/2021 06:26:39 |   822

Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Dân Chúa


“Nếu một chi thể bị đau, mọi chi thể cùng đau” (1 Cr 12, 26). Lời Thánh Phaolô vang dội mạnh mẽ trong lòng tôi khi một lần nữa tôi lại được biết có nhiều trẻ em đã chịu đau khổ vì bị lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lạm dụng lương tâm do một số đáng kể các giáo sĩ và những người được thánh hiến gây ra. Những tội ác gây thương tích nặng nề đau đớn và chẳng thể làm gì được, trước hết cho chính các nạn nhân, rồi còn cho những người trong gia đình họ và cho cộng đồng các tín hữu cũng như những người không phải tín hữu. Nhìn lại việc đã qua, dù cố gắng xin tha thứ và sửa chữa những thiệt hại, cũng chẳng bao giờ đủ. Nhìn về tương lai, phải hết sức cố gắng kiến tạo một nền văn hóa không những có khả năng ngăn ngừa mà còn ngăn chặn cả những gì có thể bao che và dung dưỡng những tình cảnh tương tự. Nỗi đau của các nạn nhân và gia đình họ cũng là nỗi đau của chúng ta, vì thế, một lần nữa, chúng ta phải cấp thiết khẳng định lại cam kết của mình là bảo vệ các trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương.

1. Nếu một chi thể bị đau…
Trong những ngày vừa qua, một phúc trình đã được công bố, nêu chi tiết những việc đã xảy ra cho ít nhất một ngàn người vẫn còn sống, vốn là nạn nhân bị lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lương tâm do các linh mục gây ra trong khoảng 70 năm. Mặc dù có thể nói hầu hết những trường hợp này đã thuộc về quá khứ, nhưng chúng ta biết, dù thời gian có trôi đi, vẫn còn đó nỗi đau của nhiều nạn nhân. Những vết thương này không bao giờ biến mất, chúng vẫn quyết liệt đòi chúng ta phải lên án những tội ác này và hiệp lực nhổ tận gốc nền văn hóa sự chết ấy; những vết thương không bao giờ lành được ấy. Nỗi đau quặn lòng của các nạn nhân đang kêu thấu trời cao, vậy mà từ lâu đã bị làm ngơ, giữ im lặng hoặc bị câm nín. Nhưng tiếng kêu của họ còn mạnh hơn mọi biện pháp bắt phải im tiếng, hoặc thậm chí tìm cách giải quyết bằng những quyết định càng làm vấn đề trở nên nghiêm trọng đến mức phức tạp. Chúa đã nghe tiếng kêu này và một lần nữa cho chúng ta thấy Ngài đứng ở phía nào. Đoạn thánh thi của Đức Maria không thể hiểu khác đi và vẫn tiếp tục âm thầm vang vọng suốt lịch sử. Vì Chúa nhớ lời đã hứa cùng các tổ phụ chúng ta: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng; Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường; Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, Ngài đuổi về tay trắng” (Lc 1, 51-53). Chúng ta thấy xấu hổ vì nhận ra lối sống của mình đã phủ nhận, và tiếp tục phủ nhận những lời mình đọc.

Cộng đồng Giáo hội chúng ta xấu hổ và ăn năn nhìn nhận mình đã không có mặt ở nơi lẽ ra chúng ta phải có mặt, đã không hành động kịp thời, không nhận ra tầm mức lớn lao và tính nghiêm trọng của thiệt hại gây ra cho rất nhiều cuộc đời. Chúng ta không thể hiện sự quan tâm đến những người bé mọn; chúng ta đã bỏ rơi họ. Tôi mượn lời Đức hồng y Ratzinger trong bài suy niệm Chặng Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005. Ngài đặt mình vào tiếng kêu đau đớn của rất nhiều nạn nhân và thốt lên: “Có biết bao nhơ bẩn trong Giáo hội, kể cả những người thuộc hàng linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô! Biết bao kiêu căng, biết bao tự mãn! Chúa Kitô bị các môn đệ của Người phản bội, việc họ lãnh nhận Mình và Máu Chúa cách bất xứng chắc chắn là điều đau đớn nhất Đấng Cứu Chuộc phải hứng chịu; đâm thấu trái tim Người. Chúng ta chỉ còn có thể kêu lên Người từ đáy lòng mình: Kyrie eleison – Lạy Chúa, xin cứu chúng con! (x. Mt 8, 25)” (Chặng Thứ Chín).

2. … mọi chi thể cùng đau
Phạm vi và mức độ nghiêm trọng của tất cả những gì đã xảy ra đòi chúng ta phải hành động một cách toàn diện và trong toàn Giáo hội. Vì trong mọi hành trình hoán cải, điều quan trọng và cần thiết là phải nhận ra sự thật của những gì đã xảy ra, nhưng như vậy cũng chưa đủ. Ngày nay, Dân Chúa chúng ta đứng trước thách đố phải nhận lấy nỗi đau anh em, chị em mình đang chịu nơi thể xác và tinh thần của họ. Nếu trong quá khứ, cách đáp lại là bỏ mặc, còn ngày nay, chúng ta muốn liên đới với họ, theo nghĩa sâu sắc nhất và thách đố nhất, để trở thành cách thức định hình lịch sử hiện tại và tương lai. Và với cách thức này, các xung đột, căng thẳng, nhất là những nạn nhân của mọi loại lạm dụng có thể gặp được bàn tay chìa ra để bảo vệ và giải cứu họ thoát khỏi đau thương (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 228). Sự liên đới này không ngừng đòi chúng ta phải lên án bất cứ điều gì gây nguy hại cho sự toàn vẹn của bất cứ người nào. Sự liên đới yêu cầu chúng ta phải chống lại mọi loại suy đồi, nhất là suy đồi về tinh thần. Tiếp đến là “loại đui mù chạy theo tiện nghi và thỏa mãn, bất chấp tất cả: lừa dối, vu khống, vị kỷ và mọi hình thái tinh vi khác của cái tôi cá nhân chủ nghĩa, vì ‘ngay cả Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng’ (2 Cr 11, 14) (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 165). Lời Thánh Phaolô khuyên hãy chịu đau khổ với những ai đang đau khổ là phương dược hữu hiệu nhất khắc phục xu hướng lặp lại lời của Cain: “Con là người giữ em con sao?” (St 4, 9).

Tôi biết hiện có những nỗ lực và hoạt động tại nhiều nơi trên thế giới nhằm đưa ra những cách thức cần thiết bảo đảm cho sự an toàn và bảo vệ sự toàn vẹn của trẻ em và những người lớn dễ bị tổn thương, cũng như thực hiện chính sách không khoan dung và những phương cách khiến cho những kẻ vi phạm hoặc bao che những tội ác này phải chịu trách nhiệm. Chúng ta đã trì hoãn việc áp dụng những hành động và sự trừng phạt rất cần thiết này, nhưng tôi tin chúng sẽ giúp cho nền văn hóa biết lưu tâm đến nhau được bảo đảm lan rộng hơn trong hiện tại và tương lai.

Cùng với những nỗ lực này, mỗi người đã được rửa tội cần thấy mình dự phần vào sự thay đổi trong Giáo hội và xã hội mà chúng ta đang rất cần. Sự thay đổi này đòi hỏi mỗi cá nhân và cộng đồng hãy hoán cải để chúng ta có thể nhìn sự việc như Chúa nhìn. Như Thánh Gioan Phaolô II thường nói: “Nếu chúng ta thực sự bắt đầu lại từ việc chiêm ngắm Chúa Kitô, chúng ta phải học cách ngắm nhìn Người, nhất là ngắm nhìn Chúa nơi khuôn mặt những người Chúa muốn đồng hình đồng dạng với họ” (Tông thư Novo Millennio Ineunte, 49). Nhìn sự việc như Chúa nhìn, có mặt ở nơi Chúa muốn chúng ta có mặt, thực hiện việc hoán cải tâm hồn trước nhan Chúa. Để làm được như vậy, chúng ta cần phải cầu nguyện và thống hối. Tôi mời gọi toàn thể Dân Thánh trung tín của Thiên Chúa thực thi việc thống hối bằng cầu nguyện và ăn chay, như Chúa đã truyền [1]. Việc thực hành này có thể đánh thức lương tâm chúng ta và khơi dậy sự liên đới và dấn thân xây dựng nền văn hóa biết lưu tâm đến nhau, một nền văn hóa nói “không bao giờ nữa” đối với bất cứ hình thức lạm dụng nào.

Không thể nghĩ đến hoạt động của chúng ta sẽ biến chuyển nếu mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội không tham gia tích cực. Quả thật, bất cứ khi nào chúng ta cố gắng sắp xếp lại, buộc phải im lặng, hoặc làm ngơ, hoặc thu gọn Dân Chúa vào nhóm nhỏ những người ưu tú, rốt cuộc, chúng ta đang tạo ra những cộng đoàn, các dự án, những cách tiếp cận thần học, những linh đạo và cấu trúc không có gốc rễ, ký ức, diện mạo, thể xác, và cuối cùng, không có sự sống [2]. Điều này được thể hiện rõ rệt qua cách hiểu theo ý riêng về quyền bính trong Giáo hội, một điều phổ biến nơi nhiều cộng đoàn đã xảy ra việc lạm dụng tình dục và lạm dụng quyền bính và lương tâm. Như vậy chính là trường hợp mang tinh thần giáo sĩ trị, một cách tiếp cận “không chỉ xóa bỏ nét đặc trưng của người Kitô hữu, mà còn đưa đến việc làm sút giảm và coi thường ân sủng bí tích Rửa tội đã được Chúa Thánh Thần đặt vào cõi lòng mọi người chúng ta” [3]. Chủ nghĩa giáo sĩ, dù nơi các linh mục hoặc giáo dân, đều cứa vào thân mình Giáo hội, đều dung dưỡng và giúp sức cho sự xấu xa tội lỗi, vốn chúng ta đang lên án, lại tiếp tục tồn tại. Nói “không” với lạm dụng là cương quyết nói “không” với mọi hình thức giáo sĩ trị.

Bao giờ cũng hữu ích khi nhớ rằng “trong lịch sử cứu độ, Chúa đã cứu một dân tộc. Chúng ta không bao giờ hoàn toàn là chính mình nếu không thuộc về một dân tộc. Đó là lý do vì sao không ai được cứu độ trơ trọi một mình. Trái lại, Thiên Chúa kéo chúng ta đến với Người, đưa vào tổng thể phức hợp những mối tương quan liên vị trong cộng đồng nhân loại. Thiên Chúa muốn đi vào cuộc sống và lịch sử của một dân tộc” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 6). Như vậy, cách thức duy nhất chúng ta đáp lại sự dữ đã gây đau buồn cho rất nhiều cuộc đời này là thấy được trách nhiệm của toàn thể Dân Chúa chúng ta. Ý thức mình thuộc về một dân tộc và cùng chia sẻ một lịch sử sẽ giúp chúng ta nhận ra tội lỗi và sai lầm của mình trong quá khứ, mở lòng ra ăn năn thống hối, như vậy sẽ giúp chúng ta sửa đổi từ bên trong. Nếu mọi thành phần trong Giáo hội không tích cực tham gia, tất cả những điều chúng ta làm nhằm nhổ tận gốc thứ văn hóa lạm dụng trong các cộng đoàn, chúng ta sẽ không thành công trong việc tạo ra những động lực cần thiết cho một thay đổi lành mạnh và hữu hiệu. Chiều kích thống hối của ăn chay và cầu nguyện sẽ giúp chúng ta, là Dân của Thiên Chúa và là những kẻ có tội, đến trước mặt Ngài và anh em, chị em đang mang thương tích, nài xin được tha thứ và ơn biết xấu hổ, hoán cải. Nhờ đó, chúng ta sẽ hành động làm phát sinh những động lực hợp với Tin Mừng. Vì “mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn và khôi phục nét tươi mới ban đầu của Tin Mừng, những đại lộ mới mẻ liền xuất hiện, những con đường sáng tạo liền mở ra, với những hình thức diễn đạt khác nhau, những dấu chỉ và lời lẽ hùng hồn hơn, diễn tả ý nghĩa mới cho thế giới hôm nay” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 11).

Điều quan trọng là Giáo hội chúng ta có khả năng nhìn nhận và lên án, với lòng đau buồn và xấu hổ, các tội ác do những người được thánh hiến, các giáo sĩ, và tất cả những người được giao sứ mạng trông nom và săn sóc những người dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta hãy nài xin sự tha thứ cho tội lỗi của mình và tội lỗi của người khác. Ý thức mình có tội sẽ giúp chúng ta nhận ra những sai lầm, tội ác và vết thương đã gây ra trong quá khứ, còn hiện tại, cho chúng ta được mở lòng ra và quyết bước vào cuộc hành trình hoán cải mới.

Cũng vậy, thống hối và cầu nguyện sẽ giúp chúng ta mở đôi mắt và cõi lòng hướng đến những đau khổ của tha nhân và chế ngự lòng khao khát quyền lực và của cải vốn là căn nguyên sinh ra tội lỗi xấu xa này. Xin cho việc ăn chay và cầu nguyện mở đôi tai chúng ta trước nỗi đau câm nín của trẻ thơ, người trẻ và người tàn tật. Ăn chay có thể làm chúng ta đói khát công lý và thúc đẩy chúng ta bước đi trong sự thật, ủng hộ mọi biện pháp pháp lý cần thiết. Việc ăn chay khiến chúng ta bị lay động và thúc đẩy chúng ta dấn thân theo sự thật và bác ái với mọi người nam nữ thành tâm thiện chí và với cộng đồng xã hội nói chung, để chống lại mọi hình thức lạm dụng quyền lực, lạm dụng tình dục và lạm dụng lương tâm.
Như vậy, chúng ta có thể cho thấy rõ ràng mình được kêu gọi làm “dấu chỉ và công cụ cho sự hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất với toàn thể nhân loại” (Hiến chế Lumen Gentium, 1).

“Nếu một chi thể bị đau, mọi chi thể cùng đau”, Thánh Phaolô nói. Với tinh thần cầu nguyện và thống hối, cá nhân mỗi người và cộng đoàn chúng ta sẽ sống đúng với lời dạy này, nhờ đó chúng ta có thể thăng tiến trong ân sủng xót thương, công lý, ngăn ngừa và sửa chữa. Đức Maria đã chọn chỗ đứng dưới chân thập giá Con của Mẹ. Mẹ đã không ngần ngại làm như thế, đứng chôn chân bên Chúa Giêsu. Qua đó, Mẹ cho thấy cách Mẹ đã sống cả cuộc đời mình. Khi cảm nghiệm nỗi đau buồn do những vết thương trong Giáo hội đem lại, tốt nhất chúng ta hãy cùng Đức Mẹ “vững tâm cầu nguyện hơn nữa”, tìm cách lớn lên trong tình yêu và trung thành với Giáo hội hơn nữa (Thánh Inhaxiô Loyola, Linh thao, 319). Mẹ Maria, người môn đệ đầu tiên của Chúa, dạy tất cả chúng ta làm thế nào biết dừng lại trước những nỗi khổ đau của người vô tội, không chữa mình cũng không tỏ ra hèn nhát. Chiêm ngắm Đức Maria là khám phá mẫu gương của người thật sự theo Chúa Kitô.

Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn hoán cải và xức dầu cõi lòng chúng ta đang cần đến, để chúng ta tỏ lòng ăn năn trước những tội ác lạm dụng này, và dốc lòng can đảm chống lại chúng.

 

Vatican, ngày 20 tháng 8 năm 2018
PHANXICÔ, Giáo hoàng
(Thành Thi chuyển ngữ -
Nguồn: Libreria Editrice Vaticana, bản tiếng Anh và tiếng Pháp)


–––––––––––––––––––––––
[1] “Giống quỷ này chỉ có thể trừ được nhờ ăn chay và cầu nguyện” (Mt 17, 21)
[2] x. Thư gửi Dân Lữ Hành của Thiên Chúa tại Chile (31 tháng Năm 2018)
[3] Thư gửi Đức hồng y Marc Ouellet, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về châu Mỹ Latinh (19 tháng Ba 2016)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây