BÊN TRỌNG – BÊN KHINH. HỮU LÝ HAY LÃNG PHÍ?
Được biết có một vài ngôi nhà thờ muốn xây mới vì số tín hữu quá đông mà diện tích nhà thờ quá bé. Mỗi Chúa nhật đã dâng đến 4 Thánh lễ mà tín hữu vẫn phải đứng bên ngoài hàng trăm người. Đấng Bản Quyền nói rằng không nên xây mới vì có thể tăng thêm số Thánh lễ trong ngày Chúa nhật. Giải pháp nghe thật hữu lý. Mỗi năm chỉ có 52 Chúa nhật và trên 10 lễ trọng thôi, nếu biết “co thì ấm”. Dĩ nhiên các ngày lễ trọng như Giáng Sinh hay Vọng Phục Sinh thì phải dâng Lễ bên ngoài thánh đường.
Thế nhưng cũng có đó Đấng Bản Quyền tìm đủ cách để xây thêm các “tòa nhà” lộng lẫy để phục vụ cho các linh mục chủ yếu hai dịp trong năm là tĩnh tâm năm và thường huấn. Thiết nghĩ rằng nếu chia việc tĩnh tâm năm thành hai đợt. Đợt một dành cho quý linh mục 50 tuổi trở lên, đợt hai dành cho quý linh mục 50 tuổi trở xuống thì hầu chắc các giáo phận tại Việt Nam sẽ chưa cần đến chuyện xây cất hoành tráng đầy tốn kém. Chuyện thường huấn các linh mục là chuyện cần thiết. Tuy nhiên thiển nghĩ rằng nếu cũng chia nhỏ ra thành từng đợt tùy theo lứa tuổi linh mục thì ắt sẽ đạt hiệu quả hơn nhiều và dĩ nhiên không cần đến cơ sở vật chất quá đồ sộ.
Để phục vụ cho các linh mục mỗi năm có hai dịp quy tụ, mỗi dịp chỉ ba bốn ngày mà xem ra cơ ngơi đã và đang xây dựng quá ư là chưa hợp lý. Dù rằng cơ sở vật chất chỉ là một phương thế, tuy nhiên nếu sử dụng không hợp lý thì dễ trở thành lãng phí. Tinh thần khó nghèo đòi hỏi chúng ta phải tính đến hệ số sử dụng khi muốn xây dựng cơ sở vật chất. Đã có có sở hoành tráng xây dựng lên mà mỗi năm chỉ sử dụng trên dưới 10 ngày thì quá là lãng phí. Ngoài ra còn phải tính đến các chi phí bảo trì mà chắc hẳn không là nhỏ.
Có đấng biện minh rằng để mời “người giảng thuyết” cho các dịp tĩnh tâm năm của linh mục thì khó nên cần phải gộp chung một đợt. Có một “thói quen” ở Việt Nam là việc giảng tĩnh tâm năm cho các linh mục là “dành riêng” cho hàng giám mục. Đâu phải đã là giám mục thì có “chuyên môn” giảng thuyết. Trong số hàng ngàn linh mục trên cả nước thì chắc hẳn có dư số vị có chuyên môn này. Vấn đề là các Đấng Bản Quyền có khiêm nhu đón nhận không mà thôi.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn