Cám ơn đời, mỗi sáng mai thức dậy…
Cuộc đời là một phạm trù có nội hàm rộng lớn trong cõi nhân sinh của kiếp người: Đau khổ, khoái lạc, vinh nhục, sang hèn, giàu nghèo… Vì thế mà khi nói về cuộc đời, mỗi nhà thơ bày tỏ mỗi nhân sinh quan khác nhau:
“Trăm năm còn có gì đâu - Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. Trong Cung Oán Ngâm Khúc, tác giả Nguyễn Gia Thiều đã bày tỏ cuộc đời chóng qua, kiếp người chẳng có nghĩa lý gì, rồi cũng chỉ là “một nấm cỏ khâu xanh rì” mà thôi.
Thi hào Nguyễn Du, khi nghĩ về cuộc đời cũng không kém phần bi quan để thốt lên:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Trong TV 102 bày tỏ: Ðời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích. Vì thế mà cần đến: Chúa ban ơn cứu độ cho người công chính…
Còn cuộc đời đối với nhà thơ “ngông” Cao Bá Quát thì mang tính hiện sinh để hưởng thụ, vì ngày tháng chóng qua, nên chẳng chuốc lấy sự đời làm chi cho khổ đời, thôi thì uống vài chung rượu tiêu sầu vậy…
Ba trăm vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng tỏ ra nhọc nhằn với cuộc đời, để:
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên đôi vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi xuống trăm năm một cõi đi về
Duy có nhạc sĩ Y Vân, ông rút ngắn cuộc đời xuống 60 năm, và chia rạch ròi ra ba giai đoạn:
Hai mươi năm đầu sung sướng không bao lâu
Hai mươi năm sau sầu vương cao vời vợi
Hai mươi năm cuối là bao…
Theo ông thì 20 năm đầu mới là 20 năm sung sướng, vì được sinh ra và lớn lên trong tuổi đời vô tư, chưa vướng bận một điều gì, nên cuộc đời con người sống hồn nhiên và thoải mái.
20 năm sau thì vướng bận đủ thứ trên đời, đủ cung bậc cảm xúc: Hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục… Tình yêu lứa đôi ngang trái… Rồi kiếp người phải lao đao lận đận theo nợ cơm áo gạo tiền. Rồi công danh sự nghiệp… Còn đâu mà vui sướng nữa chứ!!!
Đến 20 năm cuối là bao…
Thấy cuộc sống không là bao, nên ông khuyên: Ô được bao năm sống mình yêu nhau!
Nhà văn Pháp, Guy de Maupassant trong tác phẩm “Một cuộc đời” có cảm nhận trung dung để cho rằng: cuộc đời không quá tốt, mà cũng không quá xấu.
Tác giả Kahlil Gibran, một thi sĩ người Liban đã nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng để: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương. (Nguyễn Nhật Ánh dịch câu này).
Nhà thơ Hoàng Nga diễn giải: Vần thơ mang lại cho chúng ta sự lạc quan tin tưởng ở tương lai, tràn ngập tinh thần nhân văn, vị tha và yêu đời… Ta nhìn thấy trong tư tưởng của Kahlil Gibran là tư tưởng của bác ái Kytô giáo, không thể hiện một chút gì là thù hận và chứa đựng một tinh thần vị tha tuyệt đối…
Còn cuộc đời đối với mỗi người chúng ta thì sao các bạn nhỉ!!??
Thân phận chúng ta được sinh ra sống trên đời này, thì không còn có quyền lựa chọn nữa rồi…
Có khóc lóc rầu rĩ đến mấy cũng phải sống. Thế thì dại gì mà chúng ta không cười khì… cho cuộc đời thêm hưng phấn lạc quan mà sống cho tươi vui…
Có kêu ca than phiền đến mấy, cũng chẳng ai cho tiền đâu các bạn ạ!! Mỗi người phải tự đứng vững trên đôi bàn chân mình để tự lực cánh sinh, chứ không phải nhờ cậy vào ai cho nhục nhã…
Cuộc sống giàu nghèo, sang hèn, vinh nhục, thành công, thất bại…đều do mỗi người chúng ta phải tự quyết định mà có được…
Hãy sống bằng nghị lực đời mình để vươn tới một ngày mai tốt đẹp hơn…
Nói gì thì nói, tôi vẫn thích câu thơ: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương.
Đọc câu thơ này, tôi cảm thấy cuộc đời đáng yêu biết bao, giống như lời bài hát: Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao, dù đạn bom man rợ thét gào…
Cuộc đời tươi đẹp hay úa tàn là do mỗi con người chúng ta tự quyết định đấy các bạn ạ!!!
Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết: Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào.
Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi. Nhưng đối với một Kitô hữu chết là một mối lợi như Thánh Phaolô nói: tôi sống là sống cho Chúa Kitô và chết là chết cho Chúa Kitô. (thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Philipphê Pl 1,18-26). Như thế, Phaolô nhìn cái chết như là: một thời điểm của hạnh phúc và hoan lạc; là cuộc gặp gỡ dứt khoát với Đức Kitô Giêsu; diện đối diện với Đấng mà ông hiến trọn cuộc đời mình là nhập cuộc vào niềm vui mừng của Đức Kitô… Sự chết không cắt đứt được sự hiệp thông mà ông có với Đức Kitô khi còn sống;
Chúc các bạn có được sự lựa chọn sáng suốt, để có được một ngày mai huy hoàng và tươi sáng cho cuộc đời bạn…
Nguyễn Vĩnh Căn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn