TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúng ta sẽ không lạc lối

Thứ năm - 13/05/2021 23:59 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   664
Chúng ta sẽ không lạc lối

Lễ Hiển Linh

Chúng ta sẽ không lạc lối

Mùa Giáng Sinh đã đến và mùa Giáng Sinh sắp qua đi. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Điều gì để lại trong tôi? Giáng Sinh đem lại cho tôi điều gì?

Phải chăng là để lại trong tôi một Giáng Sinh tưng bừng náo nhiệt với những buổi party thâu đêm suốt sáng! Phải chăng là đem lại cho tôi một tập album với hình ảnh tôi thướt tha bên cây thông, bên ông Noel, bên người tuyết! Phải chăng là hình ảnh tôi đứng dưới ánh sáng lung linh của những ngôi sao, khép mình bên hang đá, chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su!

Ôi! nếu là thế thì quả là hạnh phúc! Thế nhưng đừng vội vui, đừng vui, vì đó chỉ là hạnh phúc chóng qua. Hạnh phúc của người Ki-tô hữu, đó là: mừng Giáng Sinh phải là cơ hội để chúng ta nhìn lại niềm tin của mình, niềm tin về “một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho (chúng ta)”. Mừng Giáng Sinh phải là dịp tiện để chúng ta tái khẳng định rằng: “chính mắt con được thấy ơn cứu độ”.

“Hình ảnh tôi đứng dưới ánh sáng lung linh của những ngôi sao, khép mình bên hang đá, chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su” Tốt… Nhưng sẽ tốt hơn nếu trong tâm hồn tôi rạt rào tâm tình “thờ lạy Ngài”.

Giáng Sinh đầu tiên, nếu được phép gọi như thế, cũng đã có người “khép mình bên hang đá Belem, chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su”, nhưng họ không mượn biến cố này để vui đùa nhậu nhẹt, để nghiêng ngửa với những bộ áo quần lộng lẫy chụp hình quay phim. Họ đến đó để “sấp mình thờ lạy Đức Giê-su Hài Nhi”.

Họ là ai? Thưa, họ là những nhà chiêm tinh và câu chuyện về họ đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu (x.Mt 2, 1-12)

**

Vâng, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, qua nhạc phẩm “Mừng Chúa ra đời”, đã thi vị hóa câu chuyện qua những nốt nhạc du dương, rằng: “Thành phố Giêrusalem trong một đêm lạnh giá giăng đầy. Nghìn ánh sao trời bỗng một vì sao rơi ngời sáng. Mẹ Maria nơi hang đá Bêlem, vinh danh Chúa sinh ra đời. Thiên thần chấp cánh vây quanh”.

Mà, quả thật, hồi ấy có một “vì sao xuất hiện bên phương Đông”. Ngôi sao đó và nhân vật Mẹ Maria đã được thánh sử Mát-thêu ghi lại rất chi tiết như sau: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Belem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì” thì, từ phương xa, có mấy nhà chiêm tinh tìm đến Giêrusalem.

Họ đến làm gì? Phải chăng là để chiêm ngắm Đền Thờ, nơi được mô tả là “Cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh”! (x.Tv 49, 2)

Thưa, không phải vậy. Họ đến để tìm vua dân Do Thái mới sinh. Mà, Giêrusalem là thủ đô Do Thái, thế nên, họ nghĩ rằng mình đã đến đúng địa chỉ.

Hôm ấy, khi đến nơi, họ hỏi cư dân ở đó, rằng “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?”.

Sự xuất hiện của các nhà chiêm tinh với câu hỏi nêu trên, cùng những lời tường thuật của những nhà chiêm tinh, rằng “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”, đã làm chấn động cả kinh thành Giê-ru-sa-lem.

Dân tình thì xôn xao, xôn xao trong vui mừng. Vui mừng vì tương lai sẽ có một “Đức Vua”, Người sẽ giải thoát họ khỏi ách cai trị của Đế quốc Roma.

Còn các vị hoàng thân quốc thích trong triều đình thì sao? Thưa, họ bối rối. Người bối rối nhất chính là vua Hê-rô-đê. Trong cơn bối rối đó, ông ta triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư để hỏi cho ra lẽ chuyện “Đấng Ki-tô phải sinh ở đâu”

Hôm ấy, rất trịnh trọng, các thượng tế và kinh sư khẳng định, rằng: “Tại Belem, miền Giu-đa”.

Vâng, là chức sắc của Đền Thờ, họ am tường lời ngôn sứ được ghi trong Kinh Thánh, họ cho biết có lời Kinh Thánh, rằng: “…Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).

Qua lời của các thượng tế và kinh sư, mấy nhà chiêm tinh biết được lộ trình mình phải đi. Thế là họ tiếp tục cuộc hành trình. Và, ngạc nhiên thay! “Ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”.

Ô hay! Sao là ở đây! Đức Vua sao lại “nằm trong máng cỏ”! Tuy nhiên, như lời kể của thánh Mát-thêu, thắc mắc đó, (nếu có), cũng không ngăn cản họ “vào nhà”. Vào nhà, các vị chiêm tinh “thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người”.

Rồi, chuyện kể tiếp rằng: họ “mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”.

Kinh Thánh có chép rằng: “Giấc mộng chưa thành, trái tim khắc khoải”. Ấy thế mà, mấy nhà chiêm tinh, tuy giấc mộng “Tìm Đức Vua” đã thành, trái tim của họ vẫn không ngừng khắc khoải.

Tại sao? Thưa, tuy thánh sử Mát-thêu không ghi lại, ta vẫn có thể tin rằng, họ khắc khoải về lời căn dặn của vua Hêrôđê: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cùng đến bái lạy Người” (x.Mt 2, 8).

Là những nhà chiêm tinh, làm sao họ lại không có kinh nghiệm về cuộc đời, một kinh nghiệm rằng, trên thế gian này, từ cổ chí kim, có nhà vua nào vui mừng khi nghe tin một người vừa mới sinh ra sẽ “trở thành lãnh tụ”, sẽ là vua, một nguy cơ soán ngôi của mình!

Nỗi khắc khoải của các nhà chiêm tinh, nhiệm mầu thay, đã được giải đáp qua sự kiện, các ông “được báo mộng là đừng trở lại gặp Hê-rô-đê nữa”. Vâng, hôm ấy “họ đi lối khác mà về xứ mình”.

Có lẽ… có lẽ chúng ta có quyền tưởng tượng rằng, những nhà chiêm tinh, khi về tới nhà, họ sẽ cất cao giọng hát: “Tôi đã thấy mặt trời lên, sau đêm dài tăm tối triền miên”.

“Mặt trời công chính Giê-su” đã đến thế gian, cớ sao không cất tiếng hát vui mừng, nhỉ?

***

Vâng. Thưa bạn, bạn có cất tiếng hát vui mừng, sau khi được nghe, được đọc câu chuyện “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi”?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, là một Ki-tô hữu, hãy nhớ rằng, đời sống đức tin mỗi chúng ta hôm nay, cũng là một cuộc hành trình. Nếu, nếu các nhà chiêm tinh có một cuộc hành trình “tìm để gặp Giêsu Hài Nhi”, thì với ta, đó là cuộc hành trình tìm để gặp một “Giêsu Cứu Chúa của đời ta”.

Thế nên, cớ gì ta không vui mừng khi được nghe, được đọc câu chuyện này. Cớ sao ta không xem câu chuyện của các vị chiêm tinh như là “mẫu mực” cho đời sống Ki-tô hữu của ta!

Tại sao phải coi đó như là mẫu mực? Thưa, vì như các nhà chiêm tinh xưa, lạc lõng giữa một Giê-ru-sa-lem, với một Hê-rô-đê bạo tàn và giả dối. Chúng ta, hôm nay, cũng có đôi khi phải loay hoay giữa những sự dối trá, tàn bạo bất nhân của những tên bạo chúa độc tài, thời nay.

Với những bạo chúa độc tài đó, tạm gọi chung là Herode-thời-đại, họ cũng làm ra vẻ cởi mở, họ cũng ra vẻ lịch lãm trong những bộ veston, lên ti-vi tuyên bố vung vít rằng thì-là-mà chúng tôi tôn trọng tự do tôn giáo. Thế nhưng, lợi dụng sự độc quyền truyền thông, họ ra rả chửi bới Đức Ki-tô. Họ ngăn cản chúng ta xây nhà thờ, dù rằng ở đó người Công Giáo thì đông, nhưng chẳng có ngôi nhà thờ nào cả.

Họ cảm thấy bất an (như sự bất an của Hê-rô-đê xưa), khi nhìn thấy chúng ta (là những nhà chiêm tinh thời nay), tìm kiếm và viếng thăm những người già cô đơn, những trẻ em cơ nhỡ, những kẻ thân cô thế cô, những người nghèo khó, ốm đau, bệnh hoạn, những người chúng ta coi là “Hài Nhi Giê-su” của thời đại.

Chưa hết, trong khuôn mặt là những tên đồ tể, họ ra vẻ đạo đức giả, tuyên bố: “Ở đâu có người Công Giáo, ở đó tệ nạn ít xảy ra”, thế nhưng, thâm tâm họ, chính sách của họ vẫn là những chính sách cổ võ, tiêu diệt những mầm sống chưa kịp thành người, bằng những đạo luật đại loại như: tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính, đi ngược với đức tin Kitô giáo, chống lại “Mười giới răn của Đức Chúa Trời”.

Ta phải làm gì? Thưa, hãy nhìn các nhà chiêm tinh xưa. Họ đã không nghe lời ngọt ngào (nhưng đầy xảo trá) của Hê-rô-đê, nhưng là nghe vào “lẽ thật”, lẽ thật ở nơi lời các “ngôn sứ”.

Nay, cũng vậy với chúng ta, ta chỉ có thể tìm và gặp “Giê-su Cứu Chúa đời ta”, qua lờiThánh Kinh, với Bí Tích Thánh Thể và cuối cùng là trên con thuyền Giáo Hội, chứ không phải qua chủ thuyết này, học thuyết kia hoặc qua những lời “bô lô ba la” của ông tổng thống này, ông chủ tịch nọ, v.v…

Lời Chúa, đừng quên, “là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (x.Tv 119,105).

Bí Tích Thánh Thể, đừng quên, đó chính là “giao ước mới”, giao ước chính Đức Giê-su thiết lập và truyền dạy trong bữa tiệc ly. Hôm ấy, Đức Giê-su đã nói với các tông đồ, khi Ngài “cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội”. (x.Mt 26, 27)

Cuối cùng, trên con thuyền Giáo Hội, (một con thuyền đã được Ngài trao quyền “thuyền trưởng” cho Phê-rô), luôn có Đức Giê-su ở cùng chúng ta, vì như lời Ngài đã hứa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Có được “ngọn đèn Kinh Thánh soi ta bước”. Có được “Giao Ước” của Đức Giê-su. Và, có sự hiện diện Đức Giê-su trên con thuyền Giáo Hội… Hãy tin, cuộc hành trình về Belem (Belem Thiên Quốc) của chúng ta, sẽ là một cuộc hành trình đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa.

Có ân sủng và bình an của Thiên Chúa, chính là ta có được “vì sao của Người” xuất hiện trong tâm hồn ta.

Có vì-sao-của-Người trong tâm hồn ta, hãy tin, chẳng thể nào ta lạc lối về Belem, Belem Thiên Quốc.

Hãy tin, “chúng ta sẽ không lạc lối”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây