TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dấu Chỉ

Thứ hai - 30/08/2021 19:15 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1416
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” (Lc 4,17-21).
Dấu Chỉ

DẤU CHỈ TÁC ĐỘNG CỦA THẦN KHÍ THIÊN CHÚA

Họ trao cho Đức Giêsu cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa. Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Trong hội đường, trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” (Lc 4,17-21).

Những ai có dấu chỉ cho thấy Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống? Đó là những người được sai đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn. Theo chiều kích đức tin Kitô giáo khi tội lỗi hiện diện thì mọi người đều là kẻ nghèo hèn trước mặt Thiên Chúa. Có khi mức độ nghèo hèn của nhiều người chức cao và đầy tiền của thì lại đáng sợ hơn là những người khố rách áo ôm, thấp cổ bé phận. Theo văn mạch thì Tin Mừng được loan báo qua các dấu chỉ:

- Giải thoát những ai bị giam cầm, bị áp bức cách bất công.
- Làm cho người mù giác ngộ, cách riêng là mù tối về lương tri đạo đức.
- Công bố tình yêu vô bờ và nhưng không của Thiên Chúa qua hình ảnh năm toàn xá.

Có thể nói là ngoài Mẹ Maria được ân sủng tràn đầy, còn chúng ta không một ai là đủ đầy ân sủng Thánh Thần. Nhưng chúng ta vẫn có thể được một phần nào đó Thần Khí Thiên Chúa khi thực thi một trong những điều vừa liệt kê ở trên.

Tuy nhiên xin đặc biệt lưu ý đến động thái “ra đi”. Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên ai thì sai người đó “ra đi” để thực thi thiên ý. Nội hàm ở động thái ra đi không chỉ dừng lại ở phạm trù không gian mà nhất là ở phạm trù “hữu thể”, “căn tính”. Để thực thi thiên ý dưới tác động của Thần Khí, thì trước hết Đức Kitô đã ra đi khỏi thân phận của một vị Thiên Chúa, mặc lấy thân phận tôi đòi như chúng ta… (x. Pl 2,6-11).

Một chi tiết mà Tin Mừng tường thuật thêm cho chúng ta một tiêu chí để thẩm định người được Thánh Thần ngự xuống và sai đi đó là sẵn sàng đón nhận mọi sự đáp trả dù thuận hay nghịch từ những người được rao giảng. Có thể là “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp” được nghe, mà cũng có thể là “đầy phẩn nộ” tìm cách hãm hại người rao giảng. Nếu thiếu hoặc không sẵn sàng đón nhận mọi tình huống tốt hay xấu có thể xảy đến thì hầu chắc chưa phải là người được Thánh Thần ngự xuống và sai đi.

Đã và đang có đó nhiều mục tử chỉ thích mong mọi sự đều xuôi chảy, mọi người cộng tác luôn vâng phục mình. Dĩ nhiên ai lại không mong muốn mọi sự đều thuận buồm xuôi gió. Thế nhưng khi gặp một vài tình cảnh không như ý, khi nghe một vài phản ảnh hay một vài góp ý, nhận định trái chiều mà chúng ta lại quá bực tức, khó chịu, thậm chí quy chụp là chống đối thì rất có thể chúng ta đang thiếu ân sủng Thánh Thần.

“Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai các người vừa nghe”. Cái thì hiện tại của từ “hôm nay” nhắc nhở chúng ta phải biết luôn tự kiểm thảo để lại bắt đầu, bắt đầu lại để cho Thánh Thần Thiên Chúa tác động. Một điều như đương nhiên, khi thiếu vắng Thần khí của Thiên Chúa thì tà thần sẽ xâm chiếm cõi lòng chúng ta.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

 

 Tags: Dấu Chỉ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây