TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Kitô – Người bạn tâm giao của mỗi tâm hồn

Thứ tư - 08/02/2023 08:01 | Tác giả bài viết: Nữ tu Maria Diệu Huyền |   755
Tình yêu là một mầu nhiệm trong Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8).
Đức Kitô – Người bạn tâm giao của mỗi tâm hồn

ĐỨC KITÔ – NGƯỜI BẠN TÂM GIAO CỦA MỖI TÂM HỒN
 

WHĐ (08.02.2023) - Hội Thánh khẳng định rằng thế giới này sống được là nhờ tình yêu. Tình yêu là một mầu nhiệm trong Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8). Tình yêu mang một nội hàm phong phú và có nhiều cung bậc khác nhau, trong đó, tình bạn là một kinh nghiệm sống động để diễn tả các thuộc tính của tình yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng nó lại mang những đặc nét riêng biệt. Kinh Thánh mặc khải cho ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu muôn thuở (Gr 31,3) và “Thánh Kinh chính là bức thư tình mà Thiên Chúa gửi cho chúng ta là bạn hữu của Người”[1]. Xuyên suốt lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã nói hết với nhân loại qua “Lời tình” duy nhất là Đức Giêsu - Ngôi Lời Nhập Thể và ban cho chúng ta được nên bạn hữu nghĩa thiết với Người trong Đức Giêsu. Bằng lý trí tự nhiên, con người không thể hiểu nổi một Vị Thiên Chúa lại trở nên bạn hữu của họ, nhưng kỳ thực, Đức Giêsu là một người bạn song hành cách kín nhiệm với mỗi tâm hồn. Trong phạm vi bài viết ngắn gọn này, người viết xin dừng chân ở một số điểm để minh định rằng “Đức Giêsu chính là Người  Bạn tâm giao của mỗi tâm hồn”; đồng thời, phóng chiếu một cuộc viễn kiến nội tâm bản thân để lượng giá lại tình bạn thiêng liêng giữa mình với Chúa Giêsu, từ đó, biết trân quý những giá trị tình cảm siêu nhiên và tự nhiên mà Thiên Chúa đã phú ban.

Góc Nhìn Từ Nguyên

Trước khi tập chú vào tình bạn cao cả của Chúa Giêsu dành cho con người, thiết tưởng cần phải khai sáng vị trí và ý nghĩa của hạn từ “Tình Bạn” và “Bạn hữu”. Tình bạn có một chỗ đứng đặc biệt trong Kinh Thánh. Tác giả sách Huấn Ca dạy: “Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc. Ai gặp được người bạn như thế là gặp được kho tàng” (Hc 6,14). Một tình bạn chân thành “không gì đổi lấy được và không cân nào lường được” (Hc 6, 15-16). Người Hy lạp gọi tình bạn với hạn từ Philia. Quan niệm tình bạn (philia) được Phúc Âm thánh Gioan sử dụng và đào sâu ý nghĩa, để làm nổi bật quan hệ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài. Theo ngôn từ học Tây phương, thuật ngữ “bạn hữu” tức là “ami” trong tiếng Pháp có gốc từ chữ “amicus” trong tiếng La tinh, bắt nguồn từ chữ “amara” có nghĩa là yêu thương. Trong tiếng Anh, bạn là “friend”, hay tiếng Đức là “freund”, cả hai bắt nguồn từ cổ ngữ là “frijon” cũng là yêu thương. Đó cũng là nguồn gốc của các chữ “free” và “frei” có nghĩa là tự do[2]. Như vậy, sự tự do và tình yêu cùng gặp nhau trong tình bạn. Với những đặc tính ấy, khởi đi từ Kinh Thánh, các học giả tâm linh Kitô giáo khẳng định Chúa Giêsu Kitô là thước đo của tình bạn đích thực, là cứu cánh của mọi tình bạn thiêng liêng và Ngài là Người Bạn tốt nhất của mỗi Kitô hữu[3]. Dù Người là Đấng Tạo Hóa, là Vua các vua nhưng đã làm người và mang trái tim nhân loại. Người thông chia những cung bậc tình cảm phong nhiêu của phận người. Cuộc đời Đức Giêsu đã minh chứng “Tình Bạn chân thật là gì?”“Bạn hữu đích thực là phải như thế nào?”.

Đức Giêsu – Người bạn luôn đi bước trước và không loại trừ một ai

Trước hết, Đức Giêsu là một Người Bạn không loại trừ một ai, luôn đi bước trước đến với mọi người dù cho họ có lầm lỗi, xấu xa đến nhường nào. Các thánh sử cho ta biết rằng Chúa Giêsu không sống đơn côi nhưng Người đã chủ động thiết lập, nối kết tình bạn (x. Lc 10,38-41; Ga 11,1-39; 12,2) và Người đã khẳng định: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16). Chúa Giêsu cùng ăn uống, đi dạo, làm việc, chia sẻ “chuyện Trời và chuyện đời” với bạn hữu của Người. Người đã đối xử thân tình và làm một cuộc cách mạng xóa bỏ mọi rào cản với những tầng lớp bị coi rẻ, khinh khi trong xã hội cho dù họ là thu thuế, gái điếm, đui mù, què quặt, nghèo túng hay bất cứ tình cảnh bần cùng nào[4]. Đi đến đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, giải thoát con người khỏi mọi áp bức và trở nên “đại ân nhân gần gũi” của bao kiếp người bên lề xã hội.

Đức Giêsu – Người bạn không màng đến khoảng cách, địa vị

Trong mối tương quan bạn hữu của Chúa Giêsu, không bao giờ tồn tại khái niệm địa vị hay khoảng cách nhưng trên hết đó là sự chân thành của trái tim. Tình bạn của Người dành cho các môn đệ không bao giờ là tương quan chủ - tớ, mà là một Người Bạn sẵn sàng trải lòng cho các môn đệ biết “tất cả” (x.Ga 15,15), nghĩa là không giữ lại gì cho riêng mình mà dốc hết tâm can và không ngần ngại gọi họ là bạn hữu: “Anh em là bạn hữu của Thầy” (ὑμεῖς φίλοιμού), nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu (φίλους)” (Ga 15,14-15)[5]. Người sống gần gũi, thân thương, chia sẻ vui buồn, chịu đựng và kiên trì với những bạn hữu của Người; Những điều Chúa Giêsu đã thực hiện và đối xử với các bạn hữu của Người thì luôn được mở rộng ra cho những ai muốn theo Người trên hành trình của các môn đệ - Sequela Christi.

Đức Giêsu – Người bạn luôn âm thầm phục vụ và yêu thương đến cùng

Tình bạn “sống cho” của Đức Giêsu đã đạt đến đích điểm và sự cạn cùng ngang qua hành động “chết cho” bạn hữu của Người là tất cả chúng ta: “Không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu của người đã hiến thân vì bạn hữu” (Ga 15,13). Yêu đến độ cúi xuống rửa chân, hòa quyện nên một “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy” (Lc 6,56) cùng với lời hứa “Ta sẽ ở với các con cho đến tận thế” (Mt 28,20). Tình bằng hữu của Người còn mang điểm nhấn của sự thứ tha không mệt mỏi. Dù biết Giuđa sẽ phản bội, Phêrô sẽ chối bỏ, các môn đệ khác sẽ đào tẩu, những ai Người thi ân giáng phúc sẽ quay lại phỉ báng và đóng đinh Người, nhưng Đức Giêsu vẫn đón nhận họ đến cùng.

Đức Giêsu – Người Bạn tâm giao của mỗi tâm hồn trong mọi thời đại

Với tất cả những đặc nét trên, tình bạn của Chúa Giêsu luôn chờ đợi và trao ban cho mỗi người thuộc mọi thời đại, ngay khi chúng ta còn là tội nhân (x.Rm 5,8). Người bạn Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta dù chỉ là một khoảnh khắc, đặc biệt trong những lúc đau khổ cùng cực. Chính thánh nữ Têrêxa Avila trong những lúc cô đơn, thánh nữ càng cảm thấy sự gần gũi tốt lành của người bạn Giêsu của mình: “Khi chúng ta chịu ngược đãi hay thử thách, khô khan, yếu nhược, những khi ấy Ngài trở nên người bạn đồng hành với chúng ta” (Tự thuật 22, 10). Thêm vào đó, nhờ sự trợ giúp của người bạn Giêsu, chúng ta có thể chịu đựng và vượt qua tất cả mọi sự (Tự thuật 22, 6)[6]. Bởi vậy, với người bạn Giêsu, chúng ta có thể chia sẻ những bí mật sâu xa nhất một cách tự nhiên thoải mái. Chúng ta có thể cởi mở mọi điều chúng ta làm cho Ngài, thậm chí cả những tội lỗi của chúng ta. Chúng ta đi vào trong mối tương quan tình bạn đó nhờ việc cầu nguyện. “Bằng việc cầu nguyện, chúng ta có thể thường xuyên kinh nghiệm sự gần gũi với Ngài, nhiều hơn bất cứ gì mà chúng ta có thể kinh nghiệm với một người khác”[7].

Lời kết

Tình bạn mà Chúa Kitô trao ban cho chúng ta không kết thúc trong thế giới này, nhưng đạt đến sự hoàn thiện trong Nước Trời, nghĩa là hướng tới chiều kích cánh chung, niềm vui, sự viên mãn, như Người đã nói “để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn” (Ga 15,11). Ước mong rằng khi cảm nếm được sự ngọt dịu từ tình bạn với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhân rộng ra với những người xung quanh và tìm được những người bạn như lòng mình sở nguyện. Nhưng để tìm được một người bạn tri kỷ thì trước tiên, chính chúng ta phải trở nên người bạn theo mẫu gương Đức Giêsu. Có ai đó đã nói rằng: “Nếu bạn muốn có những người bạn thực sự, trước tiên bạn phải biết kết bạn với Thiên Chúa qua thập giá của Chúa Giêsu Kitô. Tình bạn chân chính không xảy ra theo cách nào khác”. Sự viên mãn và thành công của tình bạn đích thực chỉ có thể khởi đi từ tình bạn với Thiên Chúa qua Thập Giá Đức Kitô, không có con đường nào khác ngoài con đường ấy, bởi như Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác tín: Căn tính tình bạn của chúng ta là tình bạn với Chúa Giêsu (Bài giảng trong Thánh lễ, tại Santa Marta (Vatican Media) ngày 15/5/2018).

Với bản thân người viết, ý thức được Kitô hữu (hữu là chữ 友) có nghĩa là bạn của Chúa Kitô[8], người có Chúa Kitô và hơn thế nữa là một người hiến thân trên con đường dâng hiến, được chọn Đức Kitô là Bạn Trăm Năm của mình, người viết lại thêm xác tín về tình bạn thiêng liêng với Người. Đã bao lần trong cuộc đời, phải trải qua những đêm tối của niềm tin, phải nếm trải những đắng cay của kiếp nhân sinh, lý trí và con tim phải giằng co, phân bua, thậm chí tranh đấu cho đến độ nước mắt phải chảy ngược vào trong tim. Thế nhưng, nhờ vào tình bạn với Đức Kitô, người viết đã vượt qua nhiều thách đố để cố gắng gìn giữ lời đoan hứa trong ngày khấn dòng. Người viết chân nhận rằng, từng ngày qua đi, phải làm sao cho Đức Kitô trở nên đối tượng của toàn bộ những khát vọng, trở thành biểu tượng của tất cả những điều mình ước muốn, trở thành lời đáp trả cho toàn bộ những nhu cầu của bản thân và trở thành cứu cánh của cuộc đời. Gẫm lại mới thấy, dù tình bạn của bản thân dành cho Chúa Giêsu còn đậm mùi trần thế, còn vướng bao tỳ vết, nhưng thiết tưởng, những nỗ lực và thiện chí liên lỉ sẽ được làm cho tròn đầy trong ngày khánh tận của cuộc đời. Những giới hạn của tình bạn nơi trần thế sẽ trở nên viên mãn trên Nước Trời!

 

Nữ tu Maria Diệu Huyền, Dòng Mến Thánh Giá Vinh

[1] St. Augustine, Enarr in Psalm 90, tại http://www.clerus.org/bibliaclerusonline/en/ck0.htm, truy cập ngày 30/12/2022.

[2] LM Thái Nguyên, Huyền Nhiệm của Tình Bạn, tại https://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/tuduc/50HuyenNhiemTinhBan.htm, Truy cập ngày 25/12/2022.

[3] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 150.

[4] Rudolf Schnackenburg, Đức Giêsu trong các Tin Mừng (Phaolô Nguyễn Luật Khoa, OFM và Maria Phạm Thị Huy, OP Chuyển ngữ), Nxb Tôn Giáo, 2019, 209.

[5] Lm. Hoa Thập Tự, Đức Giêsu Kitô - Khuôn Mẫu Của Tình Bạn Kitô Giáo, Trích từ tập san Đức Tin & Văn Hóa, số 15, tại https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Than-Hoc/Duc-Giesu-Kito-Khuon-Mau-Cua-Tinh-Ban-Kito-Giao.html

[6] Lm. F.X. Nguyễn Quách Tiến, OCD, Đức Giêsu Kitô Người Bạn Thân Thiết Của Thánh Têrêxa Avila, tại https://ocdvietnam.org/2020/07/01/duc-giesu-kito-nguoi-ban-than-thiet-cua-thanh-terexa-avila/, truy cập ngày 27/12/2022.

[7] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 156.

[8] Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ, Kitô hữu, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/kito-huu-39833

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây