TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đừng ganh tị nhau

Thứ tư - 12/05/2021 21:35 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   842
Đừng ganh tị nhau

Chúa Nhật XXV – TN – A

Đừng ganh tị nhau

Vào lúc 20 giờ ngày 29/7/2014, một vụ án mạng đã xảy ra tại khu phố 8, P. Long Phước, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Nạn nhân tên là Dương Quốc Lịch. Thủ phạm tên là Phạm Văn Anh.

Phạm Văn Anh và Dương Quốc Lịch là hai người bạn đồng hương, cùng làm công nhân tại xưởng chế biến hạt điều Sơn Loan, thuộc khu phố 8, phường Long Phước, thị xã Phước Long. Thời gian gần đây, cả hai có sự mâu thuẫn với nhau. Văn Anh thường xuyên tỏ ý ganh tị vì thấy Quốc Lịch được chủ xưởng quan tâm hơn.

Theo lời nhân chứng là chị Đỗ Thị Loan, chủ xưởng, thì, vài ngày trước khi xảy ra án mạng, Văn Anh viện lý do Quốc Lịch nhác làm, thường nằm ngủ một góc khuất trong xưởng để tránh camera chủ xưởng cài đặt theo dõi công nhân làm việc, nên đã to tiếng với Lịch. Bực tức vì Văn Anh mới chính là người lười biếng nên Quốc Lịch liền cãi lại.

Khoảng 20 giờ ngày 29/7, hai bên lời qua tiếng lại với nhau, được một hồi, Văn Anh bất ngờ dùng tay đấm vào mặt Quốc Lịch. Anh Lịch né được cú đấm rồi dùng chân đạp thẳng vào bụng Văn Anh.

Được mọi người hết lời khuyên can nên cả hai đều có vẻ nguôi cơn nóng giận. Sau đó, anh Lịch vẫn ở lại trong xưởng trò chuyện với mọi người, còn Văn Anh bỏ về phòng trọ. Do bị dính cú đạp vào người nên Văn Anh vô cùng cay cú.

Về đến phòng trọ, càng nghĩ cơn giận càng bùng lên, Văn Anh liền lấy con dao Thái Lan quay trở lại tìm anh Lịch “tính sổ”. Vừa trông thấy anh Lịch, Văn Anh đã cầm dao xông tới. Do không lường trước được sự việc nên Lịch lĩnh trọn nhát dao vào người, đổ gục xuống.

Anh Lịch được mọi người đưa đến bệnh viện đa khoa thị xã Phước Long cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong ngay sau đó. Sau khi gây án, Văn Anh bỏ trốn, nhưng đến trưa ngày hôm sau, thủ phạm đã đến công an phường Long Phước đầu thú. (nguồn: internet)

Ganh tị… Vâng, chỉ vì lòng ganh tị nhỏ nhặt thường ngày, nó đã gây hậu quả hết sức đau lòng, như sự việc trên đây.

William Shakespeare, một nhà viết kịch và cũng là nhà thơ, qua vở bi kịch Othello, có bảo rằng: lòng ganh tị giống như “con quái vật mắt xanh.”

Nói tới con-quái-vật-mắt-xanh, có thể nói, nó đã xuất hiện ngay từ tạo thiên lập địa. Câu chuyện Ca-in và A-ben là ví dụ điển hình. Chuyện kể rằng: Ca-in tức giận khi Đức Chúa Trời chấp nhận lễ vật của A-ben, nhưng lại không chấp nhận lễ vật của ông. Ca-in có thể khắc phục hoàn cảnh này, thế nhưng, chỉ vì sự ghen tị trong lòng ông quá lớn; lớn đến nỗi ông không thể kiềm chế, để rồi ông lừa A-ben ra đồng vắng và đã giết em mình (St 4, 4-8).

Không lạ gì khi Kinh Thánh gọi Ca-in “là người thuộc về Ác Thần”, tức là Sa-tan! (x. 1Ga 3, 12).
Trong “Tam quốc chí diễn nghĩa”, tướng nhà Ngô là Chu Du, vì ghen tị thừa tướng Gia Cát Lượng của nhà Thục tài trí hơn mình, ông ta đã bao lần tìm cách hãm hại, nhưng không được, cuối cùng vì uất hận, ông ta hộc máu mồm mà chết. Câu chuyện đó cũng chính là một điển hình về lòng ganh ghét, đố kỵ.

Nói tới ganh tị, có phần chắc, ai trong chúng ta lại không hơn một lần ganh tị với người khác! Đối với các môn đệ của Đức Giê-su xưa, cũng không là ngoại lệ.

**
Thật vậy, trong ba năm theo Thầy Giêsu, các ông cũng không ít lần nổi cơn ganh tị. Các ông không chỉ ganh tị với những người không cùng nhóm mình, mà còn ganh tị với chính cả những người đồng môn.

Chuyện kể rằng, một ngày nọ, cũng vì mang tâm trạng “con gà tức nhau bởi tiếng gáy” nên ông Gioan, người môn đệ yêu quý của Đức Giê-su, bất bình và đến thưa với Ngài rằng: “có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ”, chưa hết, người môn đệ này còn khoe chiến tích của mình rằng “Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Lc 9, 49)

Rồi một hôm khác, chỉ vì “hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gioan” xin Đức Giêsu cho “một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” nên đã khơi dậy lòng ganh tị của mười môn đệ kia, để rồi dẫn đến tình trạng giữa các ông “đâm ra tức tối” với nhau. (Mc 10,37 …41). Mang tâm trạng tức tối, rất có thể, vì thế, các ông quên rằng, Kinh Thánh có chép “lòng ganh tị tựa chứng bệnh mục xương” (Cn 14, 30).

Để tâm hồn các môn đệ không bị “mục xương” do lòng ganh tị gây ra, Đức Giê-su đã kể một dụ ngôn. Dụ ngôn mang tên “Thợ làm vườn nho”. (x. Mt 20. 1-16)

Dụ ngôn được kể rằng: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình” (Mt 20, 1).

Có rất nhiều toán thợ được thuê vào vườn nho làm việc theo từng khoảng thời gian nhất định trong ngày. Về tiền công thợ, mọi người đều được ông chủ thỏa thuận “hợp lẽ công bằng”.

Rồi khi chiều đến, lúc thanh toán tiền công, có một số thợ “cằn nhằn gia chủ”. Tại sao họ cằn nhằn gia chủ? Thưa, vì cách thức chi trả tiền công của gia chủ.

Đúng vậy, với những người “mới vào làm lúc giờ mười một”, chuyện kể rằng, họ “lãnh được mỗi người một quan tiền”. Còn với “những người vào làm trước nhất… cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền”.

Chính vì thế, họ ganh tị và cằn nhằn gia chủ rằng, “mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20, 12).

Cứ tưởng rằng, lời ta thán của họ, gia chủ sẽ tăng thêm tiền công. Thế nhưng, đó là lời ta thán phi lý, cho nên, đáp lời ta thán, gia chủ đã nói với họ rằng, “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền hay sao?”

Đúng như Tây phương người ta thường nói “Ghen tị với người khác nuốt chửng chúng ta”, hôm đó, lương tri của nhóm thợ phản đối ông chủ đã bị sự ganh tị nuốt chửng. Họ không còn nhìn thấy lòng quảng đại của ông chủ, người “có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của mình”.

Khép lại dụ ngôn “người thợ làm vườn nho”, Đức Giê-su phán rằng, “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.

Nói lên phán quyết này, Đức Giê-su muốn gửi đến mọi người một thông điệp, thông điệp rằng: lòng ganh tị không có chỗ đứng trong “Vườn Nho Nước Trời”, và rằng: “Ông Chủ Vườn Nho”, Người quảng đại và là Đấng “xót thương hết mọi người” (Kn 11, 22).

***
Lòng ganh tị không có chỗ đứng trong “Vườn Nho Nước Trời”, và rằng: “Ông Chủ Vườn Nho”, Người quảng đại và là Đấng “xót thương hết mọi người”.

Là một Ki-tô hữu, một cách nào đó, chúng ta chính là những người được “sai vào vườn nho làm việc”, và dù là kẻ vào làm “khoảng giờ thứ ba” hay “khoảng giờ thứ sáu” hoặc “giờ thứ chín… thứ mười một”, thì, chúng ta đều “thuộc về ông chủ Vườn Nho là Đức Ki-tô Giê-su”. Chính vì thế, thánh Phao-lô có lời khuyên rằng: “Đừng ganh tị nhau”.

Đừng ganh tị với nhau ư! Vâng, sẽ không ít người trong chúng ta bị dằn vặt về điều này. Chúng ta thừa biết ganh tị là một con quái vật, và tất nhiên không ai trong chúng ta muốn con quái vật đó ngự trị trong lòng chúng ta.

Biết ganh tị là một tính xấu, không một ai hoan nghênh, thế nên, khi ganh tị ngự trị trong ta, chúng ta tìm cách che dấu. Và khi nó nổi lên, chúng ta thường lấp liếm bằng đủ mọi hình thức, bằng cả một “rổ” danh từ…

Chính vì thế, lòng ganh tị luôn tồn tại trong ta, sự nguy hiểm của nó chẳng khác nào như một quả bom hẹn giờ, chỉ chờ tới đúng giờ sẽ phát nổ.

“Lòng ganh tị”, nói cách khác “Ghen tương và đố kỵ”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói, “nó như những cánh cửa mà qua đó ma quỷ xâm nhập vào thế giới”. Ngài nói tiếp rằng: Chính Kinh Thánh đã khẳng định như thế: “qua những đố kỵ của ma quỷ mà cái ác đã nhập vào thế giới”.

“Cái ác đã nhập vào thế giới ư!” Đúng vậy, nó đã len lỏi vào khắp mọi nơi, trong gia đình, nơi học đường và thậm chí, ngay cả trong giáo đường…

Chúng ta phải làm gì trước thực trạng này? Phải chăng là, mỗi chúng ta hãy “…Xem xét việc làm của chính mình, và bây giờ sẽ có lý do hãnh diện vì chính mình, chứ không phải vì so sánh với người khác...”? (x.Gl 6, 4)

Thưa, đúng vậy. Chính những lúc “không phải vì so sánh với người khác”, chính lúc đó, đức mến, một nhân đức được Đức Giê-su cho là “cao trọng”, sẽ nảy nở trong tâm hồn ta. Nói cách khác, để triệt tiêu sự ghen tương và đố kỵ, sức mạnh của bạo lực không phải là một phương pháp tối ưu. “Đức Mến - Tình Yêu Thương” mới chính là vũ khí tuyệt hảo nhất để tiêu diệt chúng.

Thưa bạn, bạn đang là một người thợ trong “Vườn Nho Giáo Hội”? Nếu bạn đang là… hãy tự hỏi lòng mình, “đức mến” có đang nảy nở trong tâm hồn tôi không?

Nếu có, thì “Đừng ganh tị nhau”. (Gl 5, 26)

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây