TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cứ để cả hai cùng lớn

Thứ tư - 12/05/2021 21:13 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   661
Cứ để cả hai cùng lớn

Chúa Nhật XVI – TN – A

Cứ để cả hai cùng lớn

Kiên nhẫn nghĩa là gì? Theo Wikipedia thì, kiên nhẫn hay nhẫn nại là trạng thái của sự chịu đựng trong những hoàn cảnh khó khăn. Có nghĩa là kiên trì đối mặt với sự chậm trễ hoặc hành động khiêu khích, không biểu hiện sự khó chịu hoặc giận dữ một cách tiêu cực.

Có thể nói rằng, kiên nhẫn là một đức tính được người đời ca tụng nhiều nhất. Kiên nhẫn là một nhân đức thiết yếu. Thiếu nó, chúng ta không thể sống nổi giữa một thế giới đầy bất toàn. Cato the Elder nói: “Kiên nhẫn là đức tính lớn nhất trong mọi đức tính.”

Biết là vậy, thế nhưng, trong cuộc sống thường nhật, mấy ai trong chúng ta có được sự kiên nhẫn tối thiểu. Trước những kẻ thù hoặc những kẻ vô tình hay hữu ý tìm cách hãm hại ta, bôi xấu ta, thường thì bên ngoài, ta có vẻ nhịn nhục, nhưng sự bực tức vẫn ngấm ngầm bên trong. Mà, nếu trong tâm vẫn còn sự tức giận thì chúng ta chưa phải là người có đức tính kiên nhẫn.

Jean Jacques Rousseau nói: “Patience is bitter, but its fruit is sweet - Sự kiên nhẫn đắng chát, nhưng quả của nó lại ngọt”.

“Sự kiên nhẫn đắng chát, nhưng quả của nó lại ngọt” ư! Thưa, đúng vậy. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, những người “nhờ có đức tin và lòng kiên nhẫn” quả ngọt mà họ sẽ được thừa hưởng, chính là “các lời hứa làm gia nghiệp” (x.Dt 6, 12)

Với Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài không chỉ đề cao mà còn khuyên răn mọi người hãy có lòng kiên nhẫn. Mượn một hình ảnh rất đời thường, hình ảnh “cỏ lùng và lúa”, Đức Giê-su đã cho thấy sự cần thiết cần phải có lòng kiên nhẫn, dẫu cho có phải thi thố lòng kiên nhẫn trong một hoàn cảnh nghiệt ngã nào đó.

Câu chuyện “cỏ lùng và lúa”, mà Đức Giê-su đã kể, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (Mt 13, 24-43).

**
Chuyện được kể rằng: Vào một ngày nọ, Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn như sau: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình”.

Vâng, thật tuyệt vời khi Đức Giê-su đã dùng phương pháp giáo dục có hiệu quả và rất phổ biến hiện nay, đó là là phương pháp thính thị. Với hình ảnh “gieo giống tốt trong ruộng mình”, ai trong chúng ta lại không nhận ra rằng, rồi đây, khi mùa gặt đến, người chủ ruộng sẽ gặt hái được những hạt lúa tốt chắc mẩy.

Nghĩ là như vậy, thực tế thì lại khác. Câu chuyện được kể tiếp rằng: “khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa rồi đi mất”. (Mt 13, 24-25).

“Gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa rồi đi mất” ư! Quả đúng là quân đểu giả, ném đá giấu tay. Ừ, mà tại sao kẻ thù không ở lại nấp vào chỗ kín nào đó chờ xem phản ứng của chủ ruộng?

Trả lời cho sự kiện này, Lm. Nguyễn Tầm Thường chia sẻ rằng: “Có thể kẻ thù bỏ đi vì biết chắc chắn cỏ sẽ mọc, nó đã biết trước thành công. Nếu đấy là chuyện linh hồn ta, ta không có năng lực nào chống lại hay sao? Như vậy quá buồn.

Có thể kẻ thù vội bỏ đi, sợ chủ vườn nhận diện được nó. Nếu vậy, sự vắng mặt của kẻ thù là nguyên nhân thành công. Vắng mặt nguy hiểm hơn có mặt. Hình ảnh này cũng quá thực và quá thường trong cuộc sống.

Nhiều hoàn cảnh thấy như êm đềm nhưng thật sự không phải thế. Nhiều gia đình nhìn bề ngoài không bóng dáng sóng gió, thật sự không phải thế. Không nhận diện được bóng kẻ thù, bất chợt một ngày thấy cỏ lên cao, lúc ấy quá muộn cho một chuyện buồn rồi”. (*)

Trở lại câu chuyện cỏ lùng. Quả đúng là “quá muộn cho một chuyện buồn” đối với người chủ ruộng. Chuyện buồn đó chính là, “khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện”.

Đối với một nông gia, quả thật, đây là một điều hết sức phiền toái. Thật vậy, sự phiền toái đó biểu lộ qua thái độ của người đầy tớ trong dụ ngôn, khi anh ta đến gặp ông chủ của mình và nói: “Thưa ông, ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?”

Cứ sự thường, phải đi gom lại. Phải “nhổ” sạch cái đám cỏ lùng. Thế nhưng, thật khó để mà làm công việc này, khó là bởi, hình dáng cỏ lùng và lúa mì rất giống nhau. Thật vậy, theo sách vở ghi lại, cỏ lùng là một loại cỏ ở vùng Trung Đông, hình dáng rất giống cây lúa mì đến nỗi người địa phương gọi cây cỏ lùng nầy là cây lúa mì hoang.

Gom chúng lại ư! Làm sao nhận diện… Ngộ nhỡ nhận lầm thì sao đây!

Với quan điểm của ông chủ ruộng, ông ta còn có một nỗi sợ khác, ông ta: “sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”. Chính vì thế, ông ta đã đưa ra một quyết định rất khôn ngoan, đó là: “Đừng nhổ”.

***
Hôm đó, Đức Giê-su đã giải thích dụ ngôn như sau: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái ác thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần”.

Sau đó, Ngài nói tiếp: “Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào hồ lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ.”

Hình ảnh “Người gieo giống, đồng ruộng, hạt giống tốt, cỏ lùng, kẻ gieo cỏ lùng, mùa gặt, thợ gặt…” Vâng, chỉ với những hình ảnh đời thường, nhưng qua lời giải thích, Đức Giêsu đã trình bày cho mọi người thấy một chân lý ngàn đời, đó là: “Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.” (Tv 103, 8-10)

Cho nên, đừng ngạc nhiên khi qua dụ ngôn, Đức Giêsu khuyên “Đừng nhổ!”. Nhưng khuyên “đừng nhổ” không có nghĩa là không nhổ. Không nhổ là vì: “Chúa nương tay với muôn loài” (Kn 12,…16). Và rằng: Thiên Chúa nếu có muốn “trừng phạt” thì “Ngài trừng phạt chúng từ từ cho chúng có cơ may hối cải” (Kn 12,10).

Hôm đó, kết thúc phần giải thích dụ ngôn, Đức Giê-su, thêm một lần nữa, nhấn mạnh rằng: “Ai có tai thì nghe” (Mt 13, …43)

****
“Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện”.

Vâng, hôm nay, “kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người” vẫn tiếp tục gieo, và “kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ” vẫn tiếp tục thực hiện mưu đồ đem tối của chúng.

Thực tế đã cho chúng ta thấy điều đó đúng. Hôm nay, hạt giống tốt vẫn chỉ có mỗi hạt giống mang tên Ki-tô-hữu. Trái lại, cỏ lùng của ngày hôm nay thì rất đa dạng. Có thứ cỏ mang tên Marxist, có thứ cỏ mang tên Communism, có thứ cỏ mang tên “chủ nghĩa hiện sinh’, có thứ cỏ mang tên “văn hóa sự chết” v.v… và v.v…

Vấn đề của chúng ta hôm nay là gì? Thưa, đó là, hãy cảnh giác, như lời Lm Nguyễn Tầm Thường đã khuyên ta cảnh giác, rằng: “Mầu cỏ quá xanh, mầu lúa quá xanh. Ta ngỡ cuộc sống là thế. Cái mơ hồ lẫn lộn màu xanh hạnh phúc và màu xanh ảo ảnh làm người ta lầm. Ông chủ không nhìn kỹ lúa mình, xa xa ngỡ màu xanh là chân thật của lúa. Chuyện ấy cũng quá thật trong đời sống tâm hồn. Ta thiếu hồi tâm rất nhiều trong đời sống. Chuyện cá nhân, chuyện gia đình, chuyện tôn giáo, chuyện đất nước. Lúc đổ vỡ mới nhìn ra, bấy giờ quá tiếc. Ôi! cỏ đã gieo lâu rồi”. (**) Quả thật lời khuyến cáo của Lm Tầm Thường không “tầm thường” chút nào.

Đừng để mình lung lạc niềm tin khi thấy “con cái Ác Thần” làm mọi điều gian ác, làm gương mù gương xấu, thế mà vẫn không bị “nhổ bỏ”, vẫn không bị “quăng vào lò lửa”. Đừng ganh tị khi ta thấy họ vẫn có một cuộc sống hưng thịnh, giàu sang…

Kinh Thánh có chép rằng: “Bọn bất nhân dầu sởn sơ như cỏ, phường gian ác có đua nở khoe tươi, cũng là để bị diệt trừ vĩnh viễn” (Tv 92,8).

Trước mặt quan lớn Philato, Đức Giêsu nói: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. (Ga 18,36). Cũng vậy, là một Kitô hữu, chúng ta tuy sống giữa thế gian, nhưng đừng bị lệ thuộc bởi thế gian và những sự xấu xa của nó.

Nếu trong dụ ngôn cỏ lùng, người chủ khuyên anh đầy tớ “đừng nhổ”. Thì hôm nay, thánh Phaolô cũng có một lời khuyên cho chúng ta: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì là hoàn hảo” (Rm 12,2).

Khi chúng ta “nhận ra đâu là ý Thiên Chúa”, đó chính là lúc hạt-lúa-đức-tin của chúng ta trở thành cây lúa trĩu nặng những hạt-bác-ái, hạt-bình-an, hạt-nhẫn-nhục, hạt-từ-tâm.

Một cây lúa trĩu nặng những hạt như thế, vâng, hãy tin rằng, chúng ta đủ tự tin để sống trên thửa ruộng trần gian này, chờ đến “mùa gặt”, một mùa gặt mà những loại “cỏ dại” sẽ bị “gom lại, bó thành bó mà đốt đi”, còn lúa thì sẽ được “thu vào kho lẫm” – kho lẫm Nước Trời.

Còn hôm nay, hãy nghe lời Đức Giê-su phán: “Cứ để cả hai cùng lớn lên…”

Petrus.tran

____________

(*) và (**) Nhổ Cỏ - tác giả Lm Nguyễn Tầm Thường.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây