TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bà muốn sao thì sẽ được vậy

Thứ tư - 12/05/2021 21:21 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   737
Bà muốn sao thì sẽ được vậy

Chúa Nhật XX – TN – A

Bà muốn sao thì sẽ được vậy

Một trong nhiều đức tính cần có để đạt được sự thành công hoặc một ước mơ nào muốn vươn tới, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không công nhận rằng, đó chính là đức tính kiên nhẫn. Lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng, đa phần sự thành công mà con người đạt được đều là nhờ vào sự kiên nhẫn và lòng kiên trì.

Một tấm gương kiên nhẫn đáng nể đã được lịch sử ghi lại, đó là tấm gương của nhà phát minh Thomas Edison. Là một đứa bé có thói quen hay tìm hiểu nguyên do và quy luật của mọi vật, mọi hiện tượng, mặc dù không xuất sắc lắm với việc học hành ở trường, nhưng với lòng yêu thích khoa học và ham muốn tìm hiểu, Edison đã kiên nhẫn theo đuổi cho bằng được hoài bão của mình.

Người ta kể rằng, để có tiền mua sách, mua dụng cụ thí nghiệm, Edison đã phải làm rất nhiều công việc tay chân như bán báo, bán rau quả. Dù phải nếm trải nhiều thất bại nhưng ông vẫn kiên nhẫn và cuối cùng thì nhân loại đã được thừa hưởng hơn 1.500 phát minh của ông. Để thành công trong công việc, Edison cho rằng, do 10% thiên tài, phần còn lại là do 90% sự nhẫn nại và lòng kiên trì.

Một tấm gương kiên nhẫn khác cũng rất đáng kính nể, đó là Helen Keller. Do mắc một căn bệnh, Helen Keller bị mù, câm và điếc từ khi 19 tháng tuổi. Tuy vậy, như lời Keller nói sau này: “Than thân trách phận là kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta, và nếu ta đầu hàng nó, ta sẽ chẳng làm được gì khôn ngoan trên thế giới này”, Keller đã vượt qua được số phận hẩm hiu của mình.

Với sự dạy dỗ của một giáo sư, Helen Keller đã theo những  khóa học tại một đại học. Đến năm 1904 Keller tốt nghiệp và trở thành người mù-điếc đầu tiên được tốt nghiệp đại học. Bà ta xuất bản nhiều tác phẩm và cống hiến hầu hết thời gian của mình cho nhưng người mù và điếc trên toàn thế giới.

Nói tới đức tính kiên nhẫn thì, phụ nữ là “số một”. Vâng, để đạt được một ước muốn nào đó, người phụ nữ rất “lì đòn”, dẫu cho họ có phải đứng trước những thách thức cam go. Câu chuyện “người đàn bà Ca-na-an” được ghi trong Tin Mừng Thánh Mát-thêu là một minh chứng điển hình.

**
Câu chuyện được kể rằng: Một ngày nọ “Đức Giêsu lui về miền Tia và Xi-đôn…” (Mt 15, 21). Theo nhiều nhà chú giải thì “Tia và Xi-đôn” ngày nay thuộc miền nam Liban, và được biết đến như là miền giáp ranh với đất của dân ngoại.

Nhắc tới điều này để biết rằng, hôm đó, không phải là lần đầu tiên Đức Giê-su cùng với các môn đệ đi qua vùng đất dân ngoại. Đã có lần Thầy và trò băng qua Samari, cũng là vùng đất của dân ngoại. Tại đó, có một người phụ nữ Samari đi lấy nước và đã gặp Đức Giê-su.

Hôm nay, khi đến Tia và Xi-đôn, Đức Giêsu cũng gặp một người phụ nữ. Nếu ở Samari, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari là một cuộc chuyện trò cởi mở và chân tình. Thì hôm nay, ở Tia và Xi-đôn, người phụ nữ, còn được gọi là “người đàn bà Ca-na-an”, lại có một cuộc chuyện trò đầy cay đắng với Đức Giê-su.

Chuyện là thế này, khi thấy Đức Giê-su, người đàn bà Ca-na-an liền kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!”

Xin rủ lòng thương bà ư! Ôi! Thiên Chúa, như lời Đức Giê-su nói: “Yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết…” (Ga 3, 16).

Bà Ca-na-an ơi! Tạm gọi tên bà như thế nhé! Bà gõ đúng cửa rồi… Đức Giê-su, người bà vừa lớn tiếng gọi, Ngài chính là Con Một Thiên Chúa, Ngài đến thế gian là “để thế gian nhờ (Ngài) mà được cứu”… Bà yên chí đi nhé!

Thế nhưng, than ôi! Khi bà ta cất tiếng thở than “Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm”, thì, Đức Giê-su “Người không đáp lại một lời”. (x.Mt 15, 23)

Sao Đức Giê-su lại im lặng? Tại sao khi bà Ca-na-an cất tiếng “…kêu lên Ngài, nhưng Ngài không đáp”? Tại sao bà ta “…trình diện Ngài, nhưng Ngài chẳng lưu tâm.”! (Gióp 30, 20)

Phải chăng sự im lặng của Đức Giê-su giống như “sự im lặng đáng sợ” của những quan tham ngày nay mà báo chí vẫn thường lên tiếng?

Thưa, không phải vậy. Thái độ im lặng của Đức Giê-su không có nghĩa là Ngài vô cảm, không có nghĩa là Ngài từ chối yêu thương. Đức Giê-su chậm trả lời là vì Ngài “dè giữ lời nói”, bởi, như lời Kinh Thánh nói, đó “mới là người khôn” (x.Cn 10, 19)

Thật vậy, chính sự im lặng đầy khôn ngoan của Đức Giê-su đã tạo ra hình ảnh một người phụ nữ kiên nhẫn, dũng cảm đương đầu trước một cuộc “tranh luận”, một cuộc tranh luận sinh tử.

Hôm đó, mặc cho những lời đối đáp đầy cay đắng được tuôn ra, rằng: “không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Thế nhưng, người đàn bà Ca-na-an vẫn kiên nhẫn khẩn khoản nài xin rằng, dù sao đi nữa “lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” nữa chứ, Thưa Thầy!

Không thấy Tin Mừng Mát-thêu mô tả, nhưng chúng ta có thể tin rằng, sau lời biện luận đầy tha thiết của người đàn bà Ca-na-an là một sự thinh lặng, một sự thinh lặng nơi tâm hồn bà, một tâm hồn “run như run thần-tử thấy long nhan – run như run hơi thở chạm tơ vàng” (*).

Jean Jacques Rousseau có nói: “Sự nhẫn nại và lòng kiên trì đắng chát…”. Điều này thật đúng cho người đàn bà Ca-na-an.

Hôm đó, bà ta đã nhận không biết bao nhiều lời “đắng chát”, nào là những lời đắng chát từ các môn đệ yêu cầu Thầy Giêsu “bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu nài mãi”, nào là bị xếp trong thành phần “chó con”, một thứ ngôn từ mà người Do Thái thời đó dùng để nói tới “dân ngoại”, không phải dân riêng của Thiên Chúa.

Thế nhưng, cũng là lời của Jean Jacques Rousseau “…nhưng quả của nó lại ngọt”. Vâng, hôm ấy, trước sự kiên nhẫn và lòng tin của bà Ca-na-an, “Con vua Đa-vít” đã phải rung động cõi lòng, đã phải chạnh lòng thương xót mà thốt lên rằng “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.
Nhân chứng Mát-thêu khép lại câu chuyện bằng tám chữ ngắn ngủi nhưng đủ để mô tả những “quả ngọt” mà người đàn bà Ca-na-an nhận được, đó là tám chữ: “Từ giờ đó, con gái bà được khỏi” (Mt 15,…28).

***
Câu chuyện người đàn bà Ca-na-an quả là đã để lại cho chúng ta rất nhiều điều cần học hỏi và noi theo. Và có lẽ, không ai có thể phủ nhận, điều chúng ta cần học hỏi và noi theo đó chính là đức tính kiên nhẫn.

Tại sao? Thưa, là bởi, đức tính kiên nhẫn có thể được coi là “cầu nối” dẫn đến các đức tính khác; nó như là chất xúc tác góp phần tăng trưởng đức tin, hy vọng trong đức cậy và mạnh mẽ trong đức ái.

Thật vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết đến một nhân vật nhờ đức tính kiên nhẫn nên đã tăng trưởng đức tin, hy vọng trong đức cậy và mạnh mẽ trong đức ái, người đó chính là Gióp.

Cho dù bị rơi vào thảm cảnh mất mát tài sản, con cái chết chóc, ông ta vẫn đón nhận trong một tinh thần kiên nhẫn chịu đựng không chút oán trách thở than.

Nhờ vào đức tin, ông ta đã không để cho những lời trách cứ điên rồ của bà vợ, rằng “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa và chết đi cho rồi.”, ảnh hưởng đến đức cậy và đức ái của ông ta. Nhờ “kiên vững” trong đức tin ông đã có thể thốt lên rằng “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (x.G 2, 9-10)

****
Giờ đây, chúng ta hãy để một phút thinh lặng và tự hỏi, rằng: “Đâu là giới hạn sự kiên nhẫn của tôi trước một đứa con hư hỏng? – Đâu là giới hạn sự kiên nhẫn của tôi trước một ai đó cứ luôn tìm cách nói xấu, nói hành nói tỏi tôi? Nói chung, đâu là giới hạn sự kiên nhẫn của tôi trước những đụng chạm trong gia đình, ngoài xã hội và ngay cả trong Giáo Hội?

Đâu là giới hạn? Thưa, Đức Giê-su đã cho chúng ta câu trả lời qua câu chuyện sau đây.

Câu chuyện kể rằng: Tông đồ Phê-rô đã có lần hỏi Đức Giê-su “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”

“Đến bảy mươi lần bảy”… Vâng, để có thể làm đúng lời Chúa dạy, chắc chắn mỗi chúng ta phải mất rất nhiều sự kiên nhẫn.
Nói là vậy, chứ thật ra, trong đời sống thường nhật, trong Giáo Hội, trong gia đình hay ngoài xã hội; chỉ cần một “chút” lòng kiên nhẫn, chúng ta cũng có thể “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem niềm vui đến chốn u sấu”.

Thật vậy, chỉ cần một chút lòng kiên nhẫn, chúng ta sẽ không bao giờ nổi cơn thịnh nộ trước một đứa con chậm chạp, kém thông minh. Thì đấy, không thiếu những tin tức trên truyền thông báo chí hoặc internet cho chúng ta biết, chỉ vì thiếu kiên nhẫn, không ít bậc cha mẹ đã nỗi cơn thịnh nộ hành hạ con em mình… có khi cho tới chết.

Trên phương tiện truyền thông báo chí, không thiếu những tin tức chỉ vì thiếu kiên nhẫn trong việc giao thông, thiếu kiên nhẫn chờ đèn xanh, đèn đỏ nên đã đưa đến nhiều tai nạn thương tâm, có khi chết người.

Tác giả Lê An Phong, SDB, trong bài “Kiên nhẫn trong giáo dục theo tinh thần Don Bosco” có viết: “Don Bosco, trong nhiều lần nói chuyện với học sinh hay với những ai sống quanh ngài, đã không ít lần nói đến lợi ích của đức tính kiên nhẫn. Ngài khẳng định rằng: “Với sự kiên nhẫn chúng ta có thể giải quyết nhiều chuyện”. (MB III, 147). Với ngài, kiên nhẫn không chỉ là một đức tính tốt thuần nhân bản, mà còn mang tính chất thiêng liêng: một khía cạnh đặc trưng của Đức Ái và của sự thánh thiện Kitô giáo. Chúng ta có thể đọc được những dòng tư tưởng này của ngài: “Nếu không có sự kiên nhẫn, chúng ta không thể trở nên thánh thiện” (MB XII, 606). (source: gpcantho.com)

Nói tắt một lời, đức tính kiên nhẫn chính là vũ khí tối thượng cho công việc truyền giáo, cho công việc thu phục nhân tâm. Tấm gương bà Monica kiên nhẫn trong sự cầu nguyện đã thu phục cậu ấm Augustino hoán cải, điều mà chính ngài đã kể lại trong cuốn Tự Thuật (Confession).

*****
Vâng, xã hội hôm nay một xã hội đầy dẫy tội ác, tội ác ở khắp nơi, tội ác ở trong học đường, tội ác ở ngay gia đình, thậm chí tội ác ở chính trong giáo đường…

“Satan never sleeps – Quỷ địa ngục không bao giờ ngủ”. Vâng, nó không bao giờ ngủ. Nó luôn rình rập nơi cửa sổ tâm hồn mỗi con em chúng ta. Chờ đợi thời cơ “ám” con em chúng ta. Cám dỗ con em chúng ta sống “dâm bôn, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa chè chén và những điều khác giống như vậy”.

Ai… ai dám khẳng định rằng, con em chúng ta không bị ảnh hưởng! Ai dám khẳng định con em chúng ta không một lần “bị quỷ ám khổ sở lắm!”

Chính vì thế, hãy noi gương bà Monica, người mà chúng ta kính nhớ vào ngày 27/8 hàng năm, kiên nhẫn trong sự cầu nguyện. Hãy đến chạy đến cùng Đức Giê-su, như người đàn bà Ca-na-an xưa, mà kêu lên rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”.

Với sự kiên nhẫn trong cầu nguyện, với một đức tin kiên vững; hãy tin rằng, Đức Giê-su, Ngài cũng sẽ nói với chúng ta rằng: “Này con, lòng tin của con mạnh thật. Con muốn sao thì sẽ được vậy”.

Vâng, với một đức tin mạnh mẽ, hãy tin, chúng ta “muốn sao thì sẽ được vậy”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây