TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy có Cảm Thức của Lời

Thứ tư - 18/01/2023 20:32 | Tác giả bài viết: Giuse hạt bụi tro |   732
Giáo hội muốn tôn vinh Lời Chúa và nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống của chúng ta.

Hãy có Cảm Thức của Lời
Chúa nhật Lời Chúa 2023 – Giuse hạt bụi tro

tbd 190123a

 

Hôm nay chúng ta cử hành Chúa Nhật Lời Chúa. Mỗi khi tham dự Thánh lễ, đọc kinh sáng tối, suy niệm và cầu nguyện chúng ta vẫn hay đọc Lời Chúa. Thánh lễ có hai phần chính thì một phần dài hơn là phụng vụ Lời Chúa. Điều đó chứng tỏ Lời Chúa rất quan trọng trong các sinh hoạt của Giáo Hội. Ngày nào Giáo Hội cũng suy tôn Lời Chúa, vậy thì, tại sao phải đặt thêm một Chúa Nhật gọi là Chúa Nhật Lời Chúa? Như thế có thừa không? Thưa không! Giáo hội muốn tôn vinh Lời Chúa và nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống của chúng ta.

Thánh Giêrênimô đã nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Nếu không biết Chúa Kitô là ai, Ngài đã sống như thế nào, đã dạy chúng ta cái gì, đã cứu chuộc nhân loại bằng cách nào, thì định hướng đời sống của chúng ta bị lạc lối. Chúng ta sẽ là những người dại dột nhất trên trần gian, vì chúng ta tin và đi theo một Đấng mà chúng ta không biết rõ Ngài là ai. Chính Kinh Thánh sẽ nói cho chúng ta biết Chúa là ai, Chúa dạy chúng ta điều gì, phải sống sao cho đẹp lòng Chúa và mọi người. Do đó, Lời Chúa rất quan trọng trong đời sống của người Kitô hữu.

Khi nói về tầm quan trọng của Lời Chúa, Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: Giáo hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa. Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Thánh Thể để ban phát cho các tín hữu... Lời Chúa là lương thực cho linh hồn, là nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội. (x. MK 21).

Như thế, Lời Chúa là lương thực cho linh hồn, là nguồn sống thiêng liêng cho chúng ta. Có ai trong cộng đoàn sống nhờ Lời Chúa, nuôi linh hồn bằng Lời Chúa chưa? Khi hỏi câu hỏi này con cũng tự vấn chính mình. Là một người tu, hằng ngày tiếp xúc với Lời Chúa, nhưng thực sự con vẫn chưa ý thức đủ Lời Chúa là lương thực cho linh hồn, là nguồn sống thiêng liêng cho con. Con vẫn chưa triệt để sống Lời Chúa, vì thế, con chưa nên thánh trong đời sống, vẫn còn tham sân si.

Có lẽ quý ông bà anh chị em cũng có cảm nghĩ như con. Vì chúng ta chưa ý thức đủ linh hồn chúng ta được sống và nuôi dưỡng nhờ Lời Chúa, nên không tha thiết với Lời Chúa. Có lẽ thân xác chúng ta là những người trưởng thành, nhưng linh hồn chúng ta vẫn chỉ là những em bé, vì chúng ta sống thiếu Lời Chúa, thiếu nguồn lương thực nuôi dưỡng linh hồn.

Biết Lời Chúa là một chuyện, nhưng có đem Lời Chúa ra thực hành hay không lại là một chuyện khác. Cầm điện thoại thì dễ hơn, vui hơn cầm cuốn Kinh Thánh lên và đọc. Uống nước chè, cà phê sáng trưa chiều với bạn bè, xóm giềng thì vui hơn đi đọc kinh và tham dự Thánh lễ.
Và vì ít tiếp xúc với Lời Chúa, nên chúng ta chưa có được cái gọi là “cảm thức của Lời”. “Cảm thức của Lời” nghĩa là trong cách suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta có sự ảnh hưởng của Lời Chúa. Khi đối diện với một hoàn cảnh nào đó, chúng ta cũng nghĩ tới câu hỏi: Chúa muốn tôi nói gì, làm gì trong tình huống này? Thật vậy, Kinh Thánh có thể ảnh hưởng nhiều trên thái độ của chúng ta khi đối diện với những hoàn cảnh khác nhau. Càng học hỏi Lời Chúa nhiều chừng nào, chúng ta càng biết rõ Chúa và cách sống của Chúa nhiều chừng ấy.

Câu hỏi được đặt ra là chúng ta phải sống cảm thức của Lời Chúa như thế nào đây? Con xin đưa ra một gợi ý thực hành, để giúp cộng đoàn nhớ tới và sống Lời Chúa như một cảm thức thường xuyên trong cuộc sống của chúng ta.

Khi gặp khó khăn thử thách, chúng ta có thể thân thưa với Chúa: Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con – Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ (Tv 69). Những lúc bị cám dỗ ăn gian nói dối, chúng ta có thể nhớ tới câu: Hễ có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ma quỷ (Mt 5,37). Khi làm việc lành phúc đức thì hãy nhớ tới câu: Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm. Cha của anh em, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em (Mt 6,3-4).

Khi giận hờn, không muốn tha thứ cho người khác thì hãy nhớ tới câu: Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em (Mt 6,14-15). Khi quá bận tâm việc cơm áo gạo tiền thì hãy nhớ Lời Chúa dạy: Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy (Mt 6,34). Khi muốn xét đoán và nói xấu người khác, hãy nhớ câu: Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán (Mt 7,1). Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? (Mt 7,3).

Nếu siêng năng đọc Lời Chúa, nhớ tới và áp dụng Lời Chúa, chúng ta sẽ có được cảm thức của Lời Chúa. Tâm hồn chúng ta sẽ vui hơn và bình an hơn. Tâm hồn khỏe mạnh thì chắc chắn sức khỏe thân xác cũng sẽ khỏe mạnh.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết lắng nghe lời Chúa dạy con trong cuộc sống. Xin cho con biết đem lời Chúa ra thực hành, vì lời Chúa là lương thực cho tâm hồn con. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây