Chúa Nhật IV – MC – B
Hãy viết “Gio-an 3, 16”… trong tim tôi
Cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô là một biến cố lịch sử. Và, khi nói tới biến cố lịch sử này, thánh Phao-lô có lời dạy rằng: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (x.Pl 2, 6-7).
Vâng, Đức Giê-su đã chết-trên-cây-thập-tự. Cái chết của Ngài là một cái chết “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”. Chính, chính Ngài đã (ba lần) loan báo cái chết của mình cho các môn đệ.
Một vị thủ lãnh của người Do Thái, tên là Ni-cô-đê-mô, trong một “cuộc đối thoại” với Đức Giê-su, cũng đã được Ngài nói đến cái chết của mình và gọi đó là cách thế Thiên Chúa yêu thương thế gian.
Cuộc đối thoại này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an. (x.Ga 3, 14-21).
**
Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại rằng: Vào dịp lễ Vượt Qua, nhân cơ hội có Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem, “trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do Thái. Ông ta đến gặp Đức Giê-su ban đêm.”
Khi đã gặp Đức Giê-su, ông nói với Ngài, rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến”.
Và, như để khẳng định cho lời nhận định của mình là đúng, ông ta nói tiếp: “Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy”.
Đúng, ông Ni-cô-đê-mô nhận định đúng. Đức Giê-su, ngay khi bắt đầu ra đi loan báo Tin Mừng, Ngài đã làm rất nhiều dấu lạ, dấu lạ hóa nước thành rượu trong một bữa tiệc cưới tại Cana, như một điển hình.
Còn chuyện Ngài “là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến” ư! Thưa, còn hơn thế nữa. Đức Giê-su được sai đến không chỉ trong vai trò là một “vị tôn sư” nhưng còn trong vai “Con Một” của Thiên Chúa.
Hôm đó, sau những lời đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô về sự tái sinh, Đức Giê-su đã khẳng định vai trò của mình đến thế gian là vì: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (x.Ga 3, 16).
“Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian…”, Đức Giê-su nói tiếp: “… Không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ.”
Rồi, vị tôn sư Giê-su đưa ra một sự lựa chọn, và có thể nói, đó cũng là lời cảnh báo, rằng: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”
Hôm ấy, Đức Giê-su đã nói với ông Ni-cô-đê-mô, về sứ mạng Ngài phải thực hiện, khi đến thế gian này: “như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. (Ga 3, 14-15).
***
Vâng, đúng như lời Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô, Ngài đã được-giương-cao bằng một cây thập giá. Theo Kinh Thánh ghi lại: Đức Giê-su “Chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại”.
Nói về cái chết của của Đức Giê-su, thánh sử Gio-an có lời rằng: đó là một cái chết để làm-của-lễ-đền-tội-cho-chúng-ta. Và, đó là cách Thiên Chúa biểu lộ Tình yêu của Người. Thánh Gio-an thêm lời dạy như thế. Và ngài tông đồ đã không quên nói với tín hữu của mình, rằng: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế” (1Ga 4, 11).
Suốt chiều dài lịch sử cứu độ, rất… rất nhiều người đã cảm nghiệm được điều này. Tim Tebow, một cầu thủ bóng bầu dục người Mỹ, như một điển hình.
Theo nguồn tin trên truyền thông internet: “Nhiều người công nhận thành công trong sự nghiệp thể thao của cầu thủ Tim Tebow không thể giải thích bằng sự hiểu biết của con người! Tebow đã thành công từ khi chơi bóng bầu dục ở trường đại học với lòng yêu mến và kính sợ Chúa ngay trong việc mình làm: ‘chơi bóng’.
Anh làm chứng rằng: Chúa đã dẫn dắt, dạy dỗ anh qua các câu Kinh Thánh mà anh yêu thích và thường dán ‘địa chỉ’ của nó ngay lên mặt mỗi khi thi đấu. Đó là các câu: Phi-líp 4, 13; Do Thái 12, 1-2; Ê-phê-sô 2, 8-10; Isaia 40, 31; Rô-ma 1, 16. Đặc biệt hơn cả, đó là: Gio-an 3, 16.
Theo lời Tim chia sẻ, là: ‘Để khán giả có thể thấy, thắc mắc và tìm hiểu các thông điệp này. Gio-an 3, 16 được nhiều người tò mò, thích thú tìm kiếm bởi nó chứa đựng thông điệp cứu độ ‘VÌ THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG THẾ GIAN ĐẾN NỖI…’ Tôi cảm nhận được sự thúc giục từ Chúa nên chia sẻ nó cho mọi người – Tim thêm lời như thế.”
****
Gio-an 3, 16… có thể gọi đó là một con số mật mã. Mật-mã-tình-yêu-Thiên-Chúa. Mật mã này, không thể “giải mã”, nếu chúng ta “chuộng bóng tối hơn ánh sáng”. Chúng ta không thể giải mã, nếu “việc (chúng ta) làm đều xấu xa”.
Mà, thật vậy. Làm sao chúng ta có thể giải mã được “mật mã tình yêu Thiên Chúa” khi chúng ta chuộng-bóng-tối, nơi thường xảy ra “những việc do tính xác thịt gây ra”, đại loại như: bóng tối của những quán bar, của vũ trường, của thờ quấy, của phù phép, của hận thù, của tranh chấp, của bè phái, của ganh tỵ, của say sưa chè chén!?
Những ai cứ lẩn quẩn trong những nơi chốn tối tăm này, thánh Phao-lô cảnh báo: “sẽ không được thừa hưởng Nước Trời”.
Làm sao chúng ta có thể giải mã được “mật mã tình yêu Thiên Chúa”, nếu việc-chúng-ta-làm-đều-xấu-xa, đại loại như: đồng lõa với tội ác, che đậy những sai phạm, lấp liếm những lỗi lầm v.v…
Trong cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su có lời phán truyền, lời phán truyền, rằng: “Ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống trong sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.” (Ga 3, 20-21).
Đây không phải là một lời mời gọi, nhưng là một lệnh truyền. Và, “ánh sáng” mà Đức Giê-su truyền dạy chúng ta “đến cùng”, không phải là ánh sáng bình minh, không phải là ánh sáng rằm trung thu, càng không phải là ánh sáng của một chiếc đèn pha cực đại nào đó, nhưng là “Ánh Sáng Chúa Ki-tô”. Đó mới chính là thứ “ánh sáng thật, đã đến thế gian, và chiếu soi mọi người” (x.Ga 1, 9).
Xưa, Đức Giê-su, chẳng phải là đã có lần nói với người Do Thái, rằng: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.”, đó sao!
Do vậy, để có thể giải mã được “mật mã tình yêu Thiên Chúa”, chúng ta phải xa rời bóng tối. Và, tất nhiên là không thể không “đến cùng ánh sáng Chúa Ki-tô”.
Tim Tebow đã đến-cùng-ánh-sáng-Chúa-Ki-tô. Và, anh ấy đã làm cho “thiên hạ thấy rõ; các việc của (anh) ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”
Vâng, đó là viết những câu Kinh Thánh mà anh ấy cảm nghiệm ngay lên khuôn mặt mình, mỗi khi thi đấu. Đó còn là “thực hiện loạt video nghiên cứu Kinh Thánh, cùng quyển sách mới phát hành của anh: ‘Mission Possible: Go Create a Life That Counts’ (tạm dịch: ‘Nhiệm vụ khả thi: Hãy tạo ra một cuộc sống đáng giá’), tập trung vào đức tin của mình.”
Theo nguồn tin trên internet: “Trong các trận đấu của Tim, trên 90 triệu người đã tra Google từ khóa ‘Gio-an 3,16’, khiến câu Kinh Thánh này trở nên xu hướng tìm kiếm cao nhất trên tất cả các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay!”
Còn chúng ta! Chúng ta sẽ làm gì để cho “thiên hạ thấy rõ; các việc của chúng ta đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”! Nên chăng, chúng ta sẽ viết những câu Kinh Thánh mà chúng ta cảm nghiệm, “trong trái tim tôi”!
Đúng vậy. Hãy viết Lời Chúa “trên lá trên hoa”. Hãy viết Lời Chúa “trong trái tim tôi”. Hãy viết Lời Chúa “trên đá trên vôi”. Hãy viết Lời Chúa “ngập nẻo đường đi ngàn lối”. Hãy viết Lời Chúa “trên gấm, trên nhung”. Hãy viết Lời Chúa “trên trán, trên tay”.
Nói tắt một lời: Hãy viết “Gio-an 3, 16” trong trái tim tôi. Vì đó là một con số mật mã đáng yêu, mật-mã-tình-yêu của Thiên Chúa.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn