TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lạy Ngài xin đến

Thứ năm - 27/05/2021 03:15 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   711



Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống


Lạy Ngài xin đến

“Thánh Thần khấn xin ngự đến. Hồn con đang mong chờ Ngài”. Vâng, đây là bài thánh ca mang tên “Thánh Thần hãy đến”, tác giả là Lm. Thành Tâm. Là người Công Giáo, hẳn rằng không ai trong chúng ta lại không hơn một lần cất tiếng hát bài thánh ca này.

Có rất nhiều ca đoàn đã cất tiếng hát, hát rất hay và rất truyền cảm. Có những giọng ca khi cất tiếng hát đã làm rung động không biết bao nhiêu tâm hồn con người.

Hát rất hay và rất truyền cảm, thế nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi: sau khi được nghe hay sau khi cất tiếng hát, liệu mỗi chúng ta có thật sự “hồn tôi đang mong chờ Ngài”?

Với các tông đồ xưa, mặc dù các ngài chưa một lần được cất tiếng hát cũng như chưa một lần được nghe, thế mà các ngài thật sự là những người rất… rất “mong chờ Ngài”.

Tại sao lại có thể khẳng định như thế! Thưa, khẳng định như thế là bởi nhờ dựa vào những gì Kinh Thánh ghi lại.

**
Theo Kinh Thánh ghi lại thì: “Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (x.Cv 1, 4).

Lời truyền dạy của Đức Giê-su có được các tông đồ thực hiện? Thưa có. Sau khi chứng kiến việc “Người lên trời”, các ông đã “Trở về Giê-ru-sa-lem. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ”.

Tiếp đến, các ông đã làm gì nhỉ? Thưa, “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện…” (x.Cv 1, 12-14).

Tuy lời cầu nguyện của các tông đồ, tác giả sách Công Vụ không ghi lại, nhưng có gì ngăn cản chúng ta tin rằng các ông đã đồng tâm nhất trí nguyện xin: “Ngài ơi xin Ngài hãy đến”?

Vâng, và rồi Thánh Thần, điều Chúa Cha đã hứa, đã đến với các tông đồ. Sự kiện lịch sử này đã được ghi lại trong sách Công Vụ như sau: Hôm đó, đúng vào ngày lễ Ngũ Tuần, trong khi các môn đệ “đang tề tựu”, bỗng nhiên, “từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp”.

Tiếp theo đó, các ông thấy “xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”. Mười một đôi mắt của các ông như bị thôi miên bởi những “hình lưỡi giống như lưỡi lửa” đó.

Lạ thật! Là lửa nhưng chẳng ai bị cháy tóc cả… Không cháy tóc, nhưng tâm hồn của các ông như bị thiêu đốt bởi sức nóng, một sức nóng vô hình, một sự “vô hình” đã có lần được Đức Giê-su nói đến, rằng “không biết… từ đâu đến và… đi đâu”.

Vâng, sức nóng ấy chính là “Thần Khí Chúa”, Đấng mà Đức Giê-su đã nói đến, rằng “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi”.

Lời hứa đó, nay đã trở thành hiện thực trong ngày lễ ngũ tuần. Hôm đó, tác giả sách Công Vụ cho biết: “Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (x.Cv 2, 2).

***
Như đã nói ở trên, các môn đệ rất… rất “mong chờ Thánh Thần”. Và các ngài đã được “tràn đầy ơn thánh thần”.

Một trong các ơn mà Chúa Thánh Thần ban cho các môn đệ, đó là: Các ông có thể “nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”.

Hôm đó, “các dân thiên hạ” đã phải “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,6).

Dù là: “người Roma hay người Do Thái… người đảo Cơrêta hay ngưởi Ảrập”. Tất cả mọi người đều được nghe các môn đệ: “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).

Thánh Thần Chúa còn ban cho các môn đệ “ơn can đảm”. Thật vậy, các môn đệ, tiêu biểu là tông đồ Phê-rô, ngài Phê-rô không còn nhát đảm, như trước đây đã nhát đảm chối Thầy, thay vào đó là lòng can đảm nói lên sự thật, sự thật về một Thầy Giê-su, chính là người “Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và là Đấng Ki-tô” (x.Cv 2, …36).

Chưa hết, hôm đó, nhờ ơn Thánh Thần Chúa, các tông đồ đã can đảm cáo trách mọi người: “Hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội”.

Quả thật, những lời cáo trách đó đã làm cho nhiều người “đau đớn trong lòng”. Nhiều người đã được Thánh Thần Chúa tác động. Chuyện kể rằng: “khoảng ba ngàn người theo đạo”. (x.Cv 2,…41).

****
Chúa Nhật hôm nay (31/05/2020), toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Sẽ không có “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa đậu xuống từng người một” trong chúng ta. Sẽ không có chuyện “các dân thiên hạ, kinh ngạc vì ai nấy đều nghe (chúng ta) nói tiếng bản xứ của mình”.

Vâng, sẽ không có những hiện tượng đó xảy ra. Không có, vì nó không còn cần thiết nữa.

Thế nhưng, có những sự kiện đã xảy ra thời xa xưa ấy, mà hôm nay cũng rất cần thiết được xảy ra.

Đó là, hôm nay, chúng ta có tiếp tục “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” cho thiên hạ nghe, như xưa kia các môn đệ đã loan báo?

Đó là, hôm nay, chúng ta có tiếp tục loan báo về một Giê-su, rằng: “Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết”, như xưa kia các tông đồ đã can đảm loan báo!

Không… không quá khó để thực hiện, nếu chúng ta “được tràn đầy ơn Thánh Thần”.

Hãy nhớ lại đi! Sau khi Phục Sinh và hiện ra với các môn đệ, Đức Giê-su đã làm gì nhỉ? Thưa, đó là, Ngài đã “Thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (x.Ga 20, 22).

Vâng, tràn đầy ơn Thánh Thần, đó là điều không thể thiếu trong đời sống của một Ki-tô hữu. Vì thế, đã là một Kitô hữu, chúng ta phải xem lại bản thân mình và tự hỏi, tôi đã thật sự có Chúa Thánh Thần!

Làm sao để biết chúng ta thật sự có Chúa Thánh Thần? Thưa, hãy làm một cuộc trắc nghiệm, đó là hãy tự hỏi: tôi có “Hoa trái của Thần Khí” trong tôi! Nói rõ hơn, tôi có: lòng bác ái, sự nhẫn nhục, sự bình an, lòng từ tâm, sự trung tín, sự hiền hòa và sống tiết độ?

Làm sao để có hoa trái Thần Khí? Thưa, hãy kêu xin và khao khát. Đừng quên lời Đức Giê-su đã truyền dạy: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”.

Cuối cùng và cũng là điều rất quan trọng, đó là: “Phải làm sao cho đường lối mình trong sạch? Phải cẩn thận theo lời Chúa? …Giấu lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa” (x.Tv 119, 9-10).

Bởi vì, không phạm tội cùng Chúa, Chúa Thánh Thần mới có thể “đậu xuống” tâm hồn chúng ta.

Chúa Nhật hôm nay cũng còn được gọi là ngày sinh nhật Giáo Hội, ngày chúng ta có được một Giáo Hội “Duy nhất – Thánh thiện – Công Giáo – Tông truyền”.

Vì thế, thật phải đạo khi chúng ta không quên cầu nguyện cho những vị mục tử được “tràn đầy ơn Thánh Thần”, bởi vì nếu không có ơn Chúa Thánh Thần thì làm sao Giáo Hội có được những vị mục tử sẵn sàng ra đi “đem chân lý vào chốn lỗi lầm… đem tin kính vào nơi nghi nan… chiếu trông cậy vào nơi thất vọng… dọi ánh sáng vào nơi tối tăm… đem niềm vui đến chốn u sầu”!

Cuối cùng, vì là ngày sinh nhật của Giáo Hội, thế nên, không gì tốt hơn là chúng ta cùng nhau cất tiếng ca nguyện, như là một lời chúc cho nhau, ca nguyện rằng: “Lạy Ngài xin đến, dẫn dắt chúng con trên đời”.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây