TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sự Hào Phóng của Kẻ Tham Lam

Thứ ba - 02/11/2021 06:28 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   840
Thật khó lý giải ý nghĩa của dụ ngôn “người quản gia bất lương” nếu chúng ta không xác định nhóm thính giả mà Chúa Giêsu trực tiếp nói với khi kể dụ ngôn này.
Sự Hào Phóng của Kẻ Tham Lam

SỰ HÀO PHÓNG CỦA KẺ THAM LAM

 

(Thứ Sáu sau Chúa Nhật XXXI TN – Lc 16,1-8)
 

Thật khó lý giải ý nghĩa của dụ ngôn “người quản gia bất lương” nếu chúng ta không xác định nhóm thính giả mà Chúa Giêsu trực tiếp nói với khi kể dụ ngôn này. Theo mạch văn Tin Mừng Luca phần tiếp theo (Lc 16,9-15) thì nhóm thính giả ở đây là các môn đệ và nhóm người Pharisêu. Thánh sử ghi rõ: “Người Pharisêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe những điều ấy, thì cười nhạo Chúa Giêsu” (c.14). Như thế chúng ta có thể nhận ra trọng tâm của câu chuyện dụ ngôn là cảnh báo lòng tham lam của tiền. Chính Chúa Giêsu sau kể chuyện dụ ngôn thì đã giải thích rõ ràng: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (c.13).

Tham lam tiền của thì muôn hình vạn trạng. Tuy nhiên một trong các kiểu dạng tham lam của tiền đáng cẩn trọng với bản thân và rất cần cảnh giác trước tha nhân đó là “sự hào phóng”. Dùng sự hào phóng để phục vụ cho lòng tham của mình thì rất dễ qua mặt người ta và nhiều khi lương tâm dần dà sẽ lệch lạc mà bản thân chẳng ngờ.

Với nhiều con nợ của chủ thì anh quản gia “bất lương” trong câu chuyện dụ ngôn quả là quá hào phóng. Chỉ cần vẽ vài nét bút, chỉ với một chữ ký của anh quản lý, thế là rất nhiều người được nhẹ gánh, thở phào, sung sướng vì được hưởng mối lợi khó mơ. Cái sự bất lương của anh quản gia này là hào phóng cái không phải thuộc sở hữu của mình nhưng lại để phục vụ cho lợi ích của mình.

Chuyện hào phóng cách bất lương vẫn nhan nhản trước mặt thiên hạ, nhất là trong quan trường. Có được chút quyền lực thì người ta rất dễ lợi dụng để hào phóng công quỹ mà mục đích cuối cùng là phục vụ cho danh lợi của bản thân. Ở các xã hội văn minh và có nền dân chủ cao thì người ta canh phòng hiện tượng này khá nghiêm nhặt bằng nhiều thể chế, luật lệ và nhất là công luận. Đã từng có nhiều vị nguyên thủ quốc gia khi về vườn và có vị ngay khi đương nhiệm đã từng bị chất vấn, thậm chí truy tố về cái khoản “hào phóng” thiếu lương thiện này.

Ở đây xin mạn phép nghĩ suy về một hiện tượng đáng buồn của lịch sử Giáo hội. Chúng ta phải khiêm nhu và thành thật chân nhận rằng một trong những nguyên nhân gây ra sự ly khai của anh em Tin lành đó là “sự hào phóng ân sủng”. Dù với mục đích gì đi nữa thì thật khó biện minh vì đằng sau sự hào phóng ấy chính là những đồng tiền thu vào.

Dưới cái nhìn đức tin thì chỉ có Thiên Chúa mới thực sự là chủ của mọi thực tại, mọi hiện hữu. Chúng ta chỉ là những người quản lý những gì mình đang có, ngay cả sự sống của mình. Chức phận này, vai vị kia, tài năng nọ… thảy đều thuộc quyền của Đấng Tối Cao. Chính vì thế đã là người quản lý thì khi hành xử phải luôn tham vấn ý của Người Chủ đích thực.

Nếu giả như có hào phóng cách vượt quyền mà chỉ vị thiện ích của người lãnh nhận thì rất có thể được người chủ xí xóa, bỏ qua. Tuy nhiên nếu có hậu ý tham lam tiền bạc hay danh tiếng thì chắc chắn sẽ có cái giá phải trả, phải đền. Xin đừng quên rằng đằng sau sự hào phóng ân sủng luôn có đó chước cám dỗ buôn thần, bán thánh. Đã là người, thật khó làm chủ cái lòng tham vô đáy. Đến đây chúng ta mới hiểu được lời cảnh giác nghiêm nghị của Chúa Giêsu: Anh em không thể làm tôi hai chủ…

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây