TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cân nhắc – Lượng sức thế nào?

Chủ nhật - 31/10/2021 01:33 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   778
Khi đi rao giảng Tin Mừng, có rất nhiều người theo, nhưng Chúa Giêsu chỉ chọn 72 người để làm môn đệ và 12 người được đặt làm Tông đồ.
Cân nhắc – Lượng sức thế nào?

CÂN NHẮC – LƯỢNG SỨC THẾ NÀO?
(Thứ Tư sau Chúa Nhật XXXI TN – Lc 14,25-33)

Khi đi rao giảng Tin Mừng, có rất nhiều người theo, nhưng Chúa Giêsu chỉ chọn 72 người để làm môn đệ và 12 người được đặt làm Tông đồ. Đây là những cộng tác viên gần gũi và đặc biệt hơn cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Bên cạnh niềm vinh dự to lớn thì có đó những đòi hỏi như là điều kiện tất yếu đi theo. Và Chúa Giêsu đã công khai nói rõ hai điều kiện đó là sự từ bỏ đến cùng và can đảm vác lấy thập giá mình.

Từ ngữ “từ bỏ” theo lối nói thời bấy giờ không phải là vất đi hay bỏ đi nhưng là một kiểu dạng so sánh trong sự chọn lựa điều tốt hơn. Gia đình vẫn còn đó, nhà cửa vẫn còn đó, lưới thuyền vẫn còn đó, nhưng chính thánh Phêrô đã minh nhiên nói rằng: “Này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mc 10,28). Từ bỏ là biết sống tự do với những thiện hảo của mình để ưu tiên cho Chúa và Tin Mừng. Khi Chúa cần thì trao thuyền cho Chúa sử dụng. Khi Chúa gọi lên đường đi rao giảng thì sẵn sàng xa cách gia đình một thời gian…

Điều kiện thứ nhất: từ bỏ là tiền đề để đáp ứng điều kiện thứ hai: vác thập giá. Sống tự do với nhiều điều tốt đẹp để rồi gặt hái thành quả tốt đẹp hơn là điều ai cũng mong. Trong sản xuất kinh doanh điều này được gọi là “đầu tư” (invest). Tự nguyện theo Thầy Giêsu các môn đệ, cách riêng các tông đồ đều ấp ủ mộng bá vương. Gặp được vị Thầy có quyền năng trong lời nói và hành động, các vị tin rằng Thầy sẽ khôi phục lại vương quốc Israel, thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma. Ngay cả khi Thầy từ cõi chết phục sinh thì cái mộng vương bá ấy vẫn còn trong tâm trí các vị (x.Cvtđ 1,6). Thế mà Thầy lại đưa ra một điều kiện như là viên đá gây cớ vấp phạm đó là “vác thập giá”. Vác thập giá là chấp nhận thất bại tủi nhục ư? Thập giá với dân ngoại là sự điên rồ, với người Do Thái thì đó là sự ô nhục (x.1Cr 1,23). Lúc bấy giờ làm sao các ngài hiểu được rằng có qua thập giá rồi mới đến vinh quang? (x.Lc 24,26).

Dù chưa hiểu và có thể là không hiểu nhưng tập thể tông đồ vẫn đi với Thầy mà không thoái chí, rút lui. Chắc chắn phải có cái gì đó để các ngài vẫn tiếp tục sát cánh với Thầy mình. Theo thiển ý thì đó là vì các vị đã từng chứng kiến quyền năng của Thầy không chỉ trên bệnh tật, các thần ô uế, trên gió trời, sóng biển mà còn thấy Thầy có thể tránh né, vượt qua các âm mưu hãm hại của người ta. Dân thành Nagiarét tìm cách xô Người xuống vực mà không được (x.Lc 4,16-30). Dân chúng lấy đá ném Người mà chẳng thể chạm vào Người một viên (x.Ga 8,59). Thế nhưng khi Thầy đưa tay chịu trói tại vườn cây dầu thì các vị thất vọng ngã lòng, bỏ Thầy, chạy thoát thân.

Thử hỏi rằng nhóm môn đệ thân tín mà Chúa Giêsu chọn gọi có khôn ngoan và lượng sức mình khi đi theo Người mà làm môn đệ không? Chắc chắn là không. Như thế phải khẳng định rằng chẳng một ai tự sức riêng mình có thể có đủ khả năng làm môn đệ Chúa Giêsu, nghĩa là chẳng một ai có thể đáp ứng được hai điều kiện mà Người đặt ra. Thế nhưng chính Người lại chọn các tập thể nhóm Mười Hai, tập thể nhóm Bảy Mươi Hai và rất nhiều người trong chúng ta nữa làm môn đệ của Người. “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em”(Ga 15,16). Vì Chúa Giêsu chọn môn đệ nên Người có trách nhiệm với sự chọn gọi của mình. Dĩ nhiên phần phía người được chọn cần phải có điều gì đó để đáp trả. Đó là sự thành tâm thiện ý và chút thiện chí bền lòng.

Dù rằng phải biết tự lượng sức mình, nhưng nếu đắn đo quá, cân nhắc quá, khôn ngoan theo kiểu loài người quá thì chẳng một ai có thể có đủ can đảm làm môn đệ Chúa Kitô. Là Kitô hữu chúng ta thảy đều được Chúa Giêsu mời gọi làm môn đệ của Người để loan báo Tin Mừng theo hoàn cảnh, khả năng và bậc sống của mình. Để đáp trả lời mời gọi của Chúa thì không gì hơn hãy biết gìn giữ và hun đúc lòng thành và ý thiện của mình. Bên cạnh đó đừng quên tập tành thêm sự bền chí. Trên đường theo Thầy chí thánh có lúc vững vàng tiến bước có khi dừng chân ngã quỵ. Không sao cả “ơn Chúa luôn đủ cho chúng ta” (x.2Cr 12,9). Và xin đừng quên chúng ta không bao giờ là người “độc hành” vì Chúa Kitô đã hứa rằng Người mãi cùng đi với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây