TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thứ Sáu Đau Thương – NVMN 2.4.2021

Chủ nhật - 04/04/2021 01:01 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   1062
Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã xé toang bức màn ngăn cách giữa con người với Thiên Chúa trong Đền Thờ Giêrusalem, và cái chết trên thập giá của Ngài có xé toang tâm hồn tôi không?
Thứ Sáu Đau Thương – NVMN 2.4.2021

Thứ Sáu Đau Thương – NVMN 2.4.2021

 
Niềm vui Mỗi Ngày
 
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.”
Thánh vịnh 37,4
 
2 tháng tư 2021
 

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.
 
Thứ Sáu Đau Thương
 
Những ngày đầu tháng tư trời oi bức. Cái nắng làm con người mệt mỏi. Cây cỏ héo úa. Vạn vật như đang chờ một cơn mưa cứu rỗi. Nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu chiều Thứ Sáu lặng lẽ, buồn mênh mang.
 
Hội Thánh cho chúng ta nghe lại trình thuật Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Mênh mang một nỗi buồn.
 
Đoạn trình thuật gây ấn tượng trong tôi là lúc Chúa Giêsu “gục đầu trao Thần Khí” (Ga 19,30). Cộng đoàn lặng im quỳ gối.
 
Thứ Sáu, nỗi buồn mênh mang. Chuyện gì đã xảy ra khi con Thiên Chúa trút hơi thở?
 
Thánh sử Mátthêu thuật lai : “Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”  Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.” Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. (Mt 27,45-46.50-52). Thánh Máccô cũng ghi lại : “Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới.” (Mc 15,37-38)
 
Vũ trụ dường như không dám chứng kiến cái chết của Ngôi Lời, Đấng là “Trưởng tử muôn loài” (x. Cl 1,15-20), nên giữa chính ngọ, bóng tối bao phủ cả mặt đất.
 
Đền thờ là nơi người Do thái đến để cầu nguyện, dâng của lễ và phụng thờ Đức Chúa.
 
Dân Ítraen khát khao lên đền như Thánh vịnh gia 84 mô tả:
 
“Lạy Chúa Tể càn khôn,
cung điện Ngài xiết bao khả ái.
Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi,
mong tới được khuôn viên đền vàng.
Cả tấm thân con cùng là tấc dạ
những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng”.
(Tv 84,2-3 )
 
Sau khi ổn định vương quốc, vua Đavít đã chọn Giêrusalem là thủ đô chính trị và tôn giáo. Vua đã xây xong cung điện và muốn xây dựng một ngôi đền để thờ phượng Đức Chúa. Đức Chúa bảo ngôn sứ Nathan đến nói với vua Đavít : “Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao? Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi - một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.” (2 Sm 7,5.12-13.16)
 
Đền Thờ Giêrusalem đầu tiên được vua Salomon bắt đầu xây dựng vào năm 967 trước Công nguyên (x. 2 Sb 2,3-3,1) và hoàn thành vào năm 960 trước Công nguyên (x. 2 Sb 5,1-14). Ngôi đền này bị vua Nabucôđônôxô, vua Babylon phá hủy vào năm -587 và bắt toàn dân lưu đày (2 Sb 36,11-21). Sau khi vua Kyrô, vua Ba Tư, thống lĩnh toàn vùng, dân Ítraen được trở về trùng tu lại thành và Đền thờ Giêrusalem. Công việc trùng tu và xây dựng lại đền thờ Giêrusalem được bắt đầu vào khoảng năm -536 và được cung hiến vào năm -515 bởi tổng đốc Nơkhemia và ký lục Étra (Et 3.8-13 ; 5,1-6,22 và x. Nkm 2,1-4,3)
 
Sau bao thế kỷ tồn tại, đền thờ Giêrusalem được trùng tu lần nữa bởi vua Hêrôđê, khoảng năm 20 trước Công nguyên cho đến tận thời Chúa Giêsu. (1)
 
Năm 2016, trong cuộc hành hương Thánh Địa, quê hương của Chúa Giêsu, chúng tôi không được đến Đền Thờ Giêrusalem. Chỉ đứng từ xa mà nhìn. Đền thờ được sự quản lý của một gia đình người Hồi giáo, và người hành hương chỉ đứng bên ngoài chụp hình kỷ niệm thôi. Nơi xây dựng Đền Thờ cũng là nơi tổ phụ Ápraham hiến dâng Ixaác (Stk 22,1-14), và người Hồi giáo tin rằng, đó cũng là nơi Đấng Mahômét đã về trời.
 
Thánh điện, nơi cực thánh, trong Đền thờ Giêrusalem là nơi vị tư tế sẽ vào mỗi năm một lần vào ngày lễ Xá tội. Tại đó ông sẽ thay mặt dân để gặp gỡ Thiên Chúa, dâng lên Thiên Chúa hiến lễ để xin Người tha tội cho mình và cho dân. Giữa nơi cực thánh và dân chúng bị ngăn cách bởi một bức màn.
 
Khi Chúa Giêsu chết, bức màn bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Cha Ronald Rolheiser viết : “Màn trong Đền Thờ dùng để ngăn cách con người với gian cực thánh. Màn ở xa nên các tín hữu bình thường không thể thấy đàng sau màn có gì. Chỉ các thượng tế khi cử hành nghi thức thờ phượng mới được vào và được thấy phía sau bức màn. Lời Tin mừng “màn bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới” cho ta hiểu : chính thập giá Chúa Giêsu đã xé tan bức màn ngăn cách giữa con người phàm trần với trái tim thánh thiêng của Chúa Giêsu. Sẽ không còn bức màn nào ngăn cách ta với Thánh Tâm Chúa. Thập giá Chúa Giêsu mạc khải cho ta biết Thiên Chúa đích thật.” (2)
 
Khi bị treo trên thập giá, người trộm lành đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Vô Tội (Lc 23,39-43). Khi chứng kiến cái chết của Đức Giêsu, viên đội trưởng đã nhận ra ngài là “Con Thiên Chúa” (Mt 27,54). Và qua cái chết trên thập tự giá, ông Nicôđêmô, ông Giôxếp người Arimathê, những người thế giá trong dân Ítraen đã nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng cứu chuộc nhân loại mà các ngôn sứ đã nói tới (x. Ga 19,38-42).
 
Chính thập giá Chúa Giêsu đã xé toang bức màn ngăn cách giữa chúng ta với Thiên Chúa và cho chúng ta nhận biết Ngài chính là Thiên Chúa.
 
Trong nghi thức tôn thờ Thánh Giá, năm nay, vì đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, không ai được hôn chân Chúa, ngoại trừ vị chủ tế. Điều này làm nhiều người buồn. Hôn chân Chúa là một việc mà hầu như mọi người mong muốn vì lòng yêu mến Chúa. Người ta có thể xếp hàng chờ đợi để được hôn chân Chúa. Nhiều khi hàng được xếp dài ra tận trước tiền đường Nhà Thờ. Không được hôn chân Chúa, một cảm giác bị mất đi một điều gì đó!
 
Tôi nhớ lại, khoảng thập niên năm 1970, tại quê xứ tôi. Đêm Thứ Sáu Thánh, sau nghi thức tháo đinh xác Chúa, xác Chúa được đặt trong một hòm kiếng, đôi chân thòi ra ngoài. Tôi xếp hàng để hôn chân Chúa. Khi hôn, môi miệng tôi chạm chân Chúa, nhưng đôi tay lại nắm chặt những bỏng ngô đặt chung quanh. Đêm đó, không biết tôi đã hôn chân Chúa bao nhiều lần! Ôi kỷ niệm tuổi thơ bao ngọt ngào!
 
Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã xé toang bức màn ngăn cách giữa con người với Thiên Chúa trong Đền Thờ Giêrusalem, và cái chết trên thập giá của Ngài có xé toang tâm hồn tôi không? Thập giá của Chúa có xé toang sự ích kỷ, nhỏ nhoi và hờn ghen của tính con người trong tôi? Thập giá của Chúa có mở ra niềm hy vọng Phục Sinh nào trong tôi? Đau thương của Chúa vẫn còn đó, bên cạnh tôi, trong khuôn mặt của tha nhân. Tôi làm gì để những thương đau này mang lại sự cứu rỗi, niềm hy vọng Phục Sinh vinh quang?
 
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...
 
                                                            Nguyễn Thái Hùng
 
+++++++++++++++++++++
 
(1) 
https://gpcantho.com/tom-tat-lich-su-doi-den-tho-o-jerusalem/
(2) Ronald Rolheiser, Cuộc Thương Khó và Thập Giá, NXB Đồng Nai, 2021, tr.62

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây