TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

CHIÊN VƯỢT QUA VÀ MẦU NHIỆM THẬP GIÁ

Thứ năm - 01/04/2021 00:07 |   1088
Vì sao Chúa Giêsu chấp nhận cái chết trên thập giá, một án hình quá đau khổ và tủi nhục khiến Người đã nhiều lần xao xuyến tâm hồn và đã từng xin Chúa Cha cất đi chén đắng ấy?
CHIÊN VƯỢT QUA VÀ MẦU NHIỆM THẬP GIÁ


 
Vì sao Chúa Giêsu chấp nhận cái chết trên thập giá, một án hình quá đau khổ và tủi nhục khiến Người đã nhiều lần xao xuyến tâm hồn và đã từng xin Chúa Cha cất đi chén đắng ấy? Chắc chắn phải có mục đích và lý do chủ yếu và quan trọng nhất của sứ vụ của Người khi vào trần gian này. Chúa chết trên thập giá là vì chúng ta lười biếng đọc kinh cầu nguyện hay không biết ăn chay hãm mình? Chuyện nhỏ. Có phải Chúa chịu chết là vì nhân loại phạm tội rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, trai gái, đĩ điếm hay xì ke ma túy? Chuyện đáng kể đấy nhưng vẫn là chuyện nhỏ. Thế thì chúng ta cần tìm chuyện lớn, đúng hơn là mục đích và lý do chính yếu của cái chết của Đấng Cứu Độ, Giêsu Kitô.

Chữ vì: “Này là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22,19). Chữ “vì” trong ngôn ngữ tiếng Việt xem ra khá hàm hồ. Nó có thể làm hạn từ dẫn cho các khái niệm tiêu cực lẫn tích cực. Ví dụ: “Vì con cái bất hiếu vô đạo nên cha mẹ phải khổ (tiêu cực); Vì tương lai con cái nên cha mẹ chấp nhận một nắng hai sương (tích cực). Hạn từ “for” (Anh ngữ), hạn từ “Pour” (Pháp ngữ) và hạn từ “Pro” (La ngữ) trong “Lời Truyền Phép” trong Thánh Lễ vốn là các giới từ dẫn đến các khái niệm mang tính tích cực. Vậy chúng ta có thể hiểu việc Chúa Giêsu chấp nhận “bị nộp” là để “cho” các tông đồ nói riêng và nhân loại chúng ta nói chung được hưởng điều gì đó rất trọng đại và chắc chắn liên quan đến hạnh phúc vĩnh cửu, sự sống đời đời.

Chiên Vượt Qua: Các nhà nghiên Thánh Kinh đồng thuận với nhau về dữ kiện Chúa Giêsu cử hành “Bữa Tiệc Ly” trong dịp Lễ Vượt Qua của Do Thái giáo. Con chiên vượt qua năm xưa là một cách thế mà Thiên Chúa dùng để giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Cử hành lễ vượt qua là tưởng niệm việc Thiên Chúa giải phóng dân Ngài khỏi cảnh kiệp nô lệ, vong thân và dĩ nhiên là để đến hưởng cảnh đời tự do của những người con cái trong nhà (x.Ga 8,31-47). Như thế, nếu nhìn về khía cạnh ngược lại thì việc Chúa Giêsu chấp nhận chết với án hình thập giá là vì các tông đồ và nhân loại nói chung đang bị kìm kẹp trong cảnh đời nô lệ. Án hình thập giá thời bấy giờ cũng như những người trực tiếp đặt lên vai Chúa Giêsu khúc gỗ hình chữ thập cho chúng ta nhìn nhận hiện thục này.

Án hình thập giá: Đây là một án hình mà đế quốc Rôma, đế quốc đang đô hộ nước Do Thái lúc bấy giờ đặt ra để gây khiếp sợ cho dân bị trị. Thời Chúa Giêsu, quan Philatô thường áp dụng hình khổ này để trừng phạt và để đe dọa nhiều chí sĩ Do Thái muốn giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của ngoai bang Rôma. Như thế lý do mà nhiều “chí sĩ” hay “anh hùng dân tộc” Do Thái chấp nhận đối diện với án hình thập giá đó là “vì” đúng hơn là “cho” một nền độc lập tự do của dân tộc mình. Còn Chúa Giêsu thì sao? Chắc chắn việc Người chấp nhận án hình khổ giá không phải ở bình diện “tự do thế trần” mà phải ở bình diện sâu xa và phổ quát hơn. Các dữ liệu Tin Mừng, đặc biệt là những lời do chính Chúa Giêsu nói về nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết khổ hình thập giá của Người cách nào đó giúp chúng ta thấy rõ hơn nguyên nhân và mục đích cuộc khổ nạn của Người.

Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào Thập giá, và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy” (Mt 20,18-19). Thời gian rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, có đó sự xung đột giữa Người với nhiều người nhóm biệt phái, luật sĩ và nhiều vị trưởng các Hội đường về luật sạch nhơ, nhất là về việc giữ ngày hưu lễ. Họ đã từng nhiều lần tìm cách hãm hại Chúa, nhưng họ không dám thực hiện vì sợ dân chúng vốn tôn kính Người như môt vị tôn sư, một vị ngôn sứ có quyền năng trong lời nói và việc làm. Máu Chúa Kitô đã không đổ ra do bởi tay nhiều vị lãnh đạo Do Thái giáo cấp thấp lúc bấy giờ. Cũng có đó sự xung đột giữa Chúa Giêsu với đám đông dân chúng về niềm tin độc thần. Khi Chúa Giêsu mạc khải về căn tính Con Thiên Chúa của mình thì họ đã từng vài lần lấy đá ném Người vì cho Người lộng ngôn, phạm thượng. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã dùng quyền năng để tránh sự xung đột ấy. Như thế máu của Người đã không đổ ra vì “sự cuồng tín” của đám đông dân chúng. Thế mà khi đối diện với các vị lãnh đạo cao cấp nhất trong Do Thái giáo thời bấy giờ tại Giêrusalem thì Chúa Giêsu đã can đảm đương đầu với án tử hình thập giá, cho dù Người cũng đã từng nhiều lần bồi hồi xao xuyến cũng như đã đổ mồ hôi pha lẫn máu trong vườn cây dầu (x.Lc 22,44).

Chúa Giêsu chấp nhận đổ máu để giải thoát đoàn dân Chúa khỏi cảnh nô lệ bởi tay nhiều người có đủ đầy “thần quyền” trong tay. Do bởi cơ chế và luật lệ do mình làm ra, nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đã nô lệ hóa đoàn tín hữu khiến họ không và khó có thể đến với Cha trên trời như những người con đích thực. Họ đã tự đặt ra nhiều cơ chế luật lệ và “chất lên vai lên cổ dân chúng những gánh ách nặng nề mà chính họ không buồn giơ một ngón tay lay thử. (x.Mt 23,4). Nhiều lễ nghi và luật lệ do họ đặt ra đã nô lệ hóa dân Chúa khiến dân bị kìm hãm trong nhiều nỗi “kinh sợ” và vì thế khó có thể đến với Thiên Chúa trong tâm tình kính mến. Chúa Kitô khẳng định trước Philatô rằng Người đã đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Và sự thật nền tảng mà Người loan báo và làm chứng đó là Đấng dựng nên vũ trụ đất trời, Đấng mà chúng ta tuyên xưng là Thiên Chúa chính là Cha Toàn Năng chí ái. Chúng ta đừng quên chính Chúa Giêsu đã từng khuyên dạy các môn sinh là hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời và lời kinh duy nhất Người truyền để cầu nguyện là kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (x.Mt 67-14; Lc 11,2-4).

Đêm Tiệc Ly, khi cầm lấy chén rượu đọc lời tạ ơn thì Chúa Giêsu đã phán: “Hãy cầm lấy mà uống. Này là máu Thầy, máu giao ước mới, đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội” (x. Mt 26,27-28). Đã từng có nhóm chuyên gia Kinh Thánh muốn phổ quát hóa ơn tha tội nên đã dịch thành “muôn người” thay cho “nhiều người”. Tuy nhiên kiểu dịch này đã được Huấn quyền chỉnh lại trong Sách Lễ Rôma hiện nay là “nhiều người”. Thử hỏi cả tập thể nhóm Mười Hai và “nhiều người” đã và đang vướng mắc tội gì? Một cách nào đó khi suy xét lỗi lầm của cả tập thể mười hai tông đồ thì chúng ta có thể nhận diện cái “tội” đã khiến cho Đấng Cứu Độ hiến dâng dòng máu châu báu của mình để thanh tẩy. Chắc chắn đây không phải là tội “không biết ăn chay, hãm mình” hay tội “không biết cầu nguyện”, vì Chúa Giêsu đã từng bênh vực các ngài về cái khoản thiếu sót này. Cũng không thấy tất cả các vị phạm tội trộm cắp (chỉ trừ một mình Giuđa Iscairô) cờ bạc hay trai gái…

Đọc Tin Mừng chúng ta dễ dàng nhận ra động cơ và mục đích của cả tập thể nhóm Mười Hai khi theo Thầy Giêsu đó là muốn đổi đời, muốn thăng quan tiến chức. Nhận thấy Thầy Giêsu có quyền năng trong lời nói và hành động, các vị tin rằng thế nào Thầy cũng sẽ trở thành một lãnh tụ giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ ngoại bang là đế quốc Rôma. Thầy sẽ làm vua và chúng mình sẽ là những vị quan đầu triều. Có chức thì có quyền và có quyền thì sẽ có lợi lộc. Ròng rã ba năm theo Chúa Giêsu các vị thường xuyên tranh cãi nhau xem ai sẽ là người đứng đầu trong cái tập thể cầm quyền lãnh đạo, cai trị dân chúng sắp tới. Ngay chính đêm Tiệc ly thì các vị cũng tranh cãi nhau sôi nổi về đề tài này. (x.Lc 22,24-27). Sách Công vụ Tông đồ tường thuật rằng sau cuộc khổ nạn và phục sinh của Thầy chí thánh và ngay trước khi Người được cất lên trời thì các ngài vẫn còn hỏi Thầy: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không? (Cv 1,8).

Cái tội lớn nhất của các tông đồ là lợi dụng Thầy để phục vụ cho mưu đồ thăng quan tiến chức của mình. Việc tông đồ Giuđa phản bội là điểm tới của sự lợi dụng này. Thầy có quyền năng trong lời nói và hành động, thế mà Thầy không chịu để dân chúng tôn làm vua (x.Ga 6,15) thì mình sẽ bắt Thầy “phải” làm vua. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa có đủ cả. Dịp Lễ Vượt qua tại Giêrusalem năm nay khi mà các Thượng Tế đang tìm cách bắt giết Thầy thì chỉ cần chỉ chỗ Thầy trò mình lui tới là chuyện lớn phải xảy ra. Đám đông dân chúng ném đá Thầy mà Thầy chẳng có sao. Người dân Nagiarét bắt Thầy và xô xuống vực thẳm cũng chẳng có gì. Thế thì mấy quân sĩ của các vị Thượng Tế chỉ là ruồi muỗi. Nhưng họ phải đến để làm cớ cho dân chúng vùng lên làm cách mạng đánh đuổi quân ngoại xâm. Xử dụng nhau, lợi dung nhau để phục vụ mưu đồ của mình là một cách thế bắt tha nhân làm nô lệ cho mình. Ôi cái tội đáng kinh sợ làm sao vì chính Chúa Giêsu đã từng thốt lên về con người phạm tội đó: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn.” (Mt 26,24).

Chúa Giêsu chấp nhận án hình khổ giá, Người đã đổ máu đào ra là để cho chúng ta được sống trong tự do của người con cái của Cha trên trời và hệ quả là mọi người phải sống với nhau trong tình huynh đệ. Phải chẳng khi cam tâm sống cảnh kiếp đời nô lệ thì chúng ta đã làm cho máu Chúa Kitô hóa ra vô ích? Phải chăng khi chúng ta một cách nào đó nô lệ hóa nhau bằng những “ý thức hệ”, bằng nhiều cơ chế và luật lệ, nhất là những luật lệ, cơ chế mang tính tôn giáo thì chúng ta đã xem thường giá máu của Đấng Cứu Độ?

 
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây