TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tỉnh thức và cầu nguyện luôn!

Thứ năm - 13/05/2021 02:42 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   674
Tỉnh thức và cầu nguyện luôn!

Chúa Nhật I – MV – C

Tôi có tỉnh thức và cầu nguyện luôn!

Kinh Thánh Tân Ước có ghi rằng: Chúa Giê-su, trong bữa tiệc ly, Ngài đã nói với các môn đệ một cách trân trọng, rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.  

Là một Ki-tô hữu, chắc hẳn, không ai trong chúng ta lại không tin điều này. Tuy nhiên, dù tin, nhưng mỗi khi nhắc đến ngày “Thầy lại đến”, có lẽ, không ít người trong chúng ta lại cảm thấy “lòng xao xuyến”, xao xuyến là bởi, khi nào “ngày ấy” sẽ xảy ra!!! 

Khi nào “ngày ấy” sẽ xảy ra! Vâng, Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay (Chúa Nhật I – MV), được trích trong Tin Mừng Luca, sẽ cho ta câu trả lời và chắc chắn sẽ làm cho mỗi chúng ta, không còn “lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi, nhắc lại câu chuyện (này)”. (x.Lc 21, 25-28.34-36)

**
Về “ngày ấy”, Tin Mừng thánh Luca cho biết, Đức Giêsu đã không ít lần nói với các môn đệ, cách này cách khác, “khi nào và chuyện gì” sẽ xảy ra.

Đã có lần, Ngài cho biết, “cũng như thời ông Nô-ê, sự việc xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy”. Sau đó, Ngài nói tiếp “Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mạc khải” (x.Lc 17, 26-30).

Còn với trình thuật Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu loan báo rằng, “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao” và “Dưới đất muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn siêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu”. Ngài nói tiếp: “Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21, 25-27).

Đức Giêsu đến thế gian, như Ngài đã nói, là để “thế gian nhờ (Ngài) mà được cứu độ” (Ga 3, 17). Cho nên, Đức Giêsu đã không dấu niềm mong đợi của Ngài đối với các môn đệ (và cũng là đối với thế gian) khi Ngài kết thúc những lời cảnh báo về “ngày ấy” bằng lời khuyên chân tình rằng, “Vậy, anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến” (Lc 21, 36).

Chỉ cần một động tác của cơ thể, đó là tỉnh thức, và một cử động của tâm hồn, đó là cầu nguyện. Vâng, Đức Giê-su đã khuyên dạy, rằng: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.”

***
Hôm nay là Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng. Và, như là một suy nghĩ thường tình, cứ đến Mùa Vọng, chúng ta thường để tâm hướng đến Lễ kỷ niệm Chúa Giê-su Giáng Sinh.

Tuy nhiên, nếu chỉ để tâm hướng đến việc kỷ niệm Chúa Giê-su giáng sinh e rằng chưa đủ. Tại sao? Thưa, là bởi, Mùa Vọng, dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến”. Vọng là trông mong, là mong đợi và hy vọng điều sắp đến.

Mà, Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Ngài đã “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” hơn hai ngàn năm, thì có còn được gọi là điều chúng ta “mong đợi và hy vọng điều sắp đến”?

Vâng, Đức Giê-su đã đến thế gian, để “những ai đón nhận tức là những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 12).

Thế nên, sự trông mong và hy vọng của chúng ta hôm nay, phải là “Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa… Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng”. (kinh Tin Kính).

Nói cách khác, sự quang lâm của Đức Giê-su phải là tiền đề cho việc bước vào Mùa Vọng của hôm nay.

Thế nên, để bước vào mùa vọng năm nay, hãy để một phút thinh lặng và tự hỏi: tôi đã chuẩn bị những gì cho ngày Chúa Giê-su quang lâm? Tôi đang trong trạng thái “tỉnh thức hay ngủ mê”? 

Vâng, cuộc đời của một người có khác gì một chuyến xe, mà tài xế không ai khác hơn là chính mình. Chính mình là tài xế, tất nhiên, mình không thể lái chiếc xe đó trong tình trạng “ngủ mê”, phải không, thưa quý vị!

Hãy tưởng tượng, hành trình đến gặp Vua Nước Trời sẽ ra sao nếu chúng ta điều khiển “chiếc xe cuộc đời” của mình trong tình trạng ngủ mê? Phải chăng, chúng ta sẽ đi trệch khỏi lộ trình mà Đức Giêsu đã vạch ra?

Hãy tự hỏi mình, rằng: ngày Vua Nước Trời quang lâm, điều gì sẽ xảy ra, nếu chúng ta vẫn “ngủ mê” trên những thú vui thói đời, trên những đam mê dục vọng… vẫn để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” v.v…? Phải chăng, Chúa Giê-su sẽ nói với tôi, rằng: “Hỡi tên đầy tớ tồi tệ…”?

Có lẽ thay cho câu trả lời, đó là, đừng thấy việc quang lâm của Chúa Giê-su chưa xảy ra, mà quên lãng những gì Ngài đã phán dạy.

Thế nên, hãy nghe một lần nữa, lời Đức Giê-su phán dạy: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.

****
“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: làm thế nào để có thể thực hiện lời khuyên dạy này trong suốt cuộc đời của mình? 

Thưa, cách tốt nhất, đó là chúng ta hãy nhìn những “dấu chỉ thời đại”. 

Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn, trong bài viết có tựa đề “dấu chỉ thời đại”, viết rằng: “Theo cha Chenu, ý niệm “dấu chỉ thời đại” là một trong ba hoặc bốn từ ngữ quan trọng nhất của Công đồng Vatican II. Việc tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ này chẳng những có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Công đồng Vatican II, nhưng còn là giúp chúng ta sống đức Tin một cách trưởng thành và có trách nhiệm giữa cuộc đời; nghĩa là dám đồng hành với bước đi của lịch sử nhân loại, trong ánh sáng của Tin Mừng và với sức mạnh của Thần Khí. Đó cũng là cách thức sống đức Tin phù hợp với tâm thức của Giáo Hội, phù hợp với sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần trong thời đại hôm nay”.

Việc tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ này ư! Thì đây, hãy nhìn xem những gì đang xảy ra trên thế giới này… những gì đang xảy ra trên thế giới hôm nay, như chiến tranh, thiên tai, bão lụt, động đất cùng với sự suy đồi đạo đức của con người, còn hơn thời No-ê v.v… 

Đó… đó chính là “dấu chỉ”, những dấu-chỉ-thời-đại, những dấu chỉ đã được Đức Giê-su nói đến, như là điềm báo, ngày “Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”… đang gần kề.

Đừng quên, lời Đức Giê-su đã nói “Trời đất sẽ qua đi, nhưng Lời Ta nói sẽ không bao giờ qua đi”. 

Bạn có tin điều này không? Nếu tin, hãy thực hiện lời Chúa Giê-su khuyên dạy, rằng: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây