TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tôi có phải là “Mẹ” Thiên Chúa không?

Thứ năm - 29/12/2022 19:07 | Tác giả bài viết: Giuse hạt bụi tro |   462
Cứ mỗi lần đọc kinh Kính mừng là chúng ta tuyên xưng và tôn vinh tước hiệu này của Mẹ: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa trời...

Tôi có phải là “Mẹ” Thiên Chúa không?
Lễ Mẹ Thiên Chúa 2022

me TC 1


Hôm nay chúng ta tôn vinh Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Đây là một trong bốn đặc ân cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ, là tước hiệu cổ xưa nhất mà Giáo Hội đã định tín tại Công đồng Êphêxô năm 431. Cứ mỗi lần đọc kinh Kính mừng là chúng ta tuyên xưng và tôn vinh tước hiệu này của Mẹ: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa trời...

Ai trong chúng ta cũng tin nhận Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Thế nhưng, chúng ta có hiểu được nội dung của tín điều này không? Rất nhiều điều chúng ta tin trong Đạo, nhưng nếu hỏi lý lẽ thì có khi lại không biết, không giải thích được. Nếu có ai đó hỏi chúng ta: Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Đấng tạo thành vũ trụ này. Người là Đấng tự hữu, nghĩa là tự mình mà có, tự mình mà tồn tại. Vậy thì, tại sao Người lại có một người Mẹ là một con người giới hạn, có tên là Maria? Tại sao Giáo Hội lại mừng lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày hôm nay mà không mừng vào ngày khác?

Hôm nay là ngày đầu năm mới Dương lịch, nên chúng ta dễ quên rằng hôm nay cũng là ngày kết thúc và cao điểm của tuần bát nhật Giáng sinh. Cách đây đúng một tuần, chúng ta đã long trọng mừng Con Thiên Chúa ra đời. Hôm nay chúng ta lại mừng người Mẹ đã sinh ra Con Thiên Chúa. Hai mầu nhiệm này được liên kết với nhau trong cùng một tuần bát nhật, như muốn nhắc nhở: chúng ta chỉ có thể hiểu được tước hiệu Mẹ Thiên Chúa khi gắn kết tước hiệu đó với mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người.

Khi tuyên xưng, Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội không có ý nói Mẹ là Mẹ của Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần nhưng là Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu; mà Chúa Giêsu vừa là con người thật, vừa là Thiên Chúa thật. Vì thế, Mẹ không chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu nhưng còn là Mẹ Thiên Chúa.

Được làm Mẹ Thiên Chúa không có nghĩa là Đức Maria được hiện hữu trước Thiên Chúa hay có quyền gì trên Thiên Chúa, nhưng Mẹ đã được phúc sinh ra và nuôi dưỡng Chúa Giêsu. Ý nghĩa của việc tôn vinh Đức Maria đưa dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, và qua Mẹ, đến với Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ.

Đức Maria đã được làm Mẹ Thiên Chúa như thế nào? Để có thể làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã trải qua ba giai đoạn căn bản: Thụ thai Chúa Giêsu, nuôi dưỡng Chúa Giêsu trong cung lòng và tâm trí Mẹ, và sinh ra Chúa Giêsu.

1. Giai đoạn thứ nhất, thụ thai Chúa Giêsu, đã được chúng ta mừng kính vào ngày Lễ Truyền Tin - ngày 25/3, tức là trước ngày 25/12 tròn 9 tháng. Hôm ấy chúng ta được nghe đoạn Tin mừng Lc 1, 26-38 nói về việc Đức Maria khiêm tốn nói lời xin vâng trước ý định của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Từ hôm ấy, Mẹ cưu mang Con Thiên Chúa trong cung lòng trinh khiết của Mẹ.

2. Giai đoạn thứ hai là nuôi dưỡng Chúa Giêsu trong cung lòng và tâm trí Mẹ. Cũng như bao người Mẹ khác, Đức Maria đã vất vả, đau đớn khi thai nghén đứa con đầu lòng. Các bà, các mẹ hiểu rõ hơn ai hết những thay đổi trong cơ thể, tinh thần, tâm lý và cảm xúc mà Đức Maria đã trải qua trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, tất cả những vất vả đau đớn đó sánh sao được với nỗi vui mừng và niềm hạnh phúc khi nghĩ về đứa con đang lớn lên từng ngày trong cung lòng của Mẹ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn tả rất hay về hình ảnh Đức Mẹ mang thai Chúa Giêsu như thế này: Mẹ lắng nghe trái tim của thai nhi Giêsu đập trong lòng Mẹ, và từ đó, Mẹ lắng nghe trái tim của Thiên Chúa đập trong lịch sử nhân loại và trong cuộc sống của từng người trong chúng ta (Kinh Truyền Tin ngày 01/01/2017).

Mẹ Maria không chỉ được phúc cưu mang con người Giêsu trong cung lòng của Mẹ, nhưng Mẹ còn làm một điều, mà Kinh thánh đã ghi lại, khiến cho muôn ngàn đời ngợi khen Mẹ có phúc: “Đức Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Mẹ hằng suy đi nghĩ lại trong tâm trí về những việc mà Thiên Chúa muốn làm trong cuộc đời Mẹ, những lời nói và hành động của Chúa Giêsu, Con Mẹ. Như thế, Mẹ không chỉ cưu mang Chúa Giêsu trong dạ Mẹ, mà còn trong tâm trí Mẹ. Trọn vẹn tinh thần và thể xác, Mẹ cưu mang Chúa Giêsu. Đó là phúc của Mẹ, là lý do giải thích tại sao sứ thần lại chào Mẹ bằng câu: Kính mừng Maria, đầy ơn phúc.

3. Giai đoạn thứ ba là sinh ra và trao ban Chúa Giêsu. Đó là biến cố mà chúng ta đã long trọng mừng kính cách đây đúng một tuần, vào ngày lễ giáng sinh. Mẹ đã sinh ra Con Thiên Chúa và trao ban cho nhân loại. Đó là món quà quý giá nhất mà Mẹ có thể trao ban cho chúng ta. Và rồi, khi Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, Ngài đã trao lại cho chúng ta người Mẹ yêu dấu của Ngài. Từ đó, Mẹ trở thành Mẹ của Giáo Hội, Mẹ của mỗi người trong chúng ta. Chúng ta có người Mẹ yêu thương chúng ta.

Tôi có phải là “Mẹ” Thiên Chúa không? Một câu hỏi nghe tức cười và viển vông, vì Thiên Chúa chỉ có một người Mẹ duy nhất là Đức Maria. Tuy nhiên, đó là điều mà chúng ta có thể làm được trong tinh thần và cách sống Đạo của chúng ta. Chính xác thì câu hỏi nên đặt ra là Tôi có muốn, có ước ao làm “Mẹ” Thiên Chúa không? Nếu có thì chúng ta cũng phải trải qua ba giai đoạn để được làm Mẹ Thiên Chúa, như Đức Maria đã trải qua.

Giai đoạn thứ nhất là “thụ thai” Chúa Giêsu. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không thể thụ thai Chúa Giêsu về mặt sinh học, nhưng chúng ta có thể mang mầm sống Giêsu trong tâm hồn của mình, khi rước Chúa Giêsu Thánh thể vào lòng, khi biết khiêm tốn nói lời xin vâng trước những ý định của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Muốn được như thế, chúng ta phải đến gần Thiên Chúa, để có thể nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa. Đến gần Thiên Chúa như thế nào? Thưa chúng ta phải học hỏi Kinh thánh, siêng năng tham dự thánh lễ và cầu nguyện cùng Thiên Chúa, yêu mến và tâm sự cùng Chúa Giêsu Thánh thể thường xuyên. Chính Chúa Giêsu sẽ dạy chúng ta biết đâu là thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta.

Giai đoạn thứ hai là nuôi dưỡng Chúa Giêsu. Hãy bắt chước Mẹ Maria suy đi nghĩ lại trong tâm trí về lịch sử cuộc đời mình, từng biến cố đã xảy ra, để nhận ra Thiên Chúa đã tác động và che chở chúng ta như thế nào, đặc biệt là những lúc khó khăn thử thách.

Giai đoạn thứ ba là sinh ra và trao ban Chúa Giêsu. Đã có lần Chúa Giêsu khẳng định: Lòng có đầy thì miệng mới nói ra (Lc 6, 45). Một khi tâm hồn và cuộc sống chúng ta tràn đầy tình yêu với Chúa Giêsu, thì chắc chắn chúng ta không thể giấu được. Một khi ánh mắt, nụ cười, lời nói và việc làm của chúng ta được mặc lấy “tâm hồn Giêsu” thì làm việc gì chúng ta cũng làm vì Chúa, cho Chúa. Nghĩa là, chúng ta đang trao ban Chúa Giêsu cho đời cho người. Một cuộc sống thật sung mãn và ý nghĩa.

Hôm nay là ngày đầu năm mới, một ngày rất đẹp. Năm mới mở ra cho chúng ta một tương lai mới, một hy vọng mới. Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ Mẹ Thiên Chúa như muốn nói chúng ta không phải là những đứa con mồ côi. Chúng ta không phải đối diện một năm mới một mình, vì có một người Mẹ chan chứa tình mẫu tử sẽ che chở, ủi an và nâng đỡ chúng ta mọi ngày trong năm mới này.

Xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, chúc lành cho lành tất cả chúng ta. Amen.

Giuse hạt bụi tro

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây