TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Trong Chúa, chúng ta mới được bình an

Thứ bảy - 21/05/2022 05:43 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1293
“Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”



Chúa Nhật VI – PS – C

Trong Chúa, chúng ta mới được bình an

Bình an là gì? Thưa, theo cách hiểu thông thường, bình an có nghĩa là không gặp hoạn nạn, không gặp vấn đề gì nguy hiểm, không có gì bất trắc xảy ra ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của con người.

Theo cách hiểu như thế, có ai trong chúng ta lại không mong muốn có được sự bình an! Rất mong muốn là vậy. Thế nhưng, trong thực tế của cuộc sống, mấy ai thực sự có được sự bình an! Và nếu có, thì sự bình an đó liệu sẽ tồn tại bao lâu! Vâng, thật sự là chẳng bao lâu, vì chỉ cần một tác động nhỏ lên cuộc sống, sự bình an mà ta đang có, rất có thể trở thành nỗi bất an.

Nhóm Mười Hai các môn đệ là những người đã cảm nghiệm được điều nhận định nêu trên. Sự kiện Đức Giê-su sẽ “phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết…” đã tác động không nhỏ lên cuộc sống của các môn đệ. Nỗi ám ảnh đó đã làm cho các ông không có được một cuộc sống bình an. Các ông luôn bất an.

Đức Giê-su thấu suốt nỗi bất an của tất cả mọi người. Vì thế, đã có lần Ngài tuyên bố: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

Còn về phần các môn đệ ư! Thưa, rất chân tình. Trước những nỗi bất an của các môn đệ, Đức Giê-su đã gửi đến các ông những lời an ủi chân tình. Những lời an ủi đó đã đem lại cho các ông sự “bình tâm” và quan trọng hơn cả, đó là “hồi sinh sự bình an” nơi con người các ông.

Thánh Gio-an, một người thuộc nhóm Mười Hai, đã ghi lại chi tiết những lời an ủi của Đức Giê-su.

**

Theo những gì thánh Gio-an ghi lại, chúng ta được biết: Hôm ấy, nhằm vào lễ Vượt Qua. Đức Giê-su và các môn đệ đã cùng nhau hiện diện trong bữa tiệc ấy.

Nói về lễ Vượt Qua. Vâng, đây là ngày lễ trọng đại của người Do Thái. Ngày này, toàn dân vui mừng về một biến cố xưa kia Thiên Chúa đã giải thoát cha ông họ khỏi cảnh nô lệ Ai Cập.

Ấy thế mà… thế mà hôm ấy các môn đệ lại tỏ ra buồn rầu xao xuyến.

Ơ hay! Sao lại thế nhỉ! Thưa, là thế… là bởi, Thầy Giê-su đã loan báo cho các ông biết, rằng: “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.”

Bao nhiêu năm Thầy và trò ở bên nhau, hôm nay chỉ còn một-ít-lâu-nữa-thôi, Thầy sẽ ra đi… hỏi làm sao các ông không buồn rầu xao xuyến, cho được!

Nhìn tâm trạng của các môn đệ, Đức Giê-su không khỏi chạnh lòng thương xót. Hôm ấy, Ngài đã thì thầm với các ông rằng: “Này đoàn con ơi chớ hãi sợ chi. Ta sẽ ra đi nhưng Ta lại tới.” (Lm. Thành Tâm).

“Anh em đừng xao xuyến” Vâng, trong thực tế, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ như thế. Và, Ngài tiếp tục nói với các ông, rằng: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 2-3).

Thế nào! Đức Giê-su đã nói như thế, quý ngài môn đệ có “bình tâm” chưa! Lm. Thành Tâm rất bình tâm, rất bình tâm nên ngài Lm. đã cất cao giọng hát: “Lời Ngài khi xưa, Lời Ngài khi xưa con xin nhớ hoài. Tình Ngài thương con. Tình Ngài thương con không bến không bờ…”.

Đúng. Đức Giê-su đã nói lên những lời nói thấm đậm tình yêu thương. Và Ngài nhấn mạnh, rằng: “lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”.

Của Chúa Cha – Đấng đã sai Thầy ư! Nếu… nếu đúng vậy, thế thì chúng ta cùng với Lm. Thành Tâm cớ gì không cất tiếng ca mừng, mừng rằng: “Đừng buồn lo chi sẽ có ngày vui. Khi Đấng ủi an nơi Cha ngự đến. Ngài là ngôi ba xuất phát từ Cha. Và Ngài thay Ta hướng dẫn đường đi. Là nguồn ơn thiêng yêu thương chứa chan. Ban sức thêm ơn ủi an vỗ về”.

Lm. Thành Tâm đúng là rất bình tâm. Mà, không bình tâm sao được, khi chúng ta được ban-sức-thêm-ơn-ủi-an-vỗ-về, kia mà!

Phần Đức Giê-su, hôm ấy, Ngài có lời tuyên bố tiếp theo, một lời tuyên bố đủ để nhóm Mười Hai có được một sự thấu hiểu, thấu hiểu vì sao Thầy Giê-su chỉ còn ở lại với các ông một ít lâu nữa thôi.

Vâng, chúng ta cùng nghe, nghe lại lời Đức Giê-su đã tuyên bố với các môn đệ: “Nhưng Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”

Những lời an ủi trên, Đức Giê-su mới chỉ đem đến cho các một đệ sự bình tâm. Và đây, lời tuyên phán này, lời tuyên phán này mới là quan trọng, quan trọng là bởi liên quan đến sự bình an, sự bình an mà các môn đệ đang làm tuột mất khỏi tâm hồn.

Chúng ta cùng nghe Đức Giê-su tuyên phán: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”

***

Trên đây là những lời tuyên phán của Đức Giê-su trong “Bữa ăn tối cuối cùng”. Vâng, đây là tên của bức họa do danh họa Leonardo da Vinci vẽ. Ngày nay, người ta thường gọi là bức tranh “Bữa Tiệc Ly”.

Bình luận về bức tranh này, có người cho rằng, đây là lúc các môn đệ đang tranh luận xem ai là kẻ phản bội.

Riêng người viết, sau nhiều lần ngắm nhìn thưởng thức, người viết cho rằng các môn đệ đang biểu lộ niềm vui, một niềm vui được Thầy Giê-su ban cho “Bình An của Thầy”.

“Của Thầy” vui không! Trước đó là “giới răn của Thầy” và bây giờ là “bình an của Thầy” sao không vui, nhỉ!

Rất vui thế nên, các môn đệ, đã tiếp nhận Bình An của Thầy. Các ông đã đón nhận, và các ông không còn sống trong cảnh “sợ người Do Thái”.

Bình An của Thầy và Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha đã đem đến cho các môn đệ một năng lực siêu nhiên, năng lực đó giúp các ông “bình an trong nghịch cảnh” Đó mới là quan trọng cho đời sống đức tin của các môn đệ. (và bây giờ là cho chúng ta).

Tông đồ Phao-lô như một minh chứng điển hình. Ngài tông đồ dân ngoại đã làm chứng rằng, nhờ có sự Bình An của Chúa, nên dù có “bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng, bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không tiêu diệt.”

Vâng, xưa Đức Giê-su đã ban “Bình An của Thầy” cho các môn đệ. Và, nay chúng ta cũng không là ngoại lệ. Chúng ta không là ngoại lệ, ngoại trừ chúng ta không đón nhận Bình An của Chúa.

Nếu, ngày xưa Đức Giê-su hiện diện nơi “Bàn Tiệc Ly”, thì ngày nay Ngài hiện diện nơi “Bàn Tiệc Thánh Thể”, qua vị linh mục chủ tế, Đức Giê-su tiếp tục cất tiếng tuyên phán với mỗi chúng ta: “Bình An của Chúa ở cùng anh chị em”.

Đón nhận hay không đón nhận là quyền của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng ảo tưởng về một sự bình an mà thế giới này sẽ ban cho. Đừng ảo tưởng tiền bạc, danh vọng, quyền lực, quyền hành do thế gian này ban cho, sẽ đem lại cho chúng ta sự bình an.

Lịch sử cho chúng ta thấy: Marylin Monroe, một siêu sao điện ảnh, danh vọng và tiền bạc đồng hành với cuộc đời của bà. Ấy thế mà, ngày 05/08/1962 bà ta đã tự tử. Tại sao vậy? Thưa, trong bức thư tuyệt mạng, bà ta viết: “Tôi không tìm thấy sự bình an”.

Còn… còn nhiều “sao” trên khắp thế giới (sao “Hàn” hơi bị nhiều) cũng đã kết thúc cuộc sống của mình. Lý do: giản dị thôi! Không có sự bình an.

Nói tới quyền hành và quyền lực, lịch sử đã chứng minh và bây giờ đang chứng minh, rằng: cũng chẳng đem lại sự bình an. Hiện tượng “Putin của Russia” ai dám khẳng định ông ta rất bình an. Vâng, không thể không nghĩ rằng, ông ta đang không còn “bình tâm - bình gia - bình quốc”

Điều bây giờ và rất quan trọng, đó là: chúng ta hãy mở rộng tâm hồn, đón nhận Bình An của Chúa. Chúa ban. Chúa sẽ ban, nếu chúng ta nguyện xin Ngài.

Đức Giê-su nói: “Xin thì sẽ được” Nếu chúng ta xin mà chưa được, đó là do tội lỗi, tội lỗi mà chúng ta đã phạm.

Thì đây, hãy tự hỏi, nếu một ai đó “buôn gian bán lận”, liệu tâm hồn người đó có được bình an! Nếu… còn rất nhiều nếu… nhưng thôi không nói nữa. Điều cần nói, đó là chúng ta đừng quên: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi. Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”. (Thánh Vịnh).

Nói ngắn gọn: Trong Chúa, chúng ta mới được bình an.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây