TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xin đừng cứng lòng nữa

Chủ nhật - 12/12/2021 05:31 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   855
“Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31).
Xin đừng cứng lòng nữa

XIN ĐỪNG CỨNG LÒNG NỮA

(Thứ Ba sau Chúa Nhật III Mùa Vọng – Mt 21,28-32)

Sau khi kể câu chuyện dụ ngôn về hai người con, Chúa Giêsu đã hỏi thính giả hôm ấy, chủ yếu là Thượng Tế và Kỳ lão rằng ai trong hai người con đã làm đẹp lòng cha mình. Dĩ nhiên họ dễ dàng trả lời đó là người con thứ nhất dù trước đó không nghe lời cha nhưng sau lại hối hận mà đi làm theo ý cha mình. Còn người con thứ hai thì miệng môi nói lời vâng vâng, dạ dạ, nhưng lại không thực hiện ý của cha thì cũng bằng không và thật đáng trách (x.Mt 21,28-31).

Chúa Giêsu kể câu chuyện dụ ngôn này là vì thái độ cố chấp trước chân lý của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, Người đã làm việc thanh tẩy Đền thờ. “Người xua đuổi tất cả những người đang mua bán trong Đền thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô đổ ghế của những người bán chim câu. Rồi Người bảo họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Mt 21,12-13).

Khi các Thượng tế và kỳ lão cật vấn Chúa Giêsu lấy quyền gì mà làm những việc đó, Người đưa ra cho họ một câu hỏi nếu họ trả lời được thì Người sẽ cho họ biết Người lấy quyền gì mà thanh tẩy Đền thờ. Câu hỏi ấy như sau: “Phép rửa của Gioan là bởi Trời hay bởi người ta?” Tin Mừng tường thuật rõ thái độ cứng lòng của số lãnh đạo cao cấp này. Câu trả lời: “Chúng tôi không biết” của họ khởi đi từ sự tính toán cân nhắc thiệt hơn. Một sự cố tình cứng lòng trước chân lý quả thật đáng quy trách nhiệm. Và Chúa Giêsu đã khẳng định rõ điều này: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31). Nhiều chuyên gia Kinh Thánh cho chúng ta biết hạn từ “trước” trong câu khẳng định của Chúa Giêsu có nghĩa là thay thế.

Dù tội lỗi công khai như nhiều người bán thân nuôi miệng hoặc nhiều người thu thuế làm tay sai cho đế quốc, chèn ép dân chúng bằng sưu cao thuế nặng, nhưng họ đã mở lòng ra trước chân lý qua lời rao giảng của Gioan để rồi thay đổi thì họ sẽ vào Nước Thiên Chúa thế chỗ của nhiều người xem ra đức cao, vị trọng mà cứng lòng. “Mọi thứ tội đều có thể được tha ngoại trừ tội phạm đến Thánh Thần” là sự cố tình cứng lòng trước chân lý (x.Mt 12,32). Có đó nhiều hình thức và nguyên nhân của sự cứng lòng trước chân lý, tuy nhiên cần lưu ý một vài hình thức cứng lòng nhiều khi chúng ta dễ bỏ qua như sau:

- Không chân thành nhìn nhận điều đúng, lẽ phải khi chúng khởi đi từ những người thuộc quyền, thấp cổ, bé phận, những người khác chính kiến thậm chí khác “chiến tuyến” của chúng ta. Sợ rằng mình sẽ bị hạ phẩm giá, mất uy thế, chúng ta có thể phớt lờ trước lời chân lý của những hạng người này. Thậm chí rất có thể dùng uy quyền hay đủ cách thế để xuyên tạc như trường hợp nhiều người Pharisêu đã xuyên tạc rằng Chúa Giêsu dựa thế quỷ vương Bêendêbút mà trừ quỷ (x.Mc 3,22-30).

- Thiếu khiêm nhu nhìn nhận điều sai, việc lỗi của bản thân mình. Dù rằng bản thân cũng nhận biết mình thiếu sót, lỗi lầm và cả sai trái nhưng vẫn quanh co lấp liếm. Trong trường hợp này người ta thường dùng vai vị, uy quyền của mình để “cả vú lấp miệng em”, lôi kéo số đông dân chúng vốn “đơn sơ chất phác” về phía mình.

Thỉnh thoảng cũng nên chân thành tự chất vấn rằng những ai sẽ vào Nước Thiên Chúa thế chỗ của tôi? Hôm nay, nếu các người nghe tiếng Người (Lời Chân Lý), đừng cứng lòng nữa!

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây