TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tình và Lý

Thứ ba - 14/12/2021 23:30 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1110
Bài Tin Mừng theo thánh sử Matthêu tường thuật gia phả của Đấng Cứu Thế với các chủ ý thần học qua các chi tiết lạ thường mà không ngẫu nhiên chút nào.
Tình và Lý

TÌNH VÀ LÝ

(Thứ Sáu sau Chúa Nhật III Mùa Vọng – ngày 17/12 –St 49,2.8-10; Mt 1,1-17)

Theo niên lịch Phụng vụ, trong Mùa Vọng, Giáo hội xếp một tuần trước đại lễ Giáng Sinh khởi từ ngày 17/12 giúp đoàn tín hữu chuẩn bị cách đặc biệt hơn để mừng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh cách hữu hiệu. Chính vì thế các bài đọc Thánh Kinh được tuyển chọn cách hữu ý hơn với những chủ đề thần học rõ nét liên quan đến mầu nhiệm nhập thế cứu độ của Đức Kitô.

Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế tường thuật lời mạc khải của Thiên Chúa về nguồn gốc của Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa làm người là thuộc hậu duệ của ông Giuđa, một trong mười hai người con của Giacóp. Bài Tin Mừng theo thánh sử Matthêu tường thuật gia phả của Đấng Cứu Thế với các chủ ý thần học qua các chi tiết lạ thường mà không ngẫu nhiên chút nào.

Khi trình bày thân thế của Chúa Giêsu bắt đầu từ tổ phụ Abraham qua ba phần cân đối mỗi phần gồm mười bốn đời thì hẳn nhiên Thánh sử muốn khẳng định rằng sự vào đời của Con Thiên Chúa đã được chuẩn bị cách kỹ lưỡng từ ngàn xa. Mười bốn là hai lần bảy và ba phần như thế, đó là các con số biểu tượng sự tròn đầy, hoàn hảo. Một sự chuẩn bị đủ đầy thế mà đọc danh sách gia phả của Chúa Cứu Thế chúng ta thấy nhiều sự nghịch lý theo quan niệm người đời. Danh sách tổ phụ số nam giới thì chẳng có gì đáng trân trọng. Còn danh sách tổ mẫu của Chúa Giêsu thì thật đáng kinh ngạc. Ngoài người Mẹ tuyệt hảo là Maria thì bốn vị tổ mẫu được nêu tên quả là khó giải thích theo nghĩ suy phàm trần.

Khởi đầu là bà Tama. Bà tổ này đã loạn luân với bố chồng là ông Giuđa để có con nối dõi tông đường. Tiếp đến là bà tổ Rakhap vốn là một kỹ nữ dân ngoại đã bán rẻ dân tộc để cầu sinh. Rồi đến bà Rút là một người gốc lương dân cũng đã giả làm gái điếm để có con. Và cuối cùng là một bà tổ lương dân nữa, vợ ông Uria người Hếttê đã ngoại tình với vua Đavid và âm mưu với vua để giết chồng. Làm sao hiểu được câu nói “phúc đức tại mẫu” với bốn tên tuổi tổ mẫu như thế này!

Dưới ánh sáng đức tin, chúng ta tin nhận việc Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi các tổ phụ, cách riêng các tổ mẫu nhuốm đầy vết nhơ là muốn tự nguyện liên đới với nhân loại tội lỗi chúng ta cho đến cùng. “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc. Ta không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Ngay từ khi công khai rao giảng Tin Mừng khi xếp hàng đoàn người tội nhân đến để dìm mình trong dòng sông Giođan thì Chúa Kitô đã chọn con đường đi xuống theo nghĩa từ Giođan, đi xuống tận đáy sâu vũng bùn tội lỗi của nhân loại để đưa mọi người lên cùng Cha trên trời. Và sự chọn lựa này làm đẹp lòng Chúa Cha (x.Mc 1,11).

Không một ai là ngoài vòng tay yêu thương của Đấng tự nguyện làm hậu duệ của một dòng dõi nhiều lỗi tội. Thoạt xem ra thì không mấy hữu lý với cái danh sách gia phả của Đấng Cứu Độ, nhưng Tình yêu Thiên Chúa, Đấng đầy lòng xót thương lại cắt nghĩa điều nghịch thường này. Và chính điều nghịch thường này lại là nền tảng của niềm hy vọng cho mọi người trong mọi hoàn cảnh. Với loài người có nhiều trường hợp thì dường như là không thể, nhưng với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể vì Người là Cha Toàn Năng (x. Mt 19,26). Khi người cứu hộ đầy tài năng đã lặn sâu tận đáy sông thì tất cả những ai đang bị chìm giữa dòng đều có thể được cứu sống. Tình yêu luôn có cái lý riêng của nó mà nhiều khi trí khôn nhân loại đành phải chào thua.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 Tags: Tình và Lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây