TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ai là người “thật có phúc”!

Thứ ba - 11/05/2021 22:31 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   702
Ai là người “thật có phúc”!

Ai là người “thật có phúc”!

Chỉ còn đúng một ngày, tính từ Chúa Nhật 23/12/2012, sẽ là ngày đại lễ Giáng Sinh. Có thể nói, đây là một ngày lễ làm bận rộn tâm trí của không biết bao nhiêu con người.

Có người hối hả, vội vã cho việc mua sắm, tiêu xài. Có người lo tìm kiếm những món quà đắc ý. Có người dồn hết tâm trí cho việc tổ chức những buổi tiệc linh đình, hầu để chứng tỏ đẳng cấp của mình trong xã hội. Lại có người hối hả chọn lựa cho mình những tour du lịch giải trí cho một tuần lễ cuối cùng của năm cũ.

Tâm lý chung là mọi người chỉ nghĩ đến ăn uống, tiệc tùng, sắm sửa, quà cáp v.v… chỉ quan tâm đến những thú vui thuộc trần gian mà quên đi ý nghĩa đích thực của lễ Giáng Sinh.

Với người Công Giáo thì khác hẳn, lễ Giáng Sinh là ngày “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Sự vinh danh đó không thể và không cho phép bị cuốn hút vào những thú vui trần gian chóng qua, và sự bình an đó phải được thực hiện bằng chính tình yêu thương qua việc phục vụ tha nhân.

Chính vì thế, Chúa Nhật thứ IV mùa vọng hôm nay, cũng là tuần lễ cuối cùng để chuẩn bị đại lễ Giáng Sinh, Giáo Hội, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, đã đưa ra một con người thật, thật chứ không là giả tưởng, như là mẫu mực cho tình yêu thương qua sự phục vụ. Con người đó chính là Đức Maria, một con người thật có phúc.

Sở dĩ, Đức Maria được coi như là mẫu mực cho tình yêu thương qua sự phục vụ một cách ưu việt là vì cuộc sống của Mẹ đã chứng minh điều đó. Cuộc sống đó đã được ghi chép lại trong Tin Mừng của Thánh Luca qua trình thuật: “Đức Maria viếng thăm bà Elizabeth” (Lc 1, 39-45).

**
Vâng, như chúng ta được biết, khi đó Đức Maria đã cưu mang Chúa Giêsu nhờ quyền phép Chúa Thánh Thần. Thoạt tiên, khi được sứ thần Gabriel loan báo Mẹ đã được Thiên Chúa chọn để cưu mang Đấng Cứu Thế - Đấng “sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”, Đức Maria không khỏi không “bối rối”.

Sự bối rối của Đức Maria cũng là sự bối rối thường tình, Thiên Chúa là Đấng vô hình, làm sao Người lại có thể mang thân xác hữu hình! Thiên Chúa là Đấng vô hạn, làm sao Người lại có thể đến cư ngụ với con người hữu hạn! Vả lại, như lời Đức Maria nói, “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”…

Có thể nói, lời trần tình của Mẹ hợp lý. Thế nhưng, khi sứ thần nói với Đức Maria rằng “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, đồng thời báo tin cho Mẹ biết “bà Êlisabeth tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai, bà ấy vẫn mang tiếng là hiếm muộn mà nay đã có thai”, nhờ đó, Đức Maria như thấu hiểu và đã không còn băn khoăn về việc phải lãnh nhận trọng trách cưu mang Con Thiên Chúa. Cuối cùng Mẹ đã “xin vâng”.

Tuy không còn băn khoăn về chuyện của mình, nhưng tâm lòng Đức Maria lại dấy lên một niềm băn khoăn mới, một niềm băn khoăn mà chỉ có ai cùng chung cảnh ngộ mới có thể thấu hiểu, đó là việc “ốm nghén”…

Hãy nhìn xem, bà chị họ Elzabeth tuổi đã già lại đang trải qua cơn ốm nghén, hỏi sao Đức Maria không băn khoăn cho được! Cầu nguyện ư! Gửi đến bà một vài chai dầu gió hoặc vài thứ cần thiết cho trẻ sơ sinh ư! Tốt đấy nhưng như thế đã là đủ?

Kinh Thánh có lời khuyên “Đừng ngại thăm non người ốm” (Hc 7, 35).

Vâng, có thể tin, lời khuyên đó đã làm cho Đức Maria quên ngay chính hoàn cảnh của mình cũng vừa “ốm nghén” mà hướng về cảnh ngộ của bà Êlisabeth bằng một hành động thiết thực, đó là “vội vã lên đường” đi thăm bà ta.

Đi thăm bà chị họ, Đức Maria muốn nói rằng, tình yêu thương phải được biểu lộ cụ thể qua sự phục vụ, sự phục vụ mà sau này chính con của Mẹ đã đem ra làm bài học cho người môn đệ của Ngài, rằng “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10, 45).

Đến-là-để-phục-vụ. Vâng, Đức Maria đã không “nũng nịu” nói với bà chị họ của mình rằng “em… em cũng đang ốm nghén… cũng cần được phục vụ”. Trái lại, Đức Maria đã ở lại phục vụ bà Êlisabeth “độ ba tháng” rồi mới trở về nhà mình.

***

Chắc hẳn hôm nay, ai trong chúng ta cũng đã bài trí xong một hang đá Belem cho gia đình của mình. Và tất nhiên, trong hang đá đó, chúng ta sẽ không bao giờ quên trưng bày hình tượng những nhân vật đã viết lên lịch sử cứu độ như thánh Giuse, Chúa Hài Đồng Giêsu và Đức Maria.

Vâng, đó là một truyền thống đẹp. Thế nhưng, sẽ chẳng ý nghĩa gì nếu chúng ta chỉ đặt “tượng” những nhân vật đó vào hang-đá-giấy mà không đặt “tâm tình” những nhân vật đó vào hang-đá-tâm-hồn của chúng ta.

Hãy thử tưởng tượng!

Nếu… nếu chúng ta cùng có một tâm tình của Đức Maria, một tâm tình yêu thương và phục vụ, sẵn sàng vội vã lên đường, đến với những trẻ thơ bất hạnh, đến với những thai nhi vô thừa nhận… Vâng, có phần chắc, chúng ta sẽ lại được nghe tiếng thai nhi “trong bụng nhảy mừng”. Có phần chắc, chúng ta sẽ được nhìn thấy nhiều trẻ thơ “nhảy lên vui sướng”.

Hãy thử nghĩ xem…

Nếu… nếu chúng ta sẵn sàng vội vã lên đường, đến với những bà Êlisabeth-già-nua không nơi nương tựa… những Êlisabeth đang “ẩn-mình-chờ-chết” trên giường bệnh vì không có tiền thuốc thang… những Êlisabeth bị bỏ rơi với đàn con nhếch nhác v.v… Vâng, có phần chắc, chúng ta sẽ được nghe nhiều lời chúc phúc. Có phần chắc, chúng ta sẽ được những bà Elizabeth-của-thời-đại-hôm-nay lớn tiếng kêu lên “Bởi đâu tôi được (bạn) tôi đến với tôi thế này!”…

****

Viết tới đây, tôi xin phép gửi đến quý vị một câu chuyện có thật, thật 100%.

Cách nay vài năm, em tôi bị bịnh ung thư giai đoạn cuối và phải nhập viện trong tình trạng hết sức tồi tệ. Nhận được tin, thành thật mà nói, tôi không có được tâm tình như Đức Maria “vội vã lên đường” thăm viếng em tôi. Trái lại, trong tôi, nhiều lý do nảy sinh, nào là “lo gì đã có cô vợ của nó” nào là “đã có ông anh tôi ở đó rồi” v.v…

Chưa hết, khi đến thăm, tôi được biết em tôi cần một người ngồi túc trực bên cạnh trước là để theo dõi bịnh tình, sau là để xoa bóp cơ thể hầu cho máu huyết lưu thông dễ dàng. Tôi xung phong túc trực ca đêm và hứa rằng sẽ túc trực như thế cho đến khi em tôi xuất viện.

Than ôi! Chỉ mới một đêm, tôi đã cảm thấy mệt mỏi. Sang đêm thứ hai, tôi “đào ngũ” với lý do rất hợp lý “có vợ con nó lo”. Rạng sáng của ngày thứ ba, em tôi chết.

Em tôi chết rồi, tôi nghĩ, phải chi tôi “ở lại với em tôi” thêm một đêm nữa thì an ủi cho em tôi biết chừng nào! Vâng, một đêm thôi, có cần chi “độ ba tháng” như Đức Maria!

Có lẽ trong cuộc sống thường nhật, ai trong chúng ta cũng sẽ hơn một lần phải đối diện với trường hợp như của tôi.

Cho nên, thật phải đạo khi hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi rằng, tôi đã “trang trí” hang-đá-tâm-hồn của tôi “tâm tình của Đức Maria”?

Hãy tự hỏi mình rằng, đã qua bao nhiêu “mùa đông giá hang Belem Chúa sinh ra đời”, thế nhưng, chúng ta đã thật sự có một tâm tình yêu thương qua sự phục vụ như Đức Maria? (Dẫu rằng chỉ là phục vụ cho người thân của mình)

Còn về vấn đề tâm linh thì sao! Hãy tự hỏi mình rằng, đã bao nhiêu lần “quỳ bên hang sâu nghe lời Kinh Thánh vang cầu”, thế nhưng, chúng ta có sẵn sàng vội vã lên đường “đem yêu thương vào nơi oán thù… đem thứ tha vào nơi lăng nhục… đem an hòa vào nơi tranh chấp… đem chân lý vào chốn lỗi lầm”?

Đừng nghĩ rằng, đó là những công việc khó thực hiện. Là một Kitô hữu, với ơn Chúa, cách này hay cách khác, chúng ta đủ sức để thực hiện những công việc nêu trên.

Vì thế, một Giáng Sinh tốt đẹp phải là một Giáng Sinh của tình yêu thương qua sự phục vụ. Hãy nghe tác giả sách Huấn Ca nói “vì nhờ những việc như thế mà con sẽ được mến yêu” (Hc 7, 35).

Ai… ai sẽ mến yêu chúng ta, khi chúng ta thực thi trọn vẹn những việc như thế nếu không phải là chính Thiên Chúa! Vâng, một khi Thiên Chúa đã mến yêu chúng ta, như Đức Maria xưa kia, hãy tin, chúng ta cũng sẽ là những người “thật có phúc”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây