TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tỉnh thức và cầu nguyện

Thứ ba - 11/05/2021 22:24 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   750
Tỉnh thức và cầu nguyện

Tỉnh thức và cầu nguyện

Vậy là chúng ta bắt đầu bước vào tháng 12, tháng cuối cùng của một năm. Saigon những ngày đầu của tháng 12 thời tiết se se lạnh, cái se se lạnh đã làm cho nhiều người phải buộc miệng thốt lên “Ồ! Lại sắp đến mùa Noel rồi”.

Thật vậy, rảo qua một vòng thành phố, đặc biệt là đường Hải Thượng Lãn Ông, nơi có những cửa hàng bán sỉ những vật dụng trang trí hang đá: như dây kim tuyến, như cây thông, như trái châu, như bộ đồ “ông già Noel” dành cho trẻ em v.v… nhìn cảnh tấp nập kẻ mua người bán khiến cho ta không khỏi không có cảm giác mùa Giáng Sinh đã gần kề.

Khi mùa Giáng Sinh đến, không chỉ trong lãnh vực thương mại, lãnh vực du lịch cũng ra sức “marketing” với nhiều gói tour khuyến mãi hấp dẫn. Buồn cười hơn nữa, lãnh vực ngân hàng vốn chẳng ăn nhập gì, cũng không bỏ lỡ cơ hội. Họ ra sức chiêu dụ khách hàng với những lời tiếp thị sặc mùi Noel, đại loại như “Mừng Giáng Sinh - rinh quà tặng! Mừng Giáng Sinh - lĩnh tiền thưởng” v.v... và v.v…

Có thể nói tắt một lời, khi mùa Giáng Sinh đến, bất cứ ai, hoạt động ở bất cứ lãnh vực nào, cũng trông mong và hy vọng rằng, đây sẽ là thời điểm đẩy mạnh việc kinh doanh, sẽ là cơ hội “kích cầu” sự tiêu dùng bằng những chiêu khuyến mãi, hầu giải tỏa những tồn đọng của hàng hóa vốn đang ứ đọng trong những ngày tháng qua.

Thế nhưng, đối với người Công Giáo, tháng 12 không phải là tháng chỉ để mua sắm, chưng diện, tiêu xài xả láng cho những ngày cuối cùng của năm cũ.

Tháng 12, đối với người Công Giáo, là một tháng rất quan trọng. Quan trọng không chỉ bởi là tháng đầu tiên của một năm - “năm phụng vụ” - nhưng còn bởi được khởi đầu bằng “Mùa Vọng”.

Mùa Vọng là gì? Xin thưa, dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến”. Vọng là trông mong, là mong đợi và hy vọng điều sắp đến.

Vào Mùa Vọng, trước hết, Giáo Hội kêu gọi mọi tín hữu hãy tiếp tục đặt niềm tin và hy vọng vào Đức Giêsu Kitô, một Đức Giêsu đã “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” để “những ai đón nhận tức là những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 12).

Và tiếp đến, vào Mùa Vọng, Giáo Hội tái nhắc nhở mọi tín hữu rằng, “Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa… Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng”. (kinh Tin Kính).

Đây không phải là sự tin tưởng và hy vọng mơ hồ, bịa đặt nhưng do chính Đức Giêsu loan báo xưa kia.

Thật vậy, trong những ngày còn tại thế, Đức Giêsu đã đôi lần nói với các môn đệ, cách này cách khác, khi nào và những gì sẽ xảy ra trong ngày “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21, 27).

Vâng, không giống như ngày xưa, khi Con Người “đã từ trời xuống thế” thật lặng lẽ vào một đêm khuya, trong một máng cỏ tại miền đất Belem và chỉ được biết bởi vài trẻ em mục đồng.

Trái lại, ngày ấy, ngày Con Người sẽ “bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”, sự lặng lẽ sẽ được thay bằng những âm vang cùng những điềm trời được báo trước. Ngày ấy, như lời Đức Giêsu đã loan báo rằng, các dân các nước sẽ thấy “những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao” và “dưới đất muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn siêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu” (Lc 21, 25-26).

Đức Giêsu đến thế gian, như Ngài đã nói, là để “thế gian nhờ (Ngài) mà được cứu độ” (Ga 3, 17). Cho nên, Đức Giêsu đã không dấu niềm mong đợi của Ngài đối với các môn đệ (và cũng là đối với thế gian) khi Ngài kết thúc những lời cảnh báo bằng lời khuyên chân tình rằng, “Vậy, anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến” (Lc 21, 36).

**

Thống kê của cục cảnh sát giao thông cho biết, từ đầu năm 2012 cho đến nay, những tai nạn giao thông nghiêm trọng đều phát xuất từ việc người tài xế điều khiển xe nhiều giờ liền trong tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ. Sự mệt mỏi và buồn ngủ thường làm cho tài xế mất phương hướng dẫn đến việc lưu thông sai tuyến, vì thế tai nạn xảy ra là điều tất yếu.

Nhắc tới chuyện này để làm gì? Xin thưa, bởi vì, là một Kitô hữu, chúng ta cũng có thể được ví như một người tài xế, người tài xế của chính “chiếc xe cuộc đời” của chúng ta.

Hãy tự hỏi, hành trình đến gặp Vua Nước Trời sẽ ra sao nếu chúng ta điều khiển “chiếc xe cuộc đời” của mình trong tình trạng mệt mỏi và buồn ngủ?

Phải chăng, chúng ta sẽ đi trệch khỏi lộ trình mà Đức Giêsu đã vạch ra? Phải chăng chúng ta sẽ “ngủ mê” bởi những lời cám dỗ ngọt ngào rằng, “Hãy ngủ đi. Còn lâu Vua Nước Trời mới đến”?

Chúng ta sẽ phải làm gì để “tỉnh thức” hầu có thể lái “chiếc xe cuộc đời” của chính mình đến đích nơi Vua Nước Trời sẽ ngự đến trong vinh quang!

Vâng, để có thể “tỉnh thức” trong những cuộc hành trình dài, cà phê chính là phương pháp hữu hiệu nhất mà các vị tài xế thường dùng.

Vậy đối với chúng ta, sao chúng ta không dùng “cà phê Lời Chúa” như là phương cách để “tỉnh thức” hầu có thể hoàn tất cuộc hành trình về gặp Vua Nước Trời của chúng ta!

Bởi “cà phê Lời Chúa” như lời Vua David khẳng định, chính là “ngọn đèn soi con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105).

Có đèn soi, có ánh sáng chỉ đường, vâng, điều gì có thể ngăn cản chúng ta hoàn tất cuộc hành trình đến gặp Vua Nước Trời! 

Một câu chuyện đã xảy ra vài năm trước đây, tưởng cũng nên nhắc lại. Chuyện là, truyền hình CNN của Hoa Kỳ có đưa tin về một người tài xế xe buýt đã đạt kỷ lục xuất sắc, suốt 23 năm làm tài xế, anh lái trên 1.500.000 cây số mà không gây ra một tai nạn nào. Khi được hỏi, làm sao anh đạt được kỷ lục ấy, anh trả lời vắn tắt rằng: “Hãy tỉnh thức” (nguồn: internet)

Ôi! Còn chúng ta hôm nay! Hai mươi năm, ba mươi năm hoặc nhiều chục năm qua, trên “vô lăng”… chúng ta cũng “tỉnh thức” lái chiếc xe cuộc đời của mình cho cuộc hành trình đến gặp Vua Nước Trời như người tài xế xe buýt nêu trên?

Nếu chúng ta tỉnh thức! Hãy tin rằng, chúng ta “đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến”.

Hãy tưởng tượng, thật khủng khiếp làm sao nếu “ngày ấy”, ngày Đức Giêsu trở lại “như một chiếc lưới bất thần chụp xuống” mà chúng ta vẫn “ngủ mê”, vẫn để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”.

Cho nên, để có thể “đứng vững trước mặt Con Người” trong ngày quang lâm, đừng quên lời khuyến cáo của Đức Giêsu rằng, “anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện”.

Vâng, phải luôn “tỉnh thức và cầu nguyện”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây