TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Giêsu Phục Sinh nói gì?

Thứ hai - 10/05/2021 23:59 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   977
Đức Giêsu Phục Sinh nói gì?

Đức Giêsu Phục Sinh nói gì?

Kể từ khi Thầy Giêsu bị bắt và bị kết án tử, các môn đệ của Ngài chẳng khác gì như đàn gà con mất mẹ. Sau hai ngày tan tác, các môn đệ tụ tập về nơi họ thường nhóm họp. Họ họp lại trong sự sợ hãi và hoang mang.

Không sợ hãi và hoang mang sao được! Ngoài kia là cả một rừng những tin đồn. Nhóm thượng tế và các kỳ mục đã nham hiểm cho lính một số tiền lớn và bảo họ tung tin đồn rằng, vào ban đêm “các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác” (Mt 28, 13). Còn nơi đây, nơi các ông đang nhóm họp thì bà Maria Macdala lại xác nhận “Tôi đã thấy Chúa”… 

“Tôi đã thấy Chúa”. Vâng, tính từ hôm thứ-sáu-đen, ngày Đức Giêsu bị đóng đinh trên cây thập tự tại đồi Golgotha, cho đến hôm nay đã là bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Sắp hết ba ngày rồi! Phải chăng lời phán hứa của Đức Giêsu rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”, hôm nay sẽ ứng nghiệm!!!

Đang lúc các môn đệ suy đi nghĩ lại lời Đức Giêsu phán hứa thì một điều không tưởng đã xảy ra. “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông”, mặc dầu nơi các ông đang ẩn náu “các cửa đều đóng kín”.

Hai mươi đôi mắt rực sáng lên trong hân hoan và vui mừng. Họ “vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20, 20).

Thầy Giêsu đó ư! Lời phán hứa của Thầy nay đã ứng nghiệm sao!

Đúng. Chính Đức Giêsu chứ không là ai khác. Trong giây phút lịch sử đầy linh thiêng đó, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Bình an cho anh em” (Ga 20, 19).

Câu chuyện được kể tiếp rằng: Nói xong “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Bàn tay và cạnh sườn in đậm dấu tích của vết đinh và mũi đòng. Những dấu tích mà tám ngày sau, Tôma đã phải quỳ mọp xuống khi Đức Giêsu bảo với ông rằng: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27).

Hôm đó tông đồ Tôma vắng mặt. Ông hồ nghi sự kiện Đức Giêsu hiện đến với các bạn đồng môn của mình. Ông không tin những gì các bạn đồng môn kể lại. Đã vậy, ông còn thách thức rằng “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).

Cho đến tám ngày sau, ông mới thấy sự hồ nghi của mình quả là đáng trách. Không trách sao được, bởi có lời chép rằng “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”…

Giờ đây, sự hồ nghi đã biến khỏi tâm hồn của Tôma, thay vào đó là một tâm hồn tan vỡ, một tâm hồn mở ra và ông đã cất lên lời tuyên xưng, xác tín niềm tin của mình rằng, Đức Giêsu quả là “Chúa của tôi… Thiên Chúa của tôi”. (Ga 20, 28).

Một chút tâm tình

Đức Giêsu Phục Sinh đã nói gì với tông đồ Tôma? Xin thưa, Ngài nói rằng “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin”. Và phải chăng đây là lời Đức Giêsu trách cứ Tôma?

Thực ra, nếu phải trách cứ, thì cả nhóm mười người còn lại cũng cần phải bị trách cứ.

Sự kiện tông đồ Phêrô chối Thầy ba lần có đáng trách không?

Với các anh còn lại, lúc Thầy mệt mỏi và gánh nặng bởi cây thập giá, sao các anh không chạy lại tay-đỡ-tay-nâng giúp Thầy! Sao các anh lại mạnh ai nấy ca bài “tẩu vi thượng sách”!!!

Không! Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến không phải để “thanh trừng nội bộ” như các lãnh tụ thế gian. Ngài không phải “tuýp” lãnh đạo hễ ai nghĩ sai ý mình là trù dập, là trách móc.

Trong ba năm cùng các môn đệ thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu luôn hướng những ý tưởng lệch lạc của các môn đệ thành bài học cho cách đối nhân xử thế.

Câu chuyện hai anh em con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến xin Đức Giêsu cho họ “một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả” là một minh chứng điển hình.

Thật vậy, không một lời trách móc, Đức Giêsu, nhân cơ hội này, Ngài đã gửi cho các ông một thông điệp về vai trò của người lãnh đạo, rằng “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mc 10, 43).

Còn hôm nay, Tôma muốn được dùng chính “thị giác” hơn là “thính giác” để biểu lộ lòng tin của mình thì có gì là đáng trách!!!

Vâng, có gì phải đáng trách chứ! Chính việc tông đồ Tôma có nhu cầu “nhìn sự thật” hơn là “nghe sự thật” nên nhờ đó Đức Giêsu ưu ái tặng cho các môn đệ và cũng là cho chúng ta hôm nay một lời chúc phúc trên cả tuyệt vời: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20, …29).

Một phút suy tư

Đức Giêsu Phục Sinh còn nói gì nữa? Xin thưa, ngay khi vừa hiện đến với các môn đệ Ngài đã nói “Bình An cho anh em”.    

“Bình an cho anh em”. Phải chăng đây cũng là lời Đức Giêsu Phục Sinh muốn gửi đến cho mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay?

Đúng vậy. Chúa Giêsu Phục Sinh không quá thiên vị, Ngài vẫn hiện đến với chúng ta qua “Bí Tích Thánh Thể”. Ngài vẫn gửi lời chúc “Bình An” đến với chúng ta - qua vị chủ tế trong mỗi thánh lễ hàng ngày, hàng tuần: “Bình An của Chúa ở cùng anh chị em”.

Nếu chúng ta không nhận được “Bình An của Chúa”, đó chính là chúng ta chưa thật sự “tuân giữ các điều răn của Người” (1Ga 5, …3).

Thật vậy, tại sao cuộc sống hôn nhân của con người hôm nay không có sự “bình an”, luôn có nguy cơ đổ vỡ dẫn đến ly dị? Phải chăng là vì luật “một vợ một chồng” mà Đức Giêsu đã công bố “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” nay con người cho là đã lỗi thời!?

Tại sao cuộc sống trong gia đình hôm nay không có sự “bình an”, luôn nhuốm màu tranh chấp, tranh chấp đất đai nhà cửa… luôn chia rẽ, chia rẽ phe cha phe mẹ… để rồi dẫn đến hận thù? Phải chăng là vì chúng ta chưa thật sự thực thi giới răn “yêu người như chính mình ta vậy”!?

Cùng một niềm tin vào Chúa Giêsu, cùng sinh hoạt trong một cộng đoàn. Vâng, tại sao cộng đoàn luôn sống trong tình trạng “bất an”, luôn có sự dèm pha, nghi kỵ, bè phái!? Phải chăng là vì những thành viên trong cộng đoàn chưa thuộc “điều răn mới” mà Đức Giêsu đã ban cho trong bữa tiệc ly, rằng “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em…”!?

Còn nữa, tại sao chúng ta không nhận được “Bình An của Chúa”, phải chăng vì chúng ta đã dựa vào sự Bình-an-của-thế-gian, một sự bình an nay có mai mất, một sự bình an phù phiếm chóng qua!?

Còn rất nhiều cái “tại sao” nữa… Nhưng thôi, chúng ta hãy trở lại với lời Chúa phán hôm nay. Vâng, lời Đức Giêsu Phục Sinh đã phán, qua môi miệng tông đồ Gioan rằng, “Các điều răn của Người có nặng nề gì đâu” (1 Ga 5, …3)

Tóm lại, để nhận được “Bình An của Chúa” ngoài việc “tuân giữ các điều răn của Người”, đừng quên vào những ngày “thứ nhất trong tuần” mà hôm nay chúng ta thường gọi là “Ngày Chúa Nhật”. Vâng, đừng vì bất cứ lý do gì mà vắng mặt nơi bàn Tiệc Thánh Thể.

Nơi đó, chúng ta được chạm vào chính Đức Giêsu Phục Sinh. Nơi đó, Đức Giêsu Phục Sinh luôn đứng chờ đợi chúng ta với lời khẳng định: “Chính Thầy đây. Hãy yên tâm. Đừng sợ”.

Và hơn hết, theo lời tông đồ Gioan nói, “đó là lòng tin của chúng ta”.

Chúng ta có tin lời Người phán? Hay chúng ta lại muốn nhập vai tông đồ Tôma khi xưa?

Vâng, cho dù chúng ta có là Tôma-thời-đại, thì có phần chắc Chúa Giêsu Phục Sinh cũng sẽ lại nói với chúng ta rằng: “Phúc thay những người không thấy mà tin”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây