TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hồn con đang mong chờ Ngài

Thứ tư - 12/05/2021 20:45 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   592
Hồn con đang mong chờ Ngài

Hồn con đang mong chờ Ngài

Hàng năm, sau lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một trong bốn lễ trọng của phụng vụ thánh lễ Công Giáo.

Bốn ngày lễ trọng đó gồm: Lễ Giáng Sinh – Lễ Phục Sinh – Lễ Thăng Thiên và Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Nếu được phép, có thể ví bốn ngày lễ này như bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông.

Chúng ta hãy thử nghĩ xem, lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh có khác gì mùa xuân, vì mùa xuân là mùa của hoa đâm chồi, cây kết trái. Đức Giê-su xuống thế làm người là “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”, đó chính là một sự “đâm chồi - kết trái” hoàn hảo, để thế gian hễ ai tin vào Ngài “thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (x.Ga 3, 16).

Lễ Chúa Giê-su Phục Sinh có khác gì mùa hạ, vì mùa hạ là mùa nắng vàng trong xanh, cây trái chín rộ. Cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giê-su nói lên rằng, “Ơn Cứu Độ” đã chín rộ khắp toàn cõi Giê-ru-sa-lem cho tới tận cùng trái đất.

Lễ Chúa Giê-su Thăng Thiên có khác gì mùa thu, vì mùa thu là mùa lá thu rơi với bao cảnh sắc sinh động, một bước khởi đầu của sự đổi mới. Sự kiện Ngài “thăng thiên” chính là khởi đầu cho sự “đổi mới”, đổi mới bằng sự ra đi của Đức Giê-su, “ra đi” như lời Đức Giê-su đã nói, là để “có lợi cho anh em”, cái lợi đó, Đức Giê-su đã bày tỏ, rằng “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… Thầy đi dọn chỗ cho anh em”.

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống có khác gì mùa đông, bởi mùa đông chính là mùa của tưởng nhớ, nhớ về tình cảm người thân dành cho ta, nhớ về những lời dạy dỗ của người thân yêu dành cho mình. Thì đây, Chúa Thánh Thần hiện xuống, Người đã làm cho các môn đệ “nhớ lại mọi điều” Chúa Giê-su đã nói với các ông.

Vâng, nếu bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông đem lại cho con người một vòng tuần hoàn thời tiết hoàn hảo, thì bốn ngày lễ: Giáng Sinh – Phục Sinh – Thăng Thiên và Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chính là những “toa tàu” không thể thiếu trên “con tàu cứu rỗi” trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Đáng tiếc rằng, một số ít người tín hữu Công Giáo coi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin là điều không mấy hệ trọng. Đa số tín hữu Công Giáo chỉ biết đến Chúa Thánh Thần trong ngày “lễ thêm sức”, rồi sau đó, khi trưởng thành thì thường lãng quên vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin của mình.

Đó là một suy nghĩ sai lầm hết sức nghiêm trọng. Đức Giê-su, ngay những ngày đầu ra đi loan báo Tin Mừng, Ngài đã cho mọi người thấy tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần.

**
Thật vậy, chuyện được kể lại rằng, trong một dịp nói chuyện với ông Nicôđêmô về Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đã nói với ông ta rằng, “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần” (Ga 3, 7)

Riêng với nhóm mười hai, là những người môn đệ của Ngài, Đức Giêsu đã cho các ông biết vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin như thế nào.

Hôm đó, hôm Thầy và trò cùng dự bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ rằng “Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26)

Hôm đó cũng là hôm Đức Giê-su loan báo về sự “ra đi” của Ngài. Lời loan báo đó đã làm cho các môn đệ xao xuyến. Và để trấn an, Đức Giêsu nói tiếp “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi”.

Lời hứa đó đã trở thành hiện thực vào ngày thứ nhất trong tuần, ngày Đức Giê-su Phục Sinh.

Vâng, hôm đó đúng “vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”, Đức Giêsu đã hiện đến với các môn đệ, mặc dù nơi các ông ở “các cửa đều đóng kín”. Sự hiện đến của Ngài đã làm tan biến những lời huyền hoặc do truyền thông thế quyền Roma lẫn thần quyền Do Thái, cáo gian rằng, các ông đã lợi dụng ban đêm lén đến “lấy trộm xác” rồi phao tin rằng Thầy của họ đã sống lại từ cõi chết. (Mt 28, 13).
Hôm đó, khi nhìn thấy Đức Giê-su Phục Sinh, những nỗi âu lo của các ông tan biến, thay vào đó, các ông cảm nhận được sự “Bình An” do chính Thầy của mình đem lại. Sự bình an đó không chỉ dựa vào lời chúc của Đức Giêsu: “Bình an cho anh em”, nhưng còn được củng cố bởi Thánh Thần Chúa khi Đức Giêsu “Thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22).

***
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Vâng, lời hứa mà Đức Giê-su đã hứa nay đã được Ngài thực hiện. Và hơn thế nữa, những lời dặn dò của Ngài với các môn đệ, rằng “không được rời khỏi Giêrusalem nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” cũng đã được sáng tỏ.

Hôm đó, đúng vào ngày lễ Ngũ Tuần, không ai có thể tưởng tượng được, một hiện tượng lạ xảy ra “từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp”. (Cv 2, 2)

Kinh Thánh thuật lại rằng, các môn đệ đã nhìn thấy “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”. Và từ đó, các ông “được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2 ,2).

Khi đã được tràn đầy ơn Thánh Thần, một phép lạ xảy ra, đó là: con người nơi các môn đệ đổi mới toàn diện.

Sự đổi mới thứ nhất và quan trọng nhất, đó là: sự nhát đảm của các ông được đổi mới bằng sự can đảm. Các ông không còn đóng kín cửa vì sợ người Do Thái nữa. Niên trưởng Phêrô đã hiên ngang “đứng chung với nhóm mười một… chứng thực sứ mạng của (Đức Giêsu)” cho mọi người nghe.

Sự biến đổi thứ hai, đó là: Thánh Thần Chúa đã biến đổi ngôn ngữ của các môn đệ. Các ông có thể “nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”.

Hôm đó, thật không thể tin được “các dân thiên hạ” phải “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,6). Dù là: “người Roma hay người Do Thái… người đảo Cơrêta hay người Ảrập”. Tất cả mọi người đếu được nghe các môn đệ: “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 11).

Sự biến đổi thứ ba, như lời Đức Giêsu đã nói “Khi (Đấng Bảo Trợ) đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính” (Ga 16,8).

Thì đây, vào ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần Chúa, qua miệng lưỡi các tông đồ, đã cáo trách mọi người “Hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội”. Và quả thật, những lời cáo trách đó đã làm cho nhiều người “đau đớn trong lòng”. Thánh Thần Chúa đã tác động tâm hồn “khoảng ba ngàn người”, Ngài đã biến đổi họ từ người chưa tin Chúa Giê-su trở thành “người tin” (Cv 2,…41).

****
Thời đại Thiên Chúa sáng tạo đã qua. Thời kỳ Thiên Chúa cứu chuộc đã hoàn tất qua biến cố “Chết và sống lại” của Đức Giê-su Ki-tô. Và hôm nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ cuối cùng – thời kỳ Chúa Thánh Thần.

Chính vì thế, hãy tự hỏi mình rằng, là một Kitô hữu, tôi đã nhận lấy Chúa Thánh Thần chưa!?

Nếu chưa! Vâng, làm sao chúng ta có được “Ơn khôn ngoan” để mà phân biệt đâu là lẽ phải, đâu là điều gian ác?

Nếu chưa, làm sao chúng ta có được “Ơn hiểu biết” để mà nhận biết đâu là lẽ thật để được hưởng sự sống đời đời?

Nếu chưa, làm sao chúng ta có được “Ơn sức mạnh – Ơn thông minh” để mà vượt qua những cám dỗ, những cạm bẫy tràn lan trong một xã hội duy vật vô thần như hôm nay?

Nếu chưa, làm sao chúng ta có được “Ơn đạo đức – Ơn kính sợ Thiên Chúa” để mà tôn kính sự công bằng và quyền phép của Người?

Nói cách khác, nếu chúng ta chưa “Nhận lấy Chúa Thánh Thần” chúng ta không thể có được những hoa trái Chúa Thánh Thần, hoa trái “ bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22)

Không có hoa trái Chúa Thánh Thần, làm sao chúng ta có thể “đem chân lý vào chốn lỗi lầm… đem tin kính vào nơi nghi nan… chiếu trông cậy vào nơi thất vọng... dọi ánh sáng vào nơi tối tăm… đem niềm vui đến chốn u sầu”?

Không có “hoa trái của Thánh Thần” làm sao chúng ta có thể “tân Phúc Âm hóa” gia đình – một lời mời gọi khẩn thiết của Giáo Hội hôm nay?

Chúng ta hãy trở lại lời Đức Giê-su đã phán với các môn đệ năm xưa, rằng: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Thưa Bạn, bạn có tin, đây cũng là lời phán của Chúa Giê-su đối với chúng ta? Nếu tin, và nếu chúng ta chưa nhận lấy Chúa Thánh Thần, thì hôm nay, ngay bây giờ, đừng chần chờ gì nữa, chúng ta hãy ngước mắt lên trời cùng ca nguyện rằng “Thánh Thần! khấn xin ngự đến. Hồn con đang mong chờ Ngài”.

Vâng, Lạy Chúa Thánh Thần. “Hồn con đang mong chờ Ngài”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây