TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Biện phân

Thứ sáu - 10/09/2021 06:03 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   716
Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra.” (Lc 6,43-45).
Biện phân

BIỆN PHÂN

“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra.” (Lc 6,43-45).

Những lời mà Chúa Giêsu phán dạy trong bài trích Tin Mừng ngày thứ Ba sau Chúa Nhật XXIII TN muốn chỉ bảo chúng ta phải phân biệt nguồn gốc các ngôn từ chúng ta nghe nhận. Thế nhưng làm sao có thể phân biệt sự tốt xấu nơi ngôn từ của một ai đó, vi có thể cùng một lời nói người này cho là tốt nhưng người lại không nghĩ như vậy?

Là Kitô hữu, dưới ánh sáng đức tin chúng ta tin nhận rằng mọi lời do Thiên Chúa phán dạy đều tốt đẹp. Và những lời xuất ra từ miệng các sứ ngôn chắc chắn là lời do Thiên Chúa truyền phán. Chúng ta có thể nhận ra đâu là lời của Thiên Chúa truyền phán qua một vài dấu chỉ sau:

Lời Thiên Chúa thường như lưỡi gươm sắc bén phân rẽ tâm hồn. Thiên Chúa sẽ làm cho miệng lưỡi ngôn sứ nên như gươm sắc bén, làm cho ngôn sứ nên như mũi tên xuyên thủng tâm hồn (x.Is 46,2): Đã là lời của Thiên Chúa thì luôn tác động đến người nghe. Một lời giảng dạy mà kiểu chung chung, nói đâu cũng đúng, nói lúc nào cũng chẳng sợ sai mà không thực sự nói với ai cả vì người nghe chưa thực sự thấy động đến tâm hồn mình thì hầu chắc chưa phải là điều Thiên Chúa muốn truyền dạy. Công Đồng Vaticanô II qua Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống các Linh mục dạy rằng: “Các Linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm”… Phải trình bày Lời Chúa không phải cách tổng quát và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Phúc Âm vào các hoàn cảnh cụ thể của đời sống.” (số 4).

Dù không thể cân xứng 55-50, nhưng lời ngôn sứ là lời đủ đầy các mặt vừa nhận xét, phê bình vừa góp ý xây dựng. “Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho muôn dân… Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì ngươi cứ nói… Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi… để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng.” (Gr 1,5-10). Những lời chỉ nghiêng chiều một mặt mặt nào đó mà thôi chẳng hạn chỉ biết tung hô vạn tuế, vạn vạn tuế hoặc chỉ là lời đả đảo, chỉ trích thì hầu chắc không phải lời của Thiên Chúa mà là của những nịnh thần hay phản thần xưa cũng như nay.

Lượm lặt được vài ý tưởng trên mạng xã hội và xin góp thêm tí mắm muối: Khi ta sai thì nói rằng ta sai thì đó lời người đáng làm thầy ta. Khi ta đúng thì nói là đúng thì đó lời người đáng làm bạn ta. Khi ta đúng mà nói là ta sai thì đó là lời kẻ nghịch cùng ta nhưng là ở ngoài. Còn khi ta sai mà nói là ta đúng thì đích thực là kẻ nội thù.

Biện phân xuất xứ lời được nghe nhận quả điều không mấy dễ. Tất thảy vì một lẽ thường tình là ai cũng thích nhận “lời dễ nghe”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


 

 Tags: Biện phân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây