BIỆN PHÂN: KHÔNG DỄ!
“Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7, 8). Một trong những nội dung gây ra sự xung đột giữa Chúa Giêsu và nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đó là lề luật của Thiên Chúa và truyền thống của Do Thái giáo.
Chắc chắn các vị lãnh đạo Do Thái giáo chẳng ai dám to gan cho rằng lời giảng dạy của cha ông và của họ tức là truyền thống lại trọng hơn lề luật của Thiên Chúa. Khi dạy dân chúng rằng những tế phẩm dâng cho Thiên Chúa thay thế được cho việc phụng dưỡng cha mẹ thì rất có thể họ xét rằng mình đã dạy dân giữ giới răn cao trọng nhất là “thờ phượng Thiên Chúa hết lòng, hết sức hết cả linh hồn” (x.Đnl 6, 5). Việc biện phân giữa một cách thế biểu lộ đức thờ phượng và chính đức thờ phượng là không mấy dễ. Đức thờ phượng là động thái khởi đi từ trong tâm hồn còn “một cách thế biểu lộ” là một trong những hành vi bên ngoài. Thực tế có đó nhiều hành vi bên ngoài mà thiếu tâm tình bên trong và lời ngôn sứ Isaia đã ứng nghiệm: “Dân này tôn kính Ta ngoài môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta…” (Is 29,13).
Việc quy định những điều liên quan đến sạch nhơ cũng có thể được luận suy từ sự thánh thiện vô biên của Thiên Chúa và thân phận tội lỗi của loài người. Vấn đề là sự diễn giải và hình thức áp dụng, theo thời gian có khi thì bất cập và có nhiều trường hợp thì lại thái quá.
Chân thành nhìn lại dòng lịch sử Kitô giáo thì chúng ta phải khiêm nhu thú nhận rằng bên cạnh giới răn của Thiên Chúa và luật của Tin Mừng thì khối lượng truyền thống qua các cơ chế, luật lệ vừa nhiều và có khi là nặng ký. Cũng tương tự các lãnh đạo Do Thái giáo xưa, các mục tử trong Kitô giáo, cách riêng Công giáo đâu dám to gan đặt cơ chế, luật lệ của mình trên giới răn của Thiên Chúa và luật Tin Mừng. Khi ban hành, áp dụng các cơ chế tổ chức hay luật lệ thì các ngài vốn nghĩ mình chỉ cụ thể hóa giới răn của Chúa và luật Tin Mừng.
Chuyện “sạch nhơ” của Do Thái giáo phải chăng lại tái hiện qua việc quá chi li các tội trọng, tội nhẹ trong luân lý Kitô giáo? Để biện phân đâu là truyền thống của Công giáo và đâu là giới răn của Thiên Chúa thì thật khó. Để biện phân truyền thống nào là bất cập và truyền thống là thái quá thì quả là không mấy dễ. Tuy nhiên một thực tế của lịch sử phải nhìn nhận đó là hễ ai đụng đến “truyền thống” thì thường bị bách hại. Môn đệ không hơn thầy. Chúa Kitô là một đan cử và nhiều vị thánh như Đaminh, Phanxicô, Gioan Thánh Giá, Têrêxa Avila… cũng như nhiều thần học gia như Tôma Aquinô, Yves Congar, Marie-Dominique Chenu… và ngay cả Đức Phanxicô, đương kim Giáo hoàng cũng là những người đã từng chung phận. Biện phân là một động thái cần có sự ngay thẳng và khiêm nhu, cần cả sự can đảm và bền chí.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột