TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phương tiện truyền thông xã hội

Thứ hai - 31/01/2022 19:43 | Tác giả bài viết: Nt Maria Antôn Quỳnh Thoại |   890
Là người trẻ, con thấy phương tiện truyền thông cũng tốt và rất cần. Con không biết làm thế nào để dùng phương tiện ấy cho tốt?
Phương tiện truyền thông xã hội

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 36: PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Hỏi: Là người trẻ, con thấy phương tiện truyền thông cũng tốt và rất cần. Tuy nhiên, con thấy nhiều cám dỗ nơi đó. Nhiều lúc con chẳng thể rời xa nó. Con không biết làm thế nào để dùng phương tiện ấy cho tốt?

Trả lời:

Nó có nhiều ước mơ: Được đi tham quan nhiều nơi, biết nhiều ngoại ngữ, đàn được nhiều loại nhạc cụ, viết sách…

Và còn một danh sách dài trong cái đầu đầy tham vọng muốn khám phá những điều mới lạ của nó.

Đang mơ mộng, chợt nó nghe tiếng ai gọi tên mình…

_ Cá Rô Đồng ơi! (nickname của nó), tặng cá rô đồng tập sách học đàn ukulele nè!

_ Chèn ơi! Cám ơn nghen. Định lên mạng tìm tài liệu đó!

_ Ừ! Trên mạng đầy! Có video hướng dẫn luôn, dễ hiểu và đa dạng lắm. Cái này người ta cho tui, thấy cũng hay nên mang qua cho Cá Rô tham khảo.

_ Đa tạ cô nương. Khi nào “quánh được đàn”, cô nương sẽ là người đầu tiên tui khoe nha! Hjhj.

Và rồi nó mò trên mạng cách học đàn ukulele cho người bắt đầu, rồi tập đàn theo. Cô giáo trên mạng dễ tính, dễ thương dễ sợ bà con ơi. Trong nước ngoài nước gì cũng hội đủ “3 dễ” hết á. Học chưa hiểu thì cứ rê con chuột máy tính tua đi tua lại. Cô giáo vẫn giữ y nguyên một thần thái từ đầu đến cuối. 5, 7, 10 lần vẫn một thần thái ấy. Các cô – thầy thật kiên nhẫn với nó.

Một tháng trôi qua, nó cũng quen với cách ôm đàn, các thế bấm, tập cho các ngon tay di động trên cần đàn và nghêu ngao những bài hát như “Chúc Mừng Sinh Nhật, You Are My Sunshine…” Vừa học ngoại ngữ, vừa học thêm một loại nhạc cụ, nó khoái chí tìm dịp để khoe với bạn bè thành quả một tháng qua của mình.  Sáng thứ bảy vừa rồi, sau khi làm vệ sinh chung xong, nó rủ rê vài người bạn nữa ra cái chòi bên hong nhà nguyện, nó chơi bài: “Ông Bà Anh” thật ngầu con ve sầu luôn. Dù sai nhịp loạn xạ nhưng thấy bạn bè nhìn mình ngưỡng mộ, sóng mũi nó cứ phập phồng: tui tự học đó, lên mạng hỏi “chị Google” và học “anh You Tube” là biết tuốt tuồng tuột, tất tần tật hà!  Ai rảnh hong, học chung cho vui. Và từ hôm đó, nó có thêm một người bạn nữa vác đàn theo học.

Về phòng, nó quyết tâm học lại bài. Nó lại lảm nhảm một mình: “Anh và em yêu nhau thời Facebook, Zalo. Ta chẳng nói chuyện gì với nhau, ngồi bên nhau cầm điện thoại thật lâu….” Chắc cả hai đang lên mạng học ukulele như nó chăng? Hay là đang chơi game liên quân? Nếu không phải vậy thì kỳ lắm nha! Chị Google, anh “Net”, hay Smartphone có thể trả lời nhanh chóng, đưa nhiều thông tin hữu ích và kịp thời cho mọi thắc mắc của ta, nhưng không vì thế mà ta bỏ lỡ những giây phút bên người thân yêu của mình. Ai mà cứ nhìn chằm chằm vào điện thoại mà không tương tác với tui là 1, 2, 3…tui giận! Loại!

Nói cho oai vậy thôi chứ bản thân nó hay bị bạn bè nhắc nhở hoài cái tật nhìn chằm chằm vào điện thoại khi đang nói chuyện. Thói quen “lướt web”, “lên phây” (Facebook) hay còn gọi là “lên mặt” của nó nhiều lần làm nhỏ bạn thân giận dỗi bỏ về phòng. Có lần nhỏ bạn hét lên: tui ghét cái điện thoại của bà! Nghe xong, nó úp nhanh cái điện thoại và cười trừ, mặt sượng như củ khoai mì tám năm luôn. Nói người ta cho dữ, tới phiên mình còn hơn con nghiện mới quê nè!

Và nó nghĩ về mấy đứa em ở dưới quê, rồi những bạn trẻ mà nó từng đồng hành và làm mục vụ nơi các giáo xứ. Từ thành thị đến nông thôn, các bạn sống rất nhanh và lớn lên cùng với smartphone! Từ lối sống theo công nghệ 4.0 này, người ta thường đặt câu hỏi: Phương tiện truyền thông đã đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống người trẻ, chiếc smartphone đang phục vụ hay nô lệ hóa họ? Và theo chân Craig Detweiler, tác giả quyển “IGods” nổi tiếng, nó suy tư về việc công nghệ truyền thông đã định hướng đời sống tinh thần cũng như đời sống hằng ngày của người trẻ như thế nào.

Đầu tiên, nó không thể phủ nhận lợi ích thiết thực mà phương tiện truyền thông mang lại cho nhân loại nói chung, và cho người trẻ cách riêng. Quả thật, con người ngày nay quá dễ dàng để nối kết, liên lạc và trao đổi thông tin với nhau. Một tin nhắn được gửi trong tích tắc. Chiếc điện thoại nhỏ bé nhưng lại có khả năng “hô mưa gọi gió”, bằng chứng là bạn có thể gọi đặt và ship đến hai tô phở Việt Nam giữa thủ đô Manila hiếm hoi hàng quán Việt. Điện thoại thông minh với các kiểu apps còn được dùng triệt để trong các lĩnh vực như: học hành, giải trí, “sống ảo” theo ngôn ngữ dân mạng. Nào là  tiktok, Photoshop, đặt hàng chuyển phát đồ ăn thức uống, kinh doanh online trong thời buổi cách ly xã hội được xem là cứu cánh của nhiều doanh nghiệp, công ty lớn nhỏ.

Nếu gõ lên Google những gì bạn muốn tìm kiếm, thì hằng hà sa số những thông tin xuất hiện, hầm bà lằng… Chuyện đông chuyện tây, đủ thứ chuyện trên đời. Mở mắt hay nhắm mắt, ta đều có thể cập nhật tức thời. Sự kiện và kiến thức phổ thông không chỉ giới hạn trong những trang sách dày cộm, nhưng được định dạng thành Pdf, E–book, những hình ảnh ngộ nghĩnh lạ mắt thu hút trẻ con và giới trẻ, lại có thể đem theo bên mình mọi lúc mọi nơi. Đọc để hiểu, nhìn để cảm, nghe để thấm những gì đang diễn ra trong bầu trời này.

Tuy nhiên, có lợi ách cũng có hại, khi ta không sử dụng đúng mục đích các phương tiện này. Cái hại mà nó nghĩ trước tiên là thay vì sử dụng các phương tiện truyền thông để kết nối, chính ta lại làm mất kết nối những tương quan đang có. Nhớ ngày bé thật vui, cả xóm chỉ có một cái TV trắng đen. Chiều chiều khoảng 3–4 giờ, dù đang ở bất cứ đâu, hễ nghe tiếng nhạc Tây Du Ký phát ra: “tèo teo teo tèo téo tèo teo…” là mấy đứa cong chân chạy qua nhà ông Năm, ngồi tỏm xuống cái ngạch cửa quen thuộc như mọi khi. Đám con nít của nó lại có dịp loi nhoi, chen chút nhau rồi nói chuyện chí chóe. Chỉ đến khi ông Năm ra hiệu im lặng, ông còn dọa sẽ tắt ti vi, nhờ vậy mà tụi nó im thin thít.

Giờ… hết rồi, nhà nhà đều có TV, muốn coi đài nào, phim nào thì cứ lên Youtube mà coi, không cần đợi đến ngày đến giờ. Nhớ có lần về quê, thấy tía nó nằm võng coi TV một mình, nó hỏi: ủa tía, nhà đâu hết rồi mà tía coi “mình ên” (một mình) vậy? Tía cười “nửa nụ” trả lời: Thôi bây ơi, giờ mấy đứa nó coi Ipad không hà, mẹ mày còn ghiền Ipad hơn con Su nữa (cháu nó)! Nghe tía nói mà thương đứt ruột. Vậy là hai tía con nằm coi… bóng đá. Chắc được 5 phút thì nó đã ngủ mất dép rồi. Coi ủng hộ tía thôi mà.

Nó nhớ lại cái thời cả nhà cùng coi phim bộ. Tía nó cứ hễ thấy nhân vật nữ đóng vai phụ bạc là nghiến răng nghiến lợi, phán câu ngọt sớt: “Đàn bà lòng dạ hiểm sâu”. Mẹ nó khều chân nó cười khút khít. Nó vọt miệng: tại đàn ông thay lòng đổi dạ trước mà tía! Tía nó không vừa đáp lại: thôi bây tu hành biết gì! Lúc này mẹ lên tiếng: Là phim nha, hai tía con ông có coi nữa không, tui tắt à. Vậy là tía con nó im. Tía nó vẫn còn ấm ức nhưng kết lại một câu có hậu: “diễn viên đóng đạt thiệt bà he?”

Vậy đó, người ta nói “yêu nhau là cùng nhìn về một hướng”. Nhìn, tranh luận, đưa ra quan điểm, rồi dung hòa cái nhìn từ một hướng sự việc. Hướng đó có khi chỉ là cùng nhìn về cái màn hình TV, cùng nhau xem một tuồng cải lương hay một trận bóng đá ngoại hạng sau những giờ lao động mệt mỏi. Đơn giản thôi vậy mà lại xa xỉ lắm trong bối cảnh gia đình Việt hôm nay. Người ta bận lắm với chiếc điện thoại hiện đại. Nhắn tin cho bạn bè, đồng nghiệp, người yêu. Điều đáng nói ở đây là chúng ta giữ kết nối kiên trì và thường xuyên với những người ở xa nhưng lại thờ ơ với những người thân bên cạnh, và ngay cả trong gia đình mình. Có không? Câu hỏi không phải để lên án hay xét đoán ai, nhưng chỉ để tự thân xét mình và tự chỉnh.

Vấn đề thứ hai mà nó muốn trải lòng nơi đây là nhịp sống quá vội của người trẻ. Nó thấy bản thân trong sự vội vàng đó. Vội vàng trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Những dòng trạng thái vui buồn cập nhật nhiều lần trong một ngày, thậm chí ta còn loay hoay chưa hiểu cái sờ–ta–tút (status) của người kia là gì, thì một dòng trạng thái khác lại xuất hiện. Rồi không biết sao có một ngày hình đại diện trên Facebook của nhỏ bạn đen thui một màu, cứ tưởng nhà có tang, ai dè chỉ là giận nhau với ghệ (người yêu).

Có bao giờ ta nán lại chút, khoan vội đưa lên mạng những vấn đề của mình, và ngồi xuống đối diện với những gì đang diễn ra bên trong ta, để hiểu về nỗi buồn, nỗi lo lắng của bản thân và tìm hướng giải quyết chưa? Khi đăng tải những dòng tâm tư trên mạng, ta nhận được gì? Những “icons” vô hồn. Nào là tim đỏ nè, like, quan tâm, khóc, buồn…những biểu tượng đó đã giúp ta vượt qua những tâm trạng tiêu cực trong cuộc sống như thế nào, hay những người dùng nó chỉ tiện tay nhấn vào, thậm chí còn dùng chế độ tự động để kết nối tương tác.

Tại sao vậy? Hay vì ta là những khán giả của nhau, đã quá mệt mỏi và buồn chán để xem nhau diễn? Lòng trí ai cũng bận rộn với những vấn đề của riêng mình. Vậy nên ta lướt qua đời nhau như lướt web vậy, thoáng qua rồi mất hút.

Đời sống tinh thần, đức tin cũng tương tự vậy. Chúng ta ưa chuộng những gì mau lẹ và dễ dãi để giúp ta sống đức tin. Chúng ta hỏi “làm sao để cầu nguyện cho sốt sắng?” nhưng lại sợ thinh lặng của nhà thờ. Một tiếng đồng hồ tham dự thánh lễ thôi, nhưng ta vẫn còn bận tâm với chiếc điện thoại vì những tin nhắn, thậm chí bỏ ra ngoài để trả lời cho những cuộc gọi đến. Chúng ta lên án bất công nhưng lại không thành thật trong thi cử. Chúng ta mau mắn bình luận và chia sẻ những đoạn video clip được đăng tải trên mạng dù đôi khi chưa biết bối cảnh và sự tình bên trong như thế nào… Và chúng ta ngày qua ngày để mình bị điều khiển bởi thói quen thể hiện bản thân trên mạng xã hội.

Càng nhiều lượt like càng thấy mình quan trọng và nổi nang. Và thay vì chúng ta sử dụng phương tiện truyền thông (Facebook, Smartphone) để phục vụ cho nhu cầu của ta, thì vô tình, chính chúng ta lại biến mình thành nạn nhân khi không biết chọn lựa và phân định những gì giác quan ta lãnh nhận từ những thông tin đa chiều trên mạng. Ta dễ phản ứng thay vì đáp ứng. Ta dễ bày tỏ thái độ, quan điểm thay vì dành chút thời gian suy xét. Phương tiện truyền thông và tự do ngôn luận đang thổi phồng cái tôi lý tưởng (ideal self), cái tôi mà chúng ta nghĩ mình là thay vì giúp ta nhìn rõ và sâu hơn cái tôi thật sự của mình (real self) để tự chỉnh và thay đổi.

Nó ơi! Các bạn trẻ ơi!

Cuộc sống là một chuỗi những chọn lựa mà trong đó chúng ta cần từ bỏ và tìm ra cho mình những điều tốt, phù hợp và lành mạnh. Hãy kết nối bản thân trên những gì làm triển nở và thăng tiến cuộc sống mình.

Thân ái!

Nữ tu Maria Antôn Quỳnh Thoại
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
WHĐ (31.01.2021)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây