Căn bệnh người Pharisêu
Câu chuyện thường ngày trong cuộc sống, cứ muốn mình hơn người khác, chọn cách dễ nhất là đạp thằng khác xuống để mình đứng lên nó. Hai người lên đền thờ cầu nguyện là câu chuyện đó, người Pharisêu cầu nguyện: “Con không như thằng thu thuế kia” (Lc 18, 11)
Cầu nguyện cốt đem khoe ta là người đạo đức hơn ai hết, làm gương cho mọi người, Chúa bảo: "Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi.” (Mt 6, 5).
Nếu không khoe nào ai biết, tính khoe khoang là căn bệnh gây phản cảm nơi nhiều người, đặc biệt với người nghèo. Họ lo cơm áo gạo tiền mỗi ngày, làm lụng vất vả, bên trên là người giàu có, suốt ngày xài hoang phí, ra vẻ hào nhoáng, được khen tiêu xài không cần tính toán. Rộng rãi, hoang phí, người nghèo không được gì chỉ thêm đau lòng.
Người khoe khoang mất nhiều hơn được. Ai cũng có mắt để thấy, có cái đầu để suy, khoe khoang chỉ làm cho người khác nghĩ không hay về họ. Sống ảo tưởng về mình, làm được cái này, cái kia, thực chất chỉ là đánh bóng tên tuổi. Khi đụng chuyện, ngay chuyện nhỏ không biết giải quyết cho gọn để ngày càng bùng lên lớn hơn khó chữa, rồi chụp mũ người này, người kia. Tài năng thật sự chẳng cần phải nói ra, Chúa nói: “Sự khôn ngoan được minh chứng bằng hành động” (Mt 11, 19).
Khoe hiểu biết rộng, quan hệ rộng. Không có mới khoe, điều này đúng là khoe cho người khác, tự đánh giá mình quá kém, làm gì cũng phải nhờ tiếng tăm người này, người kia. Suy nghĩ quá nông cạn khi khoe khoang quan hệ rộng, vì các quan hệ ấy ai cũng biết, chẳng ai cho không, “cái không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng nhiều tiền”. Mất nhiều hơn được khi khoe khoang hiểu biết, quan hệ rộng.
Trong khi người nghèo mọn cúi đầu cầu nguyện, đối thoại chân thành, muốn sống ngay thẳng với lương tâm, không muốn ồn ào, mong cho giáo lý của Chúa được thực hiện, điều thiện lành được hiển trị.
Cầu xin lòng thương xót của Chúa, nhận ra mình chẳng xứng đáng, là kẻ tội lỗi. Đó là lời cầu nguyện mà Chúa muốn nghe từ tâm hồn chúng ta.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan