Tình gia đình
Thoạt nghe chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục 2022-2024 (Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ), chúng ta thấy cụm từ này trừu tượng và xa rời cuộc sống, nhưng có thể diễn giải cách dễ hiểu bằng cụm từ thông dụng hơn: cùng đi với nhau, liên đới với nhau và cùng nhau loan báo Tin Mừng. Chủ đề này cũng thiết thực với gia đình LBT-BMT đấy chứ!
Trang Web HĐGMVN có kể câu chuyện rất cảm động như sau: “Tại Thế Vận Hội đặc biệt Seattle, năm 2018, (dành cho những người tàn tật) có 9 vận động viên đều bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc thi chạy đua 100m. Khi cờ hiệu phất lên, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng, trừ một cậu bé. Cậu cứ bị vấp té liên tục ngay sát vạch xuất phát. Đầu gối của cậu đập mạnh xuống đường, da của cậu bị trầy xước, rớm máu. Và cậu bật khóc. Khi tám người kia nghe tiếng khóc, họ giảm tốc độ và ngoái lại nhìn. Rồi, họ quay trở lại. Tất cả, không trừ một ai! Một cô gái bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé: “Như thế này, em sẽ thấy tốt hơn”. Cả 7 người còn lại cùng ngồi xuống quanh cậu bé, ánh mắt lộ rõ sự lo lắng. Một lúc, cô gái cất tiếng hỏi tiếp: “Em đã thấy đỡ hơn chưa?”. Cậu bé đưa tay lau nước mắt, mỉm cười gật đầu. Cả chín người cùng đứng dậy, họ khoác tay nhau cùng sánh bước về vạch đích. Vâng, không để ai bị bỏ lại đằng sau, tất cả cùng dìu nhau để cùng về đích, đó lại không phải là thể hiện sự “đồng hành” đúng nghĩa sao!
Không phải là ngẫu nhiên và tình cờ mà bạn và tôi trở thành thành viên trong gia đình LBTBMT, chúng ta đừng quên điều đó! Nhớ đến nguồn cội không phải để tự hào mà là để tự vấn lương tâm, vì “kẻ đã nhận được nhiều sẽ bị đòi lại nhiều hơn”. Thánh nữ Faustina kể lại: những kẻ ưu tuyển, đặc biệt là các linh mục và tu sĩ, nếu họ sai lỗi thì họ làm Chúa Giêsu buồn nhiều hơn là người giáo dân bình thường. Điều đó cũng đáng cho các cựu tu sinh phải suy nghĩ: đừng quên nòi giống của mình, hãy nhớ đến những nén bạc mình đã nhận để tích cực đóng góp phần mình trong việc xây dựng giáo hội địa phương. Một nhà tu đức đã nói: Thiên đàng không dành cho kẻ chỉ biết tránh tội mà không biết làm việc tốt. Có lẽ chúng ta thường quên một ‘nơi chốn hay tình trạng’ mà không mấy người không phải ghé thăm sau cái chết, đó là luyện ngục, là nơi để đền bù cho những tội lỗi mà mình chưa trả xong khi còn sống. Với những nén bạc Chúa trao, còn làm được gì thì hãy cố gắng đóng góp cho Giáo hội, đừng sống vô vi và vô vị, mà là hiệp hành với nhau, các bạn nhé!
Để có sự hiệp hành thì yếu tố hiệp thông là quan trọng nhất. Hiệp thông có nhiều nghĩa (như hiệp thông ân sủng trong thân thể Chúa Kitô), ở đây chúng ta chỉ nói đến sự liên đới và sự hợp nhất với nhau trong một gia đình. Nền tảng gia đình cơ bản ngày nay đang bị khủng khoảng và chia rẽ trầm trọng, vì khi xã hội đề cao tự do, hưởng thụ, giá trị vật chất lên ngôi thì tình yêu bị xem nhẹ. Nhưng rồi khi ‘ngồi vắt tay lên trán ta nghĩ đến chuyện cuộc đời’, nếu trần gian nầy mà thiếu hai chữ tình yêu và tình nghĩa gia đình thì nó sẽ ‘trần trụi’ và vô nghĩa đến chừng nào! Giãn cách vì dịch bệnh làm cho con người trở thành những ốc đảo, xa cách và xa vắng, ít nghe nói đến những cụm từ: gia đình Giáo Hội, gia đình giáo xứ, gia đình LBT… Nhưng tự bản chất những ‘thực thể’ trên vẫn mãi là một gia đình, nơi ta được sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng bởi cùng một dòng sữa: đừng quên những bậc cha mẹ và ân sư; cũng đừng quên những người là anh chị em trong cùng một gia đình. Sự hiệp thông được thể hiện trong những thông tin vui buồn được chia sẻ trên các phương tiện thông tin, thế nhưng hãy có sự hiệp thông trong lòng mình: vui với người vui, khóc với người khóc, ít nhất là bằng một lời nguyện cầu. Tôi mơ khi dịch bệnh qua đi, chúng ta có nhiều dịp gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng trong những lần tụ họp, thỏa lòng mong nhớ và có sự hiệp thông trọn vẹn nơi mái ấm gia đình.
Chúng ta có thể kể tên vài căn bệnh tâm hồn cản trở sự hiệp hành. Trước hết là sự lười biếng, không có trách nhiệm với những nhu cầu của Giáo hội: hãy đối xử tốt với Mẹ Giáo Hội, quan tâm đến niềm vui nỗi buồn của Mẹ, sẵn sàng cho đi thời giờ và cả bản thân vì Giáo hội. Tiếp đến là sự tự mãn: bước qua tuổi 60, hầu như mỗi người đều trở thành một tượng đài, tự bằng lòng và an phận với thành công đang có, chẳng hơi đâu mà hoạt động gì thêm cho mệt. Căn bệnh thứ ba là sự già nua tâm hồn: thái độ hâm hâm dở dở, đánh mất tình yêu thuở ban đầu; dù thân xác con người có những biểu hiện của tuổi già, nhưng điều đó không quan trọng – điều quan trọng là giữ được sự trẻ trung cho tâm hồn: dám liều, dám đánh cược cuộc đời trọn vẹn cho tình yêu Giêsu và tiếp tục dấn thân cho tha nhân. Và một căn bệnh nữa có thể kể đến đó là bệnh bất cần đến nhau và loại trừ nhau, trái với lời dạy của Thánh Phaolô: “Thân mình Chúa Kitô có nhiều bộ phận. Mắt không thể bảo tay: tôi không cần anh! (1C 12,12.21).
Con Thiên Chúa đã từ trời xuống làm người để khởi động con đường hiệp hành của Giáo hội mà Người đã thiết lập bằng giá máu cứu độ. Người đã phá đổ sự ngăn cách giữa con người với Thiên Chúa và sự chia rẽ cực độ của loài người sau sa ngã. Trước khi về trời, Chúa truyền cho các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo, và Chúa hứa sẽ ở cùng Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế. Thế nhưng ma quỷ cũng không ngừng gieo mầm mống chia rẽ, sự lười biếng và sự an phận để ngăn cản công trình cứu độ được thành toàn. Bạn và tôi, hãy cậy dựa vào ơn Chúa và vâng lời
Thầy để mỗi ngày tiếp tục ‘thả lưới bên phải thuyền’, dù cả đêm trường trắng tay. Và vào lúc cuối đời, Chúa đánh giá cao thiện chí và nỗ lực của chúng ta chứ không phải là sự thành công.
Nguyễn Văn Thiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn