TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy mở tiệc ăn mừng…

Thứ bảy - 26/03/2022 05:36 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1155
“Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” (x.Lc 15, 21).
MuaChayCN04
MuaChayCN04
  

Chúa Nhật IV – MC – C

 

Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4

Hãy mở tiệc ăn mừng…

Bốn mươi ngày trước lễ Phục Sinh, (không tính các ngày Chúa Nhật), được gọi là Mùa Chay. Và, Mùa Chay, như chúng ta được biết, là mùa mời gọi mọi người “sám hối”. Mời gọi sám hối, hoán cải, trở về.

Sám hối, hoán cải, trở về cũng đã được Đức Giê-su mời gọi trong những ngày ra đi loan báo Tin Mừng. “Anh em hãy sám hối và tin… “ Đó… đó là lời Đức Giê-su đã mời gọi.

Chúng-ta-hãy-sám-hối-và-tin, tin rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16).

Chúng-ta-hãy-sám-hối-và-tin, tin rằng: “(Thiên Chúa) không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống.” (Ed 33,11).

Vâng, Đức Giê-su, trong những ngày ra đi loan báo Tin Mừng, Ngài đã cho mọi người nhìn rõ nét một Thiên Chúa “không muốn kẻ gian ác phải chết”, một Thiên Chúa “muốn nó ăn năn để được sống”, qua một dụ ngôn, dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca, với tiêu đề: “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15, 11-32).

**

Câu chuyện được bắt đầu bằng việc mô tả khung cảnh một gia đình: “Có hai con trai.” Có hai con trai quả một “ước mơ đẹp” mà không phải ai cũng có, phải không, thưa quý vị!

Buồn thay! Ước mơ đẹp không còn đẹp khi “người con thứ” đến gặp cha mình và nói: “Thưa cha, xin cho con phần gia tài con được hưởng.”

Trời ạ! Đang sống ấm êm với cha mình, nay lại: “xin phần gia tài được hưởng” là sao đây! Với người Do Thái, hành động này là một hành động hiếm thấy. Hiếm thấy vì theo luật, con trai cả là người có quyền ưu tiên. Nay người con thứ lại xin, hóa ra anh chàng này lại đòi luôn quyền trưởng nam chăng! Đúng là hơi xấc xược. Hơi xấc xược, nhưng người cha vẫn chia. Ông ta “chia của cải cho hai con.” (x.Lc 15, …12).

Người con thứ, khi đã được toại nguyện, “ít ngày sau”, (chắc khoảng một hai ngày gì đó), chuyện kể tiếp rằng: “(anh ta) thu gom tất cả rồi trẩy đi phương xa”.

Đi phương xa, chắc là anh ta đi rất xa, xa khỏi nơi khỉ ho cò gáy, nơi ngày nào cũng phải đối mặt với “khỉ và cò”. Mà, có tí tiền rủng rỉnh, sao lại không làm một chuyến đi xa nhỉ!

Vâng, bất chấp ngày mai có ra sao thì ra. Anh ta đã đi… “đi bơ vơ trên ghềnh đá, trên sườn non chân ngựa hoang bước mơ hồ.” Anh ta đã đi… “đi rong chơi, như là gió như là mây đi tìm quên cơn mê này.”

Thánh Luca đã mô tả chuyến ra đi của anh ta như thể là một chuyến đi bão táp. Mà thật vậy, những cơn bão đam mê, đã cám dỗ anh ta “sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.” Những cơn bão đam mê đã khiến anh ta “ăn tiêu hết sạch” tiền bạc của mình.

Và rồi, “xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp.” Vâng, như người xưa có nói “đói đầu gối phải bò”, người con thứ, đói quá, nên anh ta đã “bò” đến một trang trại xin ở đợ.

Chủ của anh ta là “một người dân trong vùng, người này sai anh ta ra đồng chăn heo”. Nhìn đàn heo đang đùa giỡn bên những chiếc máng đầy thức ăn, anh ta “ước ao lấy đậu muồng heo ăn nhét cho đầy bụng…” tiếc thay! “chẳng ai cho ăn”...

Chìm trong tủi nhục, anh ta “hồi tâm và tự nhủ: biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta lại ở đây chết đói!” Ừ! Tại sao ta lại phải ở đây để chết đói! Vâng, có phần chắc, anh ta đã lẩm bẩm như thế.

Trong một cơ thể bắt đầu “phàn nàn” vì đói khát, anh ta thì thầm nói với lòng mình, rằng: “Thôi, ta đứng lên đi về cùng cha, và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.

Chỉ xin “làm công”, chẳng lẽ cha mình không cho sao! Và rồi, chuyện kể rằng: “anh ta đứng lên đi về cùng cha”. (x.Lc 15, 20).

Còn người cha! Thái độ của ông ta với người con thứ như thế nào? Thưa, thật đúng với những gì Kinh Thánh nói: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá?”

Thì đây, chúng ta cùng nghe thánh Luca kể tiếp, nhé.

Vâng, thánh Luca kể tiếp rằng: “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.”

Người cha, thánh Luca không nói, nhưng chúng ta không thể không nói, rằng, ông ta quả là một người cha “từ bi và nhân hậu… đại lượng và chan chứa tình thương” Ông ta đã “không nỡ với người con, như người con đáng tội, và không trả người con theo lỗi của người con.”

Người cha, với những “nụ hôn” của của tình yêu và tha thứ, đã làm cho tâm hồn người con rung lên những tiếng nức nở nghẹn ngào. Anh ta cất lên những lời thống hối xót xa: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” (x.Lc 15, 21).

Chẳng-còn-đáng-gọi-là-con-cha-nữa, sao! Không! Làm gì có chuyện đó! Con ta vẫn ta con ta… Vâng, đó là sự thật. Sự nhân hậu và độ lượng của người cha, đã biến tâm hồn cô đơn của ông, trở thành một tâm hồn “chan chứa tình thương”, để rồi, ông đã tuôn đổ tình thương của mình qua việc thúc giục các đầy tớ “mau đem áo đẹp ra mặc cho cậu ta, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu...”

Màu đen của tang tóc đã được biến thành màu hồng, màu của niềm vui. Hôm đó, người cha rất vui, ông ta đã sai gia nhân “đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt… mở tiệc ăn mừng”. Ông ta vui vì “…con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (x.Lc 15, 24).

***

Thiên Chúa, qua hình ảnh người cha trong dụ ngôn, Người đúng là Đấng “Chẳng trách cứ luôn luôn. Không oán hờn mãi mãi”.

Thiên Chúa không đòi hỏi “công đức” của con người, nhưng Thiên Chúa nhìn đến sự “hồi tâm và hối cải” nơi con người.

Người con thứ trong dụ ngôn đã không có được một việc làm nào được gọi là “tốt lành”, ngoại trừ việc “sống phóng đãng”, thế nhưng, nhờ anh ta “hồi tâm và hối cải”, do đó anh ta đã nhận được một cách nhưng không, lòng từ bi và nhân hậu của người cha.

Thánh Phaolô, người đã có kinh nghiệm về điều này, khẳng định rằng “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người” (2 Cor 5, 18).

Rồi ngài Phao-lô nhấn mạnh “Đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (Ep 2, 8).

Vâng, ân huệ của lòng Chúa thương xót, cho những ai biết “sám hối và trở về”. Đừng nghi ngờ gì cả. Và hãy vui mừng khi một ai đó nhận được “một ân huệ của Thiên Chúa” khi họ sám-hối-trở-về.

Đừng nghi ngờ vào lòng Chúa thương xót. Và đừng “nổi giận” như người con cả trong dụ ngôn đã nổi giận “không chịu vào nhà” trước lòng thương xót của người cha đối với em mình.

Này anh hai ơi! Anh không nhớ cha mình đã “chia của cải cho (cả) hai con” sao! Thế nên, có gì phài kèn cựa với em mình, khi thấy người cha “đã làm thịt một con bê béo” đãi đằng cậu ấy”! Có gì phải ganh tỵ vì “chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con”, để làm một cái lẩu dê, “ăn mừng với bạn bè”! Sao (hồi ấy) anh không mạnh dạn đến “xin cha một con dê!”

Một lần nọ, Đức Giê-su dạy rằng: “Cứ xin thì sẽ được”. Ngài nói tiếp: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em. Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Thế nên, nếu chúng ta (lỡ) là người anh cả, “đừng ganh tỵ”, thánh Phao-lô khuyên thế. Cũng đừng nghi ngờ tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa.

Với chúng ta hôm nay, đừng quên, đã có lần Đức Giê-su nói: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao?”

Lòng thương xót của Chúa không loại trừ một ai. Nhất là đối với những ai rơi vào hoàn cảnh như người con thứ trong dụ ngôn.

Trở lại với người con thứ, rất có thể, trong một giai đoạn nào đó của đời người, chúng ta sẽ là “người con thứ”. Chúng ta kiêu hãnh và ngạo mạn. Với một gia tài là học vấn và kiến thức, chúng ta sẵn sàng rời bỏ mái ấm “gia đình Kitô giáo”, tìm đến những vùng đất xa lạ, để phung phí giá trị của tự do, mà Thiên Chúa đã ban cho, để khước từ niềm tin truyền thống, mà Giáo Hội đã truyền dạy, để buông mình vào đam mê và dục vọng, để háo hức tìm kiếm chủ thuyết mới, những chủ thuyết chỉ sản sinh bạo lực lẫn hận thù, để lớn tiếng hô hào tự do luyến ái, tự do phò lựa chọn, tự do thờ quấy và phù phép, v.v…

Không… tất cả những thứ đó, cuối cùng, rồi cũng dẫn chúng ta đến những “cơn đói” khác, nghiêm trọng hơn, khủng khiếp hơn. Đó là, những cơn đói, “đói tiền, đói tình, đói quyền lực, đói danh vọng”, là những cơn đói không có gì có thể lấp đầy. Những cơn đói này sẽ dẫn chúng ta đến “thung lũng âm u nghi ngờ của chết chóc.” Và, cái kết, đó là chúng ta “sẽ nằm im chết bên đường”.

Nhà thần học người Hà Lan, Henri Nouwen, sau khi đọc xong “dụ ngôn người cha nhân hậu”, ông ta thú nhận rằng, câu chuyện này đã tác động phần nào cuộc hành trình tâm linh của ông. Và ông đã để lại một lời khuyên, khuyên rằng, “tất cả mọi người Kitô hữu, kể cả ông, luôn phải chiến đấu để được giải thoát khỏi những ‘sự yếu đuối’ cố hữu, thể hiện qua tính cách của hai anh em, hầu có thể trải nghiệm sự tăng trưởng tâm linh mà trở thành người cha hy sinh, sẵn sàng ban cho và sẵn lòng tha thứ” (nguồn: internet).

Người viết… người viết đã ngồi thinh lặng rất lâu… sau khi đọc lời khuyên của nhà thần học này. Vâng, ngồi rất lâu và tự hỏi làm thế nào để chiến đấu “chiến đấu để được giải thoát khỏi những sự yếu đuối cố hữu, thể hiện qua tính cách của hai anh em”, trong dụ ngôn?

Tạ ơn Chúa, Lm Charles E. Miller, trong tác phẩm “Sunday Preaching”, có lời khuyên, rằng: “Hãy tự vấn lương tâm để nhận thức được nếp sống hiện tại của mình. Chúng ta cần thành khẩn tự nhủ, như đứa con hoàng đàng, về những gì mình đã làm và chưa làm được trong mối quan hệ với Thiên Chúa và với dân Ngài. Ta nên tự hỏi, mình đang hướng về đâu, trong cuộc sống đời này. Và khi nhận ra là cần phải thay đổi, ta nên tự ấn định một việc đền tội, phương pháp này sẽ giúp đảo ngược nếp sống chúng ta”.

“Thành khẩn tự nhủ…” với ai! Vâng, chắc chắn là với Chúa. Với Chúa, qua Bí Tích Giải Tội, ngài Lm. Charles, đã có lời khuyên như thế. Vâng, đó là một cử chỉ khiêm hạ, khiêm hạ cho việc sám hối và trở về.

Vâng, nếu chúng ta khiêm hạ đến với Bí Tích Giải Tội, chúng ta (chắc chắn là vậy) sẽ được nghe tiếng Đức Giê-su phán truyền: “Hãy mở tiệc ăn mừng.”

Petrus.tran

  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây