TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chân dung Thánh Gioan Tông Đồ

Thứ năm - 23/12/2021 21:49 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1413
Theo truyền thống, không biết khởi đi từ đâu, hầu chắc là sau thời thánh giáo phụ Irênê (130-202), chúng ta nhìn nhận thánh Gioan Tông đồ là tác giả sách Tin Mừng thứ tư
Chân dung Thánh Gioan Tông Đồ

MỘT KIỂU NHÌN LẠI CHÂN DUNG THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ
(Ngày 27/12)

I. Theo dữ liệu Tân Ước

Theo truyền thống, không biết khởi đi từ đâu, hầu chắc là sau thời thánh giáo phụ Irênê (130-202), chúng ta nhìn nhận thánh Gioan Tông đồ là tác giả sách Tin Mừng thứ tư, là người môn đệ Chúa yêu trong Tin Mừng này, người đã nghiêng đầu vào ngực Chúa Giêsu đêm Tiệc Ly (x.Ga 13,21-30), đã nhờ quen biết vị Thượng Tế nên dẫn Phêrô vào được dinh Thượng Tế (x.Ga 18,12-27), đã đứng dưới chân thập giá cùng với Mẹ Maria và sau đó đưa Mẹ Maria về nhà mình (x.Ga 19,25-27). Ngài đã cùng Phêrô chạy ra mồ Chúa (x.Ga 20,1-10) và cũng có mặt trong dịp Chúa Phục sinh hiện ra trên biển hồ Tibêria (x.Ga 21,1-8). Ảnh hưởng bởi truyền thống này nhiều họa sĩ đã phác họa chân dung thánh Gioan thật xinh đẹp với vóc dáng thon thả gần giống nữ giới, chẳng hạn bức tranh nổi tiếng “Bữa Tiệc Ly” của danh họa Leonardo da Vinci. Với dụng ý nào đó, ông Dan Brown đã viết tiểu thuyết giả tưởng “Mật mã Da Vinci”!

Đối chiếu với các Tin Mừng Nhất Lãm (Matthêu, Maccô, Luca) thì hình ảnh tông đồ Gioan xem ra khá đối nghịch với người môn đệ Chúa yêu trong Tin Mừng thứ Tư. Theo dữ liệu các Tin Mừng Nhất Lãm thì Gioan là em ruột Giacôbê, con ông Giêbêđê, người Galilêa. Cả hai đều là ngư phủ và chữ nghĩa thì chẳng biết gì. Bà con ngư dân cho đến giữa thế kỷ XX đa số vẫn thường là thất học. Tính tình hai người con ông Giêbêđê có gì đó thiếu điềm đạm, nếu không muốn nói là “hùng hổ” vì Chúa Giêsu đã đặt cho hai ông là “thiên lôi con” (con của sấm sét) (x.Mc 3,17). Tin Mừng tường thuật vài câu chuyện liên quan đến hai vị nói lên tính “thiên lôi” của họ. Gioan đã ngăn cản một số người nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ, vì họ không thuộc nhóm môn đệ và đã bị Chúa Giêsu sửa dạy (x.Mc 9,38-40). Cả hai anh em nhà Giêbêđê đã to gan xin Thầy cho phép sai lửa từ trời xuống đốt cháy dân một làng Samaria vì họ không đón tiếp các ngài. Dĩ nhiên chúa Giêsu đã quở trách họ (x.Lc 9,51-56). Cả hai dám xin riêng được ngồi bên hữu bên tả Chúa khi Người đạt vinh quang, khiến mười vị còn lại tức tối nảy sinh tranh cãi ỉ ôi (x.Mc 10,35-40).

Có thể nói rằng hai anh em nhà Giêbêđê cùng với Phêrô là ba môn đệ thân tín của Chúa Giêsu. Các Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật nhiều dữ kiện Chúa Giêsu dẫn riêng các vị trong một số biến cố đặc biệt như lần chữa lành con gái ông Giairô (x.Mc 5,37; Lc 8,51); Cuộc biến hình trên núi (x.Mt 17,1-8; Mc 9,2-8; Lc 9,28-36); Tại vườn cây dầu, khi Chúa Giêsu đi cầu nguyện (x.Mt 26,37; Mc 14,33). Thế mà trong Tin Mừng thứ tư thì không thấy đề cập đến các dữ kiện mà chỉ có riêng ba vị này.

Nhiều người khẳng định rằng người môn đệ Chúa yêu trong Tin Mừng thứ tư là Gioan viện dẫn lý chứng là trong Đêm Tiệc Ly chỉ có Nhóm Mười Hai. Thế nhưng Tin Mừng cho chúng ta hay đi theo Chúa Giêsu không chỉ có Nhóm Mười Hai còn có cả một số phụ nữ và dĩ nhiên chúng ta tin là có cả Mẹ Maria, người đã đứng dưới chân thập giá (x.Lc 8,1-3). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định là tại căn nhà Tiệc Ly chắc chắn có sự hiện diện của Mẹ Maria và chúng ta luận suy rằng cũng có một vài môn đệ khác ngoài nhóm Tông đồ. Khi Chúa Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Bánh Hằng Sống thì Tin Mừng thứ tư ghi rằng có “nhiều môn đệ rút lui” chứ không phải là tất cả 72 ông (x.Ga 6,66). Và cụ thể là sau khi Chúa tử nạn thì vẫn có đó hai môn đệ đi từ Giêrusalem về lại quê Emmaus (x.Lc 24,13-35).

Một vài chi tiết trong Tin Mừng thứ tư khiến chúng ta khó có thể đồng hóa Gioan với người môn đệ Chúa yêu. Người môn đệ Chúa yêu có quen biết vị Thượng tế nên đã dẫn được Phêrô vào dinh Thượng Tế. Thế mà khi người đầy tớ gái nhận ra giọng nói của Phêrô, gốc người Galilê mà không nhận ra giọng nói của người môn đệ cùng đi nếu đó là Gioan vì Gioan cũng gốc người Galilê (x.Ga 18,12-27). Hơn nữa sau khi Chúa Giêsu phục sinh, lên trời thì Phêrô và Gioan đi rao giảng bị bắt, bị điệu ra trước ngài Thượng Tế, thế mà vị Thượng Tế không nhận ra Gioan, chỉ biết họ là dân quê mùa, thất học (x.Cv 4,1-22). Tin Mừng thứ tư tường thuật rằng đứng dưới chân thập giá có Mẹ Maria và người môn đệ Chúa yêu. Nếu đó là Gioan thì chắc hẳn quân lính sẽ có phản ứng ngay. Hơn nữa Tin Mừng tường thuật rằng khi Chúa Giêsu bị bắt thì cả nhóm tông đồ đều bỏ trốn hết (x.Mt 26,56). Sau đó khi tụ họp tại căn nhà Tiệc Ly thì các ông vẫn sợ hãi, đóng kín các cửa (x.Ga 20,19). Khi Chúa Giêsu trao phó Mẹ Maria cho người môn đệ Người yêu thì vị môn đệ đã đưa Mẹ về nhà mình. Nếu đó là Gioan thì cũng hơi lạ thường vì Gioan chưa thấy nói là đã lập gia đình mà lại có nhà riêng ở Giêrusalem! Ngay Tin Mừng thứ tư khi tường thuật lần Chúa Giêsu phục sinh hiện ra trên biển hồ Gienêgiarét thì có kể tên một số người trong đó có kể tên hai anh em nhà Giêbêđê (Giacôbê và Gioan) và hai môn đệ khác (trong đó có người môn đệ Chúa yêu) (x.Ga 21,1-2). Như thế người môn đệ Chúa yêu và Gioan không phải là một.

Vị tông đồ cả Phêrô vì thất học nên khi viết thư đã nói rằng nhờ tay thư ký Xinvanô viết giúp (x.1P 5,12). Còn tác giả Tin Mừng thứ tư nếu là Gioan thì chúng ta phải kinh ngạc về sự đổi thay khả năng tư duy và ngòi bút của ngài, đặc biệt qua lời tựa của Tin Mừng thứ tư đầy tính triết học Hy Lạp thâm sâu (x.Ga 1,1-18).

II. Theo tài liệu của nhiều tác giả thời kỳ đầu (Thế kỷ II –III) (Lm. Giuse Lê Minh Thông.OP)

1. Irênê (130–202) 

Thánh Irénée đồng hóa “Gioan” với “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến” trong Tin Mừng, nhưng đó là Gioan nào? Vì như sẽ thấy, có nhiều môn đệ mang tên Gioan như Gioan tư tế, Gioan kỳ mục.  Nếu Irênê hiểu “Gioan môn đệ của Chúa” nói trên là “Gioan Tông Đồ” thì cũng không chắc đây là “Tông Đồ Gioan con ông Dêbêđê”, vì thời đó, tước hiệu Tông Đồ được hiểu theo nghĩa rộng. Chính Irênê cũng gọi bảy mươi hai môn đệ trong Tin Mừng Luca với tên gọi Tông Đồ.” (J. Colson, L’énigme du disciple que Jésus aimait, (Théologie historique 10), Paris, Beauchesne, 1969, p. 32). 

2. Papias (100–150) 

Papias đã phân biệt “Gioan Tông Đồ” và “Gioan kỳ mục, môn đệ của Chúa”: “Nếu như có ai đó thuộc nhóm các kỳ mục đến, tôi sẽ hỏi thăm về những lời nói của các kỳ mục: Những điều mà Anrê, hay Phêrô, hay Philípphê, hay Tôma, hay Giacôbê, hay Gioan, hay Mátthêu, hay người nào đó trong các môn đệ của Chúa, đã nói; và những điều Ariston và Gioan kỳ mục, môn đệ của Chúa, đã nói” (Eusèbe de Césarée, Histoire ecclésiastique, III, 39,4, (SC 31), 1952, p. 154).

3. Polycrate (125–200) 

Polycrate viết cho Giám mục Rôma là Victor về vấn đề lễ Phục Sinh, được Eusèbe thuật lại trong Lịch sử Giáo Hội V 24,2-3: “Philípphê, một trong mười hai Tông Đồ, đã an nghỉ ở Hiérapolis cùng với hai người con gái già nua trong sự trinh tiết, và một người con gái khác đã sống trong Thần Khí và an nghỉ ở Êphêxô. Còn Gioan, người đã tựa vào ngực Chúa, là tư tế (hiéreus) và đã mang cây đèn vàng (pétalon), tử đạo và thầy dạy; vị này đã an nghỉ tại Êphêxô” (Eusèbe de Césarée, Histoire ecclésiastique, V, 24,2-3, livre V-VII, (SC 41), Paris, Le Cerf, 1955, p. 67-68).  Polycrate nói rõ Gioan tư tế là người đã tựa vào ngực Chúa; đây là môn đệ Chúa Giêsu yêu mến hiện diện trong bữa tiệc ly (Ga 13,23) chứ không phải Gioan Tông Đồ.  J.Colsson cho rằng chính tư tế Gioan này mới quen biết vị Thượng tế và có một ngôi nhà tại Giêrusalem (x. J.Colsson, L’énigme du disciple que Jésus aimâit, 1969, tr.42 và tr.112).

III. Sống tinh thần “Hiệp Hành”: Mạnh dạn mở lời, dù là phận dưới.

Ngày nay nhiều nhà nghiên cứu Thánh Kinh đồng thuận với nhau rằng tác giả Tin Mừng thứ tư là một môn đệ của tông đồ Gioan hay thuộc trường phái của ông, và ít nữa là thuộc truyền thống các tông đồ.

Vấn đề đặt ra là hằng năm vào ngày 27/12 Giáo hội cho đoàn tín hữu kính nhớ thánh Gioan tông đồ, tác giả Tin Mừng thứ tư. Vậy chúng ta kính nhớ thánh Gioan em thánh Giacôbê, con ông Giêbêđê hay là kính nhớ Tác giả Tin Mừng thứ tư hay là vẫn đồng hóa hai vị này là một? Thiên Chúa dựng nên loài người cao cả hơn các loài thụ tạo hữu hình bậc thấp nhờ có linh hồn. Trí khôn và ý chí tự do là hai cơ năng trỗi vượt của loài người. Chúng ta tin để hiểu biết hơn, nhưng chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm, hiểu biết hơn để đức tin thêm tinh tuyền và trưởng thành.

Chúng ta tin nhận rằng ân sủng không hề loại bỏ các dự kiện tự nhiên, nhưng nâng lên một tầm mới. Quả thật rất khó để luận suy về một con người cho dù là một vị thánh mà có nhiều điểm dường như đối nghịch nhau trong nhân thân về tính cách cũng như lối hành xử mà các bản văn Tân Ước tường thuật.

Một kiểu nhìn lại chân dung thánh Gioan Tông đồ ở trên chắc chắn có phần phiến diện. Mong sao có thêm nhiều kiểu nhìn để cho chân dung ngài tông đồ nhà Giêbêđê thêm rõ nét và bớt đi phần nào cái có thể gọi là “đa nhân cách” xem ra không mấy hữu lý, nếu đồng hóa thánh Gioan với người môn đệ Chúa yêu trong Tin Mừng thứ tư.

Đức Phanxicô đã mở ra Thượng Hội Đồng với chủ đề trọng tâm là “Hiệp Hành”. Đã nhiều lần Ngài khẳng định rằng chân lý luôn còn ở phía trước. Đây là động thái khiêm nhu trước tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Giêsu ví như là gió, luôn tự do. “Gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây