TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chớ để mình là tá điền sát nhân

Thứ sáu - 06/10/2023 04:49 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1419
Chúa Giê-su đã minh họa cái cách mà người Do Thái đón tiếp mình, qua một dụ ngôn có tên là “những tá điền sát nhân”. Dụ ngôn này được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (Mt 21, 33-43).

Chúa Nhật XXVII – TN – A
Chớ để mình là tá điền sát nhân

tbd 061023a

 

Chỉ còn khoảng bảy tuần nữa, chúng ta sẽ chấm dứt mùa thường niên. Chấm dứt mùa thường niên, lịch phụng vụ sẽ được bắt đầu bằng mùa Vọng. Nói đến mùa Vọng, hẳn rằng ai trong chúng ta cũng nghĩ đến ngày lễ kỷ niệm Chúa Giê-su giáng trần.

Hai ngàn năm xa trước đó, Chúa Giê-su đã giáng trần rồi. Thế nhưng, “nếu Chúa Giê-su định quay lại cõi trần này theo cung cách (như) Người đã đến lần thứ nhất, (chúng ta) thử nghĩ xem, Người sẽ được đón tiếp như thế nào?”

Đó, đó là câu hỏi Lm. Charles E.Miller nêu ra. Lm. Charles đã nêu ra và ngài kèm thêm một câu hỏi, hỏi rằng: “Liệu cuộc đón tiếp của (chúng ta) ngày nay có khác gì cuộc đón tiếp đã xảy ra hàng bao thế kỷ trước tại xứ Giu-đê?”

Hàng bao thế kỷ trước tại xứ Giu-đê, người Do Thái đã “đón tiếp” Chúa Giê-su như thế nào? Vâng, trong những ngày còn tại thế, một ngày nọ, Chúa Giê-su đã minh họa cái cách mà người Do Thái đón tiếp mình, qua một dụ ngôn có tên là “những tá điền sát nhân”. Dụ ngôn này được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (Mt 21, 33-43).

**
Dụ ngôn được kể rằng: “Có gia chủ nhà kia trồng được một vườn nho, chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi phương xa” (x.Mt 21, 33). Và rồi, theo thời gian, khi “gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi”.

Đầy tớ của ông chủ đã đến gặp các tá điền và nghĩ rằng mọi sự sẽ tốt đẹp. Nào ngờ, thật tàn nhẫn: “bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ”.

Chuyện, chuyện như thế này có xảy ra nơi cuộc sống đời thường? Thưa có. Có xảy ra, nhưng khác hơn một chút. Tôi (người viết), có một người bạn sinh sống ở Đức. Người bạn này, sau một thời gian làm ăn và dành dụm được một số tiền. Anh ta gửi về Việt Nam và nhờ những người thân trong gia đình đầu tư địa ốc. Sau một thời gian, anh ta về Việt Nam và nghĩ rằng sẽ thu được “hoa lợi” trong việc đầu tư của mình.

Than ôi! Hoa lợi đâu không thấy, chỉ thấy những khuôn mặt mốc của những thân nhân trong gia đình phán một câu “thua lỗ hết rồi”. Thật hư thế nào, chỉ có trời mới biết. Thưa kiện ư! Không được, vì về mặt pháp lý, anh ta đâu có đứng tên sở hữu bất cứ thứ gì đã được thân nhân của anh đầu tư! Kết quả cho việc thu hoa lợi là gì! Cút về Đức. Mà, như vậy cũng là may mắn hơn những người đầy tớ trong dụ ngôn, phải không, thưa quý vị!

Trở lại câu chuyện dụ ngôn. Trước sự kiện tàn nhẫn của những tá điền, ông chủ vẫn lặng thinh. Chuyện kể tiếp rằng: “ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước”.

Đông-hơn-trước là đông hơn bao nhiêu! Vâng, thánh sử Mát-thêu không đề cập tới. Chỉ thấy ngài ghi rằng: “nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy.”

Tới đây, lẽ ra gia chủ phải dùng vũ lực để trị đám tá điền bất nhân mới đúng, phải không, thưa quý vị! Thế mà, ông ta vẫn nhẫn nại. Chuyện kể rằng: “Ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: Chúng sẽ nể con ta”.

Bọn tá điền có nể không? Thưa, không. Tại sao không? Do lòng tham. “Khi lòng tham nổi lên trong lòng con người ta, thì họ sẽ trở nên mù quáng, lòng tham sẽ khiến họ phạm những tội ác dã man không thể tưởng tượng được”. Lm. Ansgar Phạm Tĩnh SDD, trong một bài viết, có lời chia sẻ như thế.

Vâng, câu chuyện vua A-kháp như một minh chứng cho điều chia sẻ nêu trên. Vua A-kháp rất muốn trở thành chủ nhân vườn nho của ông Na-vốt. Nhà vua nói với ông Na-vốt rằng: “Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta, để ta làm vườn rau, vì nó ở ngay sát cạnh nhà ta. Để bù lại, ta sẽ cho ngươi một vườn nho tốt hơn, hay là, nếu ngươi muốn, giá bao nhiêu, ta sẽ trả bằng bạc.” Ông Na-vốt nói với vua: “Tôi sẽ không nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho vua.”

Lời từ chối của Na-vốt khiến vua A-kháp “buồn rầu và bực bội”. Hoàng hậu I-de-ven, vợ của vua A-kháp biết được nỗi buồn của vua nên đã bày mưu lập kế, vu oan cáo vạ ông Na-vốt “tội nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua.”

Mưu kế của I-de-ven thành công. Và rồi “Na-vốt đã bị ném đá cho chết”. Khi nghe biết ông Na-vốt đã chết, vua A-kháp liền “chiếm đoạt vườn nho ông Na-vốt” (x.1V 21, 16).

Trở lại câu chuyện dụ ngôn, quả thật, đúng là vì lòng tham, nên khi bọn tá điền “vừa thấy người con, thì bảo nhau: Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó”. Và, bọn họ đã làm vậy. Bọn họ “bắt lấy cậu quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi”.

***
Không cần phải tưởng tượng nhiều, chúng ta cũng nhận ra người con trai trong dụ ngôn chính là Chúa Giê-su. Và, cái cách đón tiếp Chúa Giê-su (hồi ấy), trong thực tế, đúng là như thế đấy. Rất khủng khiếp! Có thể nói như thế.

Giê-su đã được Gia-vê Thiên Chúa sai đến thế gian. Trước tiên là đến Be-lem. Be-lem đã đón tiếp Ngài “trong máng cỏ”, vì cha mẹ Ngài “không tìm được chỗ trong nhà trọ”.

Có thật nhà trọ hết chỗ, hay là con của Gia-vê Thiên Chúa (gia chủ vườn nho) không được hoan nghênh, tại đây!

Giải mã cho câu hỏi nêu trên, Lm Charles có lời chia sẻ: “Cuộc sống công khai của Đức Giê-su đầy dẫy những tranh cãi do các giáo huấn và lời rao giảng của Ngài. Lòng trắc ẩn của Đức Giê-su đối với kẻ nghèo và những người đau ốm bệnh hoạn, gây phẫn nộ, chỉ vì Ngài đã làm các việc lành trong ngày Sa-bát.”

Hồi ấy, Israel không hoan nghênh “lời hứa ban Thánh Thể” của Chúa Giê-su. Một số môn đệ của Chúa Giê-su đã bác bỏ, rút lui. Cuối cùng, một làn sóng căm ghét, được kích động bởi nhóm Phariseu, bùng phát lên. Nó đã tạo ra sự phẫn nộ, dẫn đến cái chết của chính-người-con-trai, mà Gia-vê Thiên Chúa đã sai đến. Họ đã đóng đinh Chúa Giê-su trên thập giá, như một tên tội phạm.

****
Ngày nay, có vẻ như cái cách con người đón tiếp Chúa Giê-su cũng chẳng khác gì cái cách của dân tộc Do Thái xưa. Thái độ cố chấp, bội nghĩa và khước từ của con người hôm nay có vẻ như, “chẳng khác gì với nguyên tổ Adam và Eva”, năm xưa.

Thật vậy, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương có lời, rằng: “Thái độ loại trừ Thiên Chúa trở thành một hệ thống triết học và chính trị vô thần duy-vật-chất với những tên tuổi như Feuerbach, Karl Marx. Triết gia hiện sinh vô thần Nietzsche đã đặt trên môi miệng của một người điên đang xông vào đám người vô thần lời tuyên bố này: “Thiên Chúa đã chết! Thiên Chúa sẽ mãi mãi chết! Và chính chúng ta đã giết Người” (Nietzsche, Le Gai Savoir, Livre troisième, 125). Theo ông, phải giết chết Chúa để dành chỗ cho siêu nhân và cho ý chí quyền lực của con người.”

Ngài Lm. Phê-rô còn vẽ lên một bức tranh u tối của thế giới hôm nay: “Trong bối cảnh của thế giới hiện đại và hậu hiện đại, dụ ngôn còn soi sáng cho chúng ta hiểu về thực trạng đáng buồn hiện nay của thế giới, nhất là ở Châu Âu.

Đó là một thế giới bị thống trị bởi hiện tượng tục hóa và giải thiêng; chủ thuyết duy tương đối hóa lên ngôi như một thứ độc tài mới. Trong thế giới đó, Thiên Chúa bị quên lãng, bị loại trừ khỏi cuộc sống. Chúa Giêsu đã bị “loại ra khỏi vườn nho,” khỏi nền văn hóa được gọi là hậu Kitô giáo hay là bài Kitô giáo.

Jean Paul Sartre đã đặt trên miệng một người có cá tính đặc biệt tuyên bố này: “Không còn gì ở trên thiên đàng nữa, cả điều tốt lẫn điều xấu, không có ai có thể truyền lệnh cho tôi… Tôi là một con người, và mỗi con người phải tự khám phá lộ trình của mình.”

*****
Đúng, ông Jean Paul Sartre là một-con-người. Chúng ta cũng là một-con-người, nhưng là “người Ki-tô hữu”.

Ông Sartre khuyên “mỗi con người phải tự khám phá lộ trình của mình”. Không sai. Chúng ta đã khám phá “ra” lộ trình cho mình. Đó là lộ trình đi theo Chúa Giê-su, một Giê-su “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.” (Ga 14,6).

Một Giê-su sẽ “đến gặp chúng (ta)” vào ngày sau hết. Một Giê-su rồi cũng sẽ đến thăm “vườn nho” của mỗi chúng ta. Ngài sẽ đến là bởi, khi đã là “người Ki-tô hữu”, chúng ta cũng là một “tá điền” của Thiên Chúa.

Người cũng sẽ “trồng một vườn nho (và) cho chúng ta vào canh tác”. Vườn nho chúng ta vào canh tác là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người chúng ta. Là tá điền được Chúa sai đi canh tác vườn nho của Ngài, nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao chăm sóc vườn nho để có thể sinh những trái nho thấm đậm vị ngọt, vị ngọt của “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.”

Hãy nhớ, nếu “hoàn thành” nhiệm vụ, chúng ta sẽ được Chúa ban cho “Nước Thiên Chúa”. Vâng, hôm ấy, kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su tuyên bố: “Bởi đó… Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

Thế nên, chớ để mình là những tá điền sát nhân. Nói rõ hơn, chớ là những tá điền “bất tuân phục thánh ý Thiên Chúa”. Chớ là những tá điền “thờ ngẫu tượng, ích kỷ, ghen tương đố kỵ, kiêu căng, tự mãn”. Chớ là những tá điền “vô ơn bạc nghĩa với tình yêu của Thiên Chúa”.

Bởi vì, những loại tá điền này, “khi ông chủ vườn nho đến… ông sẽ tru diệt chúng.” Tru diệt thế nào, chúng ta biết rồi: “hỏa ngục đời đời”.

Đức Giê-su đã kể rất nhiều dụ ngôn, và mỗi dụ ngôn Ngài kể “vẫn giữ nguyên giá trị cho chúng ta”, hôm nay. Vâng, sẽ rất giá trị cho đời sống đức tin của chúng ta, nếu chúng ta “không để mình là tá điền sát nhân”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây