TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Những Chiếc Áo Khoác Ngoài

Thứ sáu - 08/10/2021 22:44 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   643
Tin Mừng ngày thứ Ba sau Chúa Nhật XXVIII TN tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu khiển trách, đúng hơn là sửa bảo nhiều vị biệt phái về thói sống giả hình.
Những Chiếc Áo Khoác Ngoài

NHỮNG CHIẾC ÁO KHOÁC NGOÀI

Tin Mừng ngày thứ Ba sau Chúa Nhật XXVIII TN tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu khiển trách, đúng hơn là sửa bảo nhiều vị biệt phái về thói sống giả hình. Theo văn mạch câu chuyện kể thì Chúa Giêsu cố tình không giữ “luật sạch nhơ” rồi nhân cơ hội đó để “mở dạy kẻ mê muội” là nhiều biệt phái thời bấy giờ. Tuy nhiên điều cần lưu ý là bối cảnh mà Chúa Giêsu có những lời “gay gắt” thoạt xem ra không mấy phù hợp. Người ta mời mình dùng bữa mà đang khi ăn lại không chút nể nang gì! Phải tôn trọng tấm lòng người mời mình dùng bữa chứ. Nếu có gì đi nữa thì cũng nên nhớ câu “trời đánh tránh bữa ăn”! Thế mà Chúa Giêsu vẫn cứ “thẳng thừng ruột ngựa” thì ắt hẳn vấn đề phải rất nghiêm trọng.

Tính nghiêm trọng của vấn đề là ở “những chiếc áo khoác đạo đức”. Tâm lý “xấu che – tốt khoe” là chuyện thường tình của kiếp người. Khi bản thân chúng ta vướng nhiều điều xấu và đã có nhiều hành vi sai trái thì việc tìm cách che đậy là lẽ thường tình. Tuy nhiên khi cái điều xấu là kết quả của sự kết hợp giữa “tham lam” và “gian dối” thì thật đáng sợ vì hai phạm trù này thường sánh đôi và bất trị. Tham lam càng vô độ thì dối gian càng tinh quái, đủ đầy “tính mỹ thuật và cả đạo đức”, dĩ nhiên chỉ là hình thức bên ngoài.

Không riêng gì với chủ nhà mà với cả số người cùng dự tiệc là nhóm biệt phái Chúa Giêsu đã thẳng thừng: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác” (Lc 11,39). Khi mặc chiếc áo khoác bên ngoài là dáng vẻ đạo đức cùng với việc giữ luật lệ tôn giáo người ta dễ lừa gạt tha nhân, nhất là những người nghèo hèn để trục lợi cho bản thân. Mục đích trục lợi có thể là danh phận, chức vị này kia và cũng có thể là vật chất tiền bạc mà thảy đều khởi đi từ việc lôi kéo lòng mộ mến của tha nhân dành cho mình. “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các ngươi nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh lâu giờ, cho nên các ngươi sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn” (Mt 23,14).

Chước cám dỗ giả hình có thể xuất hiện cách tinh vi khiến tha nhân khó nhận ra mà lắm khi chính đương sự không dễ phát hiện nếu thiếu sự phản tỉnh và “lương thiện” thực sự. Đây là chước cám dỗ muốn làm hài lòng mọi người. Họ là những người thường nhún nhường trước các thế lực xã hội với nhiều lý lẽ biện minh là phải tôn trọng luật pháp và người thực thi pháp luật dẫu cho có nhiều trường hợp các luật lệ ấy là bất công, thậm chí là “phi pháp” và người thực thi pháp luật lại đang lạm quyền và lộng quyền. Với những người thuộc quyền thì họ vuốt ve bằng những lời lẽ yêu thương, cảm thông, an ủi, và cả động viên thường bằng công thức: “hãy cố nhẫn nại, hy sinh chịu khó…”, nhưng chủ yếu chỉ bằng ngôn từ. Mục đích chính của những vị này là dứt khoát “không để mất lòng ai” và cố gắng “được lòng” hầu hết mọi người. Trong tâm lý học số người này thường được xếp vào hạng “tâm lý cầu toàn”. Đã là cầu toàn thì thế nào cũng khó sống thật.

Trong sản xuất, kinh doanh, để trục lợi người ta thường qua mặt thiên hạ bằng mẫu mã bao bì, nhãn mác bên ngoài. Tuy nhiên người tiêu dùng bị lừa như chỉ một hai lần thôi vì sự giả dối sẽ bị phát hiện ngay. Trái lại trong các tương quan giao tiếp hay quản trị thì sự giả dối lại được khoác những chiếc áo đẹp và tinh xảo hơn khiến không chỉ tha nhân mà lắm khi cả đương sự cũng dễ bị lầm. Đó là sự tế nhị, sự tôn trọng, vẻ đạo đức… Vậy làm sao để có thể phân biệt thật giả để phòng ngừa. Chúa Kitô cho chúng ta một tiêu chí để biện phân: “Xem quả thì biết cây”. “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt (Mt 7,15-17). Và “quả” ở đây chủ yếu là nơi những người nghèo hèn, kém phận.

Thực tiễn cuộc sống cho chúng ta thấy chính đám đông dân chúng, nhất là những người nghèo, đơn sơ chất phác thường hứng chịu hậu quả do sự giả dối trong sản xuất, kinh doanh buôn bán. Và họ cũng là đối tượng hàng đầu gánh hậu quả xấu trong việc quản trị, điều hành của những người có trách nhiệm thiếu sự trung thực. Xin đừng quên hậu quả trong lãnh vực này di hại lâu dài khó khắc phục ngày một ngày hai. Chính vì lý do này mà Chúa Giêsu thường nghiêm khắc lên án và có khi xem như là “thiếu tế nhị” kể cả với những người có vai vế lãnh đạo hàng đầu lúc bấy giờ. Bạn và tôi, chúng ta đang khoác những chiếc áo nào đây?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây