TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cùng nhau lên Núi Thánh

Thứ tư - 26/05/2021 04:51 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   626
Cùng nhau lên Núi Thánh

Chúa Nhật II – MC – C

Hãy cùng nhau lên Núi Thánh

Mùa Chay, như chúng ta được biết, “…Là mùa ‘nhập hạ’, mùa tịnh tâm của Giáo Hội. Mùa Chay bắt đầu khoảng một tháng rưỡi sau Mùa Giáng Sinh. Đây là một cuộc tĩnh tâm thường niên, cuộc canh tân tinh thần để đón mừng mầu nhiệm nền tảng nhất của Kitô giáo: Chúa Giêsu được Phục Sinh từ cõi chết và hôm nay Ngài đang là Đấng Kitô, Chúa chúng ta. Vì thế, nếu không hướng tới Lễ Phục Sinh, tới cuộc sống mới, Mùa Chay sẽ mất ý nghĩa”. (nguồn: internet)

Đức Giê-su Phục Sinh, Ngài đã chết và sống lại, đây không phải là chuyện do Giáo Hội tưởng tượng ra để lòe thiên hạ, nhưng là do chính Đức Giê-su công bố.

Trong ba năm ra đi loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su đã ba lần loan báo điều này. Cả ba lần Ngài đều nói: “Phải lên Giê-ru-salem… chịu nhiều đau khổ… bị nhạo báng… đánh đòn… đóng đinh vào thập giá… bị giết chết” và cuối cùng là “ngày thứ ba sẽ sống lại”, hoặc “Người sẽ trỗi dậy”.

Ba lần công bố điều này, và chỉ công bố với các môn đệ, là những người thuộc “hạ giới”. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy, sứ vụ “phải lên Giê-ru-sa-lem” của Đức Giê-su, còn được nhắc đến thêm một lần nữa.

Vâng, rất linh thiêng, đó là một cuộc đàm đạo, một cuộc đàm đạo với những người thuộc “thượng giới” về việc phải lên Giê-ru-sa-lem, và những người cùng đàm đạo với Đức Giê-su gọi là “cuộc xuất hành của Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”.

Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca, với tiêu đề: “Đức Giê-su hiển dung” (x.Lc 9, 28-36)

** Tin Mừng thánh Luca đã ghi lại như sau: “Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện”. Cùng lên núi với Ngài còn có ba người môn đệ, đó là: “ông Phê-rô, Gioan và Gia-cô-bê”.

Đức Giê-su đã nói “những lời ấy” là lời gì? Thưa, Ngài đã nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

“Vác thập giá mình hằng ngày”, vâng, đây là một lệnh truyền, và lệnh truyền này Đức Giê-su chính là người “lãnh ấn tiên phong”.

Thật vậy, hôm ấy, chuyện kể tiếp rằng: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa”.

Tiếp đến, điều mà từ trước tới nay, chưa bao giờ xảy ra, hôm ấy đã xảy ra: “Có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển”. Hai ông đã “nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem”.

Vâng, đây là cuộc xuất hành mà Đức Giê-su (đã ba lần) loan báo cho các môn đệ. Một cuộc xuất hành mà Ngài sẽ phải đối diện với bạo lực, với vu khống, với sỉ nhục, và cuối cùng là bị đóng đinh trên thập giá tại đồi Golgotha... Nói tắt một lời, Đức Giê-su phải “vác thập giá mình”.

Buồn thay! Dù là cùng Thầy “lên núi cầu nguyện”, thế nhưng các ông lại chẳng cùng Thầy cầu nguyện, trái lại, thánh sử Luca cho biết: “ông Phê-rô và đồng bạn cùng ngủ mê mệt”.

(Chớ vội chỉ trích, chớ vội cười ba vị môn đệ này nhé! Bởi biết đâu, không ít lần, chúng ta “ngái ngủ” trong lúc đang tham dự thánh lễ! Bởi biết đâu, đã có lần, chúng ta “ngủ mê mệt” trong khi vị chủ tế đang giảng dạy trên tòa giảng!)

Trở lại câu chuyện “Đức Giê-su hiển dung”. Vâng, hôm ấy, sau một vài phút để cho “Trăm con chim mộng. Về bay đầu giường”, ba vị môn đệ bừng tỉnh. Và, khi tỉnh hẳn, ba ông đã thấy “Vinh quang của Đức Giêsu và hai nhân vật đứng bên Người” (x.Lc 9, ...32)

Thánh Luca, người ghi lại biến cố này, tuy không kể, nhưng chúng ta có thể tin rằng, ba vị môn đệ, chắc hẳn rất kinh ngạc vô cùng.

Vâng, làm sao không kinh ngạc cho được chứ! Hai nhân vật đứng bên Đức Giê-su là Mô-sê và Ê-lia ư! Hai vị này là những người, vào thời các ông, chỉ được biết đến qua Kinh Thánh… Sao… sao hôm nay, trước mắt mình, họ lại đang “nói lời từ biệt”, ông Thầy của mình?

Từ kinh ngạc, ba vị môn đệ chuyển qua bối rối. Và, bối rối nhất chính là Phê-rô. Hôm đó, trước hiện tượng “khó tin nhưng có thật”, anh cả Phê-rô lên tiếng với Đức Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay. Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, một cho ông Ê-li-a”… nói xong, người “anh cả” cảm thấy bối rối, vì, “không biết mình đang nói gì”…

Vâng, không biết mình đang nói gì, nhưng ngài Phê-rô vẫn cứ nói. Chuyện kể tiếp rằng: “Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông”. Và rồi, “khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ”.

Làm sao các ông không hoảng sợ cho được! Vì kìa, từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (x.Lc 9, 35)

*** Khép lại câu chuyện, thánh Luca cho biết: “Các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy” (Lc 9, …36).

Đúng là ba vị môn đệ đã nín thinh. Nhưng, sau khi thực sự không còn là những “tay lưới cá”, mà đã trở thành những “tay lưới người”, các ông không còn nín thinh nữa.

Với tông đồ Phê-rô, ngài đã khẳng định: “khi chúng tôi nói cho anh em… thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: Đây là Con yêu dấu Ta. Ta hết lòng quý mến” (2 Pr 1, 16-17)

Và, ngài nói tiếp: “Tiếng đó chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”.

Tin Đức Giêsu là “Con Một Thiên Chúa” cùng với việc “Vâng nghe lời Người”, đó không phải là một lời mời gọi, nhưng là một mệnh lệnh, một lệnh truyền từ Thiên Chúa.

Chính vì thế, sau này, tông đồ Phêrô mạnh dạn lớn tiếng trước các vị thượng tế rằng “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).

Còn với người tông đồ Gio-an ư! Vâng, ngài cũng đã làm chứng rằng: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1, 3).

**** Xưa, Đức Giê-su đã “lên núi”, và Ngài đã có một cuộc “hiển dung” đầy linh thiêng. Hôm nay, Đức Giê-su vẫn tiếp tục “lên núi” cũng như tiếp tục “hiển dung”.

Chỉ có khác một điều, hôm nay, Ngài không đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Ngài muốn đem theo chúng ta… đem-theo-chúng-ta.

Và, còn khác một điều nữa, Đức Giê-su không lên núi Tabor, cũng không lên núi Tà-pao, cũng không lên Núi Cúi… Ngài mời chúng ta lên một ngọn núi mang tên “Thánh Lễ”.

Tại ngọn núi này, Đức Giê-su cũng sẽ cho chúng ta nhìn thấy một cuộc hiển dung rạng ngời vinh hiển. Tại ngọn núi này, chúng ta cũng sẽ được thấy “vinh quang của Đức Giê-su”.

Trên ngọn núi mang tên Thánh Lễ, Đức Giê-su sẽ hiển dung tại “Bàn Tiệc Thánh Thể”. Vinh quang của Đức Giê-su sẽ tỏ hiện qua lời truyền phép của linh mục chủ tế: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”.

Đây là “Mầu Nhiệm Đức Tin”. “Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta là thông phần vào mầu nhiệm này, bắt đầu nhờ Bí Tích Rửa Tội. Cùng với Đức Ki-tô, ta chết cho tội lỗi, ngõ hầu có thể bắt đầu một sự sống mới. Đây là một sự ‘biến đổi’ dành cho chúng ta. Ta được mặc chiếc áo trắng, nhắc nhở là mình đã nên giống Chúa Giê-su lúc Người thay hình đổi dạng. Vì sự hiển dung của Chúa Giê-su báo trước Người sẽ sống lại, phép Rửa cũng đưa chúng ta đến một sự kiện tương lai: được thông phần vào vinh quang phục sinh của Đức Ki-tô”.

Vâng, đừng sợ mất thời gian khi đọc (đọc đi đọc lại) những lời giảng dạy (nêu trên) của Lm. Charles E. Miller. Bởi vì đó là “chân lý”, là “lẽ thật”.

Chân lý và lẽ thật đó, không do ngài Lm. Charles bịa đặt ra, nhưng là do chính Đức Giê-su phán hứa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”.

Đức Giê-su đã phán hứa như thế. Thánh Phao-lô đã tin và ngài đã chia sẻ cảm nghiệm của mình, rằng: “(Đức Giê-su) có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người”. (x.Pl 3, 21)

Chúng ta muốn thân xác mình “giống thân xác vinh hiển của Đức Giê-su”! Chúng ta muốn thân xác mình được “biển đổi”! Nếu muốn, hãy tham dự Thánh Lễ. Nói cách khác: Hãy cùng Đức Giê-su lên “Núi Thánh (Lễ)”.

Vâng, ngay hôm nay, đừng bỏ lỡ cơ hội, chúng ta: “Hãy cùng nhau lên Núi Thánh”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây