Chúa Nhật III – MC – C
Chỉ chừng một năm thôi
Chúng ta đang sống trong Mùa Chay Thánh. Và, như một truyền thống đẹp, cứ đến Mùa Chay, chúng ta (người tín hữu) thường nhận được “thư mục vụ” của vị chủ chăn của Giáo phận.
Có thể ví, những bức thư mục vụ này, như một “vườn hoa”, một vườn hoa của những thông điệp với những lời mời gọi. Ngoài những thông điệp với những lời mời gọi như: ăn chay, cầu nguyện, bố thí, còn một thông điệp với lời mời gọi rất đặc biệt, gọi là đặc biệt, vì lời mời gọi này xuất phát từ Đức Giê-su, khi Ngài bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đó là, lời mời gọi: “Hãy sám hối”.
Vâng, khởi đầu cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su đã lớn tiếng nói: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Ngoài việc kêu gọi “sám hối”, Đức Giê-su còn đưa ra những thông điệp nói lên tình yêu thương, sự nhẫn nại và lòng bao dung của Thiên Chúa.
Về tình yêu thương, Đức Giê-su nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (x.Ga 3, 16-17)
Còn về sự nhẫn nại và lòng bao dung! Thưa, về đề tài này, Ngài đã đưa ra rất nhiều dụ ngôn, những dụ ngôn mô tả về sự nhẫn nại và lòng bao dung của Thiên Chúa, hầu cho hối nhân có thời gian “sám hối” trở về. Dụ ngôn “Cây vả không ra trái” được ghi trong Tin Mừng thánh Luca, như điển hình.
**
Theo thánh sử Luca ghi lại, thì Đức Giê-su đã kể dụ ngôn này như sau: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi để làm gì hại đất?”.
Vâng, cứ sự thường trồng một cây, mà ba năm liền không ra trái thì chặt đi là phải đạo. Và, theo lối suy nghĩ “phải đạo” này, thì chẳng thấy đâu “sự nhẫn nại” của Thiên Chúa.
Thế nhưng, nếu chúng ta nhận xét tiến trình câu chuyện dưới nhãn giới Do Thái, thì, chỉ bấy nhiêu thôi (ba năm), cũng đủ để nhận ra sự nhẫn nại của ông chủ vườn nho, (tức là Thiên Chúa).
Thật vậy, theo luật Lêvi, người Do Thái được dạy, khi “trồng bất cứ một cây ăn trái nào, thì các ngươi sẽ kể trái nó là chưa cắt bì; trong ba năm các ngươi phải coi trái nó là chưa cắt bì, không được ăn. Năm thứ tư, mọi trái nó sẽ được thánh hiến trong một buổi lễ mừng ĐỨC CHÚA. Năm thứ năm, các người được ăn trái nó” (x.Lv 19, 23)
Chưa hết, cây vả, từ khi trồng cho tới khi “bắt đầu cho quả bói”, phải mất hết ba năm.
Như vậy, theo lời ông chủ nói “đã ba năm nay tôi ra cây vả này”, thì giá chót, cây vả này cũng đã được trồng sáu năm ròng, sáu năm nhẫn nại đợi chờ.
Thưa quý bạn, nếu quý bạn là chủ vườn, quý bạn có kiên nhẫn đợi chờ sáu năm? Phải “bứng” nó thôi, phải không thưa quý bạn!
Tuy nhiên, nếu câu chuyện đến đây được chấm hết, thì sự nhẫn nại của “ông chủ vườn nho”, tức là Thiên Chúa, có gì để đáng nhớ đến!
Vâng, hôm đó, người làm vườn nho đã hướng đến tương lai với rất nhiều hy vọng, nên anh ta đã không ngần ngại xin ông chủ, rằng: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi” (x.Lc 13, 8-9).
Câu chuyện kết thúc, không thấy tác giả nói đến phản ứng của “ông chủ” vườn nho. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin rằng, “ông chủ” đồng ý. Tại sao? Thưa, bởi vì lời khẩn nài của anh làm vườn chỉ là “năm nay nữa” mà thôi, sánh sao bằng “sáu năm ròng” ông chủ đã nhẫn nại đợi chờ…
Mà, phải là vậy thôi. Bởi vì, “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương. Người không xử với ta như ta đáng tội. Và không trả cho ta theo lỗi của ta”.
Qua môi miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa cũng đã phán rằng: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề -sấm ngôn ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng- Ta chẳng vui khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó ăn năn sám hối để được sống” (x.Ed 33, 11)
Lời phán hứa này đã được Đức Giê-su tái xác nhận. Vâng, chuyện kể rằng: “Có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng”.
Lý do họ bị giết, thánh sử Luca không nói đến. Thế nhưng, có phần chắc, “mấy vị đến kể lại” cho rằng, họ “tội lỗi” lắm nên mới bị thảm sát như thế.
Thật vậy, quan niệm của người Do Thái xưa cho rằng chỉ những kẻ tội lỗi mới phải lãnh chịu những tai ương như thế. Nhớ, hôm Đức Giê-su chữa một người mù từ thuở mới sinh, chính các môn đệ đã chất vấn Thầy mình, rằng: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta” (x.Ga 9, 2)
Ai đã phạm tội ư! Có lẽ, những người đặt ra câu hỏi này quên mất những lời vàng ngọc của Thiên Chúa, qua môi miệng David, nói rằng: “lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (x.Tv 51, 7)
Ai cũng mang tội “khi mẹ mới hoài thai” vậy, cớ gì lại hỏi: Anh ta hay cha mẹ anh ta! Vâng, hôm đó, để làm sáng tỏ cho vấn nạn này, Đức Giêsu dõng dạc tuyên bố: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu…”.
Nói xong, Ngài đưa ra thêm một trường hợp đầy thương tâm khác, đó là chuyện “mười tám người bị tháp Si-lô-ác đè chết” và hỏi với họ rằng: Ai! ai là “người mắc tội nặng hơn”? Mười tám người đó hay “tất cả mọi người trong thành Giêrusalem”?
Hôm đó, trước sự thinh lặng của mọi người, Đức Giê-su nhắc lại một lần nữa: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu”. Và Ngài nhấn mạnh rằng: “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.
***
“Nếu không chịu sám hối… Nếu không sinh trái”, phải chăng, đó cũng là lời cảnh cáo Đức Giê-su gửi đến mỗi chúng ta hôm nay?
Thưa, đúng vậy. Dưới gầm trời này, có ai là người không có tội! Thánh Kinh chép “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (x.Rm 3, 23)
Chúng ta phạm tội không chỉ vì chúng ta làm những điều không nên làm, mà còn là vì không làm những điều chúng ta nên làm. Tông đồ Gia-cô-bê có nói: “Cho nên, kẻ nào biết làm điều lành mà không chịu làm, thì mắc tội” (x.Gc 4, 17).
Hai vị tông đồ Gia-cô-bê và Phao-lô đã cho chúng ta thấy rõ “tội” của mình. Thế thì cớ gì chúng ta “không chịu sám hối”!
Thế nên, hãy để một phút thinh lặng, trong tâm tình sám hối, và hãy tự hỏi lòng mình rằng, sau bao nhiêu năm, từ một “cây vả trần gian”, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên “cây-vả-Kitô-hữu”, mỗi Chúa Nhật chúng ta có đến vườn-nho-nhà-thờ để các linh-mục-làm-vườn “vun xới và bón phân” bằng Thánh Thể và Thánh Kinh?
Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng: chỉ khi chúng ta được “vun xới và bón phân” bằng Thánh Thể, “cây vả Ki-tô hữu” của chúng ta mới có thể có được một sức sống dồi dào, một sức sống “không còn phải là tôi sống, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (x.Gl 2, 20)
Và khi được “vun xới và bón phân” bằng Thánh Kinh ư! Thưa, có phần chắc, “cây vả Ki-tô hữu” của chúng ta sẽ đơm hoa kết trái, những hoa trái “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”.
Đã trở thành cây vả Ki-tô hữu, chớ dại dột đem trồng nơi “mảnh vườn trần gian”, bởi, nơi đó cây vả của chúng ta sẽ bị kẻ làm vườn vun xới bởi những thứ phân bón, những thứ phân bón chỉ cho ra những loại hoa quả: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa chè chén”. Với những cây cho ra những loại hoa trái này, Thiên Chúa “sẽ chặt nó đi”, và “quăng vào lửa cho nó cháy đi”.
Chúng ta là những “cây vả” và đừng quên chúng ta được Thiên Chúa “trồng trong vườn nho mình”. Có thể nói, đó là một đặc ân của chúng ta.
Lẽ ra chúng ta bị diệt bởi tội của tổ tông mình. Thế mà… “Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (x.Rm 5, 8)
Xin nhắc lại một lần nữa, Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Người đã đem chúng ta “trồng trong vườn nho mình”. Phần còn lại, chúng ta hãy ở lại vườn nho (nhà thờ), để các linh-mục-làm-vườn “vun xới và bón phân”. Vâng, thời gian Chúa cho “chỉ chừng một năm thôi”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn