TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Yêu thương đem lại hạnh phúc

Thứ tư - 26/05/2021 04:36 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   574
Yêu thương đem lại hạnh phúc

Chúa Nhật VI – TN – C

Yêu thương đem lại hạnh phúc

Con người, sống trên cõi đời này, ai cũng muốn mình hạnh phúc. Chả thế mà, cứ vào mỗi dịp lễ tết, ai cũng muốn mình nhận được những lời chúc tốt đẹp nhất. Câu chúc được cho là tốt đẹp nhất chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đồng ý, đó là câu “Phúc – Lộc – Thọ”. Với người phương Tây, rất giản dị: “Happy New Year”.

Ngoài những lời chúc trên, người ta còn chúc cho nhau làm ăn phát đạt, “tiền vô như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”. Người ta cũng không quên chúc nhau năm mới được thăng quan tiến chức v.v…

Chúc thì chúc vậy, nhưng có mấy ai hiểu được rằng, những lời chúc đó, (nếu có xảy ra), theo thời gian, rồi cũng chẳng tồn tại. Đúng như lời (sách Giảng Viên) có nói: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (x.Gv 1, 2).

Với Thiên Chúa, Người rất muốn con người được hạnh phúc. Và, hạnh phúc đó, phải là hạnh phúc trong Thiên Chúa, trường tồn vĩnh cửu.

Nếu xưa kia, vào thời Cựu Ước, Đức Chúa đã phán với ông Mô-sê: “Hãy nói với A-ha-ron và các con ông ấy rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: ‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em, và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho anh em!’. Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.” Thì sau này, vào thời Tân Ước, Thiên Chúa, qua Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, cũng đã “tươi nét mặt” chúc lành và gìn giữ con người.

**

Thật vậy, theo lời thánh sử Luca ghi lại, thì, một ngày nọ, có rất đông dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền Tia và Si-đôn đến để nghe Đức Giê-su giảng và để được chữa lành bệnh tật.

Người đã giảng dạy những gì và đã chữa bệnh ra sao? Thưa, về việc chữa bệnh, hôm đó, sự việc xảy ra rất kỳ diệu, “Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (x.Lc 6, 19).

Còn về việc giảng dạy thì sao! Thưa, hôm ấy, trước đám đông dân chúng cùng mười hai vị môn đệ, lời giảng dạy của Đức Giê-su rất mới lạ, mới lạ vì đó là những lời chúc phúc. Ngài đã chúc rằng: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười”.

Và, lời chúc phúc cuối cùng, đó là: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa”

Có lẽ, có không ít người đã vội nản lòng về những lời chúc phúc “khó nghe” như thế. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, cái nhìn của Thiên Chúa khác với cái nhìn của thế gian, như có lần Đức Giê-su đã nói với ông Phê-rô, vì đã ngăn cản sứ vụ của Ngài: “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Tư tưởng của Thiên Chúa, hay nói cách khác, tư tưởng của Đức Giê-su, là gì sau những lời chúc phúc? Thưa, hôm ấy, trước đông đúc cử tọa, Đức Giê-su đã nói cho mọi người biết rằng, những lời chúc phúc đó sẽ đem đến cho mọi người niềm vui và hạnh phúc, niềm vui và hạnh phúc đó là: “Ngày đó… phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

***

Thiên Chúa muốn con người được hạnh phúc. Và, Người, qua Con Một là Đức Giê-su Ki-tô, đã chúc phúc cho chúng ta như thế đấy. Chúng ta đón nhận (những lời chúc phúc nêu trên) và tin vào lời phán hứa của Người?

Hay, chúng ta, với cái nhìn hạn hẹp, thường bằng lòng với hạnh phúc kiểu thế gian?... Nếu đúng vậy, thì đó là một chọn lựa nguy hiểm.

Nguy hiểm vì, trước những mối lợi trần thế, (tiền bạc, danh vọng, quyền lực v.v…) và nghĩ rằng nó sẽ đem lại hạnh phúc cho chúng ta, thế nên, bằng mọi cách, (đôi khi bất chấp thủ đoạn), chúng ta phải sở hữu cho được. Và, đó là lý do con người tranh giành, chiếm đoạt, cấu xé lẫn nhau. Cuối cùng, tham-sân-si như một “bức tường” ngăn cách chúng ta đến với nguồn hạnh phúc thật trong Thiên Chúa.

Vâng, hạnh phúc thật, phải là hạnh phúc trong Thiên Chúa. Câu chuyện Adam và Eva như một điển hình.

Sáng thế ký (chương 2), ghi rằng: Thiên Chúa dựng nên con người là Adam. Adam được Thiên Chúa cho sống trong vườn Eden, nơi được gọi là “khu vườn hạnh phúc”. Adam hạnh phúc vì được ở trong vườn với Thiên Chúa. Ông ta có mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa, Ông ta tôn vinh và vui hưởng sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống. Ông ta hạnh phúc thật.

Tiếc thay! Khi Adam vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa, mối tương giao giữa ông và Thiên Chúa bị phá vỡ. Ông ta bị đuổi ra khỏi khu vườn hạnh phúc. Cuối cùng là “mất phúc”.

Ngôn sứ Gê-rê-mi quả quyết rằng: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân”. Ngài ngôn sứ tiếp lời: “Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (x.Gr 17, 8)

****

“Có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân… Mùa nóng có đến cũng không sợ gì” nghĩa là gì? Thưa, theo lời chia sẻ của Lm. Charles E. Miller, nghĩa là, “Nghèo khó vẫn có thể hạnh phúc, bởi vì trong cái nghèo chúng ta có Thiên Chúa và đặt niềm tin vào Ngài”.

“Có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân… gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại” nghĩa là gì? Thưa, theo lời chia sẻ của Lm. Charles E. Miller, nghĩa là, “Đói khát vẫn có thể hạnh phúc, nếu ta để cơn đói khiến mình ao ước có Chúa lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn, chứ không chỉ trong dạ dày”.

Vâng, khi đề cập đến những “mối phúc” nêu trên, Đức TGM. Ngô Quang Kiệt có lời chia sẻ: “Chúa không lên án vật chất, nhưng chỉ lên án thái độ sử dụng vật chất. Vật chất do Chúa dựng nên để phục vụ con người. Chúa dựng nên và Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp. Nhưng con người đã làm sai chương trình của Chúa.

Thay vì sử dụng vật chất như phương tiện, người ta đã biến nó thành mục đích. Thay vì sử dụng vật chất phục vụ đồng loại, người ta đã sử dụng đồng loại để phục vụ vật chất. Đó là những thái độ bị Chúa lên án. Những thái độ ấy biến vật chất thành chướng ngại ngăn cản ta đạt đến hạnh phúc Nước Trời.

Sau cùng, Chúa không khuyến khích cảnh nghèo, càng không khuyến khích những người vì lười biếng mà trở nên nghèo. Chúa chỉ khuyến khích những người vì Nước Trời mà tự nguyện sống nghèo”.

Thế nên, đừng khó chịu, khi Đức Giê-su nặng lời cảnh báo trước những “mối họa” mà rất có thể một lúc nào đó chúng ta đối diện, rằng: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi rồi”.

Cũng đừng khó chịu khi Đức Giê-su nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ bị đói”.

Cũng đừng khó chịu khi Đức Giê-su nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than”.

Đức Giê-su nói là vậy, nhưng nếu ngộ nhỡ chúng ta là người giàu có thì sao? Làm sao đây?

Làm sao đây, để không bị gọi là “khốn”, nếu chúng ta là những kẻ giàu có? Thưa, đừng bao giờ quên lời thánh Phao-lô truyền dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (x.Cv 20, 35). Nói cách khác, đừng ngoảnh mặt làm ngơ trước những kẻ nghèo khó, bệnh hoạn, tật nguyền.

Làm sao đây, để không bị gọi là “khốn”, nếu chúng ta đang được no nê? Thưa, hãy thực thi lời truyền dạy của ông Gio-an Tẩy Giả: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (x.Lc 3, 11).

Làm sao đây, để không bị gọi là “khốn”, nếu chúng ta là những kẻ đang được vui cười? Thưa, lại phải thực thi lời thánh Phao-lô truyền dạy, mà thôi. Vâng, ngài đã truyền dạy rằng: Hãy “vui với kẻ vui, khóc với người khóc”. (x.Rm 12, 14).

Như vậy, những lời chúc “phúc” mà Đức Giê-su đã truyền dạy cho mỗi chúng ta, có gì là “khó” đón nhận, nhỉ! Cũng vậy, những “mối họa” mà Đức Giê-su đã cảnh báo cho mỗi chúng ta, có gì là khó hóa giải, nhỉ?

Không… không có gì khó đón nhận. Và, không có gì khó hóa giải. Chỉ cần một cử động của tâm hồn, một tâm hồn đón nhận Đức Giê-su và thực hiện lối sống, lối sống mà Ngài đã truyền dạy: “Hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”.

Bởi vì, yêu thương chính là động lực giúp chúng ta dễ dàng thực thi những lời chúc phúc (nêu trên) mà Đức Giê-su đã truyền dạy. Nói ngắn gọn: “Yêu thương đem lại hạnh phúc”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây