TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhờ Đức Giê-su Ki-tô

Thứ tư - 26/05/2021 04:41 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   699
Nhờ Đức Giê-su Ki-tô

Chúa Nhật VIII – TN – C

Phải “Nhờ Đức Giê-su Ki-tô”

Cái nghịch lý của thời đại hôm nay, đó là: có những kẻ không có nhân cách mà lại thích làm thầy thiên hạ. Có những kẻ thiếu năng lực mà lại thích lãnh đạo mọi người.

Không có nhân cách và thiếu năng lực mà lại muốn làm thầy thiên hạ, lại muốn lãnh đạo mọi người, có thể nói rằng, chẳng khác chi mù mà lại dắt mù. Đó là một thảm họa và có vẻ như thảm họa đó đang xảy ra nhan nhản trong xã hội chúng ta đang sống, hôm nay!

Người ta thường nói, nhân cách và năng lực được ví như tay trái và tay phải, tuy nhiên, nếu đơn thuần chỉ có năng lực mà không có nhân cách, con người sẽ bị khiếm khuyết.

Để là một người có nhân cách (tốt), cần phải có một quá trình giáo dục (học vấn) tốt, cũng như tiến trình sống (tốt) của con người đó. Mà, làm sao để có được một quá trình giáo dục (tốt) nếu không có được một vị thầy đưa ra những bài giáo huấn (tốt)!

Vâng, Đức Giê-su chính là vị Thầy đó. Và Ngài đã đưa ra những bài giáo huấn, giáo huấn các môn đệ của mình một nhân cách sống tốt. Những bài giáo huấn này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.

**

Theo thánh Luca ghi lại, thì, Đức Giê-su đã đưa ra những lời giáo huấn đầy nhân bản như sau: Thứ nhất: Yêu thương kẻ thù. Hôm ấy, Ngài đã nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”.

Thứ hai: phải có lòng nhân từ. Hôm ấy, Đức Giê-su nói: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán… đừng lên án… hãy thứ tha”.

Vâng, đây… đây là những lời giáo huấn nói lên nhân cách của một con người, một con người có đức tính khiêm hạ “diệt ngã xả tâm”, hạ mình xuống, không làm khổ người khác.

Và, cùng trong hôm ấy, Đức Giê-su đã có lời giáo huấn tiếp, rằng: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình”…

Qua lời giáo huấn này, Ngài muốn gửi đến những người môn đệ mình một thông điệp dứt khoát, đó là: “Đừng đạo đức giả”. Và, cuối cùng, Đức Giê-su đưa ra một lời khuyên, khuyên rằng: “Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em”.

Tất cả… tất cả lời giáo huấn nêu trên, tựu trung là để mang đến cho các môn đệ (và cũng là cho chúng ta hôm nay), một nhân cách, nhân cách sống của một người môn đệ của Đức Giê-su. Nói cách khác, đã là môn đệ của Đức Giê-su, phải là một người có nhân cách.

***

Như đã nói ở trên, chúng ta đang sống trong một xã hội có những kẻ không có nhân cách mà lại thích làm thầy thiên hạ. Có những kẻ thiếu năng lực lại thích làm lãnh đạo mọi người.

Thế nên, hãy tự hỏi lòng mình, rằng: tôi có nằm trong danh sách những kẻ đó? Một cách tích cực hơn, tôi có đón nhận những lời giáo huấn của Đức Giê-su, như là kim chỉ nam cho cuộc sống của mình?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, nếu chúng ta là những kẻ không có nhân cách, chúng ta chỉ là những kẻ mù. Là những kẻ mù, làm sao chúng ta có thể tiếp nối sứ mạng Đức Giê-su đã trao phó, sứ mạng “đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo?”

Mà, nếu chúng ta có đi, thì “Mù mà lại dắt mù được sao?” Đừng quên, Đức Giê-su đã cảnh báo, rằng: “Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?”

Vâng, hãy nhìn lại thế giới hôm nay, một thế giới ngày càng tiến bộ. Một thế giới từ thuở con người đi bộ, rồi đến đi bằng xe ngựa, cho đến đi bằng xe hơi, máy bay, phi thuyền, du hành trong không gian v.v…

Tất cả do ở đâu? Do ở đâu mà con người đạt được những thành tựu đó? Về vấn đề này, Lm. Charles E. Miller có lời nhận định, rằng: “Đó là ngôn ngữ. Thật vậy, không có ngôn ngữ thì khó mà hiểu được làm sao những công trình kỳ diệu trong thời đại chúng ta có thể phát triển đến như vậy, vì sự cộng tác giữa con người với con người sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí có lẽ là điều không tưởng”.

Ngài Lm. chia sẻ tiếp: “Ngôn ngữ là quà tặng của Thiên Chúa, vì nó hệ tại chân lý là chúng ta được tạo thành theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Nó nâng chúng ta lên hàng con người vượt xa mọi tạo vật khác, và khiến chúng ta thật sự giống Thiên Chúa”.

Không dấu diếm về những suy nghĩ của mình Lm Charles có lời khuyên: “Món quà ngôn ngữ của Thiên Chúa báu trọng đến nỗi chúng ta đừng bao giờ lạm dụng nó”.

Vâng, là một Ki-tô hữu, là những người được thừa hưởng “món quà ngôn ngữ của Thiên Chúa”, đừng bao giờ chúng ta lạm dụng nó.

Sẽ chẳng hay ho gì khi chúng ta dùng một thứ ngôn ngữ “đường phố” (đại loại như những câu: “bài giảng hài hước cười té ghế”, hoặc là, “tổng hợp những câu chuyện cười té ghế” của… Lm. này hay Lm. nọ), để giật “tít”, để quảng bá cho một bài giảng trên youtube, nhằm câu khán thính giả.

Đức Giê-su trong những lời giáo huấn có nói: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt”.

Đúng vậy, không có Lm. nào được ơn Chúa Thánh Thần giảng lời Chúa, lại cần đến những lời quảng bá sặc mùi “trần tục” như thế, để câu khán thính giả.

“Xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm làm gì hái được nho!” Bài giảng có ơn Chúa Thánh Thần, có phần chắc sẽ lôi cuốn được nhiều người lắng nghe và đón nhận.

Cuối cùng, một điều chúng ta cần khắc ghi trong lòng, ghi khắc để xem đó như là “bản xét mình”, xét xem tôi có phải là một người có nhân cách tốt hay không! Vâng, hãy ghi khắc trong ta, lời Đức Giê-su đã nói: “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra”.

Vâng, “lòng có đầy, miệng mới nói ra”. Thế nên, điều cốt yếu của chúng ta hôm nay, đó là: lòng chúng ta hôm nay “đầy” những gì. “Đầy” những gì thuộc về thế gian như: tiền bạc, danh vọng, quyền lực! “Đầy” những thú vui của trần gian như: say sưa chè chén, dâm bôn, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp v.v…!!!

Nếu “đầy” những thứ này thì quá nguy hiểm đấy! Bởi vì, đầy những thứ này thì, thánh Phao-lô khẳng định: “không được hưởng Nước Trời” (x.Gl 5, 19-21)

Trái lại, nếu chúng ta “đầy sự trọn hảo của Thiên Chúa”, vâng, hãy cùng với thánh Phao-lô: “Tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã cho chúng ta chiến thắng, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (x.1Cor 15, 57).

Để sống có nhân cách, nhân cách của một Ki-tô hữu, không phải là một sớm một chiều. Thế nên, cớ gì chúng ta không “nhờ (đến) Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”.

Vâng, phải “Nhờ Đức Giê-su Ki-tô”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây