Nhân dịp hai mươi năm linh mục nhìn lại mình vẫn đầy thiếu sót và những ý thức về sự mỏng dòn, để rồi chỉ biết nguyện cầu:
“Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý, nghe lời con tha thiết nguyện cầu. Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130, 2 - 3) và “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!” (Tv 131, 1)
Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” hướng dẫn: “Những ai sống trong đời tu hãy cố gắng làm chứng cho mọi người thấy rằng ai cũng được mời gọi nên thánh, đồng thời hãy trở thành gương sáng cho người Kitô hữu lẫn người ngoài kitô giáo, về lòng yêu thương xả thân vì mọi người, nhất là những anh chị em yếu kém nhất”[1]. Theo mẫu linh mục của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh hiện tại là một lời mời gọi dấn thân. Tìm kiếm Thiên Chúa, sống tinh thần hiệp thông huynh đệ và phục vụ tha nhân.
Con đường linh đạo đòi hỏi chứng nhân hơn thày dậy. Để thành chứng nhân, trước tiên là sự đòi hỏi tu thân để thành nhân, tu nhân để thành thánh. Con đường tu ấy theo Khổng Giáo: Người có phẩm hạnh ngay thẳng, có nhân cách hoàn toàn, người có tài và đức.
Tu là người biết sửa, gồm có: Tu ngôn, nghĩa là biết sửa lời nói; tu hạnh, nghĩa là sửa đổi tính nết; tu tánh, nghĩa là sửa tánh tình, tu thân, nghĩa là sửa mình. Con đường tu xem ra là lời mời gọi đi lên chỗ cao, xem ra là lời gọi đi ra xa; trên thực tế lên cao khời từ thấp, đi xa khởi từ gần.
Ai cũng được mời gọi tu, nhưng linh mục là người lãnh nhận lời mời gọi đặc biệt trở thành chứng nhân cho lời mời gọi ấy. Tu không chỉ là cho mình, dừng lại với bản thân, nhưng là cho mọi người, nhất là cho cộng đoàn mà lời mời gọi ấy sai đến và được giao phó. Chính vì thế người linh mục lãnh nhận một trách nhiệm lớn lao hơn khi được mời gọi dấn thân xa hơn.
Được chọn giữa cộng đoàn, nhưng vẫn ở trong thế gian, một thế gian theo đúng nghĩa của nó với những tính trần tục: “Tham, sân, si”. Người linh mục hôm nay chịu lôi kéo từ hai phía, thuộc về Thiên Chúa và thuộc về thế gian. Thuộc về thế gian là một tác động rất mạnh, ảnh hưởng lôi kéo người linh mục thật sự, không mơ hồ, sức mạnh đó biểu lộ qua tài chính, qua màn ảnh, qua lối sống, qua cách sử dụng thời gian, qua các quảng cáo, sách báo,… Có một thế gian đối nghịch thật sự và luôn như sư tử rình mồi cắn xé đời sống linh mục.
“Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy”[2].
Trung thành với ơn gọi linh mục là một hình thức tử đạo. Tử đạo không chết một lần là xong như khi xưa người ta đem các tín hữu ra chém đầu và kết thúc. Một cuộc tử đạo liên lỷ, nhiều thử thách hơn, nhiều chối từ những cám dỗ hơn, vẫn làm chứng tá giữa những roi đòn của trần gian. Linh mục, con người bị thế gian gặm nhấm, càng ngày các phương tiện, các trào lưu của lối sống hưởng thụ càng tinh vi hơn len lỏi vào trong suy tư bào mòn lý tưởng. Xin cho linh mục chúng con luôn làm mới lại luôn trong Tình Yêu Đức Kitô mà người linh Mục đã lựa chọn.
Xin Chúa thương xót linh mục chúng con, xin anh chị em tha thứ và giúp chúng tôi sống tốt hơn trong sứ vụ của mình. Chúng con cần lòng thương xót của Chúa và cần đến tình thương bao dung của anh chị em và cộng đoàn.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
[1] Ecclesia in Asia, #44.
[2] Ga 15, 18 - 21
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn