Thầy Ở Đâu?
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Con người có chất liệu để suy tư và lý luận nhờ có ký ức. Một ký ức sống động sau suy tư và lý luận dẫn đến một nhận thức rõ ràng, và sau đó hành động quyết theo đuổi. Hai môn đệ đầu tiên đi theo Chúa là kết quả của ký ức này, và ở lại với Chúa ngày hôm ấy.
Ký ức được ghi dấu nơi người thầy.
Hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã tiếp nhận từ nơi thầy của mình những dấu ấn qua thời gian cùng sống ẩn dật. Những năm tháng đó không được Thánh Kinh trình thuật lại, nhưng thời ẩn dật của Gioan Tẩy Giả cùng các môn đệ cho thấy, đó là những năm tháng chờ đợi Đấng Cứu Thế xuất hiện công khai.
Từ niềm mong đợi Đấng Cứu Thế được các tiên tri tường thuật và với kinh nghiệm của Gioan Tẩy Giả, các môn đệ đã có một ký ức sống động về Đấng mà họ chờ đợi.
Điều này có thể hiểu về những ký ức trong thời thơ ấu và suốt thời trai trẻ trải qua những kinh nghiệm sống đức tin của ông bà cha mẹ, của trường lớp giáo lý, các bài giảng trong Thánh lễ. Mặc dầu tưởng như chẳng có gì ảnh hưởng lắm vì vô số điều khác của đời sống thường nhật làm nhạt nhòa đời sống đức tin. Đến khi, một biến cố lớn xảy ra, ký ức tưởng như bị xao nhãng kia, chợt thức dậy mạnh mẽ trở thành ký ức sống động, thúc đẩy nhận ra Đấng Giải Thoát đang hiện diện trước mặt.
Câu hỏi lớn trong cuộc đời.
Khi Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Chúa Giêsu: “Đây Đấng Cứu Độ trần gian”, các môn đệ Gioan muốn tìm hiểu và đi theo. Hành động đi theo và tìm hiểu dường như đã được tích tụ một năng lực sẵn sàng để khỏa lấp mọi câu hỏi bế tắc trong cuộc đời.
Đi tìm ý nghĩa trong cuộc sống con người cũng giống thế. Sau khi tưởng như những giáo lý về tin – cậy – mến đã tắt ngúm dưới những bộn bề mưu sinh trong cuộc sống. Khi khá giả, mọi sự đâu vào đấy, vẫn thấy lòng vẫn trống trải vì thiếu ý nghĩa cuộc đời, bắt đầu khao khát điều gì khác hơn.
Khắc khoải đến khi được giới thiệu “Đấng Cứu Độ trần gian” là Đấng làm cho cuộc đời trở nên ý nghĩa, ký ức trỗi dậy và dẫn đến hành động đi theo và tìm kiếm. Thánh Augustine đã kinh nghiệm về ký ức sống động trỗi dậy này, sau những năm tháng ngủ quên trong ân sủng: “Chúa đã dựng nên chúng con để hướng về Chúa, và tâm hồn chúng con không nghỉ ngơi cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”.
Không chỉ người Công Giáo mới có khao khát này, nếu ta cũng đọc thấy ở nơi thi hào R. Tagore: “Suốt ngày vì sống trong chợ đời đông đúc, hai tay tôi đầy lợi tức bán buôn, xin cho tôi luôn luôn cảm thấy là chửa kiếm được gì - đừng để tôi quên dù quên giây lát, mà xin để tôi gánh chịu buồn này day dứt trong những giấc mơ hay những giờ thao thức, người ơi.” (Bài 79, tập Lời Dâng, R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch)
Thầy ở đâu?
Tìm kiếm Chúa là để hồi tâm, sống lại ký ức lâu năm bỏ quên, hối tiếc về những gì đã qua và quyết tâm hơn để gặp gỡ.
Thầy ở đâu? Một câu hỏi có thể rất bình thường nhưng trong khung cảnh này lại rất quan trọng. Ở đâu trong tâm hồn của người hỏi, hay ở đâu trong hành trình khát mong tìm kiếm. Cả hai câu hỏi đều ảnh hưởng đến đời sống của con người.
Người ở đâu trong tâm hồn tôi mà tôi vẫn cảm thấy trống trải và cô đơn? Người ở đâu, khi tôi không có chỗ cho Người trú ngụ? Câu hỏi trở về với lòng mình hằng ngày con người vẫn tự vấn.
Người ở đâu chưa gặp thấy, do con người đi tìm Chúa ở nơi không có Người. Người ở đâu khi con người ước muốn thực sự đi tìm kiếm như hai môn đệ của Gioan.
Đến mà xem!
Câu trả lời của Chúa cho con người khao khát cứ hãy đến xem và chứng nghiệm. Đã có một kinh nghiệm trong lời cầu nguyện của dân Do Thái đúc kết lại trong Thánh Vịnh: “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao” (Tv 33, 9a). Thánh vịnh 33 gợi nhắc bao nhiêu ký ức của con người đã lâm vào bao tình trạng đói nghèo, lầm than, tội lỗi và đã được cứu thoát.
Kinh nghiệm của bản thân về Đấng cứu độ trần gian không còn là cách chung chung mà cần được rõ ràng nơi bản thân chứng nghiệm. Điều này Chúa Giêsu cũng đã nói với Phêrô: “Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con, để con khỏi mất đức tin. Phần con, một khi đã trở lại, thì hãy làm cho các anh em con nên vững mạnh” (Lc 22,31-32).
Chứng nghiệm qua đời sống bất toàn của mình để việc tìm về với Chúa sẽ là một kinh nghiệm chắc chắn vừa được chữa lành vừa được nên mạnh sức. Thánh Phaolô
Ngài chia sẻ: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cor 12, 9 – 10).
Đến mà xem! Là lời mời gọi của Chúa mọi lúc trong cuộc sống, đừng sợ đáp lại lời Người.
Ở lại ngày hôm ấy, câu nói rất đơn giản nhưng lại là bí quyết hạnh phúc khi tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời. Xin Chúa cho chúng con ở lại với Chúa, Chúa nhé!
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn