Bán Đi và Theo Thầy
Con đường trọn lành Chúa Giêsu mời gọi sao lại là con đường khó đến vậy? Người thanh niên buồn rầu bỏ đi. Có lẽ đây cũng là một phần đời của chúng ta.
Giá trị của cải
Của cải làm ra do chính bàn tay của mình làm ra. Người thanh niên không trộm cắp, không tham ô của ai, không vi phạm các giới răn. Anh sống cuộc đời tử tế, của cải, vật chất, anh làm ra do công sức của mình, tại sao lại bán đi và điều mâu thuẫn nhất là chia cho người nghèo.
Trong một xã hội đầy nhiễu nhương, đồng tiền làm ra tự nó đã mất đi tính công bằng. Chia lại cho người nghèo là một đề nghị hợp lý, nhưng chia bằng cách nào, đó là cách mỗi người đáp lại tiếng Chúa mời gọi.
Người nghèo đa dạng
Người nghèo, có rất nhiều người nghèo và nhiều lãnh vực nghèo. Có ba dạng nghèo theo một nghiên cứu:
Nhóm thứ nhất: Người nghèo thật sự, là những người khuyết tật, người già, bệnh hiểm nghèo, đơn côi… Nhóm người này cần có nhiều hỗ trợ từ phía xã hội và các hoạt động bác ái của Giáo hội. Theo đó, có những đóng góp của người thực hành điều răn Chúa dạy: “Mến Chúa, yêu người”. Ngày xưa các cụ đã dạy trong bản kinh:
Kinh Mười Bốn Mối
Thương người có mười bốn mối:
Thương xác bảy mối:
Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn
Thứ hai: Cho kẻ khát uống
Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc
Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.
Thứ năm: Cho khách đỗ nhà
Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi
Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết.
Thương linh hồn bảy mối:
Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người
Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội
Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo
Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội
Thứ năm: Tha kẻ dể ta
Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta
Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Nhóm thứ hai: Những người muốn vươn lên thật sự nhưng thiếu kỹ năng, phương tiện, vốn. Do xã hội còn nhiều bất cập, thiếu công bằng cơ hội cho mọi người thăng tiến. Những người này cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ những người thành đạt hảo tâm trong xã hội, những người có khả năng kiến thức để truyền đạt, tạo những cơ hội vươn lên cho họ trong cuộc sống. Những nhà cầm quyền cần tạo một xã hội an sinh, mọi người đều có quyền như nhau, công việc làm và học hành theo khả năng. Như cách thường nói “cho cần câu chứ không cho con cá”. Muốn được như vậy cho mọi người, Chúa mời gọi những người có khả năng hoạt động trong mọi lãnh vực: chính trị, kinh tế, giáo dục, ý tế… đều hết lòng hết sức phục vụ thăng tiến con người toàn diện.
Nhóm thứ ba: Nhóm không muốn thoát nghèo, ỷ lại vào người khác, ăn bám xã hội, ngồi mát ăn bát vàng. Nhóm người này là nhóm người cản trở nhiều nhất trong việc thăng tiến con người và làm chùn tay những người có lòng tốt, bác ái. Một thực tế cho thấy, con người hảo tâm luôn bị lợi dụng, hoặc bị cho là thơ ngây. Bán hết của cải mà chia cho những nhóm người này thật là quá dại. Biết đâu thực đâu hư, nên việc bác ái cho đi bằng tiền, bằng vật chất xem ra luôn có nhiều nguy cơ bị lợi dụng.
Lời Chúa mời gọi:
Bán đi và đem chia cho người nghèo, chắc chắn Chúa mời gọi một điều tích cực. “Không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được” (Lc 16, 13). Đó là lý do chính yếu Chúa mời gọi bán đi tất cả để theo Chúa. Hiểu được điều này, người Kitô hữu ý thức được giá trị của tiền của mình kiếm được. Nó để phục vụ sự sống con người chứ không phải con người làm tôi tớ cho tiền của.
Là chủ của của cải nên con người biết sử dụng chúng để làm gì, phục vụ cho điều gì chính đáng. Con người làm chủ tiền của là con người khôn ngoan, biết dùng nó để mua lấy nước trời, kiến tạo một xã hội cho nhiều người được sống, phẩm giá con người được tôn trọng, lợi ích của cộng đồng được nâng cao. Biết giữ gìn và phát triển môi trường thiên nhiên để sống dồi dào và phong phú.
Bán đi tất cả là một lời mời gọi dấn thân toàn vẹn cho việc “đi tìm kiếm sự công chính và nước trời trước đã” (Mt 6, 33). Con người sẽ được Thiên Chúa hỗ trợ mọi mặt để thi hành điều ấy. Thế nên, việc theo Chúa là một việc hệ trọng hơn bất cứ gì có thể níu kéo. Hãy theo Chúa để chính Người thực hiện những điều kỳ diệu trong cuộc đời của chúng ta và chúng ta sẽ nghiệm thấy: “Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại” (Lc 1, 49)
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn